Thông tin cho sinh viên
 Search

Sửa đổi, bổ sung một số nội dung của Quy chế đào tạo đại học ở ĐHQGHN

Ngày 8/3/2013 ĐHQGHN đã ban hành quyết số 685/QĐ-ĐHQGHN về việc sửa đổi, bổ sung một số nội dung của Quy chế đào tạo đại học ở Đại học Quốc gia Hà Nội ban hành theo Quyết định số 3079/QĐ-ĐHQGHNngày 26/10/2010 của Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội

Toàn văn quyết định như sau:

Căn cứ Nghị định số 07/2001/NĐ-CP ngày 01 tháng 02 năm 2001 của Chính phủ về Đại học Quốc gia;

Căn cứ Quy chế về Tổ chức và Hoạt động của Đại học Quốc gia được ban hành theo Quyết định số 16/2001/QĐ-TTg, ngày 12 tháng 02 năm 2001 của Thủ tướng Chính phủ;

Căn cứ Quy chế đào tạo đại học và cao đẳng hệ chính quy theo hệ thống tín chỉ ban hành theo Quyết định số 43/2007/QĐ-BGDĐT ngày 15 tháng 8 năm 2007 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo;

Căn cứ Quy chế đào tạo đại học ở Đại học Quốc gia Hà Nội ban hành theo Quyết định số 3079/QĐ-ĐHQGHN ngày 26 tháng 10 năm 2010 của Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội;

Căn cứ Thông tư số 57/2012/TT-BGDĐT ngày sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế đào tạo đại học và cao đẳng hệ chính quy theo hệ thống tín chỉ ban hành kèm theo Quyết định số 43/2007/QĐ-BGDĐT ngày 15 tháng 8 năm 2007 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo;

Căn cứ Thông tư số 55/2012/TT-BGDĐT ngày 25 tháng 12 năm 2012 của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định về đào tạo liên thông trình độ cao đẳng, đại học;

Căn cứ Quyết nghị số 608/QN-HĐ, ngày 04 tháng 3 năm 2013 của Hội đồng Đại học Quốc gia Hà Nội về việc điều chỉnh Quy chế đào tạo đại học ở Đại học Quốc gia Hà Nội;

Xét đề nghị của Trưởng Ban Đào tạo,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1.Sửa đổi, bổ sung một số nội dung của Quy chế đào tạo đại học ở Đại học Quốc gia Hà Nội ban hành theo Quyết định số 3079/QĐ-ĐHQGHN ngày 26 tháng 10 năm 2010 của Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội như sau:

1. Sửa đổi khoản 4 Điều 11

4. Chuẩn trình độ ngoại ngữ đầu ra của các chương trình đào tạo đại học ở Đại học Quốc gia Hà Nội quy định như sau:

a) Chuẩn B1 (theo khung tham chiếu ngoại ngữ chung châu Âu) đối với các chương trình đào tạo chuẩn, bằng kép, văn bằng thứ 2, liên thông, ngành chính – ngành phụ, ngành kép và liên kết quốc tế do Đại học Quốc gia Hà Nội cấp bằng;

b) Chuẩn B2 (theo khung tham chiếu ngoại ngữ chung châu Âu) đối với chương trình đào tạo chất lượng cao;

c) Chuẩn C1 (theo khung tham chiếu ngoại ngữ chung châu Âu) đối với các chương trình đào tạo tài năng, đạt chuẩn quốc tế.

2. Sửa đổi mục e khoản 2 Điều 12

e) Chương trình đào tạo bằng kép được thiết kế dựa trên hai chương trình đào tạo, gồm 2 phần: phần 1 là các môn học chung của hai chương trình đào tạo, sinh viên chỉ cần tích lũy một lần; phần 2 là các môn học còn lại của hai chương trình đào tạo, sinh viên phải tích lũy đủ. Sinh viên tích lũy đủ số tín chỉ theo yêu cầu của cả hai chương trình đào tạo, khi tốt nghiệp được cấp hai bằng.

3. Sửa đổi mục b khoản 3 Điều 12

b) Chương trình đào tạo ngành kép gồm hai phần: Nội dung chương trình đào tạo ngành thứ nhất với tối thiểu là 120 tín chỉ và khối lượng kiến thức của chương trình đào tạo ngành thứ hai từ 30 tín chỉ trở lên (không tính những môn học giống nhau, tương đương trong ngành thứ nhất và phù hợp với ngành thứ hai). Việc quản lý và tổ chức đào tạo được thực hiện liên thông giữa các khoa trong cùng một đơn vị đào tạo hoặc giữa các đơn vị đào tạo trong Đại học Quốc gia Hà Nội.

4. Sửa đổi mục b khoản 2 Điều 17

b) Đối với chương trình đào tạo liên thông:

- Thí sinh có bằng tốt nghiệp cao đẳng sau thời hạn 36 tháng kể từ ngày được cấp bằng tốt nghiệp đến ngày nộp hồ sơ thi lên trình độ đại học phải dự thi 3 môn: một môn cơ bản, một môn cơ sở ngành và một môn chuyên ngành. Đơn vị đào tạo tự ra đề thi và xác định điểm trúng tuyển;

- Thí sinh có bằng tốt nghiệp cao đẳng chưa đủ 36 tháng kể từ ngày được cấp bằng tốt nghiệp tính đến ngày nộp hồ sơ thi lên trình độ đại học phải dự thi các môn văn hóa theo khối thi của ngành thí sinh đăng ký học liên thông trong kỳ thi tuyển sinh đại học vừa làm vừa học.

5. Sửa đổi mục b khoản 2 Điều 20

b) Lưu học sinh được miễn kiểm tra ngoại ngữ nếu thuộc một trong các diện:

- Là công dân sử dụng ngoại ngữ cần dùng như ngôn ngữ chính thức;

- Đã tốt nghiệp chương trình đào tạo đại học bằng ngoại ngữ cần dùng;

- Có chứng chỉ ngoại ngữ do cơ sở đào tạo trong nước hoặc nước ngoài cấp và được Đại học Quốc gia Hà Nội công nhận;

- Đối với lưu học sinh dự học chương trình đào tạo sử dụng tiếng Anh: có chứng chỉ tiếng Anh đạt chuẩn B2 hoặc tương đương.

6. Sửa đổi khoản 2 Điều 29

2. Việc rút bớt môn học trong khối lượng học tập đã đăng ký theo nhu cầu và khả năng lựa chọn của sinh viên chỉ được chấp nhận chậm nhất 2 tuần kể từ đầu học kỳ chính, 1 tuần kể từ đầu học kỳ phụ và được trả lại học phí. Ngoài thời hạn trên, môn học vẫn được giữ nguyên trong phiếu đăng ký học, nếu sinh viên không học sẽ phải nhận điểm F và không được trả lại học phí.

7. Sửa đổi mục b khoản 1 Điều 32

b) Điểm trung bình chung học kỳ tính đến thời điểm đăng ký học bằng kép đạt từ 2,50 trở lên;

8. Sửa đổi khoản 2 Điều 36

2. Nhiệm vụ của giảng viên

Thủ trưởng đơn vị đào tạo quy định cụ thể số lượng giờ chuẩn giảng viên hướng dẫn sinh viên nghiên cứu khoa học trên mỗi một công trình.

9. Sửa đổi, bổ sung mục a, mục b khoản 17 Điều 41

17. Sinh viên được xin nghỉ học tạm thời và bảo lưu kết quả đã học trong các trường hợp sau đây:

a) Được động viên vào lực lượng vũ trang. Thời gian nghỉ học tạm thời không tính vào thời gian tối đa được phép học;

b) Bị ốm hoặc bị tai nạn buộc phải điều trị trong thời gian dài có giấy xác nhận của cơ sở y tế. Thời gian nghỉ học tạm thời không tính vào thời gian tối đa được phép học;

10. Sửa đổi Điều 45

Điều 45. Kỷ luật đối với cán bộ coi thi, tổ chức thi, chấm thi, hướng dẫn khóa luận, đồ án tốt nghiệp

11. Sửa đổi, bổ sung khoản 1, 3 Điều 49

1. Cảnh báo học vụ

Đơn vị đào tạo thực hiện cảnh báo học vụ theo từng học kỳ đối với sinh viên có kết quả học tập như sau:

a) Điểm trung bình chung tích luỹ đạt dưới 1,20 đối với sinh viên năm thứ nhất, dưới 1,40 đối với sinh viên năm thứ hai, dưới 1,60 đối với sinh viên năm thứ ba hoặc dưới 1,80 đối với sinh viên các năm tiếp theo và cuối khoá;

b) Điểm trung bình chung học kỳ đạt dưới 0,80 đối với học kỳ đầu của khóa học, dưới 1,00 đối với các học kỳ tiếp theo;

c) Tổng số tín chỉ của các học phần bị điểm F còn tồn đọng tính từ đầu khoá học đến thời điểm xét vượt quá 24 tín chỉ.

Tuỳ theo đặc điểm của từng đơn vị đào tạo, thủ trưởng đơn vị quy định áp dụng một hoặc hai trong ba điều kiện nêu trên để cảnh báo kết quả học tập của sinh viên và quy định số lần cảnh báo học vụ, nhưng không vượt quá 2 lần liên tiếp.

3. Buộc thôi học

Sau mỗi học kỳ, sinh viên bị buộc thôi học nếu thuộc một trong các trường hợp sau:

a) Có số lần cảnh báo kết quả học tập vượt quá giới hạn theo quy định của Thủ trưởng đơn vị đào tạo.

b) Vượt quá thời gian tối đa được phép học quy định tại khoản 2, điều 24 của Quy chế này;

c) Bị kỷ luật lần thứ hai vì lý do thi hộ hoặc nhờ người thi hộ theo quy định tại mục d, khoản 10, điều 40 của Quy chế này hoặc bị kỳ luật ở mức xóa tên khỏi danh sách sinh viên của trường.

Chậm nhất 1 tháng sau khi sinh viên có quyết định buộc thôi học, đơn vị đào tạo phải thông báo trả về địa phương nơi sinh viên có hộ khẩu thường trú.

d) Sau khi hết hạn nghỉ học tạm thời sinh viên không có đơn xin học trở lại theo quy định tại khoản 17, Điều 41 của Quy chế này.

12. Sửa đổi mục e khoản 1 Điều 51

e) Đạt chuẩn trình độ ngoại ngữ quy định tại khoản 4, Điều 11 của Quy chế này; có chứng chỉ 5 kỹ năng mềm.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày kí.

Điều 3. Chánh Văn phòng, Trưởng ban chức năng, Thủ trưởng đơn vị thành viên, trực thuộc của Đại học Quốc gia Hà Nội chịu trách nhiệm thi hành quyết định này./.


UEB_net

FullName Email
Address Security code ORBPMC
Content