Khoa Tài chính - Ngân hàng
 Search

Khai thác lợi thế từ EVFTA phụ thuộc vào từng doanh nghiệp

EVFTA (Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và EU) được ký kết ngày 30/6/2019 được kỳ vọng sẽ mở ra nhiều cơ hội đối với doanh nghiệp Việt Nam trong việc hợp tác với các đối tác tại thị trường EU. Đó là nội trình bày của PGS.TS. Nguyễn Anh Thu trong buổi Hội thảo: “Nhận diện cơ hội Kinh doanh - Đầu tư trong bối cảnh EVFTA sớm được thông qua” do VCCI tổ chức tại Nhà khách Thành uỷ TP. Hải Phòng ngày 18/7 vừa qua.

Hội thảo có sự tham dự của đại diện VCCI, đại diện lãnh đạo các ban ngành của thành phố Hải Phòng, các hiệp hội ngành hàng và hơn 100 doanh nghiệp thành phố Hải Phòng.

Trong bài trình bày “Đánh giá triển vọng của EVFTA trong giai đoạn mới”, ông Trần Hữu Huỳnh, Chủ tịch Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam - VCCI, đã giới thiệu tổng quan về EVFTA, so sánh phạm vi cam kết với các hiệp định khác và đưa ra nhận định về các tác động dự kiến của EVFTA. Theo đó, EVFTA dự kiến sẽ tăng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam 20% vào năm 2020 và hơn 40% vào năm 2030, qua đó góp phần tăng GDP của Việt Nam. EVFTA cũng được cho là sẽ có các tác động tích cực tới lao động, việc làm, và là động lực cải cách thể chế của Việt Nam.

Bà Lê Hằng, Phó Giám đốc Hiệp hội Doanh nghiệp Chế biến và Xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam - VASEP, đã trình bày về “Tác động của EVFTA đến doanh nghiệp thủy sản”, trong đó nêu rõ các cam kết cụ thể và các cơ hội thách thức đối với doanh nghiệp trong ngành.

 PGS.TS. Nguyễn Anh Thu trình bày tham luận tại hội thảo

Bài trình bày của PGS.TS. Nguyễn Anh Thu có tựa đề “Khai thác lợi thế từ các hiệp định tự do thương mại (EVFTA) phụ thuộc vào từng doanh nghiệp”, trong đó đi vào phân tích các cơ hội và thách thức chung của EVFTA đối với doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt đi sâu vào phân tích một số ngành dự kiến chịu nhiều tác động như dệt may, giày dép, nông sản, thực phẩm, bưu chính viễn thông, phân phối, vận tải. Những mặt hàng mà Việt Nam có lợi thế như dệt may, giày dép và nông sản sẽ được giảm thuế theo lộ trình đến 7 năm, từ mức thuế trung bình tương đối cao (9% đối với dệt may, 3-4% đối với giày dép), đối với mặt hàng dệt may quy tắc xuất xứ yêu cầu không cao như CPTPP, do đó doanh nghiệp sẽ có nhiều cơ hội gia tăng xuất khẩu vào thị trường này. Các mặt hàng như thực phẩm, sản phẩm chăn nuôi, ngược lại, có khả năng sẽ chịu nhiều thách thức do nhập khẩu từ EU có khả năng tăng. Đối với các lĩnh vực dịch vụ nói chung, đặc biệt các ngành như bưu chính viễn thông, phân phối, mức độ mở cửa của Việt Nam trong EVFTA cao hơn WTO, nên trong dài hạn cạnh tranh tại Việt Nam sẽ gia tăng. Tuy nhiên, đây cũng là cơ hội để các doanh nghiệp Việt Nam tăng cường hợp tác với các đối tác từ EU.

Các doanh nghiệp tham gia đã đưa ra nhiều vấn đề thảo luận liên quan đến quy tắc xuất xứ, việc các nhà đầu tư Trung Quốc mong muốn hợp tác kinh doanh để xuất khẩu sang EU và Mỹ, vấn đề mở cửa trong lĩnh vực dịch vụ vận tải nội địa, hạn ngạch đối với một số sản phẩm nông sản xuất khẩu sang EU. Đây là những vấn đề mà không chỉ các doanh nghiệp Hải Phòng, mà tất cả các doanh nghiệp liên quan đến thị trường EU đều quan tâm. Hội thảo không chỉ cung cấp thông tin, các ý kiến tư vấn cho doanh nghiệp Hải Phòng mà còn tạo các kênh kết nối, tư vấn, hỗ trợ cho doanh nghiệp nếu tiếp tục mong muốn kết nối với thị trường này.

Hiệp định EVFTA và IPA được khởi động và kết thúc đàm phán trong bối cảnh quan hệ song phương Việt Nam-EU ngày càng phát triển tốt đẹp, đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế-thương mại. EVFTA là một Hiệp định toàn diện, chất lượng cao và đảm bảo cân bằng lợi ích cho cả Việt Nam và EU, trong đó cũng đã lưu ý đến chênh lệch về trình độ phát triển giữa hai bên.

Nếu được đưa vào thực thi, EVFTA sẽ là cú hích rất lớn cho xuất khẩu của Việt Nam. Những cam kết dành đối xử công bằng, bình đẳng, bảo hộ an toàn và đầy đủ cho các khoản đầu tư và nhà đầu tư của nhau trong Hiệp định IPA cũng sẽ góp phần tích cực vào việc xây dựng môi trường pháp lý và đầu tư minh bạch, từ đó Việt Nam sẽ thu hút nhiều nhà đầu tư hơn đến từ EU và các nước khác. 

Về mặt chiến lược, việc đàm phán và thực thi các Hiệp định này cũng gửi đi một thông điệp tích cực về quyết tâm của Việt Nam trong việc thúc đẩy sự hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới trong bối cảnh tình hình kinh tế địa chính trị đang có nhiều diễn biến phức tạp và khó đoán định.


Minh Trang

FullName Email
Address Security code WOXAGB
Content