Khoa Kế toán Kiểm toán (Vi)
 Search

Hội thảo khoa học “Đánh giá kết quả tái cấu trúc ngân hàng và xử lý nợ xấu”

Hơn 200 đại biểu đã tham dự hội thảo
Hội thảo diễn ra ngày 6/10/2015, do Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN phối hợp với Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (Vietinbank) tổ chức với mục tiêu đánh giá kết quả tái cấu trúc ngân hàng căn cứ vào thông lệ quốc tế và tập trung làm rõ việc xử lý nợ xấu đòi hỏi nỗ lực của nhiều bên, trong đó có Ngân hàng Nhà nước, tòa án, cơ quan thi hành pháp luật, ngân hàng thương mại, khách nợ, VAMC và các cơ quan quản lý liên quan khác.

Hội thảo đồng thời tổng kết kinh nghiệm quốc tế, những khía cạnh pháp luật và kỹ thuật nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho việc giải quyết nợ xấu của hệ thống ngân hàng.
Chủ đề hội thảo đã thu hút hơn 200 đại biểu tham dự là đại diện các cơ quan quản lý và hoạch định chính sách, các chuyên gia đầu ngành về tài chính ngân hàng, đại diện lãnh đạo của một số ngân hàng thương mại (NHTM) và các trường đại học, học viện về kinh tế, quản lý. Đại diện lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước - Phó Thống đốc PGS.TS. Nguyễn Kim Anh đã tới tham dự.
Đồng chủ tọa hội thảo là đại diện của Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN, PGS.TS. Nguyễn Hồng Sơn - Hiệu trưởng và ông Phạm Huyền Anh - Phó Chánh thanh tra, Thanh tra giám sát Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.



PGS.TS Nguyễn Hồng Sơn - Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN phát biểu khai mạc hội thảo


Phó Thống đốc PGS.TS. Nguyễn Kim Anh tham dự hội thảo (Ảnh: Hoài Mỹ)


Tại hội thảo, 4 bài tham luận đã được trình bày bởi các diễn giả là chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng trong nước và quốc tế như: TS. Cấn Văn Lực - Cố vấn cao cấp của Chủ tịch BIDV, Giám đốc trường đào tạo BIDV đánh giá kết quả tái cấu trúc NHTM Việt Nam căn cứ theo các thông lệ quốc tế; PGS.TS Trần Thị Thanh Tú - Chủ nhiệm Khoa Tài chính - Ngân hàng (Trường Đại học Kinh tế, ĐHQGHN) phân tích về những nhân tố ảnh hưởng đến nợ xấu trên cơ sở những kết quả kiểm định từ các NHTM niêm yết; TS. Nguyễn Quốc Hùng - Chủ tịch VAMC trình bày những khó khăn và thuận lợi của VAMC khi xử lý nợ xấu của hệ thống ngân hàng; TS. Lê Thị Thanh Tâm - Chủ nhiệm Bộ môn Ngân hàng thương mại, Viện Ngân hàng tài chính, Đại học Kinh tế Quốc dân chia sẻ kinh nghiệm quốc tế về xử lý nợ xấu qua mô hình công ty quản lý tài sản…



Phần trình bày tham luận của TS. Cấn Văn Lực



TS. Nguyễn Quốc Hùng trình bày về việc VAMC xử lý nợ xấu của các TCTD


TS. Lê Thị Thanh Tâm chia sẻ kinh nghiệm quốc tế về xử lý nợ xấu qua mô hình công ty quản lý tài sản



PGS.TS Trần Thị Thanh Tú phân tích về những nhân tố ảnh hưởng đến nợ xấu trên cơ sở những kết quả kiểm định từ các NHTM niêm yết

Ngoài ra, Hội thảo cũng nghe đại diện của Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam chia sẻ kinh nghiệm xử lý nợ xấu tại Vietinbank


Tham gia phản biện chính cho các tham luận là các chuyên gia trong lĩnh vực tài chính ngân hàng gồm
TS. Hà Huy Tuấn - Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia, PGS.TS. Đào Văn Hùng - Giám đốc Học viện Chính sách phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), TS. Nguyễn Thanh Hương - nguyên Vụ trưởng Vụ Tài chính Kế toán (Ngân hàng Nhà nước).
Hội thảo nhận được nhiều ý kiến từ các học giả, các chuyên gia thực tiễn, các nhà quản lý, hoạch định chính sách trong lĩnh vực tài chính ngân hàng như ông Trương Đình Tuyển - nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại, ông Lê Đăng Doanh, ông Bùi Ngọc Sơn, ông Nguyễn Quang Thái, ông Nguyễn Quang… trao đổi, thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm tái cấu trúc hệ thống các ngân hàng và xử lý nợ xấu tại Việt Nam và trên thế giới.

Hội thảo nhận được nhiều ý kiến phản biện, trao đổi từ các chuyên gia và đại biểu


Theo ý kiến của các chuyên gia, tiến trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng tại Việt Nam trong thời gian qua đã đi đúng hướng theo thông lệ quốc tế. Tuy nhiên, để có thể hoàn thành tốt nhiệm vụ này chúng ta cần tiếp tục triển khai đồng bộ các biện pháp nhằm kiểm soát mức nợ xấu, phối hợp chặt chẽ các cơ quan có liên quan để đảm bảo quá trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng được triển khai với 3 lĩnh vực kinh tế khác là: tái cơ cấu doanh nghiệp, đầu tư công và nông nghiệp.
Đối với hoạt động của VAMC, các chuyên gia nhất trí cho rằng mô hình hoạt động của VAMC trong thời gian qua là có hiệu quả trong việc hỗ trợ cho các tổ chức tín dụng (TCTD) xử lý vấn đề nợ xấu, đem lại những lợi ích đáng kể cho Nhà nước, các khách hàng vay tiền cũng như bản thân các TCTD. Tuy nhiên hoạt động của VAMC cũng gặp nhiều khó khăn trong vấn đề cơ cấu nợ, thu giữ và phát mại tài sản cũng như thu hồi nợ. Do đó để hỗ trợ nâng cao tính hiệu quả hoạt động của VAMC trong thời gian tới cần nhanh chóng xây dựng một hành lang pháp lý xử lý nợ.
Hội thảo cũng nhận được các ý kiến chia sẻ, đóng góp và đề xuất về các giải pháp, khuyến nghị cho cơ quan quản lý nhà nước, các NHTM góp phần thực hiện thành công nhiệm vụ trọng tâm của đề án Tái cơ cấu các tổ chức tín dụng giai đoạn 2015-2020. Các ý kiến đề xuất trong hội thảo sẽ được Cơ quan Thanh tra Giám sát Ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước tham khảo, nghiên cứu phục vụ cho hoạt động quản lý, giám sát hệ thống ngân hàng Việt Nam hiện nay.


_________________________
Xem thêm thông tin về hội thảo:

- Thời báo Ngân hàng: Xử lý nợ xấu: Hạt nhân của tái cơ cấu ngân hàng

- CafeF: Xử lý nợ xấu: Có tiền cũng chưa chắc đã làm được?

- Vtv.vn: Xử lý nợ xấu là quá trình phức tạp

- Taichinhplus.vn: "NHNN sẽ thoái vốn, bán cổ phần các ngân hàng 0 đồng"

- Taichinhplus.vn: Tái cơ cấu ngân hàng và xử lý nợ xấu: Khó như "ngàn cân treo sợi tóc"!

- Taichinhplus.vn: VAMC thu hồi nợ xấu đã... vượt kế hoạch!

- Taichinhplus.vn: "Từ nay đến cuối năm sẽ xử lý tiếp 3 cặp ngân hàng sở hữu chéo"





Tin: Khoa Tài chính - Ngân hàng Ảnh: Đỗ Chiêm

FullName Email
Address Security code PYBNNN
Content