Thông tin cho sinh viên
 Search

Trường ĐHKT: Giao lưu trực tuyến về kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ 2011 tại Báo điện tử Vietnamnet

ThS. Nguyễn Thị Thư (bên trái) đang tư vấn cho các thí sinh
Để trang bị cho các thí sinh những thông tin đầy đủ nhất về Nhà trường, sáng ngày 15/3/2011, ThS. Nguyễn Thị Thư - Phó trưởng phòng Đào tạo, Trường ĐH Kinh tế - ĐHQGHN đã tham gia Giao lưu trực tuyến về kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ năm nay tại Tòa soạn báo điện tử Vietnamnet cùng lãnh đạo ĐHQGHN và đại diện các đơn vị trực thuộc ĐHQGHN. Chúng tôi xin trích đăng các thông tin liên quan đến Trường ĐHKT - ĐHQGHN để bạn đọc tiện theo dõi:


Ngân Phương, Nữ - 19 tuổi
Em muốn tìm hiểu về cơ hội việc làm của ngành Kinh tế quốc tế? Học xong Nhà trường có giới thiệu việc làm cho sinh viên không ạ?

ThS. Nguyễn Thị Thư - Phó trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Kinh tế, ĐHQGHN: Khi tốt nghiệp ngành Kinh tế quốc tế của Trường ĐH Kinh tế, sinh viên có thể đảm nhận nhiều vị trí công việc. Những vị trí phù hợp nhất là:
- Nhóm 1 - Chuyên viên kinh doanh trong các lĩnh vực có yếu tố nước ngoài:
- Nhóm 2 - Chuyên viên phân tích và tư vấn chính sách trong lĩnh vực kinh tế quốc tế.
- Nhóm 3 - Nghiên cứu viên và giảng viên: liên quan đến Kinh tế thế giới và quan hệ kinh tế quốc tế; trợ lý giảng dạy các môn học: Kinh tế quốc tế, Kinh tế đối ngoại Việt Nam, Thương mại quốc tế, Đầu tư quốc tế, Tài chính quốc tế...
Hiện nay Trường ĐH Kinh tế có rất nhiều đối tác là các cơ quan, doanh nghiệp. Vì vậy nếu em có kết quả học tập tốt, em sẽ có cơ hội được Nhà trường giới thiệu làm việc tại các đối tác của Trường.
Phan Hải, Nam - 18 tuổi
Ngành Tài chính - Ngân hàng đào tạo những gì và cơ hội việc làm sau khi tốt nghiệp?

ThS. Nguyễn Thị Thư: Chương trình đào tạo cử nhân ngành Tài chính - Ngân hàng của Trường ĐH Kinh tế - ĐHQGHN bao gồm các môn học thuộc khối kiến thức cơ bản, cơ sở của ngành như Kinh tế vi mô, Kinh tế vĩ mô, Kinh tế lượng, Kinh tế tiền tệ - ngân hàng, Tài chính doanh nghiệp, Các thị trường và định chế tài chính, Đầu tư tài chính, Phân tích báo cáo tài chính, Quản trị tài chính quốc tế, Quản trị ngân hàng thương mại, Thẩm định dự án đầu tư, … và các môn học thuộc khối kiến thức chuyên ngành Tài chính, Ngân hàng như Mô hình tài chính, Định giá doanh nghiệp, Kế toán ngân hàng, Tín dụng ngân hàng, Quản trị ngân quĩ, …
Sau khi tốt nghiệp sinh viên có thể làm việc tại các vị trí sau: chuyên viên, quản lý trong các lĩnh vực tài chính - ngân hàng; chuyên viên phân tích và tư vấn tài chính tại các doanh nghiệp, ngân hàng; nghiên cứu viên và giảng viên trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng tại các cơ sở giáo dục và nghiên cứu...
Từ thực tiễn cho thấy cơ hội việc làm của sinh viên tốt nghiệp Trường ĐH Kinh tế nói chung và ngành Tài chính - Ngân hàng của Trường nói riêng là rất lớn. Theo các số liệu thống kê của Trường trong vài năm gần đây, khoảng 90% sinh viên tốt nghiệpTrường ĐH Kinh tế đã làm đúng chuyên môn. Cùng với xu hướng ngày càng phát triển của nền kinh tế thế giới và Việt Nam, việc mở thêm các công ty trong lĩnh vực tài chính hoặc các chi nhánh của các ngân hàng thương mại cho thấy nhu cầu của thị trường còn rất lớn. Ngoài ra, Trường ĐH Kinh tế có rất nhiều đối tác là các cơ quan, doanh nghiệp. Vì vậy nếu em có kết quả học tập tốt, em sẽ có cơ hội được Nhà trường giới thiệu làm việc tại các đối tác của Trường.
Hải Nam, Nam - 18 tuổi
Em nộp hồ sơ vào ngành Kinh tế phát triển của Trường ĐH Kinh tế - ĐHQGHN. Nếu trong kì thi năm nay em đạt được số điểm cao đủ vào các ngành khác thì em có thể chuyển ngành không? Triển vọng nghề nghiệp của ngành Kinh tế phát triển?
ThS. Nguyễn Thị Thư: Nếu em thi vào Trường ĐH Kinh tế và đạt điểm cao, nếu đủ các điều kiện, em có thể được xét tuyển vào ngành Kinh tế quốc tế, Tài chính - Ngân hàng (hệ chất lượng cao) hoặc ngành Quản trị Kinh doanh (chương trình đạt trình độ quốc tế), tuy nhiên, ngoài việc đạt điểm cao, các chương trình này đòi hỏi em phải có trình độ tiếng Anh tốt.
Sinh viên tốt nghiệp ngành Kinh tế phát triển có thể làm ở các vị trí như sau:
- Quản lý, tư vấn và đánh giá các dự án phát triển tại trung ương và địa phương, trong các tổ chức phi chính phủ, các cơ quan phát triển quốc tế
- Phân tích, dự báo các chính sách kinh tế vĩ mô.
- Nghiên cứu và giảng dạy Kinh tế học và Kinh tế phát triển trong các trường đại học, cao đẳng và các viện nghiên cứu.
Đoàn Minh Tuấn, Nam - 17 tuổi
Em có một số thắc mắc muốn hỏi Nhà trường: Thứ nhất, em được biết ngành Tài chính -Ngân hàng của trường có lớp chất lượng cao, vậy yêu cầu để có thể vào lớp chất lượng cao là gì ạ? Thứ hai, ngoài điểm thi tuyển theo khoa thì có lấy điểm sàn chung của Nhà trường không? Em xin chân thành cảm ơn!

ThS. Nguyễn Thị Thư: Trường ĐH Kinh tế có ngành Tài chính - Ngân hàng hệ đào tạo chất lượng cao.
- Điều kiện dự tuyển: Sinh viên trúng tuyển vào Trường ĐH Kinh tế có điểm thi ít nhất bằng điểm trúng tuyển vào ngành Tài chính - Ngân hàng.
- Nguyên tắc xét tuyển: Căn cứ kết quả thi Tiếng Anh TOEFL paper (các kỹ năng: nghe, đọc, viết) do nhà trường tổ chức, lấy điểm từ cao xuống thấp. Sau đó sinh viên sẽ qua buổi phỏng vấn đánh giá năng lực cá nhân để tuyển chọn những sinh viên có năng lực tốt nhất vào chương trình.
Năm 2011, Trường ĐH Kinh tế xét điểm trúng tuyển theo ngành, kết hợp với điểm trúng tuyển vào trường theo khối thi, vì vậy nếu em đủ điểm trúng tuyển vào trường (điểm sàn) nhưng không đủ điểm vào ngành đã đăng ký dự thi sẽ được chuyển vào ngành khác có cùng khối thi có điểm trúng tuyển thấp hơn.
Thu Phương, Nữ - 19 tuổi
Đề nghị Nhà trường cho biết rõ về quy định tuyển sinh chương trình cử nhân ngành Quản trị kinh doanh đạt trình độ quốc tế của Trường ĐH Kinh tế?

ThS. Nguyễn Thị Thư: Nếu em trúng tuyển vào ngành Quản trị kinh doanh của Trường ĐH Kinh tế, em sẽ được học 1 năm Tiếng Anh để đạt chuẩn IELTS 5.5. Từ năm thứ hai, em sẽ học các môn chuyên môn bằng Tiếng Anh. Tuy nhiên, nếu các em đã có Tiếng Anh tốt, tương đương IELTS 5.5 (thông qua các chứng chỉ IELTS, TOEFL, …, hoặc qua kỳ thi Tiếng Anh đầu năm do nhà trường tổ chức), thì các em không cần phải học 1 năm Tiếng Anh nữa mà sẽ vào học năm thứ hai luôn, giúp em rút ngắn thời gian học tập.
Thành Phong, Nam - 19 tuổi
Em đăng ký nguyện vọng 1 vào ngành Tài chính - Ngân hàng của Trường ĐH Kinh tế - ĐHQGHN nhưng nếu điểm của em không đủ để vào ngành TCNH nhưng vẫn cao hơn điểm trúng tuyển nguyện vọng 1 của ngành Kinh tế Phát triển thì thủ tục xin chuyển vào ngành Kinh tế Phát triển là như thế nào?
ThS. Nguyễn Thị Thư: Nếu em đủ điểm trúng tuyển vào Trường nhưng không đủ điểm trúng tuyển vào ngành đã đăng ký dự thi (ngành Tài chính - Ngân hàng), khi đó nhà trường sẽ có thông báo về việc chuyển ngành đào tạo. Em có thể theo dõi thông báo trên Website của Trường để biết rõ thông tin thời gian thu nhận đơn xin chuyển ngành học và lấy mẫu đơn đăng ký chuyển ngành học. Website của trường là: http://www.ueb.vnu.edu.vn.
Trương Minh Nam, Nam - 18 tuổi
Em nghe nói ĐH Kinh tế khi thi đỗ vào thì phải học hai năm, sau đó dựa vào kết quả mới xét mình sẽ được học vào ngành nào. Nếu em không đủ điểm vào ngành em yêu thích mà vào ngành khác, em bắt buộc phải học ngành đó hay phải làm thế nào để được chuyển vào ngành mà em yêu thích?

ThS. Nguyễn Thị Thư: Khi các em trúng tuyển vào Trường ĐH Kinh tế, các em học theo ngành học mà mình đã trúng tuyển chứ không phải sau hai năm mới xét vào ngành học. Sau năm học thứ nhất, nếu em có điểm trung bình chung tích luỹ từ 2,0/4 điểm thì em có cơ hội học thêm ngành Tiếng Anh tại Trường ĐH Ngoại ngữ - ĐHQGHN, hoặc ngành Luật kinh doanh tại Khoa Luật - ĐHQGHN. Nếu em là sinh viên ngành Kinh tế, ngành Kinh tế phát triển thì em còn có thêm cơ hội học ngành Tài chính - ngân hàng của Trường ĐH Kinh tế.
Thanh Thảo, Nữ - 19 tuổi
Em muốn đăng ký thi vào Trường ĐH Thương mại, sau đó lấy điểm đó xin sang xét tuyển vào ngành Quản trị kinh doanh của Trường ĐH Kinh tế thì có được không?

ThS. Nguyễn Thị Thư: Nếu NV1 em đăng ký thi trường khác thì em phải chờ Trường ĐH Kinh tế xét tuyển NV2 sau khi đã xét tuyển NV1 mà vẫn còn chỉ tiêu. Trường sẽ xét tuyển NV2 bằng cách lấy điểm từ cao xuống thấp cho đến hết chỉ tiêu. Em có thể đăng ký NV1 vào ngành Quản trị kinh doanh của Trường ĐH Kinh tế, nếu điểm không đủ trúng tuyển vào ngành Quản trị kinh doanh nhưng vẫn đủ điểm sàn vào Trường thì có thể được học ngành có điểm thấp hơn. Sau một năm học nếu kết quả học tập tốt em có thể được học thêm một ngành thứ 2 là ngành Tài chính - Ngân hàng (nếu em là sinh viên ngành Kinh tế hoặc Kinh tế phát triển), ngành Tiếng Anh của Trường ĐHNN - ĐHQGHN hoặc ngành Luật kinh doanh của Khoa Luật - ĐHQGHN. Thời gian học khoảng 5-6 học kỳ do được bảo lưu một số môn học đã tích luỹ được ở ngành thứ nhất; tiền học phí cho ngành thứ 2 hiện nay là 225.000đ/tín chỉ.

Hoàng Trung, Nam - 20 tuổi
Em thi đầu vào là Khối A. Nếu đăng ký vào ngành Quản trị kinh doanh (Quản trị kinh doanh) thì có bắt buộc phải thi kiểm tra tiếng Anh đầu vào không?

ThS. Nguyễn Thị Thư: Trường hợp của em không phải thi kiểm tra tiếng Anh đầu vào, mà nhà trường chỉ kiểm tra để phân lớp học cho phù hợp với trình độ tiếng Anh của sinh viên. Nếu sau khi kiểm tra em đạt trình độ Tiếng Anh IELTS 5,5 trở lên hoặc em đã có chứng chỉ Tiếng Anh tương đương IELTS 5,5 trở lên thì em sẽ được học luôn chương trình học của năm thứ 2.
Khánh Chi, Nữ - 20 tuổi
Em muốn hỏi Trường ĐH Kinh tế - ĐHQGHN có hệ mở rộng dành cho những thí sinh đạt điểm cao nhưng không đủ điểm vào trường không? Nếu em thiếu 0.5 đến 1 điểm thì em có cơ hội vào hệ mở rộng không ạ

ThS. Nguyễn Thị Thư: Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN không có hệ ngoài ngân sách (hệ mở rộng như em hỏi). Nếu em dự thi vào Trường ĐH Kinh tế, không đủ điểm trúng tuyển vào ngành đăng ký dự thi nhưng lại đủ điểm sàn theo qui định của Trường, em sẽ được chuyển sang ngành học khác của trường nếu ngành đó còn chỉ tiêu.
Nam Khánh, Nam, 19 tuổi
Điều kiện để được ưu tiên xét tuyển và điều kiện được tuyển thẳng vào Trường ĐH Kinh tế - ĐHQGHN?

ThS. Nguyễn Thị Thư: Sinh viên đạt giải ba trở lên kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia lớp 12 các môn Toán, Tin học, Vật lý, Hoá học, Tiếng Anh và đạt điểm sàn của Bộ Giáo dục và Đào tạo trong kỳ thi đại học năm 2011. Em sẽ đăng ký vào hồ sơ ưu tiên (có sẵn trong Bộ hồ sơ TSĐH).
Các em tham gia kỳ thi Olimpic các môn Toán, Tin học, Vật lý, Hoá học sẽ được tuyển thẳng vào Trường ĐH Kinh tế và nộp hồ sơ tuyển thẳng cho Phòng Đào tạo, Trường ĐH Kinh tế - ĐHQGHN, Phòng 305 nhà E4, 144 Xuân Thuỷ, Cầu Giấy, Hà Nội.

Chiều ngày 16/3/2011, đại diện Phòng Đào tạo, Trường ĐHT sẽ tham gia chương trình tư vấn trực tuyến trên Đài tiếng nói Việt Nam - VOV News từ 14h đến 16h00. Mời các bạn quan tâm theo dõi và đặt câu hỏi.
____________________

TIN LIÊN QUAN:


UEB_net

FullName Email
Address Security code OAHIZR
Content