Khoa Kế toán Kiểm toán (Vi)
 Search

CEO HAMATRA: “Ấn tượng với thái độ cầu thị và ham học hỏi của sinh viên ngành Kinh tế, Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN”

Bắt đầu từ năm 2009, những thế hệ sinh viên ngành Kinh tế, Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN đã có những cơ hội tham gia hoạt động thực tế tại Công ty Sản xuất Thương mại Hà Nội trong chương trình hợp tác giữa Khoa và doanh nghiệp, nhằm tạo điều kiện cho các sinh viên được trải nghiệm thực tế tại doanh nghiệp hết sức năng động, có nhiều hoạt động sản xuất và thương mại phong phú, với những sản phẩm có uy tín trên thị trường.

12 năm gắn bó với những dấu mốc trưởng thành của sinh viên ngành Kinh tế

Hơn 12 năm tiếp nhận sinh viên ngành Kinh tế trong hoạt động thực tế tại doanh nghiệp, ông Hoàng Ngọc Dũng, Tổng Giám đốc Công ty Sản xuất Thương mại Hà Nội (Công ty HAMATRA) đã có chia sẻ về một chặng đường đồng hành cùng những thế hệ sinh viên.

12 năm liên tiếp Công ty HAMATRA đã nhiệt tình đón tiếp sinh viên ngành Kinh tế đến thực tế doanh nghiệp.

“Xuyên suốt quá trình thực tế của các khóa sinh viên sau hơn 12 năm qua, chúng tôi nhận thấy, sinh viên ngành Kinh tế, Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN có thái độ cầu thị, ham học hỏi. Bản thân các bạn sinh viên đã cho thấy sự chủ động trong việc đặt các câu hỏi tình huống (về hoạt động kinh doanh, thủ tục pháp lý…). Kỹ năng đặt câu hỏi của các bạn sinh viên với những vấn đề quan tâm khá tốt” – ông Dũng nói.

 

Ông Hoàng Ngọc Dũng, Tổng Giám đốc Công ty Sản xuất Thương mại Hà Nội (đứng thứ 2 từ trái sang) trong một buổi Toạ đàm với thầy cô và sinh viên tại văn phòng Công ty.

Về kiến thức và kỹ năng, CEO HAMATRA đánh giá cao về kỹ năng và kiến thức của các bạn sinh viên với kỹ năng tiếp cận và đánh giá thông tin, biết vận dụng kiến thức tổng hợp thông qua việc tự học, tự đọc, tự nghiên cứu để nhận diện các vấn đề cụ thể.

12 năm đồng hành với sự phát triển của sinh viên UEB

Trải qua 12 năm đồng hành với sự phát triển của sinh viên UEB, ông Dũng đã có những định hướng phát triển dành cho sinh viên với góc nhìn của một nhà tuyển dụng. Ông khuyến khích sinh viên nên hình thành các bộ câu hỏi trên từng lĩnh vực cụ thể: bán hàng, tiếp thị, thực tập, cơ hội việc làm, vấn đề pháp lý… của doanh nghiệp và được phụ trách bởi từng nhóm sinh viên, trên cơ sở được tìm hiểu và nghiên cứu từ trước. Từ đó, thông qua các buổi thực tế tại doanh nghiệp, sinh viên sẽ có thể tự trả lời hoặc lắng nghe chia sẻ từ những “người trong cuộc” để có một cái nhìn “đúng và trúng” đối với những lĩnh vực mình đang quan tâm.

Bên cạnh đó, CEO HAMATRA khuyến nghị, các bạn sinh viên nên sớm hình thành và tự xây dựng bộ kỹ năng nghề nghiệp thông qua các bản mô tả công việc (là công việc tương lai bạn mong muốn làm). “Chúng tôi khuyến khích các câu hỏi: Làm việc này ra sao (How to do what) hơn là câu hỏi: Việc này là gì (What); Kiến thức em học được ở trường là vấn đề x, trong thực tế tại công ty, vấn đề x được thể hiện ra sao, các bước tiến hành cụ thể như thế nào; Kiến nghị về hướng hợp tác và phát triển trong thời gian tới trên cơ sở hướng tới nâng cao kỹ năng, thái độ và kiến thức cho sinh viên ngành Kinh tế”- ông Dũng chia sẻ thêm.

 

Dù bận rộn công việc kinh doanh nhưng Ban Lãnh đạo HAMATRA rất tâm huyết với thế hệ trẻ

Chia sẻ với Trường Đại học Kinh tế, liên quan đến vấn đề hợp tác và phát triển bền vững, hướng tới nâng cao kỹ năng, thái độ và kiến thức cho sinh viên, ông Dũng đặt ra 3 nội dung cho chương trình hợp tác trong thời gian tới dựa trên:

Thứ nhất, cần có kế hoạch và lộ trình cụ thể trong việc xây dựng lộ trình hoàn thiện bộ kỹ năng mềm cho sinh viên, trên cơ sở đó là các hoạt động trải nghiệm thực tế tại doanh nghiệp, các hoạt động gắn với thực tiễn tương ứng (nghiên cứu triển khai bán sản phẩm cùng công ty thông qua các bài tập thực tiễn, thực tập tại Công ty…)

Thứ hai, tiến hành các hoạt động trải nghiệm tại doanh nghiệp theo định kì (hàng năm), khuyến khích cho sinh viên tham gia ngay từ những năm đầu tiên (năm nhất, năm hai); đa dạng hóa các loại hình doanh nghiệp để sinh viên đến trải nghiệm (sản xuất, thương mại, dịch vụ); đa dạng hóa các module thực tế tìm hiểu (module về hướng nghiệp, module về quản lý kinh tế, module về lập kế hoạch, module về nguồn nhân lực, module về Marketing, module về quản trị bán hàng)

Thứ ba, trao quyền cho sinh viên trong công tác tổ chức các sự kiện này để nâng cao tính độc lập, tự chủ cho sinh viên.

Đối với sinh viên, theo CEO HAMATRA, các bạn sinh viên cần tiếp tục chủ động rèn luyện kỹ năng giao tiếp ngay tại những buổi trao đổi tại doanh nghiệp thông qua việc mạnh dạn nêu ý kiến với thái độ cầu thị, ham học hỏi. Ngoài ra, sinh viên nên chủ động lập kế hoạch, phân chia đầu việc để tổ chức chương trình này; rèn luyện kỹ năng tra cứu thông tin trước, kỹ năng tổng hợp, viết báo cáo sau khi tham gia.

 

Theo chương trình hợp tác giữa Khoa Kinh tế Chính trị, Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội và Công ty HAMATRA, kể từ năm 2009, sinh viên ngành Kinh tế được tham gia hoạt động thực tế tại doanh nghiệp. Tính đến nay đã có khoảng 700 sinh viên được tham gia thực tế tại doanh nghiệp. Trong khuôn khổ chương trình hợp tác, đại diện Công ty HAMATRA còn tham gia và tổ chức các buổi tọa đàm, chia sẻ, hướng nghiệp để góp phần nâng cao nhận thức về “thực học, thực nghiệp”, làm giàu vốn sống thực tiễn và tri thức cho sinh viên….

 
 
 

TS. Nguyễn Thị Hương Lan, Khoa KTCT

FullName Email
Address Security code VKUCUV
Content