Khoa Tài chính - Ngân hàng
 Search

Tọa đàm Triển vọng kinh tế và tầm nhìn chính sách năm 2014

Tọa đàm thu hút các chuyên gia, giảng viên, sinh viên tham dự
Tọa đàm do Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN và Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) trực thuộc trường tổ chức sáng ngày 6/3/2014.

Tọa đàm nhận được sự tham dự của nhiều chuyên gia kinh tế như TS. Võ Trí Thành, TS. Lê Quốc Phương, TS. Lưu Bích Hồ, chuyên gia Phạm Chi Lan, TS. Cấn Văn Lực,… cùng các chuyên gia và giảng viên của Trường ĐHKT, VEPR, các nghiên cứu sinh, học viên và sinh viên quan tâm đến chủ đề.
Phát biểu khai mạc tọa đàm, PGS.TS Nguyễn Hồng Sơn - Hiệu trưởng Trường ĐHKT cho biết, đây là sự kiện được trường và VEPR tổ chức thường niên nhằm tạo một diễn đàn để các chuyên gia kinh tế, nhà nghiên cứu và hoạch định chính sách cùng thảo luận, chia sẻ quan điểm về kinh tế và chính sách kinh tế của Việt Nam năm vừa qua, cũng như triển vọng kinh tế Việt Nam năm tiếp theo. Ông cũng nhấn mạnh, tọa đàm lần này cũng là một bước hướng tới việc công bố Báo cáo thường niên kinh tế Việt Nam 2014 sắp tới.



PGS.TS Nguyễn Hồng Sơn - Hiệu trưởng Trường ĐHKT khai mạc tọa đàm

Bước vào phiên đầu tiên tọa đàm là tham luận của TS. Võ Trí Thành (Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương) với chủ đề “Kinh tế thế giới từ 2012 sang 2013: Những đặc điểm chính và ảnh hưởng tới Việt Nam”. Tham luận nhấn mạnh tới 3 điểm quan trọng của kinh tế thế giới cũng như kinh tế Việt Nam giai đoạn hiện nay đó là “phục hồi - rủi ro - cải cách”. Trong đó, ông cho rằng kinh tế thế giới đang có những dấu hiệu phục hội được xem là chắc chắn hơn dù mức độ tăng trưởng là không cao. Tuy nhiên đằng sau đó còn tồn tại nhiều rủi ro, đặc biệt là rủi ro đến từ các nền kinh tế lớn và mới nổi.



TS. Võ Trí Thành (bên phải) trình bày tại tọa đàm

Trong bối cảnh đó, hướng đi của các nước nói chung và Việt Nam nói riêng chính là cải cách và kết nối - hội nhập. TS. Võ Trí Thành cũng nhận định, việc cải cách vừa qua của Việt Nam dù đặt ra quyết tâm lớn những chưa đạt được bao nhiêu; sự ổn định vừa qua chưa gắn liền với cải cách mà là dùng mọi cách để làm cho tình hình “bình thường” trở lại. Từ 2014 trở đi, ông cho rằng việc ổn định phải gắn với cải cách, đặc biệt là cải cách trong khu vực tài chính - ngân hàng.



TS. Nguyễn Đức Thành - Giám đốc VEPR

Tiếp đó là phần trình bày của TS. Nguyễn Đức Thành - Giám đốc VEPR với tham luận “Nhìn lại kinh tế Việt Nam năm 2013 và triển vọng của năm 2014”. Dựa trên những số liệu cập nhật nhất về các biến số vĩ mô quan trọng trong năm 2013, TS. Nguyễn Đức Thành đã phân tích xu hướng, đồng thời đưa ra những nhận định của mình về nền kinh tế trong năm 2014 và một vài năm tới. Theo đó, TS. Thành cho rằng nhìn trong ngắn hạn có thể thấy các chỉ số có dấu hiệu đi lên, tuy nhiên không vì thế mà quá lạc quan với các biện pháp ngắn hạn đã đạt được. Việc cần làm hiện nay vẫn là giải quyết các vấn đề nền móng trong trung hạn và dài hạn.
Hội thảo tiếp tục nhận được nhiều trao đổi của các chuyên gia như tham luận của TS. Cấn Văn Lực - Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) về các kết quả mà nhóm nghiên cứu của BIDV đã thực hiện cho năm 2014; hay tham luận của TS. Lê Quốc Phương - Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại (Bộ Công thương). Cùng với đó là các ý kiến của TS. Nguyễn Minh Phong, TS. Lưu Bích Hồ, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan… Trong đó, bà Lan cho rằng không nên quá tin tưởng với các chỉ số cải thiện kinh tế, bởi những tăng trưởng đạt được không phản ánh được hết tình hình chung của toàn bộ nền kinh tế Việt Nam. Bàn về vấn đề lợi ích mà Việt Nam có thể đạt được khi gia nhập TPP, bà nhận định điều đáng mong đợi nhất chính là vấn đề cải cách kinh tế; các con số dự đoán của các chuyên gia nước ngoài về Việt Nam dù cao nhưng vẫn là quá bé nhỏ trong tương quan với các nền kinh tế mạnh hơn.


Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan


TS. Lưu Bích Hồ (bên trái)


Sau hơn 3 giờ thảo luận sôi nổi, PGS.TS Nguyễn Hồng Sơn đã phát biểu tổng kết hội thảo nhấn mạnh lại một số nội dung quan trọng đã được trao đổi như: kinh tế thế giới hiện đang có xu hướng phục hồi mặc dù còn chứa đựng nhiều rủi ro; trong bối cảnh đó, kinh tế Việt Nam cũng có những dấu hiệu phục hồi mặc dù còn “mỏng manh”. Thế giới đang có rất nhiều cải cách mang tính bền vững hơn, và để có thể tận dụng được những cơ hội đó phục vụ cho sự phục hồi của Việt Nam, Việt Nam cần phải rà soát và điều chỉnh lại các chính sách ổn định ngắn hạn, đồng thời tập trung cho các cải cách mang tính dài hạn nhằm hướng tới một nền kinh tế bền vững hơn…
Kết thúc tọa đàm, Hiệu trưởng Trường ĐHKT đã cảm ơn sự tham gia và đóng góp ý kiến tâm huyết của các chuyên gia, đồng thời bày tỏ mong muốn tiếp tục nhận được sự hợp tác của các chuyên gia trong những hội thảo, chương trình nghiên cứu tiếp theo của trường.


__________________
THÔNG TIN LIÊN QUAN:


Tin: Đỗ Chiêm - Ảnh: Thanh Thúy

FullName Email
Address Security code RPZRRD
Content