Khoa Kế toán Kiểm toán (Vi)
 Search
Khoa Kinh tế Phát triển: “Nền tảng vững chắc, phát triển bản thân toàn diện, thành công vững bền”
Khoa Kinh tế Phát triển: “Nền tảng vững chắc, phát triển bản thân toàn diện, thành công vững bền”

Được thành lập ngày 3/3/2008, với quy mô 6 bộ môn (Bộ môn Toán kinh tế và Khoa học dữ liệu, Kinh tế tài nguyên và Bất động sản; Thống kê và Phương pháp nghiên cứu kinh tế, Kinh tế môi trường và Phát triển bền vững, Chính sách Công, Kinh tế học), Khoa Kinh tế Phát triển là Khoa thành viên có nhiều đóng góp nổi bật trong hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học của Trường Đại học Kinh tế nói riêng và ĐHQGHN nói chung.

 

 Bức thư tay tràn đầy xúc cảm của Thầy cô Khoa Kinh tế Phát triển gửi tới các em Tân sinh viên K66 với thông điệp ý nghĩa.
 
 
 
Thành tựu nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế nổi bật

Khoa Kinh tế Phát triển đặt trọng tâm vào hoạt động nghiên cứu và triển khai trong lĩnh vực kinh tế và nghiên cứu phát triển, gắn với công bố quốc tế và tư vấn chính sách. Các hướng nghiên cứu thế mạnh bao gồm: (1) Kinh tế ngành: kinh tế biển, nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ, du lịch, bất động sản, năng suất hiệu quả, nghèo đói, bất bình đẳng, kinh tế tri thức,....; (2)  Kinh tế tài nguyên, môi trường, biến đổi khí hậu và phát triển bền vững; (3) Chính sách công và chính sách phát triển, kinh tế thể chế, quản lý dự án. Các hướng nghiên cứu và đào tạo của Khoa đều dựa trên nền tảng kinh tế học, kinh tế phát triển và các công cụ, mô hình định lượng.

Khoa Kinh tế Phát triển là đơn vị dẫn đầu của Trường Đại học Kinh tế, ĐHQGHN về công bố quốc tế. Thống kê trong năm học 2020-2021, cán bộ Khoa công bố 49 bài báo đăng tải trên các tạp chí quốc tế, trong đó có 34 bài thuộc danh mục ISI/SCOPUS, chủ biên xuất bản 3 cuốn sách chuyên khảo trên NXB uy tín là Springer. Nhiều giảng viên của Khoa được khen thưởng cấp Trường và cấp ĐHQGHN vì có thành tích xuất sắc trong nghiên cứu khoa học và công bố quốc tế.

Tháng 6/2021 vừa qua, Khoa Kinh tế Phát triển đã thực hiện xuất bản Bản tin Kinh tế phát triển theo giấy phép số 38/GP-XBBT của Cục Báo chí, Bộ Thông tin và Truyền thông, định kỳ xuất bản 3 tháng/1 số. Bản tin Kinh tế phát triển số đầu tiên (1/2021) chủ đề “Sự thịnh vượng và phát triển” cung cấp thông tin về các sự kiện quan trọng ảnh hưởng đến nền kinh tế thế giới, các sự kiện thương mại quốc tế, các nghiên cứu khoa học nổi bật phục vụ phát triển kinh tế, các thông tin quan trọng về kinh tế - thương mại - đầu tư, chính sách công và các chính sách phát triển của Việt Nam và quốc tế. Bản tin cung cấp các thông tin về tấm gương nhà giáo, gương sáng giảng đường, sự kiện nổi bật, cơ hội việc làm - nhà tuyển dụng, sản phẩm của doanh nghiệp - các chương trình đào tạo, cung cấp cho các nhà quản lý, các nhà tuyển dụng, các bậc phụ huynh, cựu sinh viên, sinh viên những thông tin về chất lượng, hoạt động và sản phẩm của Khoa.

 

 

Tháng 9/2021, Khoa Kinh tế phát triển chủ trì tổ chức hội thảo quốc gia “Phát triển chuỗi giá trị nông sản hướng tới nông nghiệp bền vững trong bối cảnh hội nhập tại Đông Nam Á”. Các đơn vị phối hợp là các cơ quan hàng đầu trong lĩnh vực nghiên cứu và quản lý nhà nước về thương mại nông sản trực thuộc Bộ Công thương và Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn. Kỷ yếu hội thảo có dung lượng 740 trang với 32 chuyên đề theo 4 nhóm nội dung: (i) Các lý thuyết phát triển trong nghiên cứu chuỗi giá trị nông nghiệp và hệ thống lương thực bền vững; (ii) Thị trường nông sản, chính sách và các rào cản kỹ thuật đối với thương mại hàng nông sản; (iii) Hệ thống lương thực, thực phẩm minh bạch, trách nhiệm, bền vững; (iv) Một số chuỗi giá trị nông sản hướng đến phát triển nông nghiệp bền vững. Đây là tư liệu khoa học có giá trị khoa học và thực tiễn, đồng thời cung cấp những khuyến nghị chính sách có căn cứ khoa học đối với các cơ quan hữu quan trong phát triển nông nghiệp bền vững của Việt Nam trong bối cảnh hội nhập tại Đông Nam Á.

 

Hội thảo Khoa học quốc gia do Khoa Kinh tế Phát triển phối hợp tổ chức với nhiều cơ quan nghiên cứu đã mang đến nhiều khuyến nghị chính sách giá trị.


Khoa Kinh tế phát triển đóng góp nhiều gương mặt sinh viên nổi bật cho Trường Đại học Kinh tế, ĐHQGHN trong học tập, nghiên cứu khoa học và công tác đoàn hội. PGS.TS. Nguyễn An Thịnh, Trưởng Khoa Kinh tế phát triển đánh giá: “Sinh viên Kinh tế phát triển có rất nhiều điểm mạnh nổi trội, trong đó tôi đánh giá cao nhất ở điểm sau đây: tinh thần đam mê nghiên cứu khoa học, khả năng làm việc nhóm và khả năng lập kế hoạch phân chia thực hiện công việc rất tốt, rất bài bản”. Sinh viên Kinh tế phát triển được trang bị những nền tảng nghiên cứu căn bản với những học phần về kinh tế học, phương pháp nghiên cứu kinh tế, kinh tế và thương mại quốc tế, kinh tế môi trường, kinh tế du lịch, kinh doanh bất động sản,… Đến năm học thứ 3, sinh viên được khuyến khích ứng dụng những kiến thức này vào thực tiễn nghiên cứu một chủ đề cụ thể để làm tiền đề cho việc áp dụng hiệu quả kỹ năng nghiên cứu cho việc làm khóa luận tốt nghiệp năm thứ 4. Nói một cách khác, kỹ năng nghiên cứu sẽ xuyên suốt toàn bộ chương trình cử nhân Kinh tế phát triển. Hàng năm, Khoa đều tổ chức các hoạt động, sự kiện nhằm tư vấn, định hướng nghiên cứu và tạo môi trường giao lưu, học hỏi trong cộng đồng sinh viên nghiên cứu khoa học. Liên tục trong nhiều năm, sinh viên Khoa Kinh tế phát triển luôn đạt giải cao trong phong trào NCKH sinh viên cấp Trường và cấp ĐHQGHN, cấp Bộ Giáo dục và Đào tạo. Năm học 2020 – 2021, Khoa có 01 nhóm sinh viên đạt giải Nhất cấp Trường, giải Nhì cấp ĐHQGHN; 01 nhóm sinh viên đạt giải Ba Eureka lĩnh vực Kinh tế, kinh doanh và quản trị, giải khuyến khích cấp Bộ và VIFOTEX.

Đây là thành quả rất đáng tự hào góp phần vào việc thực hiện sứ mệnh của Trường Đại học Kinh tế, ĐHQGHN là cung cấp cho xã hội nguồn nhân lực chất lượng cao theo định hướng chuyên gia, lãnh đạo trong các lĩnh vực kinh tế, quản lý và quản trị kinh doanh đáp ứng nhu cầu phát triển, hiệu quả và bền vững của Việt Nam; nghiên cứu và chuyển giao các kết quả nghiên cứu cho Chính phủ, Bộ ngành, các tổ chức, doanh nghiệp và xã hội; tạo môi trường thuận lợi để sáng tạo, nuôi dưỡng, phát triển tài năng trong các lĩnh vực kinh tế, quản lý và quản trị kinh doanh hiện đại.

 

 

 

Lãnh đạo Khoa và Bộ môn luôn chú trọng việc phát triển hợp tác quốc tế trong hoạt động nghiên cứu và đào tạo. Theo đó, Khoa Kinh tế Phát triển đã mở rộng hợp tác và tăng cường liên kết với các trường đại học và các trung tâm nghiên cứu trong lĩnh vực kinh tế phát triển cả trong và ngoài nước (Nhà xuất bản Springer, Đại học Laval, Quebec Canada; Văn phòng SPS Việt Nam - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn...); xây dựng chương trình đào tạo và nghiên cứu về phát triển bền vững với các đối tác nước ngoài; hợp tác với bộ ngành, địa phương trong đào tạo và nghiên cứu về chính sách công và các vấn đề phát triển. Khoa đã chủ trì tổ chức nhiều Hội thảo trong nước và quốc tế, trong đó nổi bật là Hội thảo quốc tế lần thứ nhất về Kinh tế, Phát triển và Bền vững do Khoa Kinh tế phát triển phối hợp cùng NXB Springer (năm 2019), Diễn đàn Kinh tế và Thương mại Việt - Đức (năm 2020), Diễn đàn Kinh tế và Thương mại Việt - Anh (năm 2021) thu hút sự tham dự của hàng trăm nhà khoa học trong nước và quốc tế. Chuỗi bài giảng quốc tế do Khoa Kinh tế Phát triển tổ chức định kỳ hàng tháng là hoạt động trao đổi chuyên môn quốc tế nổi bật với sự tham gia của nhiều chuyên gia, giảng viên, sinh viên đến từ các trường đại học lớn trên thế giới như Anh, Mỹ, Nhật Bản, mở rộng môi trường học tập và giảng dạy, nâng cao năng lực nghiên cứu và trao đổi học thuật của giảng viên cũng như đào tạo thế hệ sinh viên có năng lực thích ứng môi trường làm việc toàn cầu. Ngoài học bổng khuyến khích học tập và hàng chục học bổng ngoài ngân sách của Trường Đại học Kinh tế, Khoa Kinh tế Phát triển còn mang lại cho sinh viên quỹ học bổng giá trị của Đại học Laval, Đại học McGill (Canada), mở ra cơ hội học tập và giao lưu quốc tế của sinh viên, học viên.

 

 

 

Đào tạo chất lượng cao theo định hướng quốc tế hóa

Khoa Kinh tế Phát triển bắt đầu triển khai chương trình đào tạo trình độ cử nhân hệ chuẩn ngành Kinh tế Phát triển từ năm học 2008 – 2009 và chuyển đổi sang đào tạo hệ chất lượng cao từ năm học 2020 - 2021. PGS.TS Lê Đình Hải, Phó trưởng Khoa Kinh tế phát triển nhấn mạnh: “Một trong những trọng tâm công tác của Khoa hiện nay là hoàn thiện hệ thống chương trình, giáo trình giảng dạy, tài liệu tham khảo theo hướng cập nhật, hiện đại và đạt chuẩn quốc tế, hợp tác quốc tế trong lĩnh vực đào tạo”. Tháng 2/2021, Khoa Kinh tế Phát triển đã hoàn thành thủ tục kiểm định và được cấp giấy chứng nhận Kiểm định chất lượng Chương trình đào tạo chuẩn trình độ đại học ngành Kinh tế Phát triển.

  

 

“Nhiệm vụ giảng dạy được Ban lãnh đạo Khoa và các giảng viên đầu tư nhiều thời gian, tâm huyết, trí tuệ. Với đặc thù của Khoa Kinh tế Phát triển, Khoa hiện đang đảm nhiệm khối lượng lớn học phần đào tạo của Trường Đại học Kinh tế nói riêng và Đại học Quốc gia Hà Nội nói chung. Riêng trong năm học 2020 - 2021, Khoa phụ trách tổng 221/612 học phần, chiếm 36% học phần toàn Trường Đại học Kinh tế. Bộ môn Kinh tế học đảm nhận một số môn học dạy cho các trường thành viên trong ĐHQGHN.” - PGS.TS Lê Đình Hải chia sẻ.

Sinh viên Khoa được “thụ hưởng” nhiều hoạt động thực tập thực tế, hỗ trợ đào tạo, công tác sinh viên, Đoàn, Hội được tổ chức thường xuyên mang đến cho sinh viên nhiều “sân chơi tri thức”, góp phần đáp ứng được chuẩn đầu ra của chương trình đào tạo, như: Hội nghị đối thoại sinh viên và giảng viên; tọa đàm Bồi dưỡng kỹ năng nghề nghiệp cho sinh viên; Cơ hội chia sẻ và phát triển bản thân; Những buổi chia sẻ của Học viên về kiến thức, kỹ năng, công việc sau khi học thạc sĩ. Khoa đã hợp tác với các Phòng Kinh tế trực thuộc các UBND huyện của thành phố Hà Nội, các doanh nghiệp chế xuất và xuất khẩu,... để triển khai công tác thực tập thực tế, giảng dạy chuyên đề cho sinh viên về công tác quản lý nhà nước về kinh tế, các mô hình kinh tế tập thể và kinh tế tư nhân, chuyển đổi mô hình sản xuất tại các làng nghề. Thông qua các hoạt động này, sinh viên có cơ hội được quan sát, trải nghiệm, học tập để nâng cao khả năng áp dụng kiến thức đã được học vào môi trường làm việc thực tiễn.

PGS.TS. Nguyễn An Thịnh, Trưởng khoa Kinh tế phát triển cho biết: “Khoa Kinh tế phát triển, các bộ môn trực thuộc Khoa, giảng viên và sinh viên Khoa được đánh giá là đơn vị và cá nhân tiêu biểu của Trường Đại học Kinh tế và ĐHQGHN trong các lĩnh vực nghiên cứu, giảng dạy, học tập và công tác xã hội. Khoa định hướng đào tạo người học có tư duy sắc bén và nền tảng tri thức sâu rộng về kinh tế học và kinh tế phát triển, trang bị các công cụ định lượng hiện đại, vốn ngoại ngữ thông thạo đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của công việc hiện nay. Cử nhân Kinh tế phát triển là nguồn nhân lực chất lượng cao làm việc trong các cơ quan, tổ chức theo 5 vị trí việc làm: các tập đoàn kinh tế trong và ngoài nước, các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các tổ chức phát triển, tổ chức phi chính phủ, các tổ chức công, giảng dạy và nghiên cứu trong các trường đại học, viện nghiên cứu trong và ngoài nước. Bên cạnh kiến thức, các thầy cô trong Khoa cũng yêu cầu khắt khe đối với sinh viên ở tác phong và đạo đức, ý thức rèn luyện, bồi dưỡng của sinh viên trong hình thành tác phong lịch sự, lối sống lành mạnh, cầu thị và chính trực cả trong môi trường học tập trong nhà trường, định hướng phát triển bản thân và hoạt động công việc sau khi ra trường”.

 

 

Có thể nói, sự phát triển năng động và đúng định hướng của Khoa Kinh tế Phát triển là nhân tố góp phần nâng cao vị thế, uy tín khoa học của Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN, góp phần quan trọng vào việc giải quyết các vấn đề lý luận và thực tiễn của đất nước trong quá trình phát triển và hội nhập quốc tế. Năm học 2020 - 2021, Khoa Kinh tế Phát triển và các bộ môn đã vinh dự nhận được nhiều danh hiệu thi đua, khen thưởng: danh hiệu Tập thể lao động xuất sắc cấp ĐHQGHN, cờ thi đua cấp ĐHQGH, bằng khen của Giám đốc ĐHQGHN cho các cá nhân và đơn vị tiêu biểu của Khoa.

Với định hướng phát triển đến năm 2030 trở thành đơn vị hàng đầu quốc gia về đào tạo và nghiên cứu trong lĩnh vực kinh tế và phát triển cùng với sức mạnh đoàn kết của tập thể giảng viên, Khoa Kinh tế Phát triển, Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN đã và đang thực sự là “bệ phóng vững chắc” cho sự phát triển và thành công của nhiều thế hệ sinh viên, học viên, góp phần xây dựng bề dày truyền thống của Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội.

 

Tin bài liên quan:

Thùy Dung - UEB Media

FullName Email
Address Security code ODOHYO
Content