Kỷ niệm 10 năm thành lập
 Search
Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN:
Thành công từ tâm huyết và trí tuệ tập thể

Tháng 3/2007, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định thành lập Trường ĐHKT - ĐHQGHN trên cơ sở phát triển từ Khoa Kinh tế trực thuộc ĐHQGHN. Đây là một mốc quan trọng trên chặng đường phát triển của Nhà trường hướng tới mục tiêu trở thành một đại học đẳng cấp quốc tế. PGS.TS Phùng Xuân Nhạ - Phó Giám đốc thường trực ĐHQGHN, nguyên Hiệu trưởng đầu tiên của Trường ĐHKT chia sẻ: “Khởi đầu với bộn bề khó khăn nhưng chính tâm huyết và trí tuệ tập thể, cùng khát vọng mãnh liệt muốn khẳng định bản thân và ghi dấu ấn riêng trong giới khoa học và giáo dục nước nhà đã làm nên những thành công ban đầu đáng kinh ngạc của một đơn vị đại học còn rất non trẻ.”

Hun đúc đam mê - Quy tụ nhân tài


PGS.TS Phùng Xuân Nhạ
Khoa Kinh tế Chính trị thành lập năm 1974, thuộc Trường ĐHTHHN trước đây và sau này trực thuộc Trường ĐHKHXH&NV - ĐHQGHN. Ngay từ ngày đầu, những thế hệ lãnh đạo đầu tiên của Khoa đã xác định nhiệm vụ: đào tạo lãnh đạo và bồi dưỡng nhân tài trong lĩnh vực kinh tế, trước hết để phục vụ hệ thống kinh tế chính trị nước nhà. Cùng với nhiệm vụ đó thì những nền tảng căn bản đầu tiên đã được xây dựng. Với các chuyên ngành chính là Kinh tế Chính trị, Kinh tế Đối ngoại và Quản trị Kinh doanh, Khoa đã thu hút được nhiều sinh viên và học viên giỏi ở nhiều bậc học, giúp họ phát huy được năng lực và kiến thức chuyên môn trong lĩnh vực lãnh đạo quản lý cũng như hoạt động doanh nghiệp trên toàn quốc.
Đầu những năm 2000, trước yêu cầu phát triển mới của nền kinh tế xã hội, tập thể cán bộ Khoa được Đảng, Nhà nước và ĐHQGHN giao nhiệm vụ xây dựng và phát triển Khoa Kinh tế thành Trường ĐHKT với nhiệm vụ cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao về kinh tế và quản trị kinh doanh cho đất nước cũng như đóng góp thêm một thế mạnh mới vào cơ cấu đa ngành, đa lĩnh vực của ĐHQGHN. Hơn bao giờ hết, ý tưởng và khát vọng mạnh mẽ về một trường đại học năng động, sáng tạo, chất lượng cao ngang tầm quốc tế trỗi dậy mạnh mẽ. Tâm huyết ấy lan tỏa và chảy mạnh trong mạch ngầm suy nghĩ của những người lãnh đạo cho đến đội ngũ cán bộ viên chức. Cả tập thể được cố kết và gắn bó bởi mục tiêu chung ấy. Tất cả đều đồng lòng - Cơ hội là đây!
Song, trách nhiệm của người đứng đầu là rất lớn: Làm thế nào để thành công trong bối cảnh khó khăn bộn bề? Xây dựng một đại học mới đồng nghĩa với việc phải xây dựng mới toàn bộ chiến lược phát triển, kiện toàn cơ cấu tổ chức, phân cấp quản lý, đội ngũ cán bộ cũng như nền nếp hoạt động của Trường. Đây là công việc quan trọng và mất nhiều công sức, thời gian. Rồi khó khăn về cơ sở vật chất làm thế nào để đáp ứng được với mục tiêu, chất lượng đào tạo cao?...
Những thuận lợi ban đầu cũng được lãnh đạo Nhà trường nắm bắt: Đó là xu hướng hội nhập, mở cửa của xã hội dẫn đến “khát” nguồn lực chất lượng cao về chính sách kinh tế, quản lý và quản trị kinh doanh. Trường ĐHKT ra đời đã đón bắt được nhu cầu ấy và vận dụng được lợi thế của người đi sau. Bên cạnh đó, là một thành viên của ĐHQGHN, Trường được thừa hưởng thế mạnh sẵn có của một trung tâm đại học đa ngành, đa lĩnh vực hàng đầu đất nước, có quyền tự chủ cao, có đội ngũ cán bộ khoa học đầu ngành trong nhiều lĩnh vực và quan trọng hơn cả là đang quyết liệt với mục tiêu đào tạo nhân lực tài năng và khẳng định vị thế quốc tế. Mặt khác, mô hình ban đầu của Nhà trường rất linh hoạt, gọn nhẹ sẽ giúp tạo hiệu quả cao trong quá trình hoạt động.

Tại lễ công bố quyết định thành lập Trường ĐHKT - ĐHQGHN, tháng 9/2007.

Làm thế nào cạnh tranh được với nhiều trường đại học đào tạo các chuyên ngành kinh tế có truyền thống? Đây là câu hỏi chính mà tôi và các đồng chí trong Ban lãnh đạo Nhà trường rất trăn trở. Không thể phủ nhận là có nhiều trường đại học về kinh tế trong cả nước với rất nhiều chuyên ngành, và theo thời gian đã “phình” ra rất lớn nhưng vẫn chưa thể đáp ứng được nhu cầu nhân lực chất lượng cao.
Với cơ chế đào tạo như hiện nay, các trường rất khó khăn trong việc mở thêm những chuyên ngành đào tạo mới và nâng cao chất lượng. Chính thực tế đó đã khiến chúng tôi quyết định tìm hướng đi mới và cách làm riêng. Đó là sẽ phát triển theo một mô hình linh hoạt, chủ động, bám sát với nhu cầu của thực tế và phải là một cơ sở giáo dục gắn bó với thị trường, với xã hội, với doanh nghiệp và với Chính phủ. 
Với tham vọng sẽ đưa Trường ĐHKT trở thành một trong những trường đại học hàng đầu của Việt Nam, được xếp hạng trong số các trường đại học có uy tín trong khu vực, Trường ĐHKT xác định cho mình sứ mệnh: tập trung đào tạo các chuyên gia phân tích chính sách kinh tế và các lãnh đạo doanh nghiệp đáp ứng được yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế; nghiên cứu và chuyển giao các kết quả nghiên cứu cho Chính phủ, các tổ chức, doanh nghiệp và xã hội; tạo môi trường thuận lợi để sáng tạo, nuôi dưỡng, phát triển tài năng trong các lĩnh vực kinh tế, quản lý và quản trị kinh doanh hiện đại.
Thoạt nghe, có thể thấy tham vọng này là quá lớn đối với một trường đại học non trẻ và còn hạn chế về nhiều mặt. Song, nó hoàn toàn có thể khả thi bởi lòng quyết tâm, bởi niềm tin và bởi lẽ chúng tôi đã nhìn thấy con đường đi đến đích rất rõ ràng.
Người xưa có câu: “Hiền tài là nguyên khí của quốc gia”. Con người chính là tài nguyên quan trọng nhất của một đất nước. Quan điểm ấy lại càng đặc biệt đúng với một trường đại học. Một đội ngũ cán bộ giỏi, chất lượng và tâm huyết sẽ làm nên cốt lõi sức mạnh của một đơn vị. Một lãnh đạo giỏi phải biết quy tụ nhân tài, biết ghi nhận, trân trọng tài năng và cống hiến của cán bộ, biết tạo cơ chế mở khuyến khích sức sáng tạo và sự gắn kết của mỗi cá nhân với tập thể. Định hướng đúng, cơ chế mở, môi trường tốt,... tất cả những điều đó đã tạo thành ”sức hấp dẫn” riêng của Trường ĐHKT và cứ thế “tiếng chim gọi đàn”, Nhà trường dần dần thu hút được khá đông những nhà khoa học tài năng, những nhà quản lý giỏi và cán bộ, giảng viên tâm huyết cùng chung tay góp sức.




Tại một phiên họp giao ban của Trường ĐHKT, do PGS.TS Phùng Xuân Nhạ chủ trì.


Với tất cả những nhận định trên, cùng với cố gắng ở mức cao nhất của đội ngũ cán bộ, chỉ sau khi thành lập 5 tháng, Chiến lược phát triển đầu tiên của Trường ĐHKT được hoàn thành kèm theo các giải pháp và lộ trình thực hiện cụ thể. Các nhiệm vụ được cụ thể hóa theo sản phẩm đầu ra. Trên cơ sở ấy, lãnh đạo Trường quyết liệt tìm kiếm các nguồn lực về con người, tài chính, các mối quan hệ, đặc biệt quan hệ hợp tác với các doanh nghiệp và các đối tác quốc tế... để triển khai nhiệm vụ. Trường ĐHKT vận hành những bước đi đầu tiên dù bỡ ngỡ nhưng rất chắc chắn, mang theo hy vọng rất lớn của cả tập thể cán bộ Nhà trường.

Những trái ngọt đầu tiên...
Không phụ những công sức ấy, từ một cây non đã cho ra những trái ngọt. Những bước trưởng thành đầu tiên của Trường được xã hội ghi nhận. Niềm vui của thành công vỡ òa. Trường ĐHKT dần trở thành một trong những cơ sở đào tạo có uy tín trong giới nghiên cứu và đại học. Những thành tựu nổi bật có thể kể đến:
Một là, Nhà trường xây dựng thành công mô hình quản trị doanh nghiệp hiện đại. Bộ máy tổ chức nhân sự đã bắt đầu quen với văn hóa quản trị hiện đại, quản lý công việc theo sản phẩm đầu ra. Văn hóa chất lượng được định hình. Đó là nền tảng quan trọng nhất cho sự phát triển của Trường trong tương lai.
Hai là, sự quan tâm của xã hội đối với Trường ngày càng lớn. Đầu vào tuyển sinh đại học của Trường rất cao, luôn nằm trong nhóm top đầu ngay từ mùa tuyển sinh đầu tiên. Chất lượng sinh viên đầu vào rất tốt dẫn đến thích nghi nhanh chóng với chương trình giảng dạy hiện đại, sản phẩm tốt nghiệp đáp ứng cao yêu cầu của thị trường lao động.
Ba là, Trường đạt được những thành công nhanh chóng và to lớn trong lĩnh vực đào tạo và liên kết đào tạo quốc tế. Trường đã kết nối hợp tác đào tạo hệ đại học, thạc sĩ, tiến sĩ với nhiều đại học nổi tiếng thế giới như: đào tạo thạc sĩ Quản lý công với Đại học Uppsala (Thụy Điển), cử nhân Kế toán Ứng dụng với Đại học Oxford Brookes (Vương quốc Anh), cử nhân Kinh tế và Kinh doanh Quốc tế với Đại học Benedictine (Hoa Kỳ), tiến sĩ Kinh tế với Đại học Massey (New Zealand), cử nhân Quản trị Kinh doanh với Đại học Troy (Hoa Kỳ)... Cùng với đó là thành tựu trong chuyển giao công nghệ đào tạo, xây dựng chương trình đào tạo đẳng cấp quốc tế và phát triển đội ngũ cán bộ.
Bốn là, phát triển hoạt động nghiên cứu khoa học với những sản phẩm đặc sắc, mở ra nhiều hướng nghiên cứu mới, được các cơ quan Đảng, Nhà nước và ĐHQGHN đánh giá cao. Nổi bật là Báo cáo Thường niên Kinh tế Việt Nam - một nghiên cứu mang tầm quốc gia - của một nhóm nghiên cứu trẻ, khi mới xuất hiện đã gây ra một hiện tượng trong giới nghiên cứu và hoạch định chính sách. Báo cáo được các nhà quản lý Nhà nước sử dụng như tài liệu tham khảo uy tín. Báo cáo Thường niên Kinh tế Việt Nam đã trở thành một trong những thương hiệu của ĐHQGHN, góp phần quan trọng làm tăng vị thế của ĐHQGHN trong việc thực hiện trách nhiệm quốc gia.


Sinh viên tốt nghiệp - thành quả của nhà trường

Những kết quả ban đầu tuy chưa lớn nhưng đặc sắc, độc đáo đã bắt đầu tạo nên thương hiệu riêng được thừa nhận của Trường ĐHKT. Trường được nhìn nhận như một đại học mới, năng động, có tầm nhìn và quyết tâm phát triển cao.
Thành công đã đến từ nền tảng vững chắc mà các thế hệ tiền nhiệm xây dựng nên trong suốt 40 năm hoạt động của Khoa Kinh tế Chính trị; từ sự chỉ đạo của Đảng, Nhà nước; sự khuyến khích, động viên, hỗ trợ sát sao của ĐHQGHN; sự đồng nhất, đồng lòng và tâm huyết của toàn thể tập thể cán bộ công nhân viên; sự ủng hộ rất cao của các đối tác trong và ngoài Trường; sự tin tưởng ủng hộ của phụ huynh, sinh viên, học viên các thế hệ. 
Hội nhập quốc tế - Sứ mệnh và tương lai của Trường ĐHKT
Hội nhập quốc tế phải luôn được xác định là sứ mệnh và tương lai phát triển của Trường ĐHKT. Phía trước còn rất nhiều khó khăn bởi mâu thuẫn lớn giữa mục tiêu cao là đẳng cấp quốc tế với các điều kiện thực tiễn. Nhưng điều đáng vui mừng là hiện Trường đã xây dựng được đội ngũ lãnh đạo kế cận tài năng, tâm huyết, cùng chung sức chung lòng cho sự phát triển của Trường. Sứ mệnh đã được xác định rõ, tâm huyết và đam mê vẫn luôn cháy bỏng. Vấn đề là đội ngũ lãnh đạo phải luôn sáng tạo, nhanh nhạy, linh hoạt trong các giải pháp.
Trong thời gian tới, theo tôi, Trường ĐHKT cần:
Một là, tăng cường các chương trình đào tạo theo chuẩn của đại học quốc tế, tăng tỷ lệ số môn hay các chương trình dạy bằng tiếng Anh, qua đó thu hút sinh viên nước ngoài đến học, giảng viên nước ngoài đến giảng dạy, gia tăng các chương trình được kiểm định chất lượng.
Hai là, nghiên cứu khoa học duy trì được chất lượng, bám sát các vấn đề thực tiễn đặt ra, tập trung vào những sản phẩm nghiên cứu độc đáo, đỉnh cao, có tính ảnh hưởng, lan tỏa mạnh trong xã hội.
Ba là, tập trung có trọng điểm để xây dựng đội ngũ cán bộ, đặc biệt là đội ngũ cán bộ giảng dạy khoa học có trình độ cao, vươn lên trở thành những cán bộ đầu đàn, đầu ngành.
Tháng 3/2010, tôi được tin tưởng giao nhiệm vụ mới trên cương vị Phó Giám đốc ĐHQGHN. Nhìn lại chặng đường đã qua, kinh nghiệm quản lý suốt 5 năm xây dựng và phát triển tại Trường ĐHKT đã giúp ích cho tôi rất nhiều ở vị trí công tác mới. Tôi tin tưởng rằng với những cơ hội sắp tới, với sự năng động và quết tâm cao của ban lãnh đạo, sự đồng lòng của tập thể cán bộ, Trường ĐHKT sẽ sớm trở thành trụ cột về đào tạo, nghiên cứu khoa học kinh tế, quản trị kinh doanh của đất nước, ngang tầm với các đại học tiên tiến khu vực châu Á và thế giới. Với tất cả tình cảm và trách nhiệm của mình, tôi sẽ luôn song hành và hỗ trợ không ngừng cho những mục tiêu phát triển của Trường trong tương lai.
Bài học quý giá nhất mà tôi muốn gửi gắm đến ban lãnh đạo Trường ĐHKT, đó là “không có gì quý bằng con người”. Dù khởi đầu với bộn bề khó khăn nhưng chính tâm huyết và trí tuệ tập thể, cùng khát vọng mãnh liệt muốn khẳng định bản thân và ghi được dấu ấn riêng trong giới khoa học và giáo dục nước nhà đã làm nên những thành công ban đầu đáng kinh ngạc của một đơn vị đại học còn rất non trẻ. Tri ân những người đi trước, trân trọng và tin tưởng những con người hiện tại sẽ tạo nên sức mạnh cố kết to lớn của cả tập thể, là con đường bền vững dẫn đến thành công.


Hà Phương (ghi)

Trích Kỷ yếu Trường Đại học Kinh tế - 5 năm thành lập và hướng tới 40 năm truyền thống: Đổi mới và Phát triển

FullName Email
Address Security code XZGMRQ
Content