Khoa Tài chính - Ngân hàng
 Search

Diễn đàn Chính sách Tài khóa và Phát triển Việt Nam 2019

Ngày 13/11 vừa qua, Liên minh Công Bằng Thuế tổ chức Diễn đàn Chính sách Tài khoá và Phát triển Việt Nam 2019 chủ đề “Hướng tới một hệ thống thuế công bằng”, với sự hỗ trợ của Tổ chức Oxfam tại Việt Nam.

>> Tải tài liệu hội thảo: TẠI ĐÂY

>> Ảnh hội thảo được cập nhật liên tục: TẠI ĐÂY

Mở đầu Diễn đàn Chính sách Tài khoá và Phát triển Việt Nam 2019, PGS. TS. Nguyễn Đức Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) - Trường Đại học Kinh tế, ĐHQGHN đã phát biểu khai mạc. Đại diện Liên minh Công Bằng Thuế, ông Nguyễn Đức Thành cho biết, Diễn đàn Chính sách Tài khóa và Phát triển Việt Nam 2019 là sự kiện lớn nhất trong năm của Liên minh Công bằng thuế Việt Nam (VATJ), nơi quy tụ các nhà khoa học, nhà quản lý, hoạch định chính sách, doanh nghiệp, giới truyền thông nhằm cùng thảo luận về các vấn đề chính sách quan trọng trong lĩnh vực tài khóa của Việt Nam hiện nay. Theo ông Thành, một hệ thống thuế hoạt động hiệu quả và chi tiêu công phù hợp cho các dịch vụ thiết yếu như y tế và giáo dục là nền tảng cho việc thu hẹp bất bình đẳng và xóa đói, giảm nghèo. Vì vậy việc thiết kế các sắc thuế đánh vào đâu và đánh bao nhiêu không chỉ đơn thuần có ý nghĩa về kinh tế mà còn có cả ý nghĩa về chính trị.

PGS. TS. Nguyễn Đức Thành phát biểu khai mạc hội thảo

Tiếp theo, Bà Nguyễn Thu Hương - Đại diện tổ chức Oxfam tại Việt Nam cũng đã có phần phát biểu và chúc cho hội thảo thành công tốt đẹp. Bà cho biết, nguồn thu ngân sách từ thuế qua các năm đang giảm dần.

Cụ thể, thu ngân sách đã giảm từ mức 27,3% GDP (2010) xuống 23,7% (năm 2016). Một trong những lý do giảm thu ngân sách và thâm hụt ngân sách của Việt Nam trong những năm qua là do sụt giảm nguồn thu từ thuế và giảm sụt giá dầu thô. Thu từ thuế thu nhập doanh nghiệp giảm mạnh từ năm 2006, từ 6,9% GDP năm 2010 xuống còn 4,3% GDP năm 2017. Điều này đặt ra những thách thức lớn cho Việt Nam.

Ước tính từ năm 2012 - 2016, tổng ưu đãi thuế Thuế thu nhập doanh nghiệp của Việt Nam cho các doanh nghiệp bằng 7% tổng thu ngân sách Nhà nước, tương ứng với 5% tổng chi ngân sách Nhà nước và luôn cao hơn số tiền mà ngân sách Nhà nước chi cho y tế, cao nhất là năm 2012 với con số bằng 1,4 lần chi cho y tế. Đánh giá từ đại diện của Oxfam cho rằng, với việc thất thu thuế, Việt Nam đã mất đi một nguồn lớn ngân sách có thể đầu tư cho lĩnh vực y tế, trong khi số tiền túi mà người dân Việt Nam bỏ ra để khám chữa bệnh chiếm 44,6 % (2016) tổng chi tiêu cho ngành y tế. Tức là gánh nặng chịu thuế đã chuyển từ các doanh nghiệp lớn sang cho người dân, thông qua các chính sách thuế, đặc biệt là ưu đãi thuế. Bà Nguyễn Thu Hương cũng đưa ra nhận định rằng, hiện nay, ưu đãi thuế của Việt Nam đang được tập trung vào nhóm doanh nghiệp có quy mô lớn, thuộc ngành công nghiệp (nhất là ngành chế biến và chế tạo), có vốn đầu tư nước ngoài, nằm trong khu công nghiệp. Năm 2016, thuế suất phổ thông là 20% thì thuế suất thực nộp của các doanh nghiệp nộp thuế trong nhóm này chỉ khoảng 10%. “Ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp ở Việt Nam đã tạo ra những phí tổn tài khóa đáng kể và làm gia tăng hơn nữa khoảng cách thu nhập giữa các tầng lớp dân cư”, bà Hương nhấn mạnh.

Bà Nguyễn Thu Hương - Đại diện tổ chức Oxfam tại Việt Nam

Sau phần phát biểu khai mạc, ông Johan Langerock, Chuyên gia Thuế, tổ chức Oxfam trình bày Báo cáo về thuế thu nhập doanh nghiệp tại các nước ASEAN, thực trạng ưu đãi thuế và thảo luận về cải cách thuế OECD. Ông cho rằng, sự phát triển mạnh mẽ về kinh tế của Việt Nam trong thời gian qua không song hành với sự gia tăng của tổng thu ngân sách từ thuế. Trên thực tế, trong những năm qua, tổng thu ngân sách từ thuế đã và đang giảm so với quy mô của nền kinh tế. Thực trạng này nếu kéo dài sẽ ảnh hưởng không tốt tới sự bền vững của ngân sách quốc gia.

Việc thu ngân sách từ thuế bị giảm xuống là một xu hướng đáng lo ngại vì nhiều lý do. Trong đó, lý do đáng nói nhất là, xu hướng này đồng nghĩa với việc hệ thống thuế hiện tại đang thất bại trong việc nắm bắt và phân phối lại thu nhập và tài sản của quốc gia. Một số báo cáo đã chỉ ra các lợi ích của việc phát triển kinh tế của Việt Nam đang ngày càng tập trung vào 10% dân số giàu nhất.

Một trong những lí do chính của việc thu ngân sách từ thuế giảm xuống là sự tập trung vào giảm thuế suất thu nhập doanh nghiệp và tăng ưu đãi thuế cho các nhà đầu tư nước ngoài. Trong khi, nguồn thu ngân sách từ thuế giảm thì chi tiêu qua thuế (nguồn thu mất đi do ưu đãi thuế) vẫn duy trì ở mức cao. Điều này dẫn đến việc công nghiệp hóa theo hướng xuất khẩu ngày càng phát triển trong khi phát triển nông nghiệp và doanh nghiệp nhỏ lại bị bỏ qua, chuyên gia thuế của Oxfam nêu rõ.

Chuyên gia của Oxfam nhận định, Việt Nam có thể loại bỏ các ưu đãi thuế mà không làm tổn hại đến tăng trưởng hoặc khả năng cạnh tranh của quốc gia. Từ đó, ông Johan Langerock đưa ra hai khuyến nghị cho chính phủ Việt Nam: Một là, loại bỏ một số ưu đãi thuế sau khi thực hiện đánh tác động và Hai là, với vai trò là Chủ tịch ASEAN trong năm 2020, Việt Nam nên bổ sung vấn đề về cạnh tranh thuế và ưu đãi thuế vào chương trình nghị sự của ASEAN nhằm nâng cao nhận thức và khởi xướng các thảo luận cấp khu vực về chủ đề này."Một điều chắc chắn là các chính sách chi tiêu qua thuế đã và đang đóng góp vào sự phát triển kinh tế của quốc gia và thúc đẩy đầu tư. Tuy nhiên, đã đến lúc Việt Nam cần có lý giải hợp lý các khoản chi tiêu qua thuế cho các công ty lớn. Một số phân tích cho thấy, tính đến thời điểm hiện nay, các cơ quan nhà nước chưa quan tâm đầy đủ đến việc phân tích hiệu quả của các chính sách ưu đãi thuế. Chúng ta không thể bỏ qua việc tính toán này vì chi phí phải đánh đổi về mặt xã hội là quá lớn", ông Johan Langerock nói.

Cả hai hành động này đều nhắm tới việc tăng nguồn thu ngân sách từ thuế một cách công bằng và bình đẳng. Nếu thành công, bất bình đẳng trong xã hội sẽ giảm và Chính phủ sẽ có nhiều nguồn lực hơn để đầu tư cho y tế, giáo dục và cuộc chiến chống biến đổi khí hậu đang ngày càng khốc liệt hơn ở Việt Nam, chuyên gia của Oxfam nhấn mạnh.

Ông Johan Langerock, Chuyên gia Thuế, Tổ chức Oxfam

Tiếp theo chương trình, TS. Nguyễn Tiến Dũng, Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN và ThS. Hoàng Chinh Thon, Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách trình bày báo cáo Chi tiêu thuế tại Việt Nam: Trường hợp thuế thu nhập doanh nghiệp. Báo cáo chỉ rõ rõ, con số ước tính chi tiêu thuế của thuế thu nhập doanh nghiệp là một con số rất đáng chú ý và tăng mạnh vào năm 2016. Ước tính chi tiêu thuế của thuế thu nhập doanh nghiệp trong nghiên cứu này bằng 7% tổng thu ngân sách nhà nước, 30% số thuế thu nhập doanh nghiệp, 5% tổng chi ngân sách nhà nước và cao hơn chi ngân sách cho y tế. Con số ước tính chi tiêu thuế của thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2016 đạt gần 86 nghìn tỷ đồng tăng 40% so với năm 2014 và tăng 50% so với năm 2012. Trong chi tiêu thuế, chi tiêu thuế do giảm thuế tăng gần gấp đôi từ mức 34 nghìn tỷ đồng (2012 và 2014) lên mức 64 nghìn tỷ đồng.

ThS. Hoàng Chinh Thon, Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách​

TS. Nguyễn Tiến Dũng, Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội

Sau phần nghỉ giải lao, diễn đàn bước vào phiên thảo luận bàn tròn vô cùng sôi nổi cùng các chuyên gia (từ trái sang): PGS. TS. Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách; PGS. TS. Vũ Sỹ Cường, Phó Trưởng Bộ môn Phân tích chính sách tài chính, Học viện Tài chính; Ông Nguyễn Văn Phụng, Vụ trưởng, Vụ quản lý Thuế Doanh nghiệp lớn,Tổng cục Thuế; Ông Johan Langerock, Chuyên gia Thuế, tổ chức Oxfam và PGS. TS. Phạm Thế Anh, Kinh tế trưởng, Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách.

Tại phiên thảo luận, PGS.TS Nguyễn Đức Thành cho rằng, mặc dù đã có nhiều cải cách tích cực, thực trạng hệ thống thuế hiện nay của Việt Nam còn phức tạp, chưa tương đồng với các nước trên thế giới. Một số sắc thuế còn khá cao, kém cạnh tranh, trong khi một số sắc thuế khác lại chưa có; cấu trúc thu ngân sách kém bền vững; tình trạng trốn và tránh thuế còn nhiều phức tạp; chu trình ngân sách kém hiệu quả; thực trạng phân chia nguồn thu giữa trung ương và địa phương còn nhiều bất cập.

PGS.TS Nguyễn Đức Thành điều hành phiên thảo luận

Phát biểu dưới góc nhìn chuyên gia thuế, ông Nguyễn Văn Phụng - Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp lớn (Tổng cục Thuế) cho biết, ông rất đồng quan điểm với chuyên giá thuế tới từ Oxfam. Theo ông Phụng phải giành quyền thu thuế đối với các công ty nước ngoài có thu nhập tại Việt Nam mà không đóng thuế. Để làm được điều này, cần rà soát lại các hiệp định thuế và thay đổi thuật ngữ về cơ sở thường trú. Cần phải quan niệm lại, thậm chí là sửa các điều khoản hiệp định liên quan đến nhận diện về cơ sở thường trú, bởi theo quy định hiện tại, cơ quan thuế chỉ có quyền đánh thuế đối với các công ty nước ngoài nếu như họ có hiện diện cơ sở thường trú ở Việt Nam, vị chuyên gia tới từ Tổng cục Thuế thông tin. Ông Phụng cho biết, hiện nay có quy định về thuế đối với nhà đầu tư nước ngoài, cơ quan thuế có quyền chặn thuế nhà đầu tư nước ngoài và thuế khấu trừ tại nguồn, nhưng các công ty đa quốc gia có nhiều cách khác nhau để đẩy khoản thuế lẽ ra phải đóng sang cho chính các đối tác là doanh nghiệp Việt Nam. Cho nên vừa qua, Luật Quản lý thuế có quy định, yêu cầu các công ty nước ngoài có thu nhập tại Việt Nam phải trực tiếp khai thuế, hoặc ủy nhiệm người khác khai thuế. Đến nay, Luật Quản lý thuế đang được chuẩn bị hướng dẫn và yêu cầu đặt ra là phải hướng dẫn như thế nào để “buộc” được các doanh nghiệp này với cơ quan quản lý. “Chúng tôi đang tích cực cùng với Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công an, Ngân hàng Nhà nước phối hợp thực hiện việc thu thuế các công ty nước ngoài có doanh thu tại Việt Nam. Theo đó, việc quản lý nhà nước về thông tin thì Bộ Thông tin Truyền thông vào cuộc, còn Bộ Công an và Ngân hàng Nhà nước phải theo dõi dòng tiền”, ông Phụng chia sẻ.

Ông Nguyễn Văn Phụng trong phiên thảo luận

Cũng trong chương trình, PGS.TS. Nguyễn Sỹ Cường cũng đề cập đến khía cạnh ưu đãi thuế. miễn giảm thuế. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến phúc lợi của xã hội.

PGS. TS. Vũ Sỹ Cường trong phiên thảo luận

PGS. TS. Phạm Thế Anh nhấn mạnh thêm và làm rõ về các thuật ngữ trong báo cáo. Theo ông, các nguồn giảm thu ngân sách bao gồm ưu đãi thuế, trốn thuế, tránh thuế. Thêm vào đó, ông so sánh mối tương quan tổng thu thuế so sánh và GDP.

PGS. TS. Phạm Thế Anh trong phiên thảo luận

Ông Johan Langerock trong phiên thảo luận

Một số hình ảnh tại hội thảo

Đại diện Oxfam trong phiên thảo luận

Diễn đàn Chính sách Tài khóa và Phát triển Việt Nam 2019



FullName Email
Address Security code IZXYEF
Content