Khoa Tài chính - Ngân hàng
 Search

CEDS tham gia Hội thảo Đánh giá và ứng dụng các công cụ phân tích về quản lý và tài chính giáo dục ở các nước ASEAN

TS. Akemi Ashida (thứ 1 từ trái sang), GS. Keiichi Ogawa (thứ 3 từ trái sang), TS. Lina Benete (thứ 5 từ trái sang), Nghiên cứu sinh Viriyasack Sisouphanthong (thứ 1 từ phải sang)chụp ảnh lưu niệm với
Ngày 12-13/2/2015, Bộ Giáo dục và Đào tạo (Bộ GD&ĐT) đã phối hợp cùng Đại học Kobe (Nhật Bản) và UNESCO Bangkok tổ chức Hội thảo “Đánh giá và ứng dụng các công cụ phân tích về quản lý và tài chính giáo dục ở các nước ASEAN” tại trụ sở Bộ GD&ĐT, 35 Đại Cồ Việt, Hà Nội.

Hội thảo được thực hiện trong khuôn khổ dự án do Bộ Giáo dục, Văn hóa, Thể thao, Khoa học và Công nghệ Nhật Bản (Ministry of Education, Culture, Sports, Science and Technology - MEXT) và UNESCO Bangkok tài trợ. Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế Phát triển (CEDS) thuộc Trường Đại học Kinh tế, ĐHQGHN là đơn vị hỗ trợ tổ chức hội thảo.

Hội thảo nhằm đánh giá các công cụ phân tích về quản lý và tài chính giáo dục do Đại học Kobe và UNESCO Bangkok xây dựng. Đồng chủ trì Hội thảo có GS. Keiichi Ogawa - Trưởng khoa Sau đại học về Nghiên cứu Hợp tác quốc tế, Đại học Kobe (Nhật Bản); TS. Lina Benete, TS. Akemi Ashida - Chuyên gia về chính sách giáo dục của UNESCO Bangkok, PGS.TS. Lê Khánh Tuấn - Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch -Tài chính, Bộ GD&ĐT. Các cán bộ của các vụ, cục thuộc Bộ GD&ĐT và đại diện 5 sở GD&ĐT: Hà Nội, Hải Phòng, Thái Bình, Bắc Ninh và Bắc Giang đã tham gia hội thảo. 

Khai mạc hội thảo, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển đã phát biểu nhấn mạnh tầm quan trọng của các công cụ phân tích quản lý và phân bổ ngân sách trong giáo dục; đánh giá cao sự hỗ trợ của MEXT, Đại học Kobe và UNESCO Bangkok trong việc phát triển các công cụ phân tích, giúp nâng cao năng lực cán bộ cho các nước ASEAN nói chung và Việt Nam nói riêng. Ông hy vọng rằng Đại học Kobe và UNESCO Bangkok sẽ tiếp tục phối hợp với Việt Nam trong việc phát triển các công cụ phân tích phù hợp với bối cảnh của Việt Nam.

Tiếp đó, đại diện phía UNESCO Bangkok, TS. Lina Benete và TS. Akemi Ashida đã có bài trình bày về quản lý và tài chính giáo dục ở các nước ASEAN+6. Bài thuyết trình đã đưa ra những phân tích tổng quan về mô hình quản lý, tài chính của hệ thống giáo dục giữa các nước trong khối.

Đại diện phía Việt Nam, TS. Phạm Vũ Thắng - Giám đốc CEDS đã trình bài báo cáo tổng quan về cơ chế quản lý và cách thức phân bổ, quản lý tài chính của giáo dục Việt Nam hiện nay. Báo cáo nhấn mạnh đến thực trạng ở Việt Nam, đó là 90% ngân sách nhà nước được phân cấp và chi tiêu ở các địa phương; có sự khác biệt về chi tiêu và kết quả giáo dục ở 63 tỉnh, thành phố trên cả nước. Bên cạnh đó, báo cáo nêu racác vấn đề thực tiễn về tài chính giáo dục cần được giải quyết bằng các công cụ phân tích do Đại học Kobe và UNESCO Bangkok phát triển.




TS. Phạm Vũ Thắng trình bày bài báo cáo tại Hội thảo

Cũng tại đây, Nghiên cứu sinh Viriyasack Sisouphanthong đến từ Đại học Kobe đã trình bày cách sử dụng các công cụ phân tích như Phân tích chi phí đơn vị, Phân tích chi phí - lợi ích và Phân tích chi phí - hiệu quả, Phân tích phân bổ lợi ích, Đánh giá tác động và Mô hình mô phỏng. Các cán bộ tham gia Hội thảo đã thảo luậnsôi nổi và có những trao đổi chuyên sâu về từng phương pháp; gắn các phương pháp với những vấn đề thực tiễn của Việt Nam.

Kết thúc Hội thảo, đại diện phía Đại học Kobe và UNESCO Bangkok đã thể hiện mong muốn tiếp tục hợp tác với Bộ GD&ĐT cũng như các bên liên quan trong giai đoạn nghiên cứu tiếp theo của dự án.

Hội thảo này đã khép lại năm Giáp Ngọ 2014 đầy sôi động trong hoạt động nghiên cứu, tư vấn về lĩnh vực tài chính giáo dục của CEDS. Hy vọng rằng, năm Ất Mùi 2015 sẽ phát huy những thành tựu đã đạt được trong năm vừa qua và tiếp tục đánh dấu sự phát triển đi lên trong hoạt động hoạt động nghiên cứu, tư vấn của Trường ĐHKT - ĐHQGHN nói chung và Trung tâm CEDS nói riêng.



Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển (ngồi thứ 4 từ phải sang) và các nhà nghiên cứu tại Hội thảo.


Đoàn Đại biểu Đại học Kobe, UNESCO Bangkok, đại diện CEDS chụp ảnh lưu niệm với Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận (thứ 4 từ trái sang), Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch-Tài chính Bộ GD&ĐT Lê Khánh Tuấn (thứ 4 từ phải sang).

- Năm 2014, các cán bộ nghiên cứu của CEDS đã tham gia thực hiện 2 nghiên cứu quan trọng cho Bộ GD&ĐT: Nghiên cứu tính toán chi phí đầu tư để thực hiện Dạy học cả ngày (Full day schooling-FDS) ở các trường tiểu học và nghiên cứu Đánh giá chi tiêu công ngành giáo dục (Public Expenditure Review- PER). Các nghiên cứu này được tài trợ bởi Ngân hàng Thế giới.

- Chiến lược phát triển giáo dục trong giai đoạn 2016-2020 đặt ra mục tiêu 90% các trường tiểu học trên cả nước tổ chức thực hiện dạy học cả ngày. Nghiên cứu của CEDS là công trình nghiên cứu cung cấp cho Bộ GD&ĐT và các nhà tài trợ thông tin về tổng chi phí tài chính đầu tư cho giáo dục tiểu học để thực hiện mục tiêu này.

- Năm 2014, Chính phủ đã tổ chức thực hiện nghiên cứu Đánh giá chi tiêu công ngành giáo dục (PER) cùng với sự hỗ trợ của Ngân hàng Thế giới. Nghiên cứu PER được thực hiện ở các năm 1996, 2000 và 2004. PER là nghiên cứu giúp Chính phủ hoàn thiện các cơ chế tài chính công trong các lĩnh vực của nền kinh tế như y tế, giáo dục, văn hoá, giao thông... Cán bộ nghiên cứu của CEDS đã phối hợp với chuyên gia của Ngân hàng Thế giới thực hiện đánh giá chi tiêu công trong lĩnh vực giáo dục của Việt Nam.

 

Ngọc Ánh (CEDS)

FullName Email
Address Security code WZBUFH
Content

Other News