Khoa Kế toán Kiểm toán (Vi)
 Search

Hội thảo Nhận diện Kinh tế Chính trị hiện đại: Quan điểm và cách tiếp cận

Chiều 10/11/2014, Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN, Khoa Kinh tế Chính trị đã tổ chức thành công Hội thảo khoa học “Nhận diện Kinh tế Chính trị hiện đại: Quan điểm và cách tiếp cận”.

Tham dự Hội thảo có PGS.TS Lê Cao Đoàn - Viện Kinh tế Việt Nam, GS.TS Trần Ngọc Hiên - Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, PGS.TS Nguyễn Duy Dũng - Viện Nghiên cứu Đông Nam Á, TS. Bùi Đại Dũng - Khoa Kinh tế Phát triển cùng các giảng viên, nghiên cứu sinh và học viên cao học Khoa KTCT.

Mở đầu Hội thảo, TS. Trần Quang Tuyến - Phó Chủ nhiệm Khoa KTCT đã phát biểu khai mạc, nêu rõ mục đích, tầm quan trọng của Hội thảo khoa học lần này và giới thiệu các đại biểu tham dự trong, ngoài Trường. Tiếp đó, PGS.TS Phạm Văn Dũng - Chủ nhiệm Khoa KTCT đã trình bày báo cáo “Đánh giá về 40 năm đào tạo và NCKH của khoa KTCT - Trường ĐHKT, ĐHQGHN”. Báo cáo đề cập đến một số điểm chính về tầm quan trọng của KTCT cũng như gợi ý các vấn đề liên quan đến KTCT đã được đặt ra và đòi hỏi cần phải được giải quyết trong tình hình hiện nay.


Tại Hội thảo, PGS.TS Lê Cao Đoàn đã trình bày tham luận “Kinh tế chính trị hiện đại nhìn từ góc độ lịch sử”, bàn về sự cần thiết và ý nghĩa của KTCT hiện đại đối với sự phát triển của khoa học và thực tiễn, đối tượng và phương pháp nghiên cứu của KTCT,... Ông đã đưa ra kết luận rằng, sự phát triển của kinh tế trong bối cảnh mới dẫn đến việc cần phải thay đổi đối tượng, phương pháp và nội dung nghiên cứu của KTCT.

Cũng tại đây, GS.TS Trần Ngọc Hiên đã trình bày tham luận về “Tầm nhìn và phương pháp: Nhận diện KTCT hiện đại”. Tham luận đã khẳng định hướng nghiên cứu của Khoa KTCT là đúng đắn; đề xuất dùng khái niệm: Tầm nhìn và phương pháp “Nhận diện KTCT hiện đại” để phân tích quá trình biến đổi KTCT đã có với KTCT hiện đại đầu thế kỷ XXI để phù hợp với thực tiễn biến đổi sâu và nhanh, để vượt khỏi tư duy và phương pháp cũ tách rời thực tiễn. ..

Hội thảo còn được nghe các đại biểu tham dự trao đổi, thảo luận đưa ra nhiều ý kiến đóng góp quan trọng, thiết thực đối với chuyên ngành KTCT. Mở đầu phần thảo luận,PGS.TS Lê Danh Tốn - Giảng viên Khoa KTCT đã cho rằng việc tổ chức chuỗi hội thảo KTCT là một hoạt động khoa học có ý nghĩa, những vấn đề đặt ra nghiên cứu rất bổ ích đối với cả giảng viên và các nhà khoa học. Ông cũng yêu cầu cần làm rõ hơn nữa các cụm từ: KTCT hiện đại; biểu hiện của KTCT hiện đại ở Việt Nam.

PGS.TS Nguyễn Duy Dũng -  Viện Nghiên cứu Đông Nam Á cho rằng Hội thảo cần phân biệt KTCT với KTCT Mác - Lênin để xác định rõ đối tượng và chức năng của nó; bàn về vai trò, tầm quan trọng của KTCT dưới con mắt của các học giả quốc tế và Việt Nam; và cần tập hợp các chuyên gia kinh tế để cùng nghiên cứu.

Kết thúc Hội thảo, PGS.TS Phạm Văn Dũng đã cám ơn các đại biểu tới tham dự Hội thảo và có những ý kiến đóng góp quý báu, thiết thực cho Khoa KTCT. Đồng thời, ông bày tỏ mong muốn Khoa KTCT sẽ tiếp tục tổ chức được nhiều Hội thảo khoa học có ý nghĩa thiết thực và thành công hơn nữa.

Tin: Vân Anh - Ảnh: Nguyễn Kha

FullName Email
Address Security code RMZHVO
Content