Kỷ niệm 10 năm thành lập
 Search

Hội thảo công bố báo cáo “Kinh tế Việt Nam 2008: Suy giảm và thách thức đổi mới”

Ngày 8/5/2009, Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN đã tổ chức Hội thảo công bố báo cáo thường niên “Kinh tế Việt Nam 2008: Suy giảm và thách thức đổi mới”.

Thay mặt cho nhóm tác giả, TS. Nguyễn Đức Thành - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách, Trường ĐHKT - ĐHQGHN đã tóm tắt những kết quả nghiên cứu chính trong báo cáo.
Báo cáo “Kinh tế Việt Nam 2008: Suy giảm và thách thức” được kết cấu thành 8 chương và 2 phụ lục với độ dài trên 200 trang được xây dựng theo cách tiếp cận tương đối mới, khác với các báo cáo truyền thống đã từng có. Báo cáo sử dụng thông tin và số liệu đến hết tháng 12/2008, một số vấn đề được cập nhật đến tháng 3/2009. Nội dung của báo cáo đề cập tới nhiều vấn đề mà kinh tế vĩ mô Việt Nam gặp phải trong năm 2008. Báo cáo này nằm trong chuỗi Báo cáo kinh tế Việt Nam thường niên của Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (CEPR), Trường ĐHKT - ĐHQGHN. Báo cáo tổng kết những thành tựu và khó khăn, cơ hội và thách thức của nền kinh tế Việt Nam, đồng thời thảo luận có chọn lọc một số vấn đề kinh tế lớn ở mức chuyên sâu.
Hội thảo được tổ chức để công bố những kết quả nghiên cứu này đồng thời cũng là dịp để nhóm tác giả nhận được những bình luận, góp ý của các nhà khoa học uy tín, những nhà nghiên cứu kinh tế nổi tiếng, nhằm rút kinh nghiệm cho quá trình hoàn thiện bản Báo cáo này và cho các Báo cáo thường niên trong những năm tiếp theo.
Tại hội thảo, Báo cáo đã nhận được nhận nhiều ý kiến phản biện, góp ý của các nhà nghiên cứu kinh tế nổi tiếng như: TS. Lê Đăng Doanh - Viện Nghiên cứu Phát triển; PGS. TS. Lê Bộ Lĩnh - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội; TS. Lê Hồng Nhật - Khoa Kinh tế, ĐHQG TP.HCM; TS. Võ Trí Thành - Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế TW; TS. Đinh Quang Ty - Thư ký Hội đồng Lý luận TW, TS. Nguyễn Quang A - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển, ông Hà Mạnh Tiến, Chủ tịch Hội các nhà Quản trị Doanh nghiệp, GS. Chu Hảo - Giám đốc Nhà xuất bản Tri Thức… Hầu hết các ý kiến đều cho rằng báo cáo đã phản ánh được bức tranh toàn cảnh kinh tế Việt Nam năm 2008 với nhiều điểm nhấn, cách tiếp cận các nội dung tương đối mới mẻ khi sử dụng các công cụ phân tích chuyên sâu và số liệu cập nhật. Các ý kiến phản biện cũng nêu lên một vài điểm còn thiếu trong một bản Báo cáo kinh tế thường niên như: báo cáo vẫn chưa đề cập tới các vấn đề kinh tế vĩ mô quan trọng khác như lạm phát, chính sách tiền tệ, an sinh xã hội, môi trường…, các kiến nghị chính sách còn rụt rè, chung chung, chưa rõ đối tượng mà các khuyến nghị hướng tới.
Nhìn chung, các nhà nghiên cứu kinh tế nổi tiếng của Việt Nam đều đã hoan nghênh và đánh giá cao Báo cáo, sự ra đời của Báo cáo là một thành công to lớn của nhóm tác giả và đặc biệt là của Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN. Trong phát biểu tại hội thảo, PGS.TS Phạm Trọng Quát - Phó Giám đốc ĐHQGHN đã khẳng định: “Báo cáo là một minh chứng cho thấy hướng đi đúng của Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN trong chiến lược xây dựng các nhóm nghiên cứu mạnh, gắn kết hoạt động nghiên cứu học thuật chuyên sâu với hoạt động tư vấn và khuyến nghị chính sách cho cơ quan nhà nước và doanh nghiệp”. GS. Chu Hảo cũng khẳng định: “Nhà xuất bản Tri Thức sẽ xuất bản Báo cáo kinh tế thường niên này sau khi nhóm tác giả hoàn thiện bản thảo. Nhà xuất bản Tri thức cũng sẽ bảo trợ việc xuất bản Báo cáo này trong những năm tiếp theo...’”.
Báo cáo sẽ là tài liệu tham khảo hữu ích cho các nhà quản lý, hoạch định chính sách, các nhà nghiên cứu cũng như cho những ai quan tâm đến các vấn đề kinh tế vĩ mô tại Việt Nam.


PGS.TS Phùng Xuân Nhạ - Hiệu trưởng Trường ĐHKT phát biểu khai mạc hội thảo.


TS. Nguyễn Đức Thành trình bày những nội dung chính của Báo cáo.


Chủ tọa PGS.TS Nguyễn Hồng Sơn (đứng) và nhóm tác giả của Báo cáo.

TS. Lê Đăng Doanh và TS. Lê Bộ Lĩnh đóng góp ý kiến phản biện cho báo cáo.


PGS.TS Phạm Trọng Quát - Phó Giám đốc ĐHQGHN phát biểu tại Hội thảo.


Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại hội thảo.


Tin: Tuấn Hùng - Quốc Việt Ảnh: Phạm Diệp

FullName Email
Address Security code ADRZTZ
Content