Khoa Kinh tế Phát triển (VN)
 Search

Trường Đại học Kinh tế: Mở mới Chương trình Thạc sĩ Kinh tế biển

Chương trình đào tạo sẽ cung cấp các kiến thức liên quan đến kinh tế biển (Ảnh minh họa - Nguồn: internet)
Ngày 1/8/2016, Đại học Quốc gia Hà Nội đã ban hành quyết định số 2236/QĐ-ĐHQGHN về việc phê duyệt Đề án mở chương trình đào tạo chất lượng cao theo đặc thù đơn vị chuyên ngành Kinh tế biển. Đây là chương trình lần đầu tiên được thiết kế và triển khai ở Việt Nam. Chương trình do Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN tổ chức thực hiện. Theo kế hoạch, chương trình sẽ bắt đầu tuyển sinh khóa đầu tiên vào tháng 4/2017.

Chương trình Thạc sĩ Kinh tế biển được thiết kế theo định hướng ứng dụng. Ngoài những học phần cung cấp các kiến thức căn bản liên quan đến kinh tế biển và các học phần chuyên sâu về lĩnh vực kinh tế, quản lý kinh tế biển, chương trình còn cung cấp cho học viên 3 buổi nói chuyện chuyên đề liên quan đến các vấn để mới, thời sự có liên quan đến chương trình đào tạo. Khách mời các buổi nói chuyện là những chuyên gia cao cấp về kinh tế biển trong và ngoài nước giảng dạy.

Với mỗi khóa học, học viên sẽ tham gia 2 chuyến thực tế tới các khu vực phát triển kinh tế biển ở Việt Nam như: các khu công nghiệp, khu chế xuất, cụm cảng biển, khu bảo tồn đa dạng sinh vật biển kết hợp với phát triển nghề cá và phát triển du lịch. Thêm vào đó, chương trình còn thiết kế cấu phần thực tập thực tế từ 7 - 10 ngày tại các trường đại học đối tác nước ngoài (không bắt buộc).

Chương trình Thạc sĩ Kinh tế biển là chương trình lần đầu tiên được thiết kế và giảng dạy tại Việt Nam, được xây dựng dựa trên cơ sở kế thừa các chương trình liên quan tại các trường đại học danh tiếng ở Mỹ, Anh, Pháp... và có sự điều chỉnh cho phù hợp với điều kiện Việt Nam nhằm đáp ứng nhu cầu xã hội. Chương trình có sự liên kết chặt chẽ và phối hợp đào tạo với các vụ, viện, các trường đại học nhằm cung cấp nguồn nhân lực có chất lượng cao sát với nhu cầu phát triển của xã hội và nền kinh tế đất nước.

Chương trình đào tạo thạc sĩ chuyên ngành Kinh tế biển mang tính liên ngành cao của các ngành: Kinh tế phát triển, Hải dương học và một số ngành liên quan như Kinh doanh và quản lý, Khoa học Trái đất, Khoa học Môi trường, Thủy sản, Kỹ thuật mỏ, Khai thác Vận tải, trong đó, ngành Kinh tế phát triển được coi là ngành gốc chính. Chương trình ưu tiên các đối tượng đang công tác trong lĩnh vực phù hợp với chuyên ngành đào tạo nên Trường Đại học Kinh tế xác định đối tượng tuyển sinh như sau:
  1. Có bằng tốt nghiệp đại học ngành Kinh tế phát triển được dự thi sau khi đã có chứng chỉ bổ sung kiến thức với chương trình gồm 02 học phần (06 tín chỉ).
  2. Có bằng tốt nghiệp đại học ngành Hải dương học được dự thi sau khi đã có chứng chỉ bổ sung kiến thức với chương trình gồm 03 học phần (9 tín chỉ).
  3. Có bằng tốt nghiệp đại học các ngành thuộc nhóm ngành: Kinh tế học, Kinh doanh, Tài chính - Ngân hàng - Bảo hiểm, Kế toán - Kiểm toán, Quản trị - Quản lý được dự thi sau khi đã có chứng chỉ bổ sung kiến thức với chương trình gồm 06 học phần (18 tín chỉ).
  4. Có bằng tốt nghiệp đại học nhóm ngành Khoa học Trái đất, Khoa học Môi trường, Thủy sản, Kỹ thuật mỏ, Khai thác Vận tải được dự thi sau khi đã có chứng chỉ bổ sung kiến thức với chương trình gồm 08 học phần (24 tín chỉ)
Chương trình đào tạo trong hai năm, với quy mô đầu vào mỗi năm nhỏ, khoảng 35 học viên, sẽ tạo điều kiện chặt chẽ cho quá trình trao đổi và học hỏi giữa giảng viên và sinh viên. Thời gian học ngoài giờ, phù hợp với đối tượng học viên là cán bộ tại các vụ, viện, cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan nghiên cứu. Hàng năm chương trình sẽ tuyển sinh 2 đợt theo kế hoạch chung của ĐHQGHN.

TS. Nguyễn Viết Thành (Khoa Kinh tế Phát triển) trao đổi tại một hội thảo về xây dựng chương trình đào tạo thạc sĩ Kinh tế biển do Trường Đại học Kinh tế tổ chức (Ảnh: Đỗ Chiêm)
Đội ngũ cán bộ tham gia đào tạo chương trình thạc sĩ Kinh tế biển của Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN đều là những cán bộ đã tốt nghiệp từ những trường đại học danh tiếng trong và ngoài nước, được tiếp cận với các phương pháp nghiên cứu hiện đại, tiên tiến trên thế giới. Các giảng viên giảng dạy chương trình đều có tối thiểu 5 năm kinh nghiệm nghiên cứu, tư vấn và làm việc trong lĩnh vực kinh tế, quản lý và chính sách. Ngoài ra, chương trình còn nhận được sự cộng tác từ các chuyên gia đầu ngành tại Việt Nam trong lĩnh vực kinh tế, quản lý kinh tế biển và các chuyên gia từ các trường đại học trên thế giới như: Đại học Nam Đan Mạch, Trường Đại học Nông nghiệp Bogor -Indonesia, Trung tâm Nghề cá thế giới…

Trường Đại học Kinh tế hiện có đủ điều kiện vật chất và trang thiết bị để phục vụ giảng dạy chương trình này. Trường có hệ thống giảng đường và phòng học hiện đại; phòng máy tính kết nối internet; 3 phòng hội thảo; trung tâm thông tin thư viện với hơn 5.000 đầu sách trong lĩnh vực liên quan kinh tế, quản lý.

Chương trình Thạc sĩ Kinh tế biển hứa hẹn sẽ mang lại cho học viên cơ hội trải nghiệm phương pháp học tập tiên tiến, hiện đại. Kết thúc khóa học, học viên sẽ có khả năng vận dụng tốt kiến thức chuyên sâu và nâng cao về kinh tế biển vào thực tiễn công việc quản trị, quản lý, giảng dạy và nghiên cứu, tư vấn về phát triển kinh tế biển.

Để tìm hiểu thông tin chi tiết về chương trình, vui lòng liên hệ:
Văn phòng Khoa Kinh tế Phát triển, Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN Địa chỉ: Phòng 306, Nhà E4, số 144 Xuân Thủy, Cầu Giấy, Hà Nội Điện thoại: (04) 3754 7506 - Máy lẻ: 309 - 310. Website: http://ueb.edu.vn; http://ktpt.ueb.edu.vn

Hoa Hạnh- Khoa KTPT

FullName Email
Address Security code LELXVX
Content