Trang tuyển sinh
 Search

Đào tạo trực tuyến không chỉ là giải pháp, mà là chiến lược

Một điểm cầu trực tuyến tại Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN
Sáng ngày 17/4, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức Hội nghị đào tạo trực tuyến đối với giáo dục đại học trong bối cảnh dịch Covid-19 theo đó đã có 45% các trường đại học tổ chức đào tạo trực tuyến. PGS.TS Nguyễn Trúc Lê - Hiệu trưởng cùng lãnh đạo Phòng Đào tạo, Trung tâm Hệ thống Thông tin Kinh tế và Quản lý Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN đã tham dự hội nghị.

Tham dự Hội nghị có lãnh đạo Bộ và lãnh đạo gần 300 trường đại học trên toàn quốc, các tập đoàn công nghệ để chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin. Hội thảo được tổ chức nhằm tạo ra diễn đàn kết nối hợp tác giữa các cơ sở giáo dục đại học (GDĐH) và các tập đoàn công nghệ để chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin trong giáo dục đại học, đặc biệt là trong đào tạo trực tuyến; hướng tới phát triển các hoạt động trong tương lai, chứ không chỉ trong bối cảnh có dịch Covid-19.

70% sinh viên dân tộc và miền núi, vùng khó khăn bị hạn chế học trực tuyến

Hội nghị xoay quanh việc các trường đại học chia sẻ về kinh nghiệm đào tạo trực tuyến trong thời gian qua, những khó khăn và đề xuất cách khắc phục. Báo cáo tại hội nghị bà Nguyễn Thu Thủy, quyền Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học - Bộ GD&ĐT cho biết, hiện nay có 45% cơ sở giáo dục đại học đã thực hiện đào tạo trực tuyến, trong đó có 63 trường ĐH công lập và 42 trường dân lập; 42% cơ sở giáo dục đại học chưa thực hiện đào tạo trực tuyến (gồm 82 trường, trong đó có 15 trường đại học ngoài công lập); Khối An ninh Quốc phòng vẫn đào tạo tập trung là 13% (33 trường).

Các trường chưa đào tạo trực tuyến chủ yếu là các trường đại học thuộc các tỉnh và có lượng sinh viên ở các vùng sâu, vùng xa nhiều, điều kiện công nghệ gặp nhiều khó khăn. Con số thống kê cho thấy, có tới 70% sinh viên dân tộc thiểu số, vùng núi bị hạn chế học trực tuyến.

 

Cần có một khung tiêu chuẩn cố định về đào tạo trực tuyến

PGS.TS Hoàng Minh Sơn, Hiệu trưởng trường ĐH Bách khoa đề xuất: Bộ GD&ĐT cần xây dựng quy chế, quy chuẩn dựa trên đảm bảo chất lượng, đứng về phía người học không nên đi quá sâu về kỹ thuật vì công nghệ thay đổi liên tục. Bộ GD&ĐT cần hợp tác với Bộ TT-TT để đi đầu về chuyển đổi công nghệ số.

Cũng theo ông Sơn, đây là cơ hội để các trường đại học có thể chia sẻ học liệu với nhau để phục vụ đào tạo một cách tốt nhất.

PGS.TS Đào Văn Đông, Hiệu trưởng trường ĐH Công nghệ Giao thông Vận tải kiến nghị: Bộ GD&ĐT cần có hệ thống các văn bản quản lý về đào tạo trực tuyến để giúp các trường thúc đẩy đào tạo trực tuyến mang tính đồng bộ như học và khảo thí. Đặc biệt, chiến lược quốc gia về giáo dục đào tạo thích ứng với cách mạng công nghiệp 4.0.

Lãnh đạo ĐH Thái Nguyên kiến nghị, Bộ GD&ĐT cần có hướng dẫn thống nhất cho các trường ban hành văn bản hướng dẫn về đào tạo trực tuyến kết hợp với đào tạo truyền thống.

 Thứ trưởng Bộ Giáo dục - Đào tạo Nguyễn Văn Phúc phát biểu tại hội nghị

 Bộ GD&ĐT, Bộ TT-TT nên có sản phẩm hỗ trợ E-Learning đơn giản nhất với các giải pháp, ứng dụng dành cho lĩnh vực giáo dục… cung cấp miễn phí giải pháp nền tảng học và thi trực tuyến E-Learning. Đồng thời, có thể miễn phí data 3G/4G cho SV. Đảm bảo cho hệ thống máy chủ độc lập được bảo mật cao.

Ngoài ra, Bộ cần phát triển hệ thống LMS và LCMS phù hợp hỗ trợ cho việc đào tạo trực tuyến. (LMS quản lý các hoạt động học tập online, LCMS quản lý nội dung học tập). Phát triển nguồn học liệu bài giảng đa phương tiện cho đào tạo trực tuyến.

Trường ĐH Công nghệ Đồng Nai kiến nghị, Bộ GD&ĐT cần có quy định về quy chuẩn cơ bản việc đào tạo theo hình E-learning là xu thế tất yếu của xã hội, qui định chuẩn tối thiểu về đào tạo E-learning như: Cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, người dạy, người học, đề cương học phần… Công nhận kết quả học online của cấp Phổ thông, Tiểu học. Xem đào tạo trực tuyến, E-learning là xu hướng tất yếu không phải chỉ để giải quyết trong tình hình dịch bệnh hiện nay.

Đào tạo trực tuyến không chỉ là giải pháp, mà là chiến lược

Về phía Trường ĐH Kinh tế - ĐHQGHN, công tác đào tạo trực tuyến đã được triển khai từ ngày 16/3 đến nay đã được hơn một tháng và thu được nhiều kết quả tốt. Cụ thể, ngay trước khi có kế hoạch, Nhà trường đã tổ chức tập huấn dạy trực tuyến cho giảng viên, hướng dẫn sinh viên và cấp tài khoản Microsoft Team cho tất cả sinh viên và học viên. Đồng thời, Nhà trường cung cấp nền tảng kỹ thuật để đáp ứng số lượng lớn người học truy cập vào cùng một lúc.

PGS.TS Nguyễn Trúc Lê - Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế cho biết: “Đào tạo trực tuyến không chỉ là hoạt động tình thế để khắc phục khó khăn về dạy và học trong khi dịch bệnh Covid đang diễn biến phức tạp, mà còn là hoạt động trọng tâm trong công tác đổi mới giảng dạy của trường Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN”.

Trong chiến lược phát triển dài hạn, Nhà trường hướng tới đào tạo trực tuyến là một phần trong quá trình tổ chức đào tạo, kết hợp với việc mời các chuyên gia, diễn giả nước ngoài, phát triển hệ thống bài giảng E-learning nên giảng viên, sinh viên luôn có tâm thế sẵn sàng đón nhận và tham gia vào đào tạo trực tuyến.

 
Song hành với định hướng chiến lược và áp dụng công nghệ trong đào tạo trực tuyến, Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN luôn đề cao tính kỷ luật của sinh viên cũng như công tác quản lý đào tạo. Trường ĐHKT đã và đang chủ động xây dựng hệ thống LMS quản lý công tác đào tạo trực tuyến cho riêng Nhà trường.

Chính nhờ sự điều hành của Ban Giám hiệu, sự phối hợp hiệu quả của các đơn vị chức năng, các đơn vị đào tạo cùng với tinh thần học tập nghiêm túc, kỷ luật của sinh viên mà lượng kiến thức qua học trực tuyến cơ bản được đảm bảo. Thậm chí, bảo vệ đề tài, thi nghiên cứu khoa học sinh viên, tọa đàm khoa học, thi tài năng online sinh viên cũng được diễn ra với sự hưởng ứng cao của sinh viên.

Trong những ngày tiếp theo thực hiện cách ly xã hội, Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN sẽ tiếp tục triển khai đào tạo trực tuyến và sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm với các trường đại học khác để cùng khắc phục khó khăn trong đại dịch Covid-19.


Bài: Nguyễn Công – Ngô Hà Ảnh: Phạm Diệp

FullName Email
Address Security code UEIBZA
Content