Trang tuyển sinh
 Search

Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN đồng hành cùng các cơ quan nhà nước trong việc thúc đẩy nghiên cứu và truyền thông về việc thực thi Hiệp định EVFTA

Đây là khẳng định của đại diện Nhà trường trong Diễn đàn Thực thi các cam kết về SPS trong Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - EU (EVFTA).

Nhằm chia sẻ thông tin về các nội dung cam kết cốt lõi của Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) và những tác động của Hiệp định này, những điểm mới, khác biệt trong Chương SPS của Hiệp định so với các Hiệp định thương mại tự do khác mà Việt Nam tham gia cũng như những điểm cần lưu ý về SPS trong nông nghiệp, Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN phối hợp cùng Văn phòng SPS Việt Nam (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đồng tổ chức Diễn đàn “Thực thi các cam kết về SPS trong Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - EU (EVFTA)” ngày 20/4/2021. Diễn đàn là cơ hội chia sẻ và thảo luận các nguồn thông tin và nền tảng sẵn có tới các bên liên quan về các cam kết SPS.

Diễn đàn có sự tham dự của Ban lãnh đạo Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN, Ban lãnh đạo Văn phòng SPS Việt Nam, cùng đại diện giảng viên và sinh viên các Khoa, Viện trực thuộc Trường Đại học Kinh tế, ĐHQGHN; cán bộ Văn phòng SPS Việt Nam, các tổ chức phát triển, cơ quan quản lý nhà nước, các nhà khoa học, giảng viên, sinh viên đại học thuộc các lĩnh vực kinh tế - kinh doanh, quản lý, nông nghiệp và các lĩnh vực phát triển ở khu vực phía Bắc.

Phát biểu khai mạc diễn đàn, PGS.TS.Nguyễn Anh Thu - Phó hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN nhấn mạnh: “EVFTA là một trong những Hiệp định Thương mại tự do thế hệ mới mà Việt Nam đã tham gia, với nhiều cam kết sâu, rộng, bao hàm cả những nội dung truyền thống và phi truyền thống. Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, EVFTA được kỳ vọng sẽ mang lại nhiều cơ hội thuận lợi đối với kinh tế và xã hội của nước ta. Diễn đàn Thực thi các cam kết về SPS trong Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - EU (EVFTA) chính là nhằm đưa các thông tin chính xác về các điều khoản thực thi trong Hiệp định, những lưu ý cần thiết đối với các doanh nghiệp và nhà quản lý về điểm khác biệt của hiệp định này khi các bên cùng tham gia”.

PGS.TS.Nguyễn Anh Thu - Phó hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN nhấn mạnh việc cập nhật kịp thời các nội dung của EVFTA là rất quan trọng đối với nhà quản lý, doanh nghiệp và nhà nghiên cứu

 TS.Lê Thanh Hòa - Phó Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam đánh giá cao sự hợp tác của Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN
Trong chủ đề tham luận tổng quan về các biện pháp SPS - WTO và các cam kết Chương 6 An toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật (SPS) trong Hiệp định EVFTA, TS.Ngô Xuân Nam, Phó Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam cho biết, trong vòng 7 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực, Việt Nam sẽ xóa bỏ thuế quan cho 98,3% số dòng thuế của EU và phần còn lại áp dụng lộ trình xóa bỏ thuế dài hơn hoặc áp dụng hạn ngạch thuế quan theo cam kết WTO.

Diễn giả cũng nhấn mạnh những điều khoản quan trọng cần lưu ý trong Chương 6 như các thủ tục lập danh sách doanh nghiệp, cơ sở sản xuất; biện pháp liên quan đến sức khỏe động vật và thực vật, những cảnh báo của EU đối với các doanh nghiệp Việt Nam trong các quy trình sản xuất, đóng gói, xuất khẩu.

Từ đó, đại diện Văn phòng SPS Việt Nam khuyến nghị: doanh nghiệp cần thay đổi nhận thức về an toàn thực phẩm và nâng cao chất lượng hàng nông sản, nâng cao trình độ chuyên môn cho các đối tượng liên quan; cập nhật đầy đủ và hiểu rõ các quy định về SPS của EU, khuyến nghị đối với nhà sản xuất và doanh nghiệp để đảm bảo an toàn và chất lượng sản phẩm đầu ra đúng quy trình canh tác, chế biến, đóng gói, vận chuyển.

 TS.Ngô Xuân Nam - Phó Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam nhấn mạnh những điều khoản quan trọng cần lưu ý trong Chương 6 SPS

Tham dự diễn đàn, TS.Vũ Thanh Hương, Phó trưởng khoa Kinh tế và Kinh doanh quốc tế, Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN nhấn mạnh, EVFTA là hiệp định đặc biệt nhìn ở các khía cạnh như: đối tác, thời điểm hiệu lực và cách Việt Nam triển khai thực hiện. Theo diễn giả, không giống như một số đối tác quan trọng khác đã có FTA với Việt Nam trong khuôn khổ ASEAN trước khi ký kết FTA song phương với Việt Nam như Nhật Bản và Hàn Quốc, giữa EU và Việt Nam chưa có FTA trước đó. EU cũng là thị trường có tính bổ sung với Việt Nam, là khu vực công nghệ nguồn, là nhà đầu tư lớn nhất thế giới, cũng là thị trường xuất khẩu trong top 3 của Việt Nam và cũng là thị trường có sức mua lớn Top 3 thế giới. Tốc độ ban hành chính sách và công tác tổ chức thực hiện EVFTA diễn ra nhanh chóng và EVFTA là Hiệp định có mức độ và phạm vi tự do hóa cao nhất mà Việt Nam từng tham gia. Trong giai đoạn 2001-2020, xuất khẩu của Việt Nam sang khu vực EU tăng hơn 12 lần, nhập khẩu tăng hơn 9 lần. Trong tình hình đại dịch COVID-19 gây khó khăn trên toàn thế giới, xu hướng bảo hộ mậu dịch, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung gay gắt, Việt Nam đang đối mặt với nhiều biện pháp phòng vệ thương mại thì chính EVFTA đã mang lại nhiều cơ hội lớn cho nền kinh tế nước ta như việc mở rộng thị trường xuất khẩu, thu hút đầu tư, tham gia vào chuỗi giá trị của các doanh nghiệp EU... Để thực hiện Hiệp định, Việt Nam cũng đối mặt với thách thức cạnh tranh với hàng hóa của EU, thách thức từ việc hiện thực hóa cơ hội xuất khẩu (khả năng đáp ứng các quy tắc xuất xứ, các tiêu chuẩn kỹ thuật, lao động và môi trường).

Tuy nhiên, thách thức đó tạo động lực cho các doanh nghiệp có cơ hội nâng cao năng lực, thúc đẩy giảm giá, tăng chất lượng và tạo ra sự khác biệt của sản phẩm Việt Nam. Đây cũng là cơ hội để nâng tầm dấu ấn, tăng xuất khẩu và cơ hội tham gia GVC, là lợi thế của Việt Nam so với các đối thủ cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Do đó, Việt Nam cần có các hành động phù hợp và chủ động để khai thác những lợi thế của Hiệp định.

 

TS.Vũ Thanh Hương - Phó trưởng khoa Kinh tế và Kinh doanh quốc tế, Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN nhấn mạnh EVFTA là hiệp định đặc biệt.

 Đại biểu tham dự Diễn đàn đã được tiếp cận với những thông tin mới nhất về tác động của EVFTA đến hoạt động xuất khẩu gạo của Việt Nam cũng như thông tin mới nhất trong Quy định về an toàn vệ sinh và kiểm dịch động thực vật đối với các sản phẩm nông sản xuất khẩu vào thị trường EU đến từ các diễn giả của Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN và đại diện Văn phòng SPS Việt Nam. Từ những câu chuyện thực tế, những phân tích và nhận định của các diễn giả, người nghe có cái nhìn cận cảnh hơn về thị trường xuất khẩu và những yêu cầu khắt khe của thị trường xuất khẩu giàu tiềm năng nhưng cũng khó tính, đòi hỏi các nhà quản lý, các doanh nghiệp của Việt Nam phải nghiêm ngặt hơn hơn trong các quy định về đảm bảo chất lượng sản phẩm gạo và nông sản khác.

TS.Nguyễn Thế Kiên - Giảng viên Khoa Kinh tế phát triển, Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN đánh giá những tác động của EVFTA đến hoạt động xuất khẩu gạo của Việt Nam


 ThS.Trần Thùy Dung - Văn phòng SPS Việt Nam chia sẻ về quy định về an toàn vệ sinh và kiểm dịch động thực vật đối với các sản phẩm nông sản xuất khẩu vào thị trường EU

Đặc biệt, tại Diễn đàn, Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN và Văn phòng SPS Việt Nam (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đã thực hiện Lễ ký kết Thỏa thuận hợp tác trong việc triển khai các nội dung trong khuôn khổ thực thi Hiệp định EVFTA. Hai bên cam kết hợp tác trong lĩnh vực hỗ trợ xuất bản bản tin, tổ chức sự kiện và truyền thông, hợp tác trong lĩnh vực thực tập, thực tế gắn với tuyển dụng, tuyển sinh cũng như hợp tác trong lĩnh vực đào tạo và nghiên cứu các nội dung liên quan tới Hiệp định này.

Từ khi được đưa vào thực thi, Hiệp định EVFTA là cú hích rất lớn cho xuất khẩu của Việt Nam, giúp đa dạng hóa thị trường và mặt hàng xuất khẩu, đặc biệt là các mặt hàng nông, thủy sản cũng như những mặt hàng Việt Nam vốn có nhiều lợi thế cạnh tranh. Việc tổ chức Diễn đàn Thực thi cam kết về SPS trong Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU gửi đi một thông điệp tích cực về quyết tâm của Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN trong việc đồng hành cùng các cơ quan nhà nước thúc đẩy nghiên cứu và truyền thông về việc thực thi Hiệp định này tại Việt Nam trong thời gian tiếp theo.

 

 

 

 
 
  

 

Tin bài liên quan:

Khai thác lợi thế từ EVFTA phụ thuộc vào từng doanh nghiệp

 


Bài và ảnh: Thùy Dung - Quang Trung - UEB Media

FullName Email
Address Security code KTHYLU
Content