Khoa Kế toán Kiểm toán (Vi)
 Search

Trường ĐH Kinh tế - ĐHQGHN phối hợp với NXB Springer tổ chức Hội thảo quốc tế lần thứ nhất về Kinh tế, Phát triển và Bền vững

Hội thảo thu hút nhiều nhà khoa học uy tín trên thế giới
Ngày 15/11/2019, Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN phối hợp với Nhà xuất bản Springer tổ chức Hội thảo quốc tế lần thứ nhất về Kinh tế, Phát triển và Bền vững (1st International Conference on Economics, Development and Sustainability, EDESUS 2019) với chủ đề: “Biến đổi toàn cầu và phát triển bền vững đối với những nền kinh tế mới nổi ở Châu Á”.

Tham dự hội thảo có lãnh đạo của các cơ quan, viện nghiên cứu, các trường đại học trên địa bàn Hà Nội; Lãnh đạo, cán bộ, giảng viên, sinh viên Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN. Đặc biệt, hội thảo còn thu hút các nhà khoa học đầu ngành trong nước, các nhà quản lý, hoạch định chính sách và các chuyên gia nổi tiếng về biến đổi khí hậu đến từ Bắc Mỹ và Châu Á.
Về phía đơn vị tổ chức Hội thảo, Nhà xuất bản Springer có ông Luc Hens - Tổng biên tập cùng các nhà khoa học, chuyên gia trong lĩnh vực biến đổi toàn cầu, biến đổi khí hậu, kinh tế xanh; Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN có PGS.TS Nguyễn Trúc Lê - Hiệu trưởng; PGS.TS Nguyễn Anh Thu - Phó Hiệu trưởng; PGS.TS Nguyễn An Thịnh - Phó Chủ nhiệm Khoa Kinh tế Phát triển cùng các giảng viên, nghiên cứu sinh, học viên, sinh viên của Trường đã tham dự hội thảo.

Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN PGS.TS Nguyễn Trúc Lê phát biểu khai mạc Hội thảo

 Phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS.TS Nguyễn Trúc Lê nhấn mạnh: "Đây là hội thảo đầu tiên trong chuỗi hội thảo về Kinh tế, Phát triển và Bền vững (EDESUS) mà Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN sẽ tổ chức hàng năm. Chủ đề của Hội thảo liên quan đến những thay đổi toàn cầu và phát triển bền vững ở Việt Nam và các nền kinh tế mới nổi ở Châu Á. Hội thảo cũng bao gồm các chủ đề rộng hơn như kinh tế và kinh doanh, phát triển và bền vững, tài nguyên và thay đổi toàn cầu. Kỷ yếu Hội thảo EDESUS 2019 sẽ được Springer xuất bản bao gồm các bài báo về những thay đổi toàn cầu và phát triển bền vững cả ở Việt Nam và các nước Châu Á."

Ông Luc Hens, cho biết "Hội thảo diễn ra rất đúng lúc, vào thời điểm các nước cần có những chính sách phù hợp để đối phó với các vấn đề về phát triển bền vững và môi trường. Những tham luận tại Hội thảo hứa hẹn sẽ mang lại những góc nhìn mới, những cách tiếp cận mới trong việc giải quyết các vấn đề cấp bách hiện nay. Tôi hy vọng, hợp tác giữa Springer và ĐHKT sẽ tiếp tục phát triển trong thời gian tới."

 Ông Luc Hens kỳ vọng hai bên sẽ mở rộng hợp tác nhiều lĩnh vực hơn nữa trong tương lai

Hội thảo được chia làm 7 phiên làm việc: 2 phiên toàn thể và 5 phiên song song, tập trung vào 3 chủ đề chính: (1) Kinh tế và kinh doanh: đề cập đến các lý thuyết về kinh tế, chính sách về kinh tế vĩ mô, các vấn đề về năng suất chất lượng, chính sách và thực tiễn phát triển kinh tế ngành và doanh nghiệp, kinh tế và kinh doanh quốc tế, quản trị kinh doanh, tài chính ngân hàng, kinh tế tri thức, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. (2) Phát triển và bền vững: đề cập đến các chính sách phát triển, khoa học bền vững, chính sách và luật pháp phát triển bền vững, tăng trưởng xanh, thách thức đối với sự phát triển bền vững, các tiếp cận tích hợp cho phát triển bền vững, trắc lượng tính bền vững, các công cụ cho phát triển bền vững, giáo dục vì sự phát triển bền vững, du lịch bền vững. (3) Tài nguyên và biến đổi toàn cầu: tập trung nghiên cứu các vấn đề về sử dụng tài nguyên thiên nhiên, nguồn nhân lực, văn hóa và di sản, thị trường đất đai và bất động sản, biến đổi xã hội, toàn cầu hóa, đô thị hóa, ô nhiễm và xung đột môi trường, thiên tai và biến đổi khí hậu, các vấn đề an ninh phi truyền thống, khu vực học, viễn thám - GIS và quy hoạch không gian.

GS. Roberto Ranol, Trường ĐH Los Banos, Phillipines trình bày tham luận tại Hội thảo 

Các phiên thảo luận có sự góp mặt của các giáo sư uy tín đến từ Bắc Mỹ, Châu Âu, Trung Quốc và sự tham gia đông đảo của sinh viên Khoa Kinh tế Phát triển. Nội dung các phiên nhỏ xoay quanh lĩnh vực kinh tế xanh và phát triển bền vững.

Giáo sư Sarah Turner đến từ Trường ĐH McGill, Canada trình bày tham luận tại Hội thảo 
 
Sau phiên toàn thể, các đại biểu chuyển sang thảo luận tại các phiên song song:
 
 
 
Kết thúc hội thảo, chủ tọa các phiên song song đã trao giấy chứng nhận cho đại biểu tham dự:
 
 
Ban tổ chức tặng hoa tri ân các diễn giả tham gia Hội thảo
Hội thảo được kỳ vọng là cầu nối giữa sinh viên, học viên, nghiên cứu sinh, giảng viên, nhà khoa học Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN với các nhà khoa học, đối tác nước ngoài, từ đây sẽ mở ra nhiều cơ hội du học, trao đổi, hội thảo, viết bài báo quốc tế giữa các bên. Tiếp nối Hội thảo Quốc tế lần 1 sẽ là Hội thảo thứ 2 dự kiến được tổ chức vào năm 2020 với chủ đề “Tính bền vững của tiểu vùng sông Mekong mở rộng”.
Hội thảo Quốc tế lần thứ nhất về Kinh tế, Phát triển và bền vững năm nay diễn ra trong không khí tưng bừng kỷ niệm 45 năm truyền thống của Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN (1974 - 2019). Hội thảo là một minh chứng điển hình khẳng định vị thế của Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN là trung tâm nghiên cứu hàng đầu Việt Nam, điểm đến uy tín của tri thức thế giới, là môi trường quốc tế năng động, sáng tạo có truyền thống và bề dày thành tích suốt chặng đường 45 năm qua.
 
ĐƠN VỊ TỔ CHỨC:

Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN:

Trường Đại học Kinh tế là đơn vị thành viên của Đại học Quốc gia Hà Nội. Trường có sứ mệnh cung cấp cho xã hội nguồn nhân lực chất lượng cao theo định hướng chuyên gia, lãnh đạo trong các lĩnh vực kinh tế, quản lý và quản trị kinh doanh đáp ứng nhu cầu phát triển chất lượng, hiệu quả và bền vững của Việt Nam; nghiên cứu và chuyển giao các kết quả nghiên cứu cho Chính phủ, các tổ chức, doanh nghiệp và xã hội.

Trường đã và đang thực hiện nhiều dự án/đề án nghiên cứu với các nước trong khu vực và trên thế giới với sự tham gia của các chuyên gia nghiên cứu hàng đầu trong nhiều lĩnh vực. Thông qua các mạng lưới nghiên cứu quốc tế, Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN đã và đang tạo ra một môi trường học thuật bổ ích, giúp các nhà nghiên cứu Việt Nam chủ động trao đổi, giao lưu tri thức với các đồng nghiệp trong mạng lưới nghiên cứu quốc tế; đồng thời thu hút được nhiều diễn giả quốc tế đến trường tham gia hội thảo, trao đổi học thuật và làm việc.

Nhà xuất bản Springer:

Springer là một công ty xuất bản toàn cầu được thành lập năm 1842 với tên gọi Springer-Verlag. Tới năm 2015, Springer được sáp nhập vào Springer Nature. Với đội ngũ nhân viên trên 13.000 người từ 50 quốc gia trên thế giới, hàng năm Springer xuất bản 8.500 đầu sách (bao gồm các dạng thức sách khác nhau như sách chuyên khảo, tuyển tập chuyên đề, các công trình tham khảo trọng điểm, sách giáo trình, sổ tay,..) và 2.500 tạp chí, cung cấp cơ sở dữ liệu khoa học mã nguồn mở với trên 550 tạp chí, thông qua hai nền tảng SpringerLink và Nature.com cho hơn 250 triệu nhà nghiên cứu/năm. Hiện nay, Springer là một trong những nhà xuất bản giàu truyền thống và có uy tín hàng đầu, nơi thường được các nhà nghiên cứu tin cậy tìm đến bởi các tạp chí khoa học chất lượng. Hầu hết các nhà khoa học được giải Nobel đều đã có công trình được đăng tại các tạp chí của Springer. Springer hiện có các văn phòng chính ở Berlin, Heidelberg, Dordrecht, và Thành phố New York
 

Văn Công - Thanh Tú Và các cộng tác viên

FullName Email
Address Security code TZKIDK
Content