Thông tin cho sinh viên
 Search

Khoa Kinh tế Phát triển: Sinh viên dễ dàng tiếp cận với mọi nguồn hỗ trợ học tập

Tại cuộc thi "360 Kinh tế phát triển" thường niên của khoa
Khoa Kinh tế Phát triển (KTPT) là một đơn vị trực thuộc của Trường Đại học Kinh tế (ĐHKT) - ĐHQGHN. Sự phát triển năng động và hài hoà của Khoa là nhân tố góp phần nâng cao vị thế khoa học của Trường, đồng thời góp phần quan trọng vào việc giải quyết các vấn đề lý luận và thực tiễn của đất nước trong quá trình phát triển và hội nhập quốc tế.

Đơn vị đào tạo trẻ của Trường ĐHKT

Được thành lập ngày 3/3/2008, sau hơn 7 năm ổn định tổ chức hoạt động, tăng cường hợp tác với các đối tác chiến lược quan trọng , chuẩn bị nguồn lực sẵn sàng cho sự phát triển và đột phá, đến nay, Khoa KTPT đã có 18 giảng viên cơ hữu với 3 bộ môn: Kinh tế học, chính sách công, Kinh tế tài nguyên môi trường. Cả ba bộ môn của khoa đều tích hợp nhiều môn học khác nhau, mang tính chất liên ngành cao. Khoa KTPT quy tụ những giảng viên có trình độ cao và giàu kinh nghiệm trong giảng dạy và nghiên cứu.


Là một khoa đào tạo trẻ của Trường ĐHKT, đến nay, khoa đã có 4 khóa sinh viên ra trường và hơn 500 sinh viên đang theo học. Mục tiêu của chương trình là đào tạo cử nhân trong lĩnh vực kinh tế phát triển theo định hướng chuyên gia và lãnh đạo; có khả năng phân tích, đánh giá, tổng hợp, nghiên cứu và giảng dạy các vấn đề về kinh tế phát triển mang tính liên ngành trong các cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức phát triển, các doanh nghiệp, các cơ sở giáo dục đại học và các cơ sở nghiên cứu. Sinh viên cũng có thể tiếp tục tự học, tham gia học tập ở bậc học cao hơn, tích lũy kinh nghiệm để trở thành các chuyên gia phân tích, nhà hoạch định chính sách, các nhà lãnh đạo trong lĩnh vực kinh tế phát triển.

Sinh viên Khoa KTPT sau khi ra trường có thể đảm nhiệm nhiều mảng công việc: (1) chuyên gia phân tích, tư vấn, cán bộ hoạch định chính sách và quản lý tại các cơ quan quản lý nhà nước; (2) chuyên gia, cán bộ quản lý tại các dự án, tổ chức phát triển; (3) nghiên cứu viên và giảng viên, cán bộ quản lý tại các cơ sở giáo dục đào tạo và cơ sở nghiên cứu.

Chương trình đào tạo năng động

Theo học tại Khoa KTPT, sinh viên được trang bị: (1) Khối kiến thức chung với các môn học như: Tin học cơ sở, Tiếng Anh, Kỹ năng bổ trợ..; (2) Khối kiến thức theo lĩnh vực: Toán cao cấp, Xác suất thống kê, toán kinh tế, (3) Khối kiến thức theo khối ngành: Kinh tế vi mô, Kinh tế vĩ mô, Nguyên lý thống kê, Kinh tế lượng, Kỹ năng làm việc nhóm, Xã hội học, Logic học; (4) Khối kiến thức theo nhóm ngành: Luật kinh tế, Phương pháp nghiên cứu kinh tế, kinh tế vi mô chuyên sâu, Kinh tế vĩ mô chuyên sâu, Kinh tế phát triển, Quản trị học, Nguyên lý marketing…; (5) Khối kiến thức ngành: Kinh tế phát triển chuyên sâu, Kinh tế công cộng, Kinh tế môi trường, Kinh tế thể chế, Tăng trưởng xanh, Chính sách công, Quản lý dự án phát triển, Quản lý môi trường,...

Trong các khối kiến thức ngành, nhóm ngành, sẽ có những môn học bắt buộc/ lựa chọn để sinh viên có thể tùy chọn môn học mà mình thấy có nhu cầu.

Ngoài ra, khoa đào tạo sinh viên theo 3 chuyên sâu: Chính sách công; Môi trường và phát triển bền vững; Kinh tế học. Sinh viên có thể chủ động lựa chọn chuyên sâu mà mình học dựa trên khung chương trình đào tạo.

Chương trình đào tạo cử nhân Kinh tế phát triển được thiết kế theo hướng đổi mới phương pháp giảng dạy: giảm giờ lý thuyết, tăng giờ thảo luận và tự học, lấy người học làm trung tâm. Tùy theo yêu cầu của từng môn học mà có cách đánh giá khác nhau, bao gồm: bài tập, nghiên cứu, phân tích bài tập tình huống, thuyết trình nhóm, thi giữa kỳ và cuối kỳ.

Đến năm học thứ 2, sinh viên được đi thực tế tại cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp hoặc dự án, tổ chức phát triển tại các địa phương. Đến năm học thứ 3, sinh viên được tham gia thực tập tại các Viện, các Trung tâm nghiên cứu hoặc các tổ chức dự án khác.


Giảng viên và sinh viên Khoa KTPT tại chuyến đi thực tế tại Lục Nam - Bắc Giang


Ngoài ra, sinh viên Khoa KTPT, sau khi học ít nhất 2 học kỳ, có thể đăng ký học chương trình thứ hai ngành Kinh tế quốc tế hoặc Tài chính ngân hàng. Như vậy, sinh viên sau khi ra trường có thể có 2 bằng đại học.
Tại Khoa KTPT, sinh viên chính là nhân tố quan trọng nhất trong việc học của chính họ. Vì vậy, chúng tôi luôn đảm bảo cho sinh viên tiếp cận dễ dàng với mọi nguồn hỗ trợ học tập thiết yếu, cả trong lẫn ngoài lớp học. Khoa sẽ có cố vấn học tập cho từng khóa học, các chuyên viên của khoa cũng sẽ hỗ trợ sinh viên nếu có bất kỳ khó khăn nào liên quan đến học tập” - TS. Nguyễn Quốc Việt - Chủ nhiệm Khoa KTPT cho biết.

Cơ hội tham gia nghiên cứu khoa học

Là khoa định hướng nghiên cứu, do đó, bên cạnh học tập, Khoa KTPT cũng trang bị cho sinh viên những nền tảng nghiên cứu căn bản. Khoa luôn tạo cơ hội và hỗ trợ, hướng dẫn cho sinh viên nghiên cứu khoa học. Sinh viên có thể tham gia nghiên cứu cá nhân; tham gia viết bài trong Chuyên san Phát triển bền vững (chuyên san nghiên cứu của sinh viên khoa); tham gia vào các đề tài/dự án của giảng viên.


Khoa KTPT định hướng nghiên cứu khoa học cho sinh viên đầu năm học


Bên cạnh những hoạt động ngoại khóa chung của trường, khoa cũng tổ chức thường xuyên các hoạt động sôi nổi và hấp dẫn cho sinh viên.
Với sự năng động, trẻ trung, tại Khoa KTPT, sinh viên sẽ được tiếp cận với cách tư duy mới, hiện đại để có thể nâng cao những kỹ năng và kiến thức chuyên môn. Bên cạnh đó, sinh viên phát triển nhiều kỹ năng cá nhân và tư duy khoa học.

Khoa KTPT trong mắt sinh viên

Chu Thị Nhường
Chu Thị Nhường

Chu Thị Nhường (QH-2008-E KTPT), Nghiên cứu viên, Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế Xã hội Quốc gia, Bộ Kế hoạch và Đầu tư: “Thầy cô ở Khoa KTPT rất hiền, nhiệt tình và luôn tạo điều kiện tốt cho sinh viên học tập và tham gia nhiều hoạt động ngoại khóa bổ ích. Các thầy cô cũng chính là những người đã đặt những viên gạch đầu tiên, giúp em có thêm niềm say mê nghiên cứu khoa học. Từ những buổi hội thảo, khảo sát thực địa, điều tra… em đều được tạo điều kiện tham gia. Chính những điều đó đã giúp em được như ngày hôm nay - là một người thực sự tự tin và đam mê nghiên cứu.

Nguyễn Thị Hạnh
Nguyễn Thị Hạnh

Nguyễn Thị Hạnh (QH-2010-E), Điều phối bán hàng tại Công ty TNHH Fuji Machine Việt Nam: “Theo em, sinh viên Khoa KTPT sau khi tốt nghiệp có thể làm nghiên cứu, làm về dự án phát triển bên vững, dự án bảo vệ môi trường,... hoặc cũng có thể làm về mảng kinh tế, xản xuất như: lập kế hoạch sản xuất, lên đề xuất mua hàng, kiểm soát chất lượng. Thực tế, nhiều bạn lớp em sau khi ra trường đang làm ở mảng này với mức thu nhập rất cao. Ngoài ra, sinh viên Khoa KTPT cũng được trang bị kiến thức và cũng có thể làm về mảng nhân sự. Có thể nói, Khoa KTPT thực sự là nơi mang lại cho sinh viên những điều thú vị và bổ ích nhất”.

Trà Thái Sơn
Trà Thái Sơn

Trà Thái Sơn (QH-2013-E KTPT): Tuy là một khoa trẻ nhưng chính điều đó làm nên sự năng động, nhiệt tình, hăng hái cho sinh viên của Khoa KTPT. Cùng với các bạn trong khoa, em rất hào hứng khi được tham gia hàng loạt các hoạt động như: 360 Kinh tế phát triển; buddy systems; hoạt động cắm trại 26/3, chương trình tình nguyện, tiếp sức mùa thi, các cuộc thi về thể thao và văn nghệ cùa trường; các buổi gặp gỡ, giao lưu với các chuyên gia, nhà khoa học, chương trình dạ tiệc cuối năm Blue Moon Party...


_______________
Thông tin liên quan:
>>
“Thăm” Khoa Kế toán - Kiểm toán của Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN


Hoa Hạnh (Khoa Kinh tế Phát triển) - Đỗ Chiêm

FullName Email
Address Security code WFIEEJ
Content