Khoa Kế toán Kiểm toán (Vi)
 Search

Hội thảo quốc tế Quản trị công ty trong tái cấu trúc ngân hàng

TS. Everrett Meyer (ngoài cùng bên trái) - Học giả Fullbright, Đại học New York (Mỹ) trao đổi tại hội thảo
Ngày 26/5/2015, Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN phối hợp với Cơ quan Thanh tra Giám sát Ngân hàng và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) tổ chức hội thảo “Quản trị công ty trong tái cấu trúc ngân hàng” nhằm công bố kết quả thực hiện của Dự án “Nâng cao năng lực quản trị công ty của các ngân hàng thương mại Việt Nam” do Ngân hàng Thế giới tài trợ.

Hội thảo đã thu hút gần 200 đại biểu đến từ các cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan hoạch định chính sách, trường đại học, viện nghiên cứu và các ngân hàng thương mại (NHTM).

Đại diện lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có: ông Phạm Huyền Anh - Phó chánh thanh tra Cơ quan Thanh tra Giám sát Ngân hàng, TS. Nguyễn Thanh Hương - Vụ trưởng Vụ Tài chính Kế toán, TS. Hoàng Việt Trung - Phó Giám đốc NHNN Hà nội, TS. Nguyễn Đức Hiển - Viện trưởng Viện Chiến lược Ngân hàng; đại diện Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia - TS. Hà Huy Tuấn, đại diện lãnh đạo Ủy ban Chứng khoán nhà nước - TS. Lê Xuân Nghĩa, Vụ Trưởng Vụ Phát triển thị trường - TS. Nguyễn Sơn, Vụ trưởng Vụ Quản lý Quỹ - ông Nguyễn Hải Nam, Phó Tổng giám đốc Bảo hiểm Tiền gửi VN (DIV) - bà Phạm Bảo Khánh; đại diện Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) cùng đông đảo các chuyên gia, nhà khoa học, giảng viên, nghiên cứu sinh và học viên cao học đến từ Trường Đại học Kinh tế (ĐHKT) - ĐHQGHN, Đại học Kinh tế Quốc dân, Học viện Chính sách Phát triển, Học viện Ngân hàng và đặc biệt là lãnh đạo các NHTM như: Vietcombank, Vietinbank, BIDV, Quân đội, Quốc tế, Kỹ thương, Đại Dương...; TS Nguyễn Anh Thu - Phó Hiệu trưởng Trường ĐHKT - ĐHQGHN đã tham dự hội thảo.

Trong khuôn khổ hội thảo, 4 tham luận đã được trình bày bởi các diễn giả là chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng trong nước và quốc tế. TS. Everrett Meyer - Học giả Fullbright, Đại học New York (Mỹ) chia sẻ về kinh nghiệm quản trị công ty trong khủng hoảng tài chính toàn cầu và bài học rút ra cho Việt Nam. Bà Nguyễn Thị Nguyệt Anh - chuyên gia về quản trị công ty của Công ty Tài chính Quốc tế, Ngân hàng Thế giới (IFC) chia sẻ kinh nghiệm đánh giá quản trị công ty của IFC và các gợi ý chính sách cho Việt Nam. TS. Cấn Văn Lực - Cố vấn cấp cao của Hội đồng Quản trị, Hàm Phó Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP BIDV, Giám đốc Trường đào tạo BIDV trình bày kết quả đánh giá quản trị công ty trong các ngân hàng thương mại Việt Nam. Và PGS.TS Trần Thị Thanh Tú - Chủ nhiệm Khoa Tài chính - Ngân hàng, Trường ĐHKT - ĐHQGHN, trưởng nhóm tư vấn Dự án “Nâng cao năng lực quản trị công ty cho lãnh đạo ngân hàng thương mại Việt Nam” trình bày Báo cáo tổng kết thực hiệndự án sau gần 1 năm thực hiện.

Theo đó, với nỗ lực của nhóm nghiên cứu cùng sự hỗ trợ của DIV, VNBA, dự án đã kết thúc với 100% các chỉ số đầu ra được hoàn thành vượt mức; có tác động lan tỏa mạnh đến các lãnh đạo NHTM và các đối tượng thụ hưởng khác. Đặc biệt, trang web đào tạo trực tuyến của dự án thu hút gần 2000 lượt truy cập (http://elearning.uebquantricongty.info/) và khóa học trực tiếp trên lớp với các chuyên gia trong và ngoài nước được học viên là các lãnh đạo NHTM đánh giá cao.


Hội thảo thu hút gần 200 đại biểu quan tâm tham dự


Bên cạnh các tham luận, hội thảo cũng giới thiệu cuốn Kỷ yếu gồm 9 bài nghiên cứu tập trung vào chủ đề của hội thảo như: nghiên cứu kiểm chứng mối quan hệ giữa quản trị công ty và rủi ro tín dụng, phân tích tác động của cấu trúc sở hữu đến kết quả hoạt động của các NHTMVN, mối liên hệ giữa khủng hoảng tài chính và quản trị công ty trong lĩnh vực ngân hàng, nghiên cứu bài học thành công v quản trị công ty của một NHTM điển hình, kiểm chứng mối quan hệ giữa công bố thông tin và kết quả hoạt động của các ngân hàng niêm yết…

Qua hai phiên thảo luận sôi nổi, các phát biểu, tham luận và ý kiến chia sẻ tại hội thảo đều cho thấy tầm quan trọng của Quản trị công ty (QTCT) trong các ngân hàng Việt Nam, đồng thời chia sẻ kinh nghiệm và thông lệ quốc tế về QTCT trong ngân hàng trên thế giới. Các ý kiến cũng phân tích, đánh giá những mối quan hệ cốt lõi trong quản trị công ty như: công bố thông tin, cấu trúc sở hữu, vai trò của hội đồng quản trị và ban kiểm soát đến rủi ro và hiệu quả hoạt động của ngân hàng. Qua đây, các tham luận và ý kiến phát biểu đã đề xuất gợi ý chính sách nhằm nâng cao năng lực QTCT của các NHTM Việt Nam theo chuẩn quốc tế, góp phần thực hiện thành công nhiệm vụ trọng tâm của đề án Tái cơ cấu các tổ chức tín dụng giai đoạn 2015-2020. Các ý kiến đề xuất trong hội thảo sẽ được Cơ quan Thanh tra Giám sát Ngân hàng và Ngân hàng Nhà nước tham khảo, nghiên cứu phục vụ cho hoạt động quản lý, giám sát hệ thống ngân hàng Việt Nam hiện nay.

Hội thảo kết thúc mở ra một diễn đàn khoa học cho các nhà nghiên cứu, học giả trong nước và quốc tế trong lĩnh vực tài chính ngân hàng, các chuyên gia thực tiễn và đặc biệt là các lãnh đạo NHTM. Nhóm nghiên cứu chuyên sâu về Quản trị công ty trong ngân hàng của Khoa TCNH, Trường ĐHKT - ĐHQGHN hy vọng sẽ trở thành một “địa chỉ tin cậy” để tổ chức, thực hiện các nghiên cứu, dự án, hợp tác về quản trị công ty trong ngân hàng, kết nối được các nhà khoa học trong và ngoài nước, góp phần củng cố và khẳng định vị thế nghiên cứu của Trường ĐHKT nói chung và Khoa TCNH nói riêng.
Sau đây là một số hình ảnh tại hội thảo:


Ông Phạm Huyền Anh - Phó chánh thanh tra Cơ quan Thanh tra Giám sát Ngân hàng


Bà Nguyễn Thị Nguyệt Anh - chuyên gia về quản trị công ty của Công ty Tài chính Quốc tế, Ngân hàng Thế giới


TS. Cấn Văn Lực - Cố vấn cấp cao của Hội đồng Quản trị Ngân hàng TMCP BIDV


PGS.TS Trần Thị Thanh Tú, Chủ nhiệm Khoa Tài chính - Ngân hàng, Trường ĐHKT- ĐHQGHN


Các chuyên gia, đại biểu trao đổi sôi nổi tại hội thảo.



Các diễn giả và chuyên gia chụp ảnh lưu niệm.
____________________

Xem thêm thông tin về hội thảo:

- An ninh tiền tệ và Truyền thông: Hướng đi mới cho vấn đề quản trị công ty tại Việt Nam

- Thời báo Ngân hàng: Chia sẻ kinh nghiệm về quản trị công ty trong lĩnh vực ngân hàng

Tin: Trần Thế Nữ (Khoa KTKT) - Ảnh: Đỗ Chiêm

FullName Email
Address Security code GVOQAH
Content