Trang tuyển sinh
 Search

Sinh viên Đại học Kinh tế - ĐHQGHN tham vọng lập mạng lưới “uber" cho giáo dục

Nhóm sinh viên sáng lập dự án giáo dục tham vọng mang tên: Mạng lưới gia sư chất lượng cao
Mạng lưới gia sư chất lượng cao là dự án đầy tham vọng của các sinh viên thế hệ 9x. Dự án này đang tham gia cuộc thi “Ý tưởng khởi nghiệp sinh viên” và nhận được sự hỗ trợ, đồng hành của các giáo viên, chuyên gia hàng đầu.

Mạng lưới gia sư chất lượng cao (REDU) là một dự án do nhóm sinh viên trường Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHKT-ĐHQGHN) khởi xướng. Đây là một dự án áp dụng công nghệ thông tin được đánh giá là nhanh gọn, thân thiện với người sử dụng.

Mạng lưới này được thiết kế trên một website và hướng tới hình thành ứng dụng trên điện thoại với bộ lọc nâng cao, hiển thị trực quan bản đồ, cơ chế mở, có hệ thống đánh giá công khai năng lực gia sư kèm nhận xét của học sinh cũ, theo dõi vị trí gia sư theo chương trình, giờ dạy của gia sư và kết quả học tập của học sinh…

Ý tưởng của dự án mạng lưới gia sư chất lượng cao đến từ nhóm sinh viên Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN và Đại học Bách khoa Hà Nội, do em Nguyễn Thị Minh Sang – sinh viên khóa QH-2013-E Khoa Tài chính Ngân hàng, Trường ĐH Kinh tế - ĐHQGHN khởi xướng. Sang và nhóm của mình nhận thấy nhu cầu của nhiều sinh viên mới ra trường có học lực giỏi và kinh nghiệm dạy gia sư 2-3 năm trở lên phải đến các trung tâm gia sư chứa nhiều rủi ro và bất cập để tìm học sinh. Mặt khác, học sinh cũng có nhu cầu lớn trong việc chọn đúng gia sư và trường học như mong muốn. Kết hợp nhu cầu từ cả hai phía, nhóm start-up sinh viên đã thiết lập dự án này.

Đại diện nhóm Nguyễn Thị Minh Sang chia sẻ: “Nhóm nhận thấy rằng chỉ tạo lập kênh phản hồi (review) thôi thì chưa đủ, chính vì vậy tụi mình đã nghĩ đến mạng lưới gia sư chất lượng cao. Mạng lưới này cung cấp giáo dục chuyên biệt cho các em học sinh, giúp các em tìm được phương pháp học phù hợp”.

Dự án này khởi đầu tự phát vào năm 2016 nhưng khi phong trào khởi nghiệp nở rộ và được khuyến khích, hỗ trợ thì nhóm start-up này đã mạnh dạn đăng ký tham gia một chương trình hỗ trợ khởi nghiệp.

 4 bạn trẻ sáng lập dự án được ví là "mô hình uber cho giáo dục"

Mỗi người có điểm mạnh trong từng lĩnh vực khác nhau đã cùng nhau thực hiện dự án táo bạo này. Nhóm trưởng Minh Sang nói: “Tụi mình không ngừng bàn bạc về ý tưởng và trao đổi với những người cùng chí hướng để hoàn thiện dự án. Hiện tại, Mạng lưới gia sư chất lượng cao đang có phiên bản trang web (beta) và đang nhắm tới phát triển ứng dụng điện thoại trong tương lai”.

 

Về 4 thành viên của nhóm:

+ Nguyễn Minh Sang, QH-2013khoa Tài chính Ngân hàng, Trường ĐH Kinh tế - ĐHQGHN, cựu sinh viên trường Mỹ thuật Đa phương tiện Quốc tế Arena Multimedia, là Quản lý Chiến lược Dự án và Designer của nhóm

+ Vũ Bích Ngọc, QH-2014-E Khoa Kinh tế Phát triển, Trường ĐH Kinh tế - ĐHQGHN: Quản trị chiến lược Marketing và Bán sản phẩm

+ Nguyễn Hải Sơn, QH-2013-E Khoa Tài chính Ngân hàng, Trường ĐH Kinh tế -ĐHQGHN: Phụ trách Tài chính và Pháp lý của dự án

+ Nguyễn Trung Kiên, Lớp Việt - Nhật, Khoa Công nghệ Thông tin, Trường ĐH Bách Khoa HN: Xây dựng website và phần mềm.

 
Khi truy cập vào mạng lưới này, phụ huynh và học sinh có thể tìm được gia sư với môn học, nơi ở và giới tính… phù hợp nhất với gia đình, hiển thị qua bản đồ trực quan.

Về phần các ứng viên gia sư muốn gia nhập mạng lưới có thể đăng ký một tài khoản online. Nếu ứng viên vượt qua được 2 vòng bao gồm chọn lọc hồ sơ và qua bài kiểm tra trực tuyến về môn học chuyên môn thì mạng lưới sẽ liên hệ để gặp trực tiếp và sắp xếp các buổi luyện dạy thử. Khi ứng viên gia sư vượt qua được các bước trên, chính thức trở thành giáo viên của mạng lưới, thông tin của họ sẽ được hiện lên hệ thống.

“Nếu có thể dùng từ so sánh dễ liên tưởng nhất thì mạng lưới gia sư giống mô hình uber cho giáo dục”, nhóm trưởng dự án miêu tả.

Thay vì để gia sư mỗi người dạy mỗi kiểu, dự án này cung cấp bộ giáo trình cụ thể được xây dựng và tư vấn bởi các giáo viên giảng dạy kinh nghiệm lâu năm, với từng trình độ ở từng cấp học. Đây là một dự án tham vọng lớn lại đang ở giai đoạn đầu là tập trung xây dựng, hoàn thiện và kiểm nghiệm sản phẩm nên các bạn trẻ hy vọng rằng sẽ hội tụ được vốn qua các cuộc thi.

 
Dự án này từng lọt Top 3 cuộc thi Khởi nghiệp quốc gia do VCCI tổ chức cuối năm 2016 

Dự án này đã từng lọt vào Top 3 cuộc thi Khởi nghiệp quốc gia do VCCI tổ chức vào cuối năm 2016. Còn hiện tại, nhóm bạn trẻ đang tiếp tục tham gia cuộc thi Ý tưởng khởi nghiệp sinh viên (Start-up Student Ideas) do Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam tổ chức; song song với đó là quá trình hoàn thiện dự án, dự kiến tháng 7 năm nay mới bắt đầu ra mắt công chúng.

“Nhóm đang nhận được sự cố vấn về chuyên môn từ Phòng Nghiên cứu Khoa học và Hợp tác Phát triển của Trường ĐHKT - ĐHQGHN của thầy Lê Trung Thành; đồng thời phối hợp với một số giáo viên có kinh nghiệm lâu năm để xây dựng bộ giáo trình chuẩn từng cấp; cùng lúc đó chiêu mộ các gia sư và kỹ sư công nghệ thông tin giỏi về đội ngũ của mình. Đã có khoảng 50 gia sư cam kết đồng hành và số lượng này sẽ còn tăng liên tục khi bản thân các thành viên đều là sinh viên và quen biết một nguồn cung lớn”, Minh Sang cho biết.

Nhóm sáng lập mạng lưới sẽ có hai nguồn chính trong giai đoạn đầu là tiền phí hàng tháng của gia sư để gia nhập mạng lưới và lợi nhuận từ các gói hỗ trợ phụ huynh và học sinh trên website. Trong tương lai, nhóm start-up còn kỳ vọng sẽ có thêm nguồn thu từ việc cung cấp những khoá học online được tổ chức trên mạng lưới.

Nhóm sáng lập tin tưởng vào sự thành công của dự án này vì theo khảo sát riêng của các bạn, hiện nay số lượng sinh viên ngành sư phạm tốt nghiệp chưa kiếm được việc là rất lớn và hầu hết đều đã có kinh nghiệm dạy học 2-3 năm; đồng thời nhu cầu gia sư của học sinh luôn lớn.


Theo: Mai Châm (Dân trí)

FullName Email
Address Security code JQDVYF
Content