Thông tin cho sinh viên
 Search

Khoa KTQT xây dựng kỹ năng cá nhân và nghề nghiệp cho sinh viên

Ngày 4/2/2010, Khoa Kinh tế Quốc tế, Trường ĐHKT - ĐHQGHN đã tổ chức hướng dẫn viết CV (lý lịch), thư xin việc và kỹ năng phỏng vấn và làm việc chuyên nghiệp cho sinh viên QH-2006-E (năm thứ 4) hệ đào tạo chuẩn và chất lượng cao của Khoa trước khi sinh viên bắt đầu đến thực tập tại những doanh nghiệp hay tổ chức mà Khoa có mối quan hệ hợp tác.

Bằng nhiều ví dụ minh họa cụ thể và chỉ ra các điểm mạnh và điểm cần cải thiện của nhiều CV do sinh viên tự viết trước buổi training, TS. Vũ Anh Dũng, TS. Nguyễn Anh Thu và ThS. Trần Thị Hoàng Yến đã chia sẻ và hướng dẫn cho sinh viên biết về ý nghĩa, cấu trúc, format… mà một CV để lại ấn tượng cần phải có được. CV có vai trò rất quan trọng trong việc nói cho người tuyển dụng “Bạn là ai?” và “Bạn khác biệt như thế nào so với các ứng viên khác?” phần lớn là ngay từ lúc ứng viên chưa gặp nhà tuyển dụng. Nói ngắn gọn CV chính là một bản tự quảng cáo bản thân nên cần phải có yếu tố độc đáo trong cách sử dụng ngôn ngữ cũng như format để tạo nên điểm khác biệt. CV không nên quá dài, thông thường chỉ 1-2 trang, cần phải cô đọng nhưng chứa đựng đầy đủ thông tin và phải được trình bày gọn gàng, đẹp và bắt mắt.
Ngoài các thông tin cơ bản về bằng cấp, kết quả học tập hay kinh nghiệm thực tiễn, sinh viên được tư vấn nên đưa các hoạt động xã hội hay một vài điểm mạnh của cá nhân để tạo ra sự khác biệt. Tuy nhiên, một điều khuyên cũng được đưa ra là CV không nên phóng đại hoặc nói sai so với sự thật hay thành tích thực tế đã đạt được (ví dụ như kết quả học tập). Hơn 30 mẫu CV đã được cung cấp để các bạn sinh viên có thể tham khảo.
Bên cạnh một CV tốt cũng cần có một lá đơn xin việc hay và ấn tượng. Cũng bằng cách đối sách, các điểm yếu mà một đơn xin việc thường gặp phải đã được chỉ ra như quá ngắn hoặc quá dài, nội dung đơn điệu thường là chỉ tập trung nói về nguyện vọng của mình nộp đơn vào vị trí, không biết mình muốn gì, trình bày cẩu thả, thiếu tính sáng tạo… Về cơ bản, đơn xin việc có thể khác nhau và cách tiếp cận để viết có thể khác nhau và nội dung khác nhau. Một số nội dung được gợi ý để tham khảo mà trong một đơn xin việc nên có là ngoài phần nói về trình độ học vấn và kinh nghiệm bản thân (cần ngắn gọn và tập trung vào những điểm quan trọng vì đã có trong CV), sinh viên nên chỉ ra mình định làm gì, tại sao mình lại nộp đơn cho công ty, mình sẽ đóng góp như thế nào cho doanh nghiệp hay tổ chức nếu mình được chấp thuận… Các lý do đưa ra cần sáng tạo và đa dạng. Do vậy việc tìm hiểu kỹ về doanh nghiệp hay tổ chức mà sinh viên định nộp đơn là quan trọng và cần thiết. Một số bạn có nguyện vọng muốn nộp đơn học tiếp lên bậc thạc sĩ hay tiến sĩ và tìm học bổng học tập tại nước ngoài cũng được hướng dẫn về cách viết đơn.
Khi được lựa chọn vào danh sách phỏng vấn, sinh viên cần lưu ý đến một số yếu tố như tìm hiểu kỹ về doanh nghiệp hay tổ chức, thời gian, hình thức bề ngoài và thái độ trong giao tiếp. Các yếu tố này là rất quan trọng trong việc tạo ra sự ấn tượng đầu tiên cho nhà tuyển dụng. Sinh viên cần xây dựng sự tự tin trong giao tiếp khi phỏng vấn (thông qua kỹ năng giao tiếp cũng như việc tìm hiểu kỹ về doanh nghiệp hay tổ chức) nhưng cũng cần phải tránh sự tự tin thái quá. Vẻ bề ngoài cũng như phong cách ăn mặc chuyên nghiệp (phù hợp với từng môi trường làm việc cụ thể mà sinh viên nộp đơn xin việc) cũng tạo những dấu ấn riêng. Thêm vào đó, vấn đề thời gian khi đến phỏng vấn cũng góp phần không nhỏ trong thành công của sinh viên. Nên sắp xếp đến giờ hẹn phỏng vấn trước từ 10-15 phút so với thời gian được hẹn. Nếu đến quá sớm so với thời gian phỏng vấn sẽ gây ra tâm lý lo lắng và sẽ ảnh hưởng đến kết quả phỏng vấn nhưng nếu đến quá muộn thì cơ hội phỏng vấn đã dành cho những người khác và không được nhà tuyển dụng đánh giá cao.
Khi được chấp nhận vào làm việc, yếu tố đặt lên hàng đầu của phong cách làm việc chuyên nghiệp là “sự trung thực” hay “thành thật” được xét đến ở nhiều góc độ - theo TS. Vũ Anh Dũng. Các yếu tố khác cũng không kém phần quan trọng tạo nên sự thành công trong công việc bao gồm làm việc chăm chỉ, chủ động, trách nhiệm và tinh thần đồng đội cùng với thái độ giao tiếp hòa nhã chân thành và cầu tiến.
Buổi tập huấn và chia sẻ kinh nghiệm xin việc này là cầu nối giúp các bạn sinh viên Khoa Kinh tế Quốc tế - Trường ĐHKT có thêm những kỹ năng cần thiết để chuẩn bị tốt cho công việc tương lai.


Trần Thị Hoàng Yến (Khoa KTQT)

FullName Email
Address Security code CFNFZR
Content