Khoa Tài chính - Ngân hàng
 Search

Hội thảo quốc tế về đánh giá tác động do biến đổi khí hậu đối với ngành thủy sản miền Bắc Việt Nam

Ngày 4/9/2014, Hội thảo quốc tế “Đánh giá tác động và lượng giá kinh tế thiệt hại do biến đổi khí hậu đối với nuôi trồng và đánh bắt thủy sản” do Trường ĐH Kinh tế - ĐHQGHN tổ chức đã thu hút nhiều đại biểu tham dự.

Các nhà khoa học và chuyên gia nghiên cứu tham dự hội thảo là đại biểu đến từ các viện nghiên cứu, trường đại học, cơ quan, tổ chức trong và ngoài nước như Trung tâm World Fish - Malaysia, ĐH Nagoya - Nhật Bản, Tổ chức CARE Vietnam, Viện Kinh tế và Quy hoạch Thủy sản, Viện Nghiên cứu Hải sản, Viện Chiến lược Chính sách Tài nguyên Môi trường, Trung tâm Biến đổi Khí hậu Toàn cầu, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn…

Hội thảo “Đánh giá tác động và lượng giá kinh tế thiệt hại do biến đổi khí hậu đối với nuôi trồng và đánh bắt thủy sản” nằm trong khuôn khổ đề tài “Lượng giá kinh tế do biến đổi khí hậu đối với thủy sản miền Bắc và đề xuất giải pháp giảm thiểu thiệt hại do biến đổi khí hậu”, thuộc Chương trình khoa học và công nghệ trọng điểm cấp Nhà nước “Khoa học và công nghệ phục vụ Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu”. Đây là đề tài nghiên cứu của cán bộ, giảng viên Trường ĐH Kinh tế - ĐHQGHN, do PGS.TS. Nguyễn Ngọc Thanh - Hiệu trưởng Trường ĐH Tài nguyên và Môi trường (nguyên Phó Hiệu trưởng Trường ĐHKT) làm chủ nhiệm. Hội thảo được tổ chức với mong muốn cùng các nhà khoa học, các chuyên gia thảo luận, trao đổi quan điểm khoa học liên quan đến đánh giá tác động và lượng giá kinh tế thiệt hại do biến đổi khí hậu đối với sinh kế của người dân ven biển nói chung và đặc biệt đối với khai thác và nuôi trồng thủy sản.


PGS.TS. Nguyễn Ngọc Thanh - Hiệu trưởng Trường ĐH Tài nguyên và Môi trường (nguyên Phó Hiệu trưởng Trường ĐHKT) phát biểu tại hội thảo

Tại Hội thảo, PGS.TS. Nguyễn Ngọc Thanh nhận định: Việt Nam là một trong những nước dễ bị tổn thương bởi tác động của biến đổi khí hậu trong Khu vực Đông Nam Á. Việt Nam đứng thứ 6 trong bảng xếp hạng toàn cầu về chỉ số rủi ro do biến đổi khí hậu (CRI) giai đoạn 1991-2010. Việt Nam cũng đứng thứ 23 trong bảng xếp hạng toàn cầu về chỉ số tổn thương do biến đổi khí hậu gây ra trong 30 năm tới. Trong khoảng thời gian từ 1994 đến 2003, thiệt hại trung bình do thiên tai gây ra đối với Việt Nam vào khoảng gần 250 triệu đôla mỗi năm, chiếm khoảng 0,8 % GDP trung bình trong cùng khoảng thời gian này. Trong khi đó, thủy sản là ngành kinh tế quan trọng trong nền kinh tế Việt Nam và là ngành chịu nhiều ảnh hưởng từ các hiện tượng thời tiết bất thường. Theo các kịch bản biến đổi khí hậu đến năm 2050, thiệt hại do nước biển dâng và bão gây ra có thể chiếm tương ứng đến 10,9% và 42,5% GDP ở vùng đồng bằng sông Hồng. Trong bối cảnh đó, việc nghiên cứu về tác động của biến đổi khí hậu đối với ngành kinh tế này mang ý nghĩa to lớn, góp phần cung cấp chính sách ứng phó với những thách thức từ thiên thiên.
Hội thảo đã lắng nghe các tham luận và báo cáo khoa học về chủ đề liên quan, cụ thể gồm 7 tham luận: Mức độ tổn thương của nuôi trồng thủy sản ở Việt Nam do tác động của biến đổi khí hậu: đánh giá cấp địa phương (TS. Suan Pheng Kam - Trung tâm World Fish, Penang, Malaysia); Đánh giá tác động và lượng giá kinh tế thiệt hại do biến đổi khí hậu đối với nuôi trồng và đánh bắt thủy sản miền Bắc (TS. Nguyễn Việt Thành và ThS. Nguyễn Thị Vĩnh Hà - Trường ĐHKT); Các ảnh hưởng của việc tăng nhiệt độ đối với nuôi trồng thủy sản nước lạnh tại miền Bắc Việt Nam (TS. Alex Campbell - Viện Kinh tế và Quy hoạch Thủy sản); Tác động và giải pháp phát triển sinh kế thích ứng biến đổi khí hậu: Nghiên cứu thí điểm tại vùng ven biển Đồng Bằng Sông Hồng (ThS. Thân Thị Hiền - Trung tâm Bảo tồn Sinh vật biển và Phát triển cộng đồng); Đánh giá thiệt hai do ngập lụt theo kịch bản BĐKH và nước biển dâng; Đề xuất các giải pháp thích ứng cho các xã ven biển Bắc Bộ (TS. Dư Văn Toán - Viện Nghiên cứu Quản lý Biển và Hải đảo); Tác động của thiên tai và biến đổi khí hậu đến ngành thủy sản và giải pháp ứng phó (PGS.TS. Nguyễn Văn Viết - Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam); Sử dụng mô hình EwE để dự báo tác động của biến đổi khí hậu đối với khai thác hải sản miền Bắc (ThS. Vũ Duyên Hải - Vụ KHCN&MT, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn).



TS. Suan Pheng Kam - Trung tâm World Fish, Penang, Malaysia trình bày tham luận về mức độ tổn thương của nuôi trồng thủy sản ở Việt Nam do tác động của biến đổi khí hậu: đánh giá cấp địa phương



Các nhà nghiên cứu, nhà khoa học trong nước và quốc tế trao đổi tại hội thảo


Qua các tham luận, các nhà nghiên cứu đã phân tích mức độ tổn thương do biến đổi khí
hậu, tình hình khai thác thủy sản, các mô hình như Ecopath with Ecosim (EwE) để đánh giá tổn thương và thực trạng thiệt hại về kinh tế - xã hội do thiên tai, biến đổi khí hậu đối với ngư dân nuôi trồng, đánh bắt thủy sản. Các tham luận cũng trình bày những thống kê chi tiết về mức độ tổn thương, khung phân tích và một số tiêu chí sinh kế thích ứng biển đổi khí hậu và phương pháp đánh giá rủi ro, thiệt hại do thiên tai. Đặc biệt, đại biểu tham gia hội thảo được cung cấp thông tin quý báu về những kịch bản dự báo biến đổi khí hậu, từ đó rút ra những khả năng tác động đến ngành thủy sản cũng như đề xuất một số giải pháp thích ứng và hướng nghiên cứu tiếp theo. Các nghiên cứu tập trung phân tích và đánh giá tình hình biến đổi khí hậu cũng như tác động đến khu vực miền Bắc đặc biệt là Đồng bằng sông Hồng và vùng duyên hải Đông Bắc Việt Nam.

Sau phần trình bày tham luận, các nhà khoa học và đại biểu tại hội thảo đã cùng nhau trao đổi, đưa ra nhiều câu hỏi và thảo luận sôi nổi để cung cấp thông tin giải đáp. Đáng chú ý là những thắc mắc về phương pháp lượng giá và cơ sở nghiên cứu, các mốc chỉ tiêu đánh giá cũng như số liệu thống kê được sử dụng.
Bế mạc hội thảo, PGS.TS. Nguyễn Ngọc Thanh phát biểu cám ơn các đối tác, các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, học viên và sinh viên đã dành thời gian tham dự. Theo ông, hội thảo đã cung cấp thông tin tổng quan về tình hình biển đổi khí hậu và tác động đến ngành thủy sản Việt Nam ở khu vực miền Bắc, các tham luận là những nghiên cứu tâm huyết của các nhà khoa học, nhằm mục đích cung cấp những phân tích xác thực, gợi ý cách ứng phó giảm thiểu những ảnh hưởng tiêu cực của biến đổi khí hậu tới sự phát triển kinh tế - xã hội nói chung.



Hội thảo thu hút nhiều nhà nghiên cứu, nhà khoa học đến từ các viện nghiên cứu, trường đại học, cơ quan, tổ chức trong và ngoài nước


Thùy Dung - Ảnh: Thùy Dung - Đỗ Chiêm

FullName Email
Address Security code CKXALI
Content