Khoa Tài chính - Ngân hàng
 Search

Tin vui cho các thí sinh chuẩn bị dự thi tuyển sinh đào tạo sau đại học ở ĐHQGHN

GS.TSKH Nguyễn Hữu Công - Chủ nhiệm Khoa Sau đại học, ĐHQGHN
Ngay sau khi Giám đốc ĐHQGHN đã ký quyết định ban hành Chứng chỉ công nhận trình độ ngoại ngữ dự tuyển đào tạo sau đại học ở ĐHQGHN, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với GS.TSKH Nguyễn Hữu Công - Chủ nhiệm Khoa Sau đại học - ĐHQGHN về vấn đề này.

PV: Thưa Giáo sư, được biết vừa qua Giám đốc ĐHQGHN đã ký quyết định ban hành Chứng chỉ công nhận trình độ ngoại ngữ dự tuyển đào tạo sau đại học ở ĐHQGHN. Xin Giáo sư cho biết đôi điều về chứng chỉ này?
GS. Nguyễn Hữu Công: Ngày 16 tháng 9 năm 2005, Giám đốc ĐHQGHN đã ra Quyết định số 364/KHCN ban hành Chứng chỉ công nhận trình độ ngoại ngữ dự tuyển đào tạo sau đại học ở ĐHQGHN (gọi là Chứng chỉ ngoại ngữ) gồm hai loại: Chứng chỉ ngoại ngữ xác nhận có đủ trình độ ngoại ngữ theo học bậc đào tạo thạc sĩ và Chứng chỉ ngoại ngữ xác nhận có đủ trình độ ngoại ngữ theo học bậc đào tạo tiến sĩ.
Các thí sinh tham gia các kỳ thi tuyển sinh sau đại học hàng năm của ĐHQGHN, đạt kết quả môn thi Ngoại ngữ từ 50 điểm trở lên (và có nguyện vọng) sẽ được cấp Chứng chỉ ngoại ngữ xác nhận có đủ trình độ ngoại ngữ theo học bậc đào tạo sau đại học tương ứng.Thí sinh có thể đăng ký tại Khoa Sau đại học - ĐHQGHN dự thi chỉ riêng môn Ngoại ngữ trong các kỳ thi tuyển sinh sau đại học của ĐHQGHN để lấy Chứng chỉ ngoại ngữ. Trong tương lai, Chứng chỉ ngoại ngữ có thể cấp cho những thí sinh tham dự các kỳ thi chỉ dành riêng cho môn Ngoại ngữ do Khoa Sau đại học - ĐHQGHN và các đơn vị khác được ĐHQGHN uỷ quyền tổ chức.
Trong thời hạn 24 tháng kể từ ngày cấp, Chứng chỉ ngoại ngữ có giá trị thay thế môn thi Ngoại ngữ trong việc xét tuyển vào học các bậc đào tạo sau đại học tương ứng ở ĐHQGHN.
PV: Việc ban hành Chứng chỉ ngoại ngữ này có ý nghĩa như thế nào đối với cơ sở đào tạo và đối với người muốn tham gia các kỳ thi tuyển sinh sau đại học ở ĐHQGHN, thưa Giáo sư ?
GS. Nguyễn Hữu Công: Việc ban hành Chứng chỉ công nhận trình độ ngoại ngữ dự tuyển đào tạo sau đại học ở ĐHQGHN là một tin vui cho các thí sinh chuẩn bị dự thi tuyển sinh đào tạo sau đại học ở ĐHQGHN, đây chắc chắn là một chủ trương được nhiều người quan tâm và ủng hộ. Trong nhiều năm nay, tại các kỳ thi tuyển sinh sau đại học ở ĐHQGHN, kết quả thi môn Ngoại ngữ ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả tuyển sinh. Các đơn vị đào tạo sau đại học băn khoăn về việc làm thế nào để những thí sinh có trình độ chuyên môn cao có thể vượt qua được rào chắn ngoại ngữ, trở thành học viên cao học hoặc nghiên cứu sinh của đơn vị mình. Thí sinh dự thi tuyển sinh sau đại học thường là những người đang làm việc nên khi phải thi cả chuyên môn và ngoại ngữ thì quá vất vả, do vậy nhiều người đã không thể vượt qua được kỳ thi. Việc ban hành và cấp Chứng chỉ ngoại ngữ là bước đi đầu tiên trong việc đổi mới cách tổ chức đánh giá năng lực ngoại ngữ của thí sinh dự thi tuyển sinh sau đại học ở ĐHQGHN. Việc làm này tạo điều kiện thuận lợi cho các thí sinh chủ động chuẩn bị tốt trình độ ngoại ngữ để dự thi tuyển sinh sau đại học một cách hiệu quả, góp phần giải toả sự bức xúc của các đơn vị đào tạo cũng như của những người muốn tham gia các kỳ thi tuyển sinh sau đại học ở ĐHQGHN.
PV: Thưa Giáo sư, nếu thí sinh dự thi chỉ riêng môn Ngoại ngữ trong các kỳ thi tuyển sinh sau đại học hàng năm của ĐHQGHN thì lệ phí tuyển sinh sẽ được tính như thế nào ?
GS. Nguyễn Hữu Công: Lệ phí tuyển sinh sau đại học được ĐHQGHN quy định rất cụ thể cho từng loại đối tượng dự thi. Theo văn bản Hướng dẫn tổ chức thực hiện và quản lý việc cấp chứng chỉ công nhận trình độ ngoại ngữ dự tuyển đào tạo sau đại học ở ĐHQGHN, trong các kỳ thi, thí sinh có thể đăng ký dự thi trước chỉ riêng môn Ngoại ngữ, và sau này sẽ có thí sinh chỉ còn phải thi các môn chuyên môn. Trong cả hai trường hợp này, lệ phí tuyển sinh sẽ được tính tương ứng với số môn mà thí sinh dự thi.
PV: Giáo sư có thể cho biết thêm đôi nét về sự khác biệt của Chứng chỉ ngoại ngữ do ĐHQGHN ban hành so với Chứng chỉ ngoại ngữ C do Bộ Giáo dục & Đào tạo (GD&ĐT) ban hành không ?
GS. Nguyễn Hữu Công: Chứng chỉ ngoại ngữ do ĐHQGHN ban hành và Chứng chỉ ngoại ngữ C do Bộ GD&ĐT ban hành đều có một mục đích chung là công nhận một trình độ ngoại ngữ nhất định của người được cấp. Chứng chỉ ngoại ngữ C của Bộ GD&ĐT công nhận năng lực ngoại ngữ trình độ C, được dùng để làm điều kiện xét chọn cán bộ đi công tác, học tập ở nước ngoài hoặc tham dự các đợt thi tuyển cán bộ, công chức, viên chức,... Chứng chỉ ngoại ngữ của ĐHQGHN công nhận có đủ trình độ ngoại ngữ theo học một bậc đào tạo sau đại học cụ thể ở ĐHQGHN, được dùng để thay thế môn thi Ngoại ngữ trong việc xét tuyển vào học các bậc đào tạo sau đại học tương ứng. Như vậy, Chứng chỉ ngoại ngữ C (của Bộ GD&ĐT) và Chứng chỉ ngoại ngữ (của ĐHQGHN) ít nhất, đang có sự khác nhau về mục đích sử dụng.
PV: Theo Hướng dẫn tổ chức thực hiện và quản lý việc cấp chứng chỉ công nhận trình độ ngoại ngữ dự tuyển đào tạo sau đại học ở ĐHQGHN, “Chứng chỉ ngoại ngữ có thể được sử dụng vào một số mục đích khác theo quy định của cơ quan, đơn vị, tổ chức có thẩm quyền”. Vậy Giáo sư có thể nói rõ hơn về các mục đích này không ?
GS. Nguyễn Hữu Công: Các mục đích sử dụng khác của Chứng chỉ ngoại ngữ (của ĐHQGHN) do các cơ quan, đơn vị, tổ chức có thẩm quyền tự quy định. ở thời điểm hiện tại, ĐHQGHN cũng tự quy định mục đích sử dụng của Chứng chỉ ngoại ngữ là thay thế môn thi Ngoại ngữ trong việc xét tuyển vào học bậc đào tạo thạc sĩ hoặc bậc đào tạo tiến sĩ ở ĐHQGHN.
PV: Xin cảm ơn Giáo sư!

Ảnh & bài: Việt An (thực hiện) Theo Bản tin ĐHQGHN

FullName Email
Address Security code PLZFTH
Content