Khoa Kế toán Kiểm toán (Vi)
 Search

Khi tính cân bằng của nghệ thuật Ikebana “gặp gỡ” sự “cân đối, chính xác” trong kế toán

Nghệ thuật Hoa Đạo Ikebana là một nét văn hóa riêng của Nhật Bản, nơi thiên nhiên trở thành chủ thể đầy tinh tế. Nhằm mang đến không khí thư giãn, cân bằng sau những giờ học căng thẳng, cũng như khơi gợi khả năng cảm thụ nghệ thuật khai phá tính sáng tạo cho các bạn sinh viên, ngày 17/10, Khoa Kế toán - Kiểm toán đã tổ chức buổi tọa đàm với chủ đề “Nghệ thuật Ikebana”.

Workshop “Nghệ thuật Ikebana” được tổ chức online với sự tham gia của khách mời - diễn giả Nguyễn Thanh Tú, Giáo viên trường Ikebana Ikenobo, Nhật Bản; thành viên đặc biệt của Hội Hoa Đạo Ikenobo; chủ tịch Hội Sở Ikenobo Việt Nam; cô Nguyễn Phương Hoa, học viên tại Ikebana House; cùng toàn thể thầy và trò khoa Kế toán – Kiểm toán, trường Đại học Kinh tế, ĐHQGHN.

Sức hấp dẫn của Ikebana

Trong tiếng Nhật, ý nghĩa của Ikebana xuất phát từ 2 từ “Ikeru” (nghĩa là “sống”) và “Hana” (nghĩa là “hoa”), với hai ý đó, nghệ thuật này chính là “truyền sinh khí cho hoa” hay còn gọi là “Hoa Đạo”.

Tác phẩm được trưng bày tại Ikebana House

Với kinh nghiệm dày dặn của mình, cô Nguyễn Thanh Tú đã lắng đọng không khí buổi tọa đàm bằng những tác phẩm mang đậm chất nghệ thuật và tạo hứng thú cho người xem.

Các tác phẩm Ikebana được chiếu trong buổi tọa đàm

Như tên gọi là môn nghệ thuật “Hoa Đạo”, Ikebana chạm đến xúc cảm của cô trò Khoa Kế toán – Kiểm toán khi nghệ nhân đã thể hiện được sự tinh tế trong thẩm mỹ cũng như giãi bày tinh thần, tỏ lòng trân quý với vẻ đẹp của tự nhiên.


Tác phẩm Ikebana được trưng bày trong phòng chiếu Tatami truyền thống của Nhật

Chia sẻ về môn nghệ thuật đặc biệt này, cô Nguyễn Thanh Tú tâm sự: “Đặc trưng của Ikebana là sự hòa hợp trong một tác phẩm. Người nghệ sĩ phải giữ tâm hồn thư giãn, phóng khoáng để đón nhận và hòa hợp với thiên nhiên. Mỗi tác phẩm như một thông điệp của màu sắc, hoa, lá, cành…”


Cô Nguyễn Thanh Tú trong một tiết dạy cắm hoa Ikebana

Các tác phẩm nghệ thuật Ikebana sẽ đẹp hơn khi được tận mắt chiêm ngưỡng, song qua buổi triển lãm online này, vẻ đẹp ấy cũng phần nào truyền cảm hứng cho các bạn sinh viên của Khoa Kế toán – Kiểm toán.

Buổi triển lãm có sự tham gia của đông đảo các bạn sinh viên trong Khoa

Sự cân bằng giữa “cứng nhắc” của con số và “sống động” của nghệ thuật

Bản chất Ikebana là môn nghệ thuật truyền thống, bởi vậy chúng cũng có những ràng buộc nguyên tắc và hình thức bên cạnh sự tự do sáng tạo. Nguyên tắc nổi bật dễ nhận thấy nhất chính là sự cân bằng trong cách trình bày tác phẩm. Điều này đã vô tình tạo điểm chung giữa nghệ thuật Ikebana và sự cân đối trong Kế toán.

Sự “cứng nhắc” của con số dung hòa với sự “sống động” của nghệ thuật

Ở Ikebana, chúng ta có sự cân bằng khi cắm hoa, đan cài các chi tiết trong một tổng thể thì ở môn Kế toán cũng có sự đồng điệu này. TS. Nguyễn Thị Hồng Thúy, Trưởng Khoa Kế toán – Kiểm toán chia sẻ: “Tất cả những thứ tưởng chừng mâu thuẫn trong “Hoa Đạo” mà lại là một thể hòa hợp: ánh sáng, chất liệu, màu sắc... Giống như Kế toán cũng cần đến nhiều góc nhìn để thấy được thể thống nhất của số liệu. Đằng sau những con số đó là một sự tổng hòa của rất nhiều nguồn lực và khía cạnh khác nhau. Hơn nữa, trong chương trình học của chuyên ngành còn có các môn cảm thụ nghệ thuật, cảm thụ văn hóa, những môn học giúp tăng chỉ số cảm xúc EQ, kích thích khả năng sáng tạo. Đây cũng chính là lý do vì sao Khoa lại tổ chức buổi trải nghiệm thực tế này cho sinh viên.”

Workshop mang lại những trải nghiệm thực tế quý giá cho các bạn sinh viên

Xuất phát cũng là một sinh viên Kế toán, cô Nguyễn Phương Hoa – doanh nhân, học viên tại Ikenobo House bày tỏ quan điểm của mình khi nhắc đến mối liên quan giữa Ikebana và ngành Kế toán: “Khi làm kế toán, tôi như bị mắc “bệnh nghề nghiệp”, tính cách rất rõ ràng rành mạch, đúng là đúng, sai là sai. Điều đó vô tình ảnh hưởng đến cuộc sống, tôi trở nên quy tắc và hơi cứng nhắc. Khi biết và học Ikebana, tôi lại cảm nhận được một góc nhìn rất khác. Ikebana giúp tôi kết nối với tâm hồn, biết tôn trọng tự nhiên, không còn đúng sai nữa.”

Cô Nguyễn Phương Hoa – doanh nhân, học viên Ikebana House chia sẻ tại buổi tọa đàm

Bồi dưỡng nghệ thuật để khơi dậy cảm hứng sáng tạo và củng cố kỹ năng mềm là cách thức để phát triển toàn diện

Trong học tập cũng như công việc và cuộc sống, chỉ số IQ (chỉ số thông minh) và EQ (chỉ số cảm xúc) đều đóng vai trò rất quan trọng. Không chỉ dừng lại ở việc truyền tải các kiến thức về chuyên ngành mà các thầy cô Khoa Kế toán – Kiểm toán còn mong muốn bồi đắp cho các bạn sinh viên phát triển kỹ năng mềm, có thêm nhiều trải nghiệm thực tế.

Tại buổi tọa đàm, sinh viên trong Khoa được trực tiếp chiêm ngưỡng và học cách để tạo ra một tác phẩm Ikebana cơ bản, đặc biệt có ý nghĩa với một khoa gần như toàn “bóng hồng”. Đây cũng là phần mà các bạn mong đợi nhất.

 Phần hướng dẫn cách cắm hoa được các bạn sinh viên mong đợi nhất
“Em cảm thấy rất hào hứng khi được nghe những chia sẻ giản dị, nhưng lại tinh tế về nghệ thuật cắm hoa Ikebana. Nghệ thuật này không chỉ thể hiện nét đẹp trong văn hóa truyền thống của Nhật Bản mà còn ẩn chứa quan niệm sống, triết lý sống vô cùng ý nghĩa. Khi ngắm nhìn những bình hoa được cắm theo phong cách Ikebana, em cảm nhận được sự hài hòa đến độ tinh tế trước vẻ đẹp độc đáo của bình hoa đó. Điều này giúp em nhìn lại, suy ngẫm về những giá trị của cuộc sống và bồi đắp thêm tâm hồn yêu nghệ thuật của mình.” - Sinh viên Trần Thảo Nhi - QH2019 Kế toán CLC2 chia sẻ.

Workshop mang đến những trải nghiệm nghệ thuật thú vị cho các bạn sinh viên

Đến với Ikebana, các bạn sinh viên không chỉ đơn thuần là thưởng thức nghệ thuật cắm hoa mà còn cảm nhận được ý nghĩa sâu sắc về tinh thần, đạo đức, xã hội mà Ikebana mang lại. Sự hòa hợp với thiên nhiên từ việc “thổi hồn” cho mỗi tác phẩm; tính cách thanh lịch và phong nhã từ việc thưởng hoa; tất cả đã tạo nên nét đặc biệt cho môn nghệ thuật này.

Các bạn sinh viên chia sẻ cảm nhận về buổi tọa đàm

Theo Erin Niimi Longhurst trong cuốn “Japonisme – những điều rất Nhật Bản chia sẻ về Ikebana: “Bạn có thể thoải mái xem các phong cách khác nhau để lấy cảm hứng nhưng hãy cố gắng tránh sao chép chúng. Hãy nhớ rằng việc sao chép một sắp xếp của người khác sáng tạo ra sẽ làm mất đi mục đích của môn nghệ thuật này”.

Thông qua buổi Workshop này, sinh viên của khoa Kế toán – Kiểm toán như được khơi dậy sức sáng tạo, khai phóng ý tưởng. Mong rằng sau những buổi trò chuyện với chuyên gia, chiêm ngưỡng các tác phẩm đẹp, cô trò sẽ tích lũy thêm được những nguồn năng lượng tích cực thông qua cảm thụ nghệ thuật để tiếp tục dạy và học thật tốt, gặt hái được nhiều thành công hơn nữa.


Thu Uyên - UEB Media

FullName Email
Address Security code TQYNGF
Content