Khoa Kế toán Kiểm toán (Vi)
 Search

BÁO CÁO TƯ VẤN CHÍNH SÁCH VỀ THAO TÚNG BÁO CÁO TÀI CHÍNH CỦA CÁC CÔNG TY NIÊM YẾT TẠI VIỆT NAM

Trong khuôn khổ đề tài NCKH cấp ĐHQG về “Thao túng báo cáo tài chính của các công ty niêm yết và tác động đến thị trường chứng khoán Việt Nam” (mã số QG.16.57), nhóm nghiên cứu Khoa Kế toán Kiểm toán, Trường ĐH Kinh tế, ĐHQG Hà Nội đã xuất bản 01 cuốn sách chuyên khảo “Thao túng báo cáo tài chính của các công ty niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam”.


  • Chù biên: TS. Nguyễn Thị Hương Liên, Trường ĐH Kinh tế - ĐHQGHN
  • Thành viên chính tham gia: ThS. Bùi Thị Tĩnh (Công ty Kiểm toán AVINA IAFC), TS. Nguyễn Thị Hồng Thúy, TS. Nguyễn Thị Phương Dung, TS. Nguyễn Thị Thanh Hải, TS. Đỗ Kiều Oanh, ThS. Nguyễn Thị Hải Hà, ThS. Đỗ Quỳnh Chi (Trường ĐH Kinh tế, ĐHQG Hà Nội).

Sách chuyên khảo tập trung nghiên cứu các hành vi thao túng BCTC phổ biến trên thị trường chứng khoán Việt Nam, làm rõ các dấu hiệu nhận biết và các nhân tố ảnh hưởng đến thao túng BCTC của công ty niêm yết, phân tích tác động kinh tế của thao túng BCTC tại các công ty niêm yết, nghiên cứu bài học kinh nghiệm của Hoa Kỳ và các thị trường mới nổi, phân tích thực trạng cơ sở pháp lý trong giám sát thông tin công bố của các công ty niêm yết tại Việt Nam, đồng thời đề xuất một số giải pháp hoàn thiện hành lang pháp lý đối với thao túng BCTC của các CTNY trên TTCK Việt Nam.

Thứ nhất, nghiên cứu đã nhận diện được các hành vi thao túng BCTC phổ biến trên thị trường chứng khoán Việt Nam.

Dựa trên cơ sở lý luận và tổng quan nghiên cứu về thao túng BCTC, nghiên cứu đã khảo sát về mức độ phổ biến của 43 hành vi thao túng báo cáo tài chính, được chia thành 04 nhóm hành vi có ảnh hưởng đến Bảng cân đối kế toán, Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh, Báo cáo lưu chuyển tiền tệ và Thuyết minh BCTC, sử dụng thang đo Likert 5 cấp độ để đo lường mức độ phổ biến của các hành vi thao túng BCTC. Nhìn chung, các nhà đầu tư đều cho rằng các hành vi thao túng báo cáo tài chính trên thị trường chứng khoán Việt Nam được thực hiện phổ biến và rất phổ biến. Mức điểm đánh giá chung là 3.490 và 35/43 hành vi được khảo sát có mức điểm trên 3 cho thấy thực trạng các công ty niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam thường sử dụng rất nhiều hành vi thao túng BCTC khác nhau để điều chỉnh số liệu tài chính theo mong muốn.
Thao túng báo cáo tài chính của các công ty niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam có thể được thực hiện dưới nhiều hình thức đa dạng với các mức độ phổ biến khác nhau, liên quan tới nhiều khoản mục trên báo cáo tài chính. Kết quả khảo sát các nhà đầu tư cá nhân trên thị trường chứng khoán Việt Nam cho thấy năm hành vi thao túng BCTC phổ biến nhất của các công ty niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam bao gồm: (1) ghi nhận nợ phải thu (và doanh thu) quá mức; (2) điều chỉnh các khoản trích lập dự phòng để ghi giảm chi phí; (3) chuyển thu nhập của kỳ này sang kỳ sau; (4) không ghi nhận chi phí phải trả (thực tế đã phát sinh nhưng chưa nhận được hóa đơn) và (5) không công bố đầy đủ giao dịch với các bên liên quan.

Thứ hai, nghiên cứu đã làm rõ được các dấu hiệu nhận biết và các nhân tố ảnh hưởng đến thao túng BCTC của công ty niêm yết.

Các dấu hiệu cảnh báo hành vi thao túng BCTC được tổng hợp thành các dấu hiệu cảnh báo ghi nhận doanh thu sớm, ghi nhận doanh thu ảo, sử dụng nghiệp vụ không thường xuyên, chuyển chi phí kỳ này sang kỳ sau, sử dụng các kỹ thuật khác để che giấu chi phí hoặc che giấu lỗ.

Kết quả khảo sát các nhà đầu tư cho thấy các nhân tố có ảnh hưởng nhiều nhất tới các hành vi thao túng BCTC của các công ty niêm yết bao gồm:

§ Hoàn thành các chỉ tiêu tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận để được khen thưởng và các phúc lợi khác

§ Đòn bẩy tài chính cao, khó tiếp cận vốn vay ngân hàng

§ Ban giám đốc gây sức ép với nhân viên hoàn thành chỉ tiêu kinh doanh bằng mọi giá

§ Cơ chế giám sát của kiểm toán nội bộ còn hạn chế do chưa đảm bảo tính độc lập, khách quan

§ Ban giám đốc quá chú trọng việc tăng giá của cổ phiếu

Thứ ba, nghiên cứu đã phân tích được tác động kinh tế của thao túng BCTC của các công ty niêm yết.
Qua kết quả khảo sát, thao túng BCTC có thể gây thiệt hại trước hết đối với các nhà đầu tư, cụ thể, nhà đầu tư bị thiệt hại do việc ra quyết định mua, bán cổ phiếu sai lầm. Điều này dẫn đến hậu quả nhà cho vay không thu hồi được nợ do quyết định cho vay sai lầm. Bên cạnh đó, thao túng BCTC còn gây tác động tiêu cực với chính bản thân doanh nghiệp, biểu hiện ở giá cổ phiếu sụt giảm, làm giảm mức vốn hóa thị trường; đồng thời, bị sụt giảm doanh số do khách hàng mất lòng tin và chuyển sang nhà cung cấp khác. Các doanh nghiệp còn có thể mất cơ hội kinh doanh, bị giảm khả năng sinh lời do bị nhà cho vay từ chối cho vay.
Nhìn chung, các nhà đầu tư được khảo sát đều đánh giá chung mức độ thiệt hại của thao túng BCTC đối với toàn bộ nền kinh tế ở mức 3.8651 (xấp xỉ mức thiệt hại lớn) theo thang đo Likert 5 cấp độ. Đây là dấu hiệu chỉ báo tác động tiêu cực và mức độ thiệt hại do thao túng BCTC gây ra cho các bên liên quan và cho toàn bộ nền kinh tế đang ở mức cao, cần sự kiểm soát và giám sát chặt chẽ hơn của các cơ quan quản lý Nhà nước để đảm bảo quyền lợi cho các chủ thể tham gia thị trường và lành mạnh hóa thị trường chứng khoán Việt Nam.

Thứ tư, các tình huống điển hình về thao túng BCTC tại Hoa Kỳ và các thị trường mới nổi được phân tích chuyên sâu và rút ra bài học kinh nghiệm đối với Việt Nam.

Nghiên cứu đã làm rõ được các hành vi kế toán sáng tạo thông qua các nghiệp vụ ngoại bảng tại Hoa Kỳ, bao gồm nghiệp vụ hàng gửi bán, thỏa thuận bán hàng và mua lại, giao dịch bán và thuê lại, mua bán nợ hoặc khoản phải thu. Đồng thời, nghiên cứu đã phân tích được nguyên nhân sụp đổ, động cơ thực hiện kế toán sáng tạo của các vụ bê bối tài chính lớn trên thế giới nhằm đúc rút kinh nghiệm cho các công ty niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Đó là bài học về quản trị nội bộ, cách thức ứng phó khủng hoảng của ban điều hành cấp cao và tăng cường giám sát chất lượng thông tin báo cáo tài chính nhằm ổn định môi trường kinh doanh và minh bạch hóa thông tin của các công ty niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam.
Qua nghiên cứu bốn trường hợp thao túng BCTC điển hình tại các thị trường mới nổi (Trung Quốc, Ấn Độ và Thái Lan), nghiên cứu đã tổng hợp được các hành vi gian lận phổ biến, làm rõ cách thức thực hiện hành vi gian lận, phân tích mức độ tinh vi trong việc thực hiện các hành vi gian lận giữa các quốc gia, đồng thời xác định được mức độ thiệt hại khi các công ty cố tình thực hiện hành vi thao túng BCTC.

Thứ năm, nghiên cứu đã phân tích được thực trạng thao túng BCTC ở Việt Nam

Đề tài đã lựa chọn nghiên cứu các gian lận BCTC điển hình của các công ty niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam trong giai đoạn 2010-2015, bao gồm gian lận của Công ty cổ phần Bông Bạch Tuyết, Công ty dược Cửu Long, ngân hàng xuất nhập khẩu Eximbank, Công ty Gỗ Trường Thành, Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam,... Trên cơ sở phân tích số liệu thống kê về chênh lệch số liệu trước và sau kiểm toán của các công ty niêm yết, kết quả nghiên cứu cho thấy thao túng BCTC đã trở thành xu hướng phổ biến và được thực hiện ngày càng tinh vi hơn với mức hậu quả gây ra ngày càng nặng nề hơn. Thực tế hoạt động của các công ty niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam cho thấy có nhiều lý do khiến các bản BCTC không minh bạch và một trong số đó là cổ phiếu bị đánh giá quá cao. Giá cổ phiếu cao đồng nghĩa với kỳ vọng cao của nhà đầu tư về khả năng sinh lợi của công ty, từ đó gây sức ép lên ban lãnh đạo công ty buộc phải tạo ra mức lợi nhuận tương ứng nếu không muốn nhận phản ứng tiêu cực từ thị trường. Mặt khác, ban lãnh đạo công ty cũng nắm giữ một số lượng lớn cổ phiếu, nên bản thân họ không muốn giá cổ phiếu bị sụt giảm. Những lý do này khiến các nhà quản lý khó có lựa chọn nào khác hơn là tìm những thủ thuật để làm đẹp báo cáo tài chính, và đây được coi là biện pháp đối phó hữu hiệu nhằm tạo ra ảo tưởng công ty đang làm ăn phát đạt.

Thứ sáu, nghiên cứu đã phân tích được thực trạng cơ sở pháp lý trong giám sát thông tin công bố của các công ty niêm yết.

Trên thị trường chứng khoán, thông tin công bố của các công ty niêm yết ảnh hưởng trực tiếp tới quyết định của nhà đầu tư. Do đó, các công ty niêm yết trên thị trường chứng khoán ngoài việc tuân thủ các quy định về công bố thông tin thông thường theo Luật doanh nghiệp và Luật kế toán còn thuộc phạm vi điều chỉnh, giám sát của hệ thống văn bản pháp luật về công bố thông tin trong Luật chứng khoán và các nghị định, thông tư có liên quan. Theo quy định hiện hành tại Thông tư 155/2015/TT-BTC và Thông tư 121/2012/TT-BTC, thông tin công bố của các công ty niêm yết đều phải báo cáo và chịu sự giám sát của UBCK Nhà nước và SGD chứng khoán nơi công ty niêm yết. Việc giám sát các công ty đại chúng được thực hiện theo 2 cấp giám sát, chức năng, nhiệm vụ mỗi cấp được quy định trong Quyết định số 48/2015/QĐ-TTg – Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ủy ban chứng khoán Nhà nước trực thuộc Bộ Tài chính, có hiệu lực thi hành từ 01/12/2015.
Bên cạnh đó, toàn bộ thông tin báo cáo tài chính của các công ty niêm yết đều bắt buộc phải kiểm toán đối với báo cáo tài chính năm và soát xét với báo cáo tài chính bán niên. Như vậy, nếu Sở giao dịch chứng khoán và Ủy ban chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) giám sát về tính đầy đủ, kịp thời của báo cáo thì tổ chức kiểm toán đóng vai trò quan trọng trong kiểm soát chất lượng thông tin trên BCTC. Thực hiện kiểm toán và soát xét cho các công ty niêm yết phải là các tổ chức kiểm toán được UBCKNN chấp thuận. Hàng năm, UBCKNN công bố danh sách các công ty kiểm toán này trên các trang thông tin điện tử và phương tiện thông tin đại chúng.
Như vậy, khung pháp lý trong lĩnh vực chứng khoán đã từng bước được bổ sung và hoàn thiện, đồng bộ từ luật đến các nghị định, thông tư hướng dẫn thi hành luật, các quy định xử phạt, có sự kết hợp chặt chẽ giữa các Bộ, Ban, ngành. Đồng thời, các thông tư và quyết định được sửa đổi, bổ sung và thay thế, đảm bảo tính cập nhật theo các diễn biến trên thị trường và thực tiễn hoạt động của doanh nghiệp, khắc phục các điểm chưa chặt chẽ và chưa hợp lý còn tồn tại. Tuy nhiên, phạm vi, đối tượng thanh tra, kiểm tra ngày càng rộng, khối lượng công việc ngày càng lớn, các vi phạm trên thị trường ngày càng tinh vi, phức tạp, khó phát hiện và xử lý, trong khi thẩm quyền của UBCKNN trong công tác thanh tra, giám sát hiện nay còn hạn chế. Công tác giám sát trên thị trường chứng khoán có liên quan đến nhiều đơn vị trong và ngoài UBCKNN, đối tượng giám sát đa dạng, trong khi quy trình thực hiện và phối hợp giám sát của UBCKNN và các cơ quan, đơn vị có liên quan còn chưa hoàn thiện. Khung pháp lý cần tiếp tục hoàn chỉnh và công tác quản lý của nhà nước cần thực sự nghiêm minh bởi điều này đảm bảo quyền lợi hợp pháp của các nhà đầu tư; đảm bảo tính hiệu quả, công bằng và minh bạch trong giao dịch chứng khoán; đảm bảo dung hoà lợi ích của các chủ thể tham gia trên thị trường; hạn chế những gian lận phát sinh gây tác động xấu đến thị trường và kiểm soát các rủi ro dẫn đến rủi ro hệ thống làm sụp đổ thị trường.


Các khuyến nghị trọng yếu:

Nghiên cứu đã đề xuất được một số giải pháp hoàn thiện hành lang pháp lý đối với thao túng BCTC của các CTNY trên TTCK Việt Nam.
Trước hết, đối với các công ty niêm yết, cần sớm áp dụng chuẩn mực lập và trình bày BCTC quốc tế (IFRS) để tăng cường trách nhiệm giải trình và nâng cao tính minh bạch của BCTC. Đồng thời, cần quy định vai trò của bộ phận kiểm toán nội bộ đối với việc kiểm tra, soát xét BCTC trước khi công bố; yêu cầu thiết lập Ủy ban kiểm toán trong các đơn vị có lợi ích công chúng. Bên cạnh đó, các thông tin tài chính trong bản cáo bạch của tổ chức phát hành và BCTC quý của các tổ chức niêm yết cần phải được kiểm tra, soát xét. Hệ thống kiểm soát nội bộ của các đơn vị có lợi ích công chúng cần phải được kiểm tra, soát xét bởi doanh nghiệp kiểm toán.
Đối với cơ quan quản lý Nhà nước, Bộ Tài chính, UBCK Nhà nước và Hội kiểm toán viên hành nghề Việt Nam (VACPA) cần phối hợp xây dựng bộ chỉ số chất lượng kiểm toán để đảm bảo tính lành mạnh trong cạnh tranh giá phí kiểm toán, nâng cao chất lượng kiểm toán và các thông tin được công bố trên thị trường chứng khoán. Bộ chỉ số giúp đơn vị được kiểm toán và các cổ đông lựa chọn được doanh nghiệp kiểm toán có các chỉ số tốt, thể hiện khả năng cung cấp dịch vụ kiểm toán chất lượng cao. Bộ chỉ số sẽ cung cấp cơ sở thống nhất cho việc so sánh chất lượng giữa các cuộc kiểm toán và giữa các doanh nghiệp kiểm toán.
Ngoài ra, UBCKNN cần tổ chức thường xuyên hoặc định kỳ việc cảnh báo các vấn đề dễ có khả năng gian lận hoặc cần tập trung kiểm tra trong từng giai đoạn/thời kỳ với doanh nghiệp kiểm toán được chấp thuận kiểm toán cho đơn vị có lợi ích thuộc lĩnh vực chứng khoán. Thêm vào đó, cần quy định các hình thức xử phạt hành vi thao túng BCTC nghiêm khắc hơn bởi hiện nay, các biện pháp xử phạt hành vi thao túng BCTC chưa được quy định đầy đủ, rõ ràng, ví dụ, các mức phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế toán, kiểm toán trong Nghị định 105/2013/NĐ-CP đưa ra mức phạt tiền còn thấp, chưa đủ sức răn đe.

TS. Nguyễn Thị Hương Liên, Phó trưởng khoa KTKT

FullName Email
Address Security code YKKTGC
Content