Trang tuyển sinh
 Search

Các nhà khoa học Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN tích cực tham gia Hội thảo quốc gia: Các lý thuyết kinh tế chính trong bối cảnh phát triển mới của thế giới và những vấn đề rút ra cho Việt Nam

Lãnh đạo và cán bộ Trường ĐHKT - ĐHQGHN chụp ảnh lưu niệm với Ban lãnh đạo Hội đồng lý luận TW, trong đó có ĐC. Tô Huy Rứa, UV Bộ chính trị, Trưởng Ban tư tưởng văn hoá TW và các đồng chí cao cấp khác
Trong 2 ngày, từ ngày 22 đến 23/1/2010, Hội thảo quốc gia: “Các lý thuyết kinh tế chính trong bối cảnh phát triển mới của thế giới và những vấn đề rút ra cho Việt Nam” đã diễn ra tại Tuần Châu, Quảng Ninh.

Đây là lần đầu tiên ở nước ta có một cuộc Hội thảo quốc gia có quy mô lớn do Hội đồng Lý luận Trung ương chủ trì với sự tham gia phối hợp tổ chức của 6 trường đại học, viện nghiên cứu lớn của Việt Nam (trong đó có Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN). Với 116 bản tham luận và 200 đại biểu cả trong Nam và ngoài Bắc cùng trao đổi về một chủ đề cũng rất lớn, phức tạp nhưng bao hàm những ý nghĩa rất thiết thực về cả hai phương diện lý luận và thực tiễn, qua đó đóng góp tích cực cho việc chuẩn bị các văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XI.
Với tư cách là một trong các đơn vị tham gia phối hợp tổ chức Hội thảo, Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN đã tích cực tham gia công tác chuẩn bị cho Hội thảo (tiếp nhận, biên tập các bài viết, tham gia viết tổng thuật và tham gia ban thư ký hội thảo) cũng như tham gia điều hành Hội thảo và thảo luận trên hội trường tại phiên đầu tiên bàn về Lý thuyết kinh tế của Mác - Lênin và việc vận dụng vào Việt Nam.
Trong khoảng hơn 100 báo cáo khoa học gửi về Ban tổ chức, Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN là đơn vị có số lượng bài tham gia nhiều nhất chiếm khoảng 1/4 số bài tham gia Hội thảo (27 bài). Trong ba phiên thảo luận, hầu hết các đại biểu của Trường đều đăng ký phát biểu ý kiến, nhưng do giới hạn về thời gian, Ban tổ chức đã chọn 8 đại biểu trình bày báo cáo và tham gia thảo luận trên Hội trường. Theo thống kê sơ bộ của Ban Thư ký Hội thảo, số lượng đại biểu được chọn trình bày báo cáo và tham gia thảo luận trên Hội trường của Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN cũng chiếm tỷ lệ khoảng 25%.
Phiên đầu tiên của Hội thảo diễn ra sáng ngày 22/1 với chủ đề: Lý thuyết kinh tế của C.Mác, Lênin và việc vận dụng vào Việt Nam hiện nay. Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN có bài trình bày của PGS.TS. Phạm Văn Dũng. Trong bài trình bày của mình, PGS.TS. Phạm Văn Dũng khẳng định: Trong những năm qua, nhận thức về kinh tế thị trường định hướng XHCN ngày càng rõ ràng hơn và việc tổ chức xây dựng nền kinh tế này đạt không ít thành tựu. Tuy nhiên, còn không ít vấn đề cần được nghiên cứu tiếp: nhận thức, vận dụnghọc thuyết kinh tế Mác - Lênin trong bối cảnh mới của đất nước và thế giới; kết hợp vận dụng Học thuyết kinh tế Mác - Lênin và các học thuyết kinh tế khác; nâng cao sự thống nhất giữa nhận thức lý luận và năng lực hành động thực tiễn; xác định vai trò của kinh tế nhà nước và kinh tế tập thể; giải quyết vấn đề phân phối thu nhập; phát triển rút ngắn và bền vững... trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN.
Với cách lập luận chặt chẽ kết hợp với những dẫn chứng sinh động, bài trình bày của PGS.TS. Phạm Văn Dũng đã được Hội thảo chú ý lắng nghe.
Buổi chiều 22/1, mở đầu phiên hội thảo với chủ đề: Lý thuyết kinh tế của J. Keynes, chủ nghĩa tự do mới, các “phân nhánh” lý thuyết, kinh nghiệm của một số nước và một số vấn đề rút ra cho Việt Nam hiện nay, là bài tham luận của PGS.TS. Phan Huy Đường về lý thuyết của Keynes và ngay sau đó, TS. Nguyễn Đức Thành (Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách, Trường ĐHKT) phát biểu bình luận tiếp mạch lý thuyết này. Với cách phân tích khá sâu sắc, có hệ thống và liên hệ với thực tiễn Việt Nam, bài trình bày của hai diễn giả Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN đã giành được sự chú ý lắng nghe của toàn thể các đại biểu trên Hội trường. Trong bài trình bày của mình, diễn giả Nguyễn Đức Thành đã khái quát sự phát triển nội dung tư tưởng chính của các trường phái Kinh tế vĩ mô kể từ Keynes tới nay, lồng trong bối cảnh kinh tế - xã hội mà các tư tưởng đó hình thành, đồng thời cũng nêu rõ sự khác biệt giữa các tư tưởng và công cụ chính sách của các trường phái, với sự nhấn mạnh đến bối cảnh sử dụng chính sách đó. Với cách dẫn dẵt vấn đề lôi cuốn cùng với những ví dụ khá hóm hỉnh, bài trình bày của TS. Nguyễn Đức Thành đã làm “nóng" không khí trong hội trường.
Phiên kết thúc Hội thảo là chủ đề: Những vấn đề lý luận - thực tiễn thiết yếu đang đặt ra trong phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN ở Việt Nam và vấn đề tham khảo những hạt nhân hợp lý của các lý thuyết kinh tế chính. Với tham luận "GMS - Mô hình quản lý kinh tế bền vững" TS. Nguyễn Tiến Dũng (Chủ nhiệm Khoa Quản trị Kinh doanh, Trường ĐHKT) đã phân tích vai trò của Chính phủ qua các lý thuyết của Adam Smith, Keynes, Samuelson... liên hệ với thực tiễn hiện nay của các nước trên thế giới cũng như Việt Nam để khẳng định: cần kết hợp vận dụng các tư tưởng của các trường phái quản trị của phương Đông và phương Tây trong quản trị tổ chức nhà nước ở tầm vi mô.
Tại hội thảo, nhiều đại biểu của Trường ĐHKT như TS. Nguyễn Ngọc Thanh, PGS.TS. Trịnh Thị Hoa Mai, PGS.TS. Mai Thị Thanh Xuân; ThS. Trần Đức Hiệp… đã phát biểu đóng góp ý kiến cho các tham luận.
Theo đánh giá của Ban tổ chức Hội thảo, sự thành công của Hội thảo lần này, có sự đóng góp quan trọng của các đơn vị phối hợp tổ chức cũng như của các đại biểu tham gia Hội thảo. Trong đó Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN là đơn vị tham gia rất tích cực, cả trước và trong quá trình diễn ra Hội thảo. Trong các ngày diễn ra Hội thảo, cụm từ “Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN” liên tục được nhắc đến khi giới thiệu các đại biểu của Trường phát biểu ý kiến. Như ý kiến nhận xét của PGS.TS. Nguyễn Viết Thông, Tổng thư ký Hội đồng Lý luận Trung ương đồng thời là Trưởng Ban tổ chức, qua Hội thảo lần này, Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN được biết đến không chỉ là Trường có những “đột phá” trong lĩnh vực đào tạo mà còn được coi là trường “mạnh” trong lĩnh vực nghiên cứu. Một số ý kiến tham luận và khuyến nghị chính sách của Trường Đại học Kinh tế cũng đã được đồng chí Tô Huy Rứa - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng,Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương tổng kết Hội thảo: kiên định chủ nghĩa Mác trong quá trình xây dựng kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và bổ sung cho học thuyết của Mác bằng việc tiếp thu có chọn lọc các tinh hoa của các lý thuyết kinh tế của thế giới; nâng cao vai trò, chính sách điều tiết của nhà nước trong việc bảo đảm khuôn khổ kinh tế thị trường, duy trì ổn định kinh tế vĩ mô và phát triển kinh tế bền vững; nâng cao hiệu quả hoạt động của khu vực kinh tế nhà nước và doanh nghiệp nhà nước bằng cơ chế kiểm soát hoạt động hiệu quả.
Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN rất tự hào khi được Ban tổ chức Hội thảo đánh giá cao trong việc phối hợp tổ chức và tham gia Hội thảo lần này. Điều đó đã khẳng định thế mạnh trong hoạt động nghiên cứu khoa học của nhà trường trong nghiên cứu và chuyển giao các kết quả nghiên cứu cho Chính phủ, các tổ chức, doanh nghiệp và xã hội và đó cũng là minh chứng rất thuyết phục cho việc Trường đang tiến gần đến mục tiêu: “Đến năm 2020, trở thành đại học theo định hướng nghiên cứu hàng đầu ở Việt Nam, được xếp hạng ngang tầm với một số đại học tiên tiến trong khu vực Đông Nam Á”.

Cán bộ Trường ĐHKT tham gia hội thảo.

Cán bộ Trường ĐHKT tham gia hội thảo.


Bài: PGS.TS. Hà Văn Hội Ảnh: Đinh Việt Hòa

FullName Email
Address Security code WHJLZT
Content