Khoa Tài chính - Ngân hàng
 Search

Hội thảo Bối cảnh quốc tế mới và tác động tới Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC)

Toàn cảnh hội thảo
Ngày 14/5/2014, Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN cùng Trường Đại học Kinh tế - Luật, ĐHQG TP. HCM đã đồng tổ chức thành công hội thảo “Bối cảnh quốc tế mới và tác động tới cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC)” với sự tài trợ của Quỹ Friedrich Naumann (FNF) và Bộ Khoa học & Công nghệ.

Tiếp theo thành công của hội thảo “Tham gia Cộng đồng Kinh tế ASEAN: kinh nghiệm quốc tế và hàm ý cho Việt Nam” được tổ chức vào tháng 10 tại Hà Nội, hội thảo này tiếp tục được tổ chức trong khuôn khổ đề tài “Cộng đồng Kinh tế ASEAN trong bối cảnh mới của thế giới và sự tham gia của Việt Nam” do PGS.TS. Nguyễn Hồng Sơn (Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN) làm chủ nhiệm, thuộc Chương trình trọng điểm cấp Nhà nước KX.01/11-15.
Quyết tâm xây dựng Cộng đồng kinh tế ASEAN cùng với Cộng đồng Chính trị - An ninh và Cộng đồng Văn hóa - Xã hội vào năm 2015 thể hiện bước tiến mới trong quá trình hợp tác của các nước ASEAN. Tuy nhiên, trong tiến trình hiện thực hoá Cộng đồng kinh tế ASEAN, bối cảnh quốc tế có nhiều đặc điểm mới tác động trực tiếp tới ASEAN nói chung và tiến trình AEC nói riêng. Do đó, hội thảo này được tổ chức với mục đích tăng cường trao đổi học thuật, cung cấp diễn đàn cho các học giả, các chuyên gia thảo luận về những bối cảnh quốc tế mới và tác động của bối cảnh mới tới Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC).
Tham dự hội thảo có đại diện Quỹ Friedrich Naumann (FNF), đại diện Ban Giám hiệu, các cán bộ, giảng viên, nghiên cứu sinh, học viên cao học, sinh viên, các cơ quan và doanh nghiệp đối tác của Trường Đại học Kinh tế - Luật, ĐHQG TP. HCM và Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN. Hội thảo cũng thu hút được sự quan tâm của nhiều phóng viên báo chí, truyền hình tại thành phố Hồ Chí Minh.

PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng (bên phải) và PGS.TS. Nguyễn Hồng Sơn chủ trì hội thảo

Mở đầu hội thảo, PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng (Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế - Luật) đã có bài phát biểu khai mạc nhấn mạnh ý nghĩa quan trọng của hội thảo, đồng thời khẳng định hội thảo đánh dấu những bước hợp tác mới giữa Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN và Trường Đại học Kinh tế - Luật, ĐHQG TP. HCM, giúp mở ra rất nhiều cơ hội hợp tác tiếp theo giữa hai trường trong tương lai. Tiếp theo bài phát biểu khai mạc, ông Hans-Georg Jonek - Trưởng đại diện Quỹ FNF tại Việt Nam, đại diện nhà tài trợ có bài phát biểu thể hiện quan điểm của Quỹ FNF về ý nghĩa và tầm quan trọng của hội thảo này hướng tới việc thành lập AEC vào năm 2015.
 
Ông Hans-Georg Jonek - Trưởng đại diện, Quỹ FNF tại Việt Nam phát biểu tại hội thảo
Tiếp đó, hội thảo đã nghe 4 phần trình bày tham luận của các diễn giả. PGS.TS Nguyễn Hồng Sơn trong bài tham luận của mình đã đưa ra những đặc điểm cơ bản của bối cảnh quốc tế mới như: cục diện thế giới trải qua thời kỳ biến động, thương mại thế giới phục hồi chậm, chủ nghĩa bảo hộ lên ngôi, xu hướng chú trọng thị trường nội địa, mô hình hội nhập bị thách thức, sự gia tăng tầm ảnh hưởng của Trung Quốc trong khu vực, sự cạnh tranh gay gắt giữa các nước lớn về tầm ảnh hưởng ở khu vực Đông Nam Á, tranh chấp trên biển Đông và bất ổn định nội bộ ở một số quốc gia thành viên. Từ việc nhận diện những bối cảnh quốc tế mới, PGS.TS Nguyễn Hồng Sơn phân tích tác động và những vấn đề đặt ra đối với tiến trình hội nhập AEC trong thời gian tới.
Tiếp theo là bài trình bày của TS. Phạm Sỹ Thành (Giám đốc Chương trình nghiên cứu kinh tế Trung Quốc thuộc Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách, Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN) về chủ đề “Ảnh hưởng của Trung Quốc đến thương mại và đầu tư của các nước ASEAN”. Bài tham luận phân tích mối quan hệ thương mại và đầu tư giữa các nước ASEAN và Trung Quốc; đưa ra nguy cơ về bẫy thương mại tự do hay bẫy chệch hướng công nghiệp hoá đối với các nước ASEAN. TS. Phạm Sỹ Thành cũng đưa ra những nhận định về các tác động trực tiếp và gián tiếp đối với các nước ASEAN từ các chiến lược, chính sách mà Trung Quốc đang theo đuổi và thực hiện, bao gồm chính sách kinh tế biển, chiến lược một trục - hai cánh, chiến lược của Trung Quốc đối với ASEAN…
Hai tham luận tiếp theo đều đề cập đến tác động của các hiệp định thương mại tự do khác đến cộng đồng kinh tế ASEAN. Bà Nguyễn Thị Diệu Hiền (giảng viên Trường Đại học Kinh tế - Luật) phân tích bối cảnh hợp tác kinh tế khu vực châu Á - Thái Bình Dương mà tiêu biểu là Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện (RCEP) và Hiệp định Đối tác Kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP). Bài tham luận đưa ra kết luận RCEP và TPP được kỳ vọng sẽ hỗ trợ, tạo động lực trong việc hiện thực hoá AEC thông qua cải cách thể chế kinh tế và giúp ASEAN gia nhập sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu. Tuy nhiên, hai hiệp định này cũng đưa ra một số thách thức đòi hỏi Việt Nam cần cân đối lợi ích giữa hai hiệp định, linh hoạt trong đàm phán và hài hoà hoá các cam kết.
Bài tham luận của ThS. Lưu Tiến Dũng (giảng viên Trường Đại học Lạc Hồng) chia sẻ nhiều điểm tương đồng với bài tham luận trước đó, đưa ra những phân tích về tác động của các FTA ngoại khối đến Cộng đồng Kinh tế ASEAN từ các khía cạnh tự do hoá thương mại hàng hoá, tự do hoá lĩnh vực thương mại dịch vụ và tự do hoá đầu tư.
Các bài tham luận đã thu hút được sự chú ý và quan tâm của các đại biểu tham dự hội nghị. Các ý kiến bổ sung thêm các bối cảnh quốc tế mới cụ thể hơn, các phân tích tác động của tranh chấp biển Đông đối với AEC từ khía cạnh pháp lý, hay các vấn đề về mô hình phát triển tiếp theo của AEC.

Các đại biểu phát biểu tại hội thảo
Sau 4 tiếng làm việc tích cực, hội thảo đã thành công tốt đẹp và nhận được nhiều ý kiến trao đổi chất lượng. Các đại biểu đều chia sẻ quan điểm bối cảnh quốc tế mới có tác động nhiều chiều, cả tích cực và tiêu cực đối với việc hiện thực hoá AEC vào 2015. Việc AEC có tận dụng được các cơ hội và vượt qua được thách thức hay không phụ thuộc vào chính các nước ASEAN thông qua cải cách trong nước của từng quốc gia và cải cách của cả khu vực. Thay mặt Ban tổ chức hội thảo, PGS.TS Nguyễn Hồng Sơn cảm ơn sự quan tâm và đóng góp ý kiến của các đại biểu, sự phối hợp và ủng hộ từ Trường ĐH Kinh tế - Luật, ĐHQG TP.HCM và các nhà tài trợ… Hội thảo mở ra cơ hội hợp tác sâu rộng hơn giữa hai trường trong tương lai. Đồng thời, ông cho biết việc nghiên cứu về AEC sẽ được Trường ĐHKT – ĐHQGHN tiếp tục thực hiện và trường mong tiếp tục nhận được sự hợp tác của các chuyên gia trong và ngoài nước.

Chủ đề hội thảo nhận được sự quan tâm của nhiều phóng viên báo chí, truyền hình.
Trong ảnh: PGS.TS Nguyễn Hồng Sơn trả lời phỏng vấn của báo chi
 

Đại biểu tham dự hội thảo chụp ảnh lưu niệm

____________________
THÔNG TIN LIÊN QUAN:


Minh Phương (Khoa KT&KDQT)

FullName Email
Address Security code KHKFXZ
Content