Khoa Tài chính - Ngân hàng
 Search

Hội thảo Phát triển và quản lý thương mại vùng Tây Bắc - Mô hình và giải pháp

Ngày 24/11/2017, Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN đã tổ chức hội thảo "Phát triển và quản lý thương mại vùng Tây Bắc: Mô hình và giải pháp" trong khuôn khổ đề tài "Nghiên cứu đề xuất các giải pháp phát triển và quản lý thương mại biên giới vùng Tây Bắc" mã số KHCN-TB.18X/13-18.

Đề tài thuộc chương trình Khoa học và Công nghệ cấp Nhà nước phục vụ phát triển bền vững vùng Tây Bắc (Chương trình Tây Bắc) do Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN là cơ quan chủ trì, PGS.TS. Hà Văn Hội - Chủ nhiệm Khoa Kinh tế và Kinh doanh Quốc tế là chủ nhiệm đề tài. Hội thảo do PGS.TS. Hà Văn Hội chủ trì.

Tham dự hội thảo có đại diện các Bộ, Ban, Ngành, Chương trình Tây Bắc, các nhà khoa học từ các trường đại học và viện nghiên cứu. Đại diện ĐHKT có TS. Nguyễn Anh Thu - Phó Hiệu trưởng, TS. Nguyễn Thị Vũ Hà - Phó trưởng Phòng NCKH&HTPT. Hội thảo cũng thu hút sự quan tâm đông đảo của các giảng viên và sinh viên Nhà trường.

 
 
PGS.TS. Hà Văn Hội chủ trì hội thảo
 

Hội thảo được tổ chức nhằm tạo ra một diễn đàn cho các nhà quản lý, các học giả, các chuyên gia và đại diện doanh nghiệp thảo luận và trao đổi về mô hình và các giải pháp phát triển quản lý thương mại biên giới vùng Tây Bắc. Kết quả nghiên cứu của đề tài đã chỉ ra rằng hiện nay thương mại biên giới Tây Bắc đã trở thành một bộ phận quan trọng cấu thành nền kinh tế nói chung và đóng góp vào đời sống dân cư biên giới nói riêng.

Tuy nhiên, cho đến nay, những vấn đề liên quan tới thủ tục hành chính, cơ sở hạ tầng chưa tạo điều kiện cho lưu thông hàng hoá cũng như hệ thống pháp luật liên quan tới thương mại biên giới chưa thực sự đầy đủ, phù hợp với thực tế và bối cảnh hội nhập. Việt Nam còn thiếu các chính sách tạo thuận lợi cho doanh nghiệp tham gia thương mại biên giới để tận dụng các lợi thế của thương mại biên giới. Việc đưa ra các giải pháp quản lý và điều hành chính sách thương mại biên giới nhằm tận dụng tối đa luồng hàng hoá xuất nhập khẩu qua biên giới và hỗ trợ cho vùng Tây Bắc phát triển ngang tầm với tiềm năng và lợi thế vốn có của vùng có ý nghĩa hết sức quan trọng.

Nội dung của Hội thảo tập trung vào các giải pháp, chính sách phát triển và quản lý thương mại biên giới vùng Tây Bắc, vấn đề hợp tác thương mại biên giới 04 tỉnh biên giới Tây Bắc và tỉnh Vân Nam, Trung Quốc và an ninh quốc gia gắn với thương mại biên giới vùng Tây Bắc.

Tại Hội thảo, nhóm nghiên cứu đã nhận được sự quan tâm và đóng góp tích cực từ phía các nhà quản lý và nhà nghiên cứu. Các nhóm giải pháp phát triển thương mại biên giới vùng Tây Bắc liên quan chủ yếu tới chính sách hàng hoá, chính sách mở rộng thị trường, chính sách quản lý và hỗ trợ hoạt động thương mại của thương nhân và cư dân biên giới, chính sách quản lý cửa khẩu và chợ biên giới, quản lý thuế, phí và lệ phí, giải pháp về thanh toán và tiền tệ, về kho bãi, kinh doanh, giao nhận, vận chuyển, hạ tầng kỹ thuật và thủ tục hành chính, giải pháp tăng cường giữ vững an ninh biên giới quốc gia, nâng cao hiệu quả phòng, chống buôn lậu.

Bên cạnh đó, các học giả cũng đóng góp nhiều quan điểm và giải pháp để đẩy mạnh hoạt động thương mại biên giới liên quan đến cơ chế và chính sách phân bổ nguồn lực cho vùng Tây Bắc, phối hợp đồng bộ với các nước đối tác biên giới, tạo chân hàng cho xuất khẩu của vùng Tây Bắc, tạo chính sách phát triển nguồn nhân lực, tăng cường phát triển các dịch vụ hỗ trợ thương mại biên giới cũng như tăng hiệu quả thực thi của chính sách thương mại biên giới.

 
 
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại hội thảo
 

Tin: Thanh Mai (KT&KDQT) - Ảnh: Văn Công

FullName Email
Address Security code OISSVJ
Content