Khoa Kế toán Kiểm toán (Vi)
 Search

Xây dựng cơ sở dữ liệu tích hợp, liên ngành, dài hạn, đa mục đích để đánh giá biến động kinh tế - xã hội môi trường Việt Nam

TS. Vũ Anh Dũng cùng nhóm nghiên cứu trình bày các báo cáo tại hội thảo
Là hội thảo khoa học do Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGH tổ chức ngày 4/6/2013, trong đó tập trung vào chủ đề “Nội dung cơ sở dữ liệu”, được chủ trì bởi TS. Vũ Anh Dũng - Phó Hiệu trưởng cùng nhóm nghiên cứu liên ngành.

Hội thảo có sự tham gia của các chuyên gia đầu ngành trong các lĩnh vực kinh tế học, nhân khẩu học, xã hội học, y tế, giáo dục học, tâm lý học, thống kê xã hội học, quản lý tài nguyên môi trường, văn hóa…
Hội thảo đã nghe các báo cáo từ TS. Vũ Anh Dũng (Trường ĐH Kinh tế - ĐHQGHN), TS. Lưu Bích Ngọc (Trường ĐH Kinh tế Quốc dân), TS. Nguyễn Thị Hà Thành và TS. Nguyễn An Thịnh (Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn - ĐHQGHN) tập trung vào các nội dung về: (1) Tổng quan về dự án nghiên cứu, (2) Giới thiệu tổng quan về các cuộc điều tra khảo sát trong nước quy mô quốc gia, (3) Giới thiệu tổng quan về các cuộc điều tra khảo sát trong nước quy mô vùng và địa phương; (4) Giới thiệu tổng quan về kinh nghiệm quốc tế trong đó tập trung vào Bộ cơ sở dữ liệu hộ gia đình của Anh Quốc và (5) Giới thiệu về các nội dung dự kiến mà CSDL tích hợp, liên ngành, dài hạn, đa mục đích để đánh giá biến động kinh tế - xã hội môi trường Việt Nam sẽ tập trung vào.
Tiếp đó, hội thảo tập trung vào các ý kiến đóng góp về chuyên môn và kỹ thuật của các chuyên gia về nội dung thứ 5 nêu trên. Trong đó, các chuyên gia đã đóng góp ý kiến cho nội dung của bảng hỏi để điều tra các hộ gia đình.
GS.TS Đặng Nguyên Anh (Viện Xã hội học - Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam) đánh giá cao sự cần thiết của bộ CSDL cùng cách tiếp cận mới mang tính khoa học cao của đề án. Ông cũng đưa ra rất nhiều ý kiến đóng góp quan trọng liên quan đến số lượng và việc chọn mẫu điều tra, sự cần thiết phải phân biệt rõ ràng giữa bảng hỏi dành cho gia đình và dành cho cá nhân; đồng thời, ông cho rằng nên chú ý đến các vấn đề khi thiết kế bảng hỏi như: vấn đề nghèo đói, địa bàn cư trú, việc ứng phó với các rủi ro cuộc sống, an sinh xã hội, tham gia từ thiện xã hội, an toàn vệ sinh thực phẩm, chăm sóc, nuôi dạy trẻ em…


Các chuyên gia tại hội thảo đưa ra nhiều góp ý chi tiết cho nhóm nghiên cứu



Chuyên gia về xã hội học - GS.TS Trần Thị Minh Đức (Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn - ĐHQGHN) đã tư vấn cho nhóm nghiên cứu về cách thiết kế bảng hỏi sao cho có thể thu thập được thông tin một cách chân thực nhất, cũng như việc nhóm các lĩnh vực sao cho gần nhau và đảm bảo tính logic. GS.TS Trần Thị Minh Đức cho rằng bảng hỏi cũng nên bổ sung các biến liên quan đến phân biệt đối xử trong gia đình, quấy rối nơi công sở, sức khỏe tâm thần…
Ở góc độ cả vĩ mô và chi tiết, GS.TSKH Trương Quang Hải (Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển) đánh giá cao về ý tưởng dự án nghiên cứu và góp ý về cách tiếp cận của dự án nên lưu ý đảm bảo tính kế thừa, hệ thống, logic, liên ngành… cũng như bổ sung thêm các biến (variables) và nội dung cụ thể của từng biến. PGS.TS Lưu Đức Hải (Chủ nhiệm khoa Môi trường, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên - ĐHQGHN) cũng góp ý tư vấn cho dự án về mặt cụ thể hoá mục tiêu, nội dung và các tiêu chí xác định nội dung cho từng lĩnh vực.
Ngoài ra, hội thảo còn nhận được rất nhiều ý kiến đóng góp chi tiết khác liên quan đến từng nhóm nội dung trong bảng hỏi như: giáo dục, tâm lý, môi trường, xã hội… Hầu hết các ý kiến đều khẳng định tầm quan trọng và ý nghĩa của dự án.
Thay mặt nhóm nghiên cứu liên ngành, TS. Vũ Anh Dũng gửi lời cảm ơn sâu sắc các chuyên gia đã dành thời gian tham dự và đóng góp rất nhiều ý kiến quý báu để nhóm có thể tiếp tục hoàn thiện nội dung dự án. TS. Vũ Anh Dũng cũng bày tỏ mong muốn có được sự hợp tác của các chuyên gia trong quá trình thực hiện dự án để có thể đạt được kết quả tốt nhất.

Thanh Mai (Khoa KT&KDQT) - Ảnh: Đỗ Đỗ

FullName Email
Address Security code ZXSDBH
Content