Trang Đào tạo sau đại học
 Search

Thông tin luận án của nghiên cứu sinh Trịnh Hồng Thái


1. Họ và tên nghiên cứu sinh: Trịnh Hồng Thái               2. Giới tính: Nam

3. Ngày sinh: 12/02/1992                                                 4. Nơi sinh: Thái Bình

5. Quyết định công nhận nghiên cứu sinh số: 4093/QĐ-ĐHKT ngày 16/12/2016 của Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN

6. Các thay đổi trong quá trình đào tạo:

Quyết định số 1773/QĐ-ĐHKT ngày 02/7/2018 của Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế về việc điều chỉnh tên đề tài luận án tiến sĩ cho nghiên cứu sinh Trịnh Hồng Thái, Khóa QH-2016-E;

Quyết định số 4113/QĐ-ĐHKT ngày 31/12/2019 của Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế về việc cho phép nghiên cứu sinh kéo dài thời gian trong chương trình đào tạo;

7. Tên đề tài luận án: Năng lực hội nhập văn hóa của người lao động nước ngoài tại Việt Nam

8. Chuyên ngành: Quản trị kinh doanh 9. Mã số: 9340101.01

10. Cán bộ hướng dẫn khoa học: GS.TS. Lê Quân

11. Tóm tắt các kết quả mới của luận án:

(i) Xác định các cơ sở lý thuyết và thực tiễn xây dựng năng lực hội nhập văn hóa của NLĐNN tại Việt Nam

- Làm rõ bản chất, thành phần, các nhân tố ảnh hưởng đến hội nhập văn hóa và năng lực hội nhập văn hóa của NLĐNN, từ đó khẳng định vai trò của năng lực hội nhập văn hóa là nền tảng không thể thiếu đối với NLĐNN.

- Hệ thống hóa các mô hình về năng lực hội nhập văn hóa trên thế giới, đánh giá các mô hình và đề xuất mô hình cấu thành năng lực hội nhập văn hóa phù hợp với Việt Nam.

- Xác định những vấn đề mà NLĐNN phải đối diện ở Việt Nam như: Điều kiện làm việc, hệ thống chính sách, sốc văn hóa …

Khẳng định, các doanh nghiệp cần sử dụng khung cấu thành năng lực hội nhập văn hóa và bộ thang đo để lựa chọn cũng như xây dựng hệ thống đào tạo năng lực này vì NLĐNN tại Việt Nam có thể nâng cao hiệu quả và gắn bó lâu dài hơn với các công ty bản địa khi họ được đào tạo và phát triển năng lực hội nhập văn hóa.

(ii) Từ các cơ sở nêu trên, luận án kiến nghị một số giải pháp để nâng cao năng lực hội nhập văn hóa của NLĐNN tại Việt Nam

12. Khả năng ứng dụng trong thực tiễn:

Đối với việc sử dụng phương pháp nghiên cứu, luận án cung cấp một khung lý thuyết logic để đánh giá các cấu phần của năng lực hội nhập văn hóa. Các năng lực được xác định và phân nhóm một cách có hệ thống và được kiểm định chặt chẽ bằng cách sử dụng hệ số tin cậy Cronbach’s Alpha, phân tích nhân tố khám phá EFA, phân tích nhân tố khẳng định CFA. Bằng cách sử dụng phối hợp các phương pháp khác nhau, luận án đã cung cấp một ví dụ về phương pháp luận cho nghiên cứu năng lực nói chung mà trong tương lai các nhà nghiên cứu đánh giá về năng lực có thể áp dụng, phương pháp này cho phép phân tích những tác động phức tạp lẫn nhau của các cấu phần trong một năng lực cũng như xếp hạng mức độ tác động của từng cấu phần năng lực, xa hơn nữa các học giả có thể đánh giá tác động của từng cấu phần năng lực đó tới hiệu quả làm việc của người lao động.

Hầu hết các nhà tuyển dụng ở Việt Nam hiện nay chỉ quan tâm tới các năng lực về chuyên môn của NLĐNN, nhưng thực tế cho thấy tỷ lệ ngày càng cao người nước ngoài mặc dù có chuyên môn rất tốt nhưng không mang lại hiệu quả làm việc tốt cho tổ chức ở Việt Nam và phải sớm kết thúc thời gian làm việc; năng lực chuyên môn của nguồn nhân lực tại chỗ đang ngày càng tốt hơn, NLĐNN buộc phải trao đổi, xây dựng mối quan hệ và tôn trọng hơn đối với nguồn nhân lực tại chỗ, từ đây vai trò của năng lực hội nhập văn hóa là vô cùng quan trọng. Trong số các nhà tuyển dụng đồng ý rằng năng lực hội nhập văn hóa là thành phần quan trọng để đánh giá năng lực của NLĐNN, chỉ phần ít trong số họ hiểu biết cụ thể về các thành phần của năng lực hội nhập văn hóa và làm thế nào để xác định được năng lực này. Sự mơ hồ về năng lực này thường sẽ được làm rõ khi người sử dụng lao động xem xét khả năng hội nhập văn hóa là một năng lực và đưa vào đó công cụ để đánh giá và có thể là đo lường (Busch, 2009). Các kết quả từ quá trình tổng quan tài liệu và phương pháp phân tích định lượng có thể được sử dụng để cung cấp cho các tổ chức những hiểu biết cơ bản về năng lực này, ngoài ra có thể được sử dụng để nghiên cứu sâu hơn và đánh giá lại tính hợp lý các cấu phần đã xác định này.

Từ khía cạnh phát triển các lý thuyết về năng lực hội nhập văn hóa, luận án cũng đã cung cấp những thông tin có giá trị. Trên thực tế, tốc độ thay đổi chóng mặt của công nghệ thông tin, toàn cầu hóa hay gần đây nhất là dịch Covid-19 đã thay đổi rất sâu sắc cách con người làm việc, giao tiếp đòi hỏi phải liên tục đánh giá lại và điều chỉnh phù hợp các tiêu chuẩn đối với nguồn nhân lực trong thị trường lao động. Các kết quả từ luận án có thể được sử dụng để xây dựng, điều chỉnh các chương trình đào tạo của các công ty đối với người lao động khi họ muốn cử người đi làm việc ở nước ngoài hoặc muốn tuyển người nước ngoài về làm việc cho họ.

13. Những hướng nghiên cứu tiếp theo:

Thứ nhất, nghiên cứu này chỉ được thực hiện tại một số ít tỉnh thành của Việt Nam. Khả năng tổng quát hóa sẽ được nâng cao nếu như có thêm dữ liệu từ các tỉnh thành khác, đặc biệt là các khu vực như Tây Nguyên, Đông nam bộ, Tây nam bộ, đây là khu vực có nét văn hóa cũng có phần khác biệt so với các địa phương phía bắc được khảo sát. Điều này sẽ giúp ích cho các nghiên cứu tăng cường năng lực hội nhập văn hóa cho NLĐNN trên phạm vi cả nước.

Thứ hai, nghiên cứu dự kiến thu được đa dạng NLĐNN từ nhiều quốc gia và khu vực văn hóa khác nhau trả lời bảng hỏi và đóng góp ý kiến, tuy nhiên do tình hình phức tạp của dịch Covid-19 nên số lượng người nước ngoài làm việc trong nước giảm đặc biệt là đối với NLĐNN tới từ Châu Âu và Mỹ vì do diễn biến căng thẳng của dịch bệnh họ không thể sang làm việc tại Việt Nam. Vì vậy, tính tổng quát của kết quả nghiên cứu sẽ cao hơn nếu như có được đa dạng mẫu như kỳ vọng, đây cũng có thể phát triển thành một hướng nghiên cứu chi tiết hơn để xác định năng lực hội nhập văn hóa đối với nhóm NLĐNN tới tư Châu Âu và Mỹ khi sống và làm việc tại Việt Nam.

Thứ ba, Tác giả tiếp cận năng lực theo hướng nghiên cứu gồm các nhóm yếu tố cấu thành siêu nhận thức, nhận thức, động lực và hành vi. Vì vậy các nghiên cứu tiếp theo có thể lựa chọn hướng nghiên cứu tiếp cận năng lực khác để xác định từng thành phần của năng lực hội nhập văn hóa.

Thứ tư, nhóm đối tượng khảo sát của tác giả hướng tới là NLĐNN nhưng đang làm việc tại vị trí quản lý hoặc chuyên gia cấp cao trong các doanh nghiệp. Các nghiên cứu tiếp theo có thể nghiên cứu đối với NLĐNN ở các nhóm đối tượng khác.

14. Các công trình đã công bố có liên quan đến luận án:

STT

Các công trình đã công bố có liên quan đến luận án

1

(2020), "Năng lực hội nhập văn hóa: Yếu tố quyết định thành công của người lao động nước ngoài", Tạp chí Kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương - số 560 - tháng 3/2020 (tr40-42).

2

(2020), "Các yếu tố cấu thành năng lực hội nhập văn hóa", Tạp chí Kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương - số 568 - tháng 7/2020 (tr36-38).

>> Xem thông tin luận án tại đây.

Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN

FullName Email
Address Security code XQECLW
Content