Kỷ niệm 10 năm thành lập
 Search

Thiết lập hệ thống giáo dục xanh vì sự phát triển bền vững

GS.TS Mai Trọng Nhuận - Giám đốc ĐHQGHN phát biểu khai mạc diễn đàn.
Ngày 19/8/2010, Diễn đàn giáo dục ASEAN lần thứ 3 do Trường ĐH Kinh tế - ĐHQGHN phối hợp với Viện Nghiên cứu Chiến lược và Lãnh đạo Châu Á (ASLI) tổ chức đã diễn ra tại Khách sạn Bảo Sơn, Hà Nội.

Tham dự diễn đàn có hơn 100 đại biểu đến từ 10 quốc gia trong khối ASEAN và Châu Á trong đó có nhiều lãnh đạo cao cấp đại diện các chính phủ, cơ quan hoạch định chính sách của các nước.

GS.TS. Mai Trọng Nhuận - Giám đốc ĐHQGHN trao đổi cùng các đại biểu đến từ các nước trong khu vực

Đại diện Việt Nam, Thứ trưởng thường trực Bộ Tài nguyên và Môi trường, ông Nguyễn Văn Đức đã tới dự. Ngoài ra đoàn Việt Nam còn có PGS.TS. Lê Bộ Lĩnh - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, PGS.TS Nguyễn Viết Thông - Tổng Thư ký Hội đồng Lý luận Trung ương, GS.TS. Mai Trọng Nhuận - Giám đốc ĐHQGHN, PGS. TS. Phùng Xuân Nhạ, Hiệu trưởng Trường ĐHKT…
Diễn đàn đã chào đón sự có mặt của ông Dato’ Saifuddin Abdulah - Thứ trưởng Bộ Giáo dục Malaysia, TS. Dato’ Michael Yeoh - Viện Nghiên cứu lãnh đạo và Chiến lược Châu Á cùng nhiều quan chức, lãnh đạo các cơ quan ban ngành thuộc các nước ASEAN.
Sau lời chào mừng đại diện các nước có mặt tại Diễn đàn giáo dục ASEAN lần thứ 3, GS. Mai Trọng Nhuận đã có bài phát biểu trong đó nhấn mạnh: “…những tác động của biến đổi khí hậu và sự phát triển không kiểm soát của kinh tế xã hội đã trở thành thách thách thức hàng đầu của tất cả quốc gia. Để chiến thắng trong cuộc chiến không cân sức này, giáo dục đại học đóng một vai trò quan trọng”. Giáo sư cũng cho rằng, các trường đại học cần phải hiệp lực đưa ra các giải pháp thích ứng thông minh, tư vấn một cách hiệu quả trong việc xây dựng các chính sách, giảm thiểu rủi ro. Giáo dục xanh cho phát triển bền vững sẽ giúp cho người học nhận thức đầy đủ ý nghĩa thiết thực của sự phát triển bền vững và khuyến khích họ tham gia vào các hoạt động bảo vệ môi trường như sử dụng nguồn năng lượng hiệu quả…

Dato’ Saifuddin Abdulah - Thứ trưởng Bộ Giáo dục Malaysia

Tham dự Diễn đàn, ông Dato’ Saifuddin Abdulah - Thứ trưởng Bộ Giáo dục Malaysia, đã có bài tham luận quan trọng, chia sẻ về chiến lược phát triển giáo dục xanh tại Malaysia. Trong tham luận của mình, ông Dato’ Saifuddin Abdulah đã đưa ra khuyến nghị về chính sách và chiến lược của diễn đàn đồng thời khẳng định cần có nền tảng để thiết lập một nền giáo dục xanh hiện đại chung cho khu vực. "Chúng ta cần làm sao để củng cố sự hỗ trợ lẫn nhau trong các nước ASEAN, khai thác những thế mạnh của mạng lưới các trường đại học trong khối ASEAN cũng như nền tảng xanh trong giáo dục" ông Dato’ Saifuddin Abdulah nhấn mạnh. Cũng trong tham luận của mình, ông đã chia sẻ những kinh nghiệm "xương máu" của Malaysia vào thời kỳ đất nước phát triển mạnh về công nghiệp. Kết luận, ông Dato’ Saifuddin Abdulah hy vọng, các tổ chức giáo dục đại học ở các nước ASEAN sẽ phối hợp nghiên cứu trong các lĩnh vực liên quan đến công nghệ xanh như Giáo dục xanh. Điều đó sẽ tạo thành một yếu tố quan trọng đối với sự bảo vệ thành công và hiệu quả cho môi trường trong khu vực.

Ông Nguyễn Văn Đức, Thứ trưởng thường trực Bộ  TN&MT phát biểu tại diễn đàn.

Chia sẻ với Diễn đàn, Thứ trưởng thường trực Bộ Tài nguyên và Môi trường, ông Nguyễn Văn Đức cho rằng: “Việt Nam đang bước vào thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá, hội nhập ngày càng sâu rộng với nền kinh tế thế giới. Bên cạnh những thuận lợi cơ bản, Việt Nam cũng đang phải đối diện với tình trạng ô nhiễm môi trường đáng báo động… Việt Nam cũng đang phải đối mặt với những tác động ngày càng rõ rệt và nghiêm trọng của hiện tượng biến đổi khí hậu toàn cầu: số lượng bão tăng lên với cường độ mạnh hơn, thời gian và diện tích đất chịu tác động của hạn hán nhiều hơn…”. Nhận thức được vấn đề đó, ông Đức nhấn mạnh, Đảng và Chính phủ luôn đặc biệt quan tâm, chỉ đạo các cấp, các ngành triển khai nhiều biện pháp nhằm bảo vệ môi trường, phục vụ có hiệu quả sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội bền vững. Một trong những chính sách quan trọng đó là lồng ghép nội dung giáo dục môi trường và giáo dục phát triển bền vững vào hệ thống giáo dục ở tất cả các cấp học, bậc học nhằm khuyến khích sự thay đổi trong cách ứng xử với môi trường để có được một tương lai bền vững cho tất cả mọi người, đặc biệt nâng cao nhận thức và giúp đỡ thanh niên thấy được vai trò của mình trong việc hạn chế những vấn đề môi trường mang tính toàn cầu nói chung và tại địa phương nói riêng.
Theo PGS.TS Phùng Xuân Nhạ - Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế (ĐHQGHN), giáo dục xanh có sứ mệnh trong việc thay đổi nhận thức, đổi mới công nghệ, cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho sự phát triển kinh tế xã hội bền vững.
Buổi sáng, Hội thảo luận ở cấp Bộ với các nội dung “Chiến lược và chính sách mới vì giáo dục xanh” với các nội dung:
- Chiến lược và khuyến nghị chính sách
- Thiết lập nền tảng chung về Giáo dục Xanh của khu vực
- Phát triển năng lực giữa các nước ASEAN, tìm hiểu động lực mới trong hệ thống đại học ASEAN, tận dụng lợi thế của nền tảng Xanh trong Giáo dục
Cũng trong buổi sáng có buổi thảo luận ở cấp các trường đại học với nội dung “Đại học xanh - mô hình đại học trong tương lai” với các tham luận của GS. Mai Trọng Nhuận, Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội (Moderator); Ông Nguyễn Xuân Lý, Chủ tịch Hội đồng sáng lập Hệ thống Giáo dục Huế Star; GS. Tan Sri Dato' Dzulkifli Abd Razak, Phó Hiệu trưởng, Đại học Sains Malaysia; GS.TS. Ahmad Agus Setiawan, Đại học Gadjah Mada, Indonesia. Nội dung chính bao gồm:
- Những giá trị cốt lõi
- Nền tảng giáo dục xanh
- Công nghệ hỗ trợ nghiên cứu và giáo dục xanh
- Cơ sở hạ tầng
- Cách thức các trường đại học có thể hỗ trợ để tạo ra kỹ thuật xanh
- Nghiên cứu điển hình tại các quốc gia ASEAN bước đầu thực hiện giáo dục xanh.
Buổi chiều, Diễn đàn chia thành 2 nhóm thảo luận về các nội dung: Mở rộng giáo dục tư vì sự phát triển bền vững: Động lực, thách thức và cơ hội; Buổi hội thảo sẽ có tham luận của GS.Ediberto C.de Jesus, Chủ tịch, Học viện quản lý ASEAN, Philippines (Moderator); GS. Hà Tôn Vinh, Giám đốc Tổ hợp Giáo dục, Đào tạo và Tư vấn Quốc tế Stellar Management; Bà Tôn Nữ Thị Ninh, Chủ tịch Hội đồng sáng lập Dự án Đại học Quốc tế Trí Việt. Nội dung chính bao gồm:
- Lựa chọn những sáng kiến xanh về phát triển giáo dục tư trong ngành giáo dục
- Sự tăng trưởng của khu vực doanh nghiệp và những hàm ý cho giáo dục tư
- Cơ hội công bằng trong giáo dục cho mọi người. Có chăng giáo dục tư chỉ dành cho những người xuất sắc?
- Đảm bảo chất lượng trong tư nhân hoá giáo dục - Làm sao để các trường đại học tư có thể dung hòa giữa những mục tiêu lợi nhuận và chất lượng giáo dục

Bà Tôn Nữ Thị Ninh, Chủ tịch Hội đồng sáng lập Dự án Đại học Quốc tế Trí Việt, đưa ra ý kiến của mình về giáo dục xanh

Cũng trong buổi chiều còn có thảo luận: Sự khởi đầu của ASEAN hướng tới nền kinh tế xanh: Vai trò của giáo dục đại học và dạy nghề. Hội thảo sẽ được nghe tham luận với nội dung chính bao gồm:
- Công nhận quốc tế về bằng cấp đại học  - trong và ngoài ASEAN
- Giáo dục đại học, những người đóng vai trò chính trong ngành và thị trường lao động
- Sinh viên tốt nghiệp có thể làm việc ngay sau khi ra trường? Kiểm định chất  lượng đại học có thể giúp rút ngắn khoảng cách giữa đào tạo và ứng dụng thực tiễn?
- Đưa giáo dục xanh vào giảng dạy vì mục tiêu phát triển bền vững
Đây là lần thứ III Diễn đàn giáo dục ASEAN được tổ chức với mục tiêu thúc đẩy quan hệ hợp tác sâu rộng giữa các trường đại học công lập và tư thục trong khu vực Châu Á nhằm thiết lập hệ thống giáo dục xanh hướng tới bảo vệ môi trường, phát triển bền vững.


Đại biểu đến từ các nước tham dự Diễn đàn chụp ảnh lưu niệm.

M.Tuấn

FullName Email
Address Security code AKDRSD
Content