Khoa Tài chính - Ngân hàng
 Search

Bàn về quản trị đại học và hệ thống ĐBCL bên trong

Ngày 15/10/2014, Trung tâm Đảm bảo Chất lượng Giáo dục - Trường ĐH Kinh tế tổ chức hội thảo “Quản trị đại học và hệ thống đảm bảo chất lượng bên trong” do PGS.TS Trần Anh Tài - Phó Hiệu trưởng nhà trường chủ trì.

Tham dự hội thảo là khách mời từ Trung tâm Kiểm định - Đo lường và Đánh giá Chất lượng Giáo dục, Cục Khảo thí và Kiểm định Chất lượng - Bộ GD&ĐT, Trung tâm Chứng nhận Phù hợp và các đại diện các phòng/ban/trung tâm về đảm bảo chất lượng (ĐBCL) của các trường đại học thành viên ĐH Quốc gia Hà Nội. Lãnh đạo các phòng, khoa, các giảng viên và cán bộ, chuyên viên phụ trách ĐBCL của Trường ĐHKT cũng có mặt tại hội thảo.

Tại báo cáo đề dẫn của mình, PGS.TS Trần Anh Tài đã nhấn mạnh, mục đích cuối cùng của quản trị đại học là để thiết lập một hệ thống kiểm soát, duy trì các chuẩn mực, nâng cao chất lượng và hiệu quả đào tạo. Trong thời kỳ hội nhập và phát triển, các trường đại học gặp phải nhiều thách thức trong thực hiện bảo đảm chất lượng khi mà nhu cầu học tập và việc thành lập các trường dân lập và tư thục đang có xu hướng bùng nổ; do đó, việc xây dựng hệ thống ĐBCL bên trong các trường đại học có ý nghĩa hết sức quan trọng.

Dưới nhiều góc nhìn khác nhau, các diễn giả của Hội thảo đã chia sẻ và trình bày các quan điểm, ý kiến của mình về công tác đảm bảo chất lượng, về vai trò của hệ thống ĐBCL bên trong (Internal quality assurance system) của các trường đại học ở Việt Nam cũng như mô hình ĐBCL của một số nước như Úc, Indonesia…

Tại hội thảo, PGS.TS Lê Đức Ngọc đề cập đến mô hình quản lý chất lượng trường đại học theo hướng tự chủ từ bên trong và ĐBCL cho các hoạt động bên ngoài, tiến tới thực hiện đại chúng hóa GDĐH. Bên cạnh đó, ông cũng đưa ra một số khuyến nghị cho hoạt động ĐBCL đào tạo, đó là: đổi mới phương thức giáo dục từ học là chính sang người học tự chiếm lĩnh kiến thức và tự trải nghiệm - nhận thức lại mục tiêu giáo dục để bảo đảm kiểm soát chất lượng; đổi mới quy trình và nội dung phát triển chương trình; đổi mới hoạt động dạy và học, kiểm tra đánh giá và quản lý chất lượng… để tự chịu trách nhiệm và giải trình trước xã hội về chất lượng sản phẩm đào tạo.

Tiếp đó, TS. Aan Komariah chỉ ra sự đổi mới trong việc phát triển chương trình giảng dạy dựa trên mô hình R&D (nghiên cứu và phát triển), trong đó năng lực quản lý trường học được phát triển bắt đầu từ việc nâng cao năng lực giảng viên và các nhà giáo dục dựa vào cá nhân và nhóm tự phát triển, thực hiện liên tục và theo phương thức đánh giá nhất quán.
Phân tích quy trình tổ chức thực hiện ĐBCL, ThS. Nguyễn Thị Minh Phượng - Phó Giám đốc Trung tâm Đảm bảo Chất lượng Giáo dục (TTĐBCLGD - rường ĐHKT) đã đưa ra mô hình nhân lực thực hiện ĐBCL với bài tham luận “Nguồn nhân lực - Yếu tố cốt lõi để hình thành hệ thống ĐBCL bên trong các trường đại học” của mình. Theo đó, tác giả nêu rõ thực trạng phân bổ nguồn lực chuyên trách thực hiện công tác ĐBCL, sự tham gia của các đơn vị đào tạo/khoa trong thực hiện ĐBCL cho chính các chương trình đào tạo (CTĐT) và hoạt động của mình. Đồng thời, ThS. Nguyễn Thị Minh Phượng đưa ra giải pháp khuyến nghị nhằm xây dựng và phát triển mạng lưới đội ngũ cán bộ ĐBCL cho các CTĐT: nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ chuyên trách Khoa, cho giảng viên về (i) các phương pháp kiểm tra truyền thống và hiện đại, (ii) phát triển công cụ đánh giá, (iii) cách vận dụng các chính sách giáo dục trong  kiểm soát việc kiểm tra đánh giá, (iv) trong sử dụng các mô hình đo lường và thống kê để phân tích, đánh giá, (v) viết báo cáo đánh giá, (vi) để thực hiện giám sát - đánh giá chất lượng dạy - học, tiến tới thiết lập hệ thống giám sát theo dõi tiến trình học tập của người học, thu thập và phản hồi thông tin cho các bên liên quan…

Dưới khía cạnh khác trong thực hiện ĐBCL hoạt động giảng dạy của giảng viên, ThS. Dương Thị Anh (TTĐBCLGD) đã chia sẻ quan điểm và cách nhìn nhận của PGS.TS David Curtis (Trường ĐH Flinders, Úc) trong cách thức triển khai và tính hiệu quả của các hoạt động đánh giá đảm bảo chất lượng quá trình dạy và học ở trường đại học Úc, có đối chiếu với mô hình đại học ở Việt Nam. Theo đó, mỗi chương trình đào tạo cần có chuẩn đầu ra chi tiết để đảm bảo có khung đánh giá thống nhất cho các ngành đào tạo và cho toàn trường.
Bên cạnh các ý kiến của các chuyên gia trong và ngoài nước về phương thức thực hiện công tác quản lý, cơ chế thực hiện ĐBCL để giám sát chất lượng, khuyến khích sự tham gia của các bên liên quan… các giảng viên và chuyên viên phụ trách hoạt động đào tạo cũng có những góp ý cụ thể hơn tại hội thảo trong việc làm rõ mối quan hệ giữa các Khoa chuyên môn và trung tâm ĐBCL trong triển khai các công việc cụ thể trước, trong và sau đào tạo, vai trò của giảng viên trong hoạt động ĐBCL bên trong…

Y kiến đóng góp của các đại biểu tại hội thảo là những thông tin khởi đầu giúp định hình một mô hình ĐBCL bên trong phù hợp với các hoạt động đào tạo tại Trường ĐHKT, khuyến khích sự tham gia của các giảng viên, cán bộ các Khoa - những người đóng vai trò chính trong thực hiện ĐBCL dạy - học, tiến tới xây dựng một hệ thống kiểm soát chất lượng các CTĐT của trường và thực hiện theo quy chuẩn, trong đó coi trọng yêu cầu về kiểm định chất lượng đào tạo.


Trung tâm ĐBCLGD - ĐHKT

FullName Email
Address Security code YZRTNU
Content