Trang tuyển sinh
 Search

Sách và ước mơ - Lớp học của tri thức và những chân trời mới

PGS.TS Nguyễn Việt Khôi cùng các cộng sự tại khóa học
Tối ngày 16/5, Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN đã triển khai khoá đào tạo ngắn hạn trực tuyến với chủ đề “Sách và Ước mơ” (Books and Dreams).

Đây là khoá học ngắn hạn lần thứ 2 được tổ chức trực tuyến trên nền tảng ứng dụng Microsoft Teams (sau khóa học Yêu và được Yêu) đang được Nhà trường sử dụng dạy online cho sinh viên trong mùa Covid. Khác với các lớp học bình thường, lớp học đặc biệt này chỉ tập trung để bàn về sách, kỹ năng chọn sách và kỹ năng đọc sách cho các bạn sinh viên. Diễn giả của lớp học là PGS. TS Nguyễn Việt Khôi - Giám đốc Trung tâm Đào tạo và Giáo dục Quốc tế (CITE), trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN.

Chương trình cũng bất ngờ được chào đón sự tham gia và chia sẻ trực tuyến của PGS.TS Nguyễn Trúc Lê - Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN, người đã trực tiếp đặt nền móng cho lớp học qua câu nói “Không chủ động đọc sách là mất đi một nửa chân trời mơ ước”.


PGS.TS Nguyễn Việt Khôi (bên trái) tại lớp học
 

Không phải sách giúp mình, mà bản thân mình giúp mình

Mặc dù có vẻ hơi trái ngược với thực tế, nhưng câu nói này của PGS.TS Nguyễn Việt Khôi lại chính là điểm nhấn của lớp học “Sách và Ước mơ”. Khi chia sẻ về lợi ích của sách self-help và cách áp dụng và thực tế, ông nhấn mạnh: “Mỗi quyển sách đều có thể mang đến giá trị nhất định cho người đọc. Tuy nhiên, để áp dụng những bài học đó vào thực tế thì sách không thể giúp mình, mà chính bản thân mình mới có thể giúp mình”. Điều này cũng được Hiệu trưởng PGS.TS Nguyễn Trúc Lê đề cập đến qua kỹ năng chọn sách, không có quyển sách nào dở vì bạn đều có thể tìm ra những điều hay trong những quyển sách “dở”. Từ những quyển sách tưởng chừng khô khan như sách lịch sử, tôn giáo, chính trị đến những quyển mang chủ đề kỹ năng sống, tiểu thuyết, tự truyện… đều có thể kích thích não bộ người đọc phát triển và sáng tạo. Đặc biệt, những quyển sách về sách lịch sử, tôn giáo còn giúp kết nối quá khứ và hiện tại, giúp đúc kết triết lý qua tiến trình phát triển dài của nhân loại; cuối cùng là giúp người đọc “mở rộng” tầm hiểu biết và “làm giàu” cảm xúc từ trái tim mình. Vì vậy, sách “hay” hay “dở”, có tác dụng “ít” hay “nhiều”... tất cả là do quyết định của bản thân mỗi chúng ta.

Mỗi quyển sách chỉ cần đúc kết ra 3 ý hay nhất

Cũng trong lớp học, PGS.TS Nguyễn Trúc Lê đã chia sẻ kinh nghiệm hữu ích của thầy để đọc sách hiệu quả, đó là “Qua mỗi quyển sách, chúng ta chỉ cần đúc kết ra 3 ý hay nhất”. Cách thức này sẽ giúp người đọc nhớ lâu hơn, hiểu nhiều hơn và dễ áp dụng vào thực tế cuộc sống hơn. Để có thể hiểu và tóm gọn lại các ý, người đọc cần sử dụng kỹ năng đọc “keywords” (những từ khoá chính), highilight (tô màu) các ý quan trọng hoặc ghi lại những ý nổi bật vào một quyển sổ tay nhỏ. Điều này sẽ khiến quá trình hiểu và nhớ lại của người đọc đơn giản hơn rất nhiều.

Làm giàu tài nguyên số của UEB

Bên cạnh các nội dung cảm nhận tích cực về lớp học, nhiều bạn sinh viên cũng giãi bày mong muốn có thêm nhiều sách để đọc trực tuyến hơn, đặc biệt các giáo trình, sách tham khảo tiếng nước ngoài. Hiện nay, mặc dù nguồn sách trong thư viện của Trường ĐH Kinh tế và thư viện Đại học Quốc gia Hà Nội vô cùng phong phú và được cập nhật hàng ngày, một số sinh viên vẫn còn gặp khó khăn trong việc truy cập và đọc trực tuyến những tài liệu này. Chính sự bất cập ấy đã vô hình trở thành một trở ngại trong quá trình học tập và tiếp thu kiến thức của sinh viên. Nắm bắt được mong muốn này, thầy Hiệu trưởng đã chủ động đề xuất về ý tưởng kết hợp các thư viện số và đơn giản hoá quy trình đọc sách trực tuyến cho sinh viên Đại học Kinh tế - ĐHQGHN. Hy vọng rằng, một thư viện giàu tài nguyên và chuyên nghiệp hơn sẽ được giới thiệu với các bạn trong một thời gian không xa.

Khoản đầu tư bền vững nhất của Trường ĐHKT

Nếu đọc sách là khoản đầu tư không bao giờ lỗ của mỗi cá nhân, thì đào tạo tri thức - kỹ năng và hướng  sinh viên đến những giá trị tốt đẹp nhất lại được coi là “khoản đầu tư bền vững nhất” trong chủ trương của Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN. Buổi đào tạo ngắn hạn thứ 2 đã mang đến cho các bạn sinh viên những cảm nhận vô cùng sâu sắc. Nhiều tin nhắn và bình luận đã được gửi về BTC với nội dung như “Cảm ơn chương trình”, “Cảm ơn những thông điệp tích cực của các thầy” và mong sẽ có thêm nhiều chương trình chia sẻ hữu ích trong tương lai.

Lớp học tuy nhỏ, nhưng đã mang đến những giá trị lớn lao hơn tất cả. Vì sách là chân trời ước mơ, vì đọc sách là quá trình hoàn thiện bản thân mình; sinh viên cần chủ động đọc sách, chủ động tìm hiểu tri thức và làm giàu vốn hiểu biết của mình. Chỉ có như vậy, các bạn mới không bị hụt hẫng khi bước chân ra khỏi giảng đường đại học để hoà nhập với cuộc sống thực tế ngoài kia.

Dù mang nội dung khá học thuật và phải diễn ra dưới hình thức trực tuyến nhưng lớp học đã thành công ngoài mong đợi khi tất cả người tham gia đều có mặt từ đầu đến phút cuối chương trình. Nhiều sinh viên đã để lại những lời nhắn vô cùng tâm huyết về cảm nhận của mình với lớp học về sách và mơ ước.
 
 

Tuy thời gian chuẩn bị tổ chức chương trình chỉ trong 7 ngày, các thầy cô và sinh viên thuộc các tổ đội truyền thông, kỹ thuật đã cùng nhau cố gắng rất nhiều để thực hiện thành công chương trình ý nghĩa này. Cảm ơn các thầy cô vì lòng nhiệt huyết và hết lòng thương yêu học trò; cảm ơn các em sinh viên vì sự cầu thị, chủ động học tập trong khoảng thời gian khó khăn của mùa dịch.

Có một bí mật nho nhỏ, các bạn sinh viên UEB không chỉ giỏi kiến thức mà còn vô cùng khéo tay nữa. Các tác phẩm bookmark “Made by UEBer” tham gia mini game trước lớp học rất đẹp và thật sự độc đáo. Các bạn được giải nhanh chóng lên nhận sách và bookmark của riêng mình tại Phòng Truyền thông và Quản trị thương hiệu (P702 - E4 Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN) vào giờ hành chính các ngày trong tuần nhé. Chúng ta sẽ cùng nhau xây dựng một Trường Đại học Kinh tế ngày càng phát triển, hiện đại, văn minh với đội ngũ giảng viên và sinh viên nhiệt thành, giàu cả sức trẻ, giàu cả tri thức!
Những tấm bookmarkdo chính tay sinh viênUEB tạo nên

Đàm Thúy

FullName Email
Address Security code WNDIXW
Content