Thông tin cho sinh viên
 Search

Ngốc Xít đi tình nguyện

Ngày thứ năm sau khi nó đặt chân lên mảnh đất xã Phình Hồ, huyện Trạm Tấu, tỉnh Yên Bái. “Tú Yên, em bị phạt cấm túc một ngày!” - Lời phán của Hà, đội trưởng đội tình nguyện Yên Bái 2011 trong buổi họp cuối ngày vang lên.

Nó giật mình ngạc nhiên, rồi từ từ cúi đầu buồn bã. Nó đã vui khi quyết định thi Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN, nó mừng rỡ vì thi đỗ, được gặp những người bạn mới, rồi đến ngày nó sung sướng khi được tham gia đội tình nguyện đi Yên Bái - được đặt chân và khám phá vùng đất của thiên nhiên, núi rừng. Yên Bái - vùng đất mà nó tự cho là vùng đất hứa giống như trong câu chuyện về Peter Pan, cậu bé không bao giờ lớn. Niềm vui nối tiếp niềm vui, nhưng hôm nay nó buồn… một nỗi buồn thật trẻ con.
Nó thấy mình giống như tên tội phạm, không  buồn vì đã phạm tội mà buồn vì phải vào tù. Nó đã làm sai lời dặn dò của đội trưởng, người mà nó vô cùng quý trọng gọi với cái tên “sếp” Hà: “Chúng ta đi tình nguyện trên vùng núi xa xôi này, dân bản chúng ta chưa biết, đi đâu cũng phải có hai người trở lên, mà phải mặc áo xanh tình nguyện”. Phải, nó đã sai, nhưng hình như nó chẳng lấy gì là ăn năn, hối lỗi, nó biết tội của nó không to. Nó chạy lên nhà một bé trong bản Tà - Chử mà nó quen rồi quên không về đúng giờ ăn trưa đến nỗi mấy anh chị phải đi tìm.
-   Em biết tội em chưa?
-   Dạ, em biết rồi ạ!
Nó đáp với giọng tỉnh bơ, rằng nó biết tội và cố tỏ ra vui vẻ chấp nhận hình phạt đó. Nhưng thực ra nó buồn và sợ, nó sợ ở nhà. Đối với nó - một con bé tinh nghịch và hiếu động thì việc ra ngoài còn thú vị hơn việc ở nhà giặt giũ quần áo và nấu cơm, dù đó  không phải là dạo chơi mà là công việc đi làm đường, đào đất hay phát quang, dọn cỏ.Và nấu cơm hình như là tâm điểm của nỗi sợ đó. Nhớ lại bữa cơm đầu tiên đội nó nấu hai ngày trước nó thấy nặng nề vì hai chữ “trách nhiệm” và cũng khẽ mỉm cười, vì bữa cơm đó mà nó cảm nhận được sự chia sẻ, gần gũi, tinh thần lạc quan của mọi người và nó thấy yêu công việc tình nguyện vô cùng.
Ngày hôm đó, đội một và đội hai đi làm, đội nó ở nhà nấu cơm. Nó thầm nghĩ đội mình đang giữ “trọng trách” cao cả: nấu bữa ăn thật ngon cho mọi người, bù lại năng lượng sau một buổi lao động hăng say và mệt nhọc. Nó mơ màng nghĩ đến cảnh mọi người quây quần, hai dãy ngay ngắn với câu hô to của sếp Hà:
-   Bách đâu, điểm danh!
Rồi có tiếng đáp lại của hai mươi tám con người, từ số một, Bách đẹp trai đến số hai mươi tám - chị Uyên Mít kính cận. Nghe xong con số cuối, mọi người hò reo, hô đồng thanh: “Ăn thôi!”. Và những lời khen về bữa ăn mà đội nó nấu càng làm nó sung sướng khi nghĩ đến. Nhưng nghĩ là một chuyện còn thực tế lại lại “lách lệch” một chút vì nồi cơm hôm đó bị sống.
Nó biết rang lạc, rán trứng, luộc bí nhưng nấu cơm bếp củi thì… nó không biết. Nhất là lại nấu trong cái nồi to vật vã, đủ để hai mươi tám con người ăn. Nó không biết và những người khác trong đội cũng không rành cho lắm. Thế là mỗi người một tay cùng nấu cơm nhưng thật không ngờ…
Thức ăn được dọn ra, rồi cơm cũng được xới. Mọi người nhìn nhau. Nó nhìn những người trong đội ba của nó, rồi đưa mắt tìm kiếm khuôn mặt phúc hậu của chị Hòa nhóm trưởng nhưng không thấy. Chị Hòa đã ở ngoài từ lúc nào mà nó không hay. Lúc nó chạy ra thì thấy mắt chị đỏ lên vì khóc. Nó chẳng biết làm gì, cứ đứng trơ ra…
Rồi đâu cũng vào đó, tất cả đã vào mâm đầy đủ. Không khí trầm xuống, rồi lại vút lên, trong trẻo như một nốt nhạc. Những tiếng cười nói vui vẻ của mọi người lại bắt đầu khi có tiếng nói to, rõ ràng của Ngân béo:
-   Chị Hòa, cơm “ngon” lắm! Không như thế thì làm sao có kỷ niệm để nhớ, phải không mọi người?
Nó thấy chị Hòa bật cười, rồi cả đội vỗ tay. Cả bữa, mọi người truyện trò rôm rả…
*
Nhưng rồi ngày bị phạt trôi qua thật nhẹ nhàng, không có gì bất ổn. Đội ở nhà dọn dẹp, chuẩn bị cơm nước chu đáo và còn được khen nữa. Lòng nó nhẹ thênh thang vì thấy rằng ở nhà nấu cơm cũng không đáng sợ như nó tưởng. Nó tự nghĩ, lúc trước chắc là nó tự hù mình vậy thôi.
Hôm đó, buổi họp thường nhật diễn ra vào lúc cuối ngày. Nó lại thấy sếp Hà ngồi ở vị trí trung tâm, tổng kết, đánh giá công việc của cả ngày và triển khai công việc ngày mai. Hôm nào cũng thế, cũng tổng kết, cũng đánh giá và triển khai nhưng nó lại thấy hay hay. Phải chăng nó là con bé ngốc, họp thường nhật mà cũng thấy hay?
Nó thấy hay bởi lẽ buổi họp được diễn ra trong một không gian mà nó tự nhận thấy là vô cùng “cổ kính”. Giữa một vùng đất cao gần nghìn mét, những tiếng gió gào ngàn của núi rừng cứ vang lên như một bản trường ca dữ dội; giữa không gian của đêm tối, trong  một ngôi nhà nhỏ, có hai mươi tám đồng chí đang họp bàn. Đó có phải là một cuộc họp chính trị mật ? Không, đó là cuộc họp của những thanh niên tình nguyện, những người cùng ý chí, nguyện vọng đem sức người, sức của giúp đỡ đồng bào dân tộc miền núi. Họ họp trong không gian đó và luôn vang lên tiếng cười nói.
Ai nấy cũng vui vì ngày mai là công việc mới. Ba nhóm sẽ lên tặng quà những hộ có hoàn cảnh khó khăn mà chị Huyền đã tìm hiểu thông qua Phó Bí thư xã Phình Hồ, những người còn lại đi lấy củi và tổ chức trò chơi cho các em. Huyền, Quí và cả “chú” Phương của nó là nhóm trưởng của mỗi nhóm, họ sẽ chọn những người đi cùng. Quí đã chọn chị Hòa, nó và cần chọn thêm một người nữa. Nhưng rồi:
-   Hả! Anh Quí, sao lại là Tuấn “điên”?
-   Ê, Tú Yên “ hâm” kia! Ý mày là gì đấy?
Trong đội ai cũng biết nó và Tuấn không ưa gì nhau, suốt ngày cãi vã, chành chọe, chẳng đứa nào chịu lấy một lời. Nó còn học cả tiếng Mông để tiện cãi nhau với Tuấn. Bằng tiếng Mông, đứa này nói đứa kia nào là “con lợn”, “con gà”, tệ hơn là sang cả chó, mèo. Và cả đội biết lại bắt đầu một cuộc khẩu chiến.
-   Tao không thích  đi cùng nhóm với mày! - Nó trả lời.
-   Chẳng liên quan! Mày không thích thì  kệ mày!
-   Thôi, anh xin hai đứa! Lại “đánh nhau” to bây giờ. - Sếp Hà kịp can ngăn.
Nó bắt đầu thấy nóng mặt, tức tối, nó quay sang Quí:
-   Anh Quí, anh biết em không hợp với tên Tuấn, sao anh còn xếp như thế ạ?
Quí đáp tỉnh bơ: “Có sao đâu em!”. Quí biết hai đứa không hợp nhau, hay đấu khẩu nên muốn nhân việc này cho hai đứa làm hòa. Ý tốt là như thế nhưng nó đâu chịu hiểu. Nó nhìn Quí với ánh mắt hậm hực và tức tối rồi tia nhanh sang Tuấn. Nó bị đáp lại bởi ánh mắt “khinh khỉnh” của Tuấn. Nhưng  rồi nó hếch mặt quay đi, tỏ ý không bao giờ cam chịu.
Nó đòi đổi người. Đòi hỏi vô lý đó tất nhiên đã không được chấp nhận. Nhưng có đổi người thật. Chị Hòa đi với nhóm chị Huyền, còn Kim Hoa, bạn thân của nó sang nhóm nó. Và đêm đó, nó cứ mơ màng nghĩ đến cảnh nó và Kim Hoa chọc cho tên Tuấn kia tức điên lên và nó sẽ cười ha hả. Ôi, cảm giác đó vui đến nhường nào!
Trên đường đi lên nhà dân, Quí và Kim Hoa nói chuyện rất hợp, trái lại nó với Tuấn gần giống như mặt trăng với mặt trời. Đứa đi trước, đứa đi sau rồi mà nó nói cái này Tuấn vặn ngay cái kia và ngược lại. Khi Tuấn nói về những loại tre nứa gặp trên đường, đặc điểm dễ nhận của từng loại, còn chỉ ra loại măng tre nào ăn ngon nhất, nó lẩm bẩm một mình: “Thế mà cũng nói, tao mà sinh ra ở vùng núi Ninh Bình như mày, tao cũng biết”. Lẩm bẩm nhưng nó vẫn không quên ngắm nhìn rừng núi. Men theo con đường mòn lên núi, nó cứ nhìn xung quanh xem có gì hay. Đối với nó, rừng già luôn bí ẩn và chứa những vẻ đẹp hoang dại đầy quyến rũ. Đột nhiên thốt lên:
-   Ôi, măng to chưa kìa! Tuấn, măng “cao hơn mày” nửa cái đầu ấy chứ!
-   Măng rừng còn gì, mày đúng là con gái đồng bằng Tú Yên ạ! - Tuấn đáp.
-   Ừ, kệ tao! Đồng bằng thì làm sao? - Nó hỏi kháy.
-   Chẳng sao! - Tuấn lạnh lùng đáp vậy.
Thực ra nó và Tuấn học cùng lớp đại học và chưa hề xảy ra mâu thuẫn, thậm chí Tuấn còn giúp đỡ nó trong học tập. Nhưng nó cũng không biết tại sao lại hay chành chọe với Tuấn đến vậy. Hai đứa cứ gặp nhau là đều phải “đá” vài câu cho bõ tức. Nhưng có một điều mà nó chắc chắn biết là nó không hề có ác cảm với Tuấn.
Nó nhớ tác phẩm “Một con người ra đời” của Mác-xim Goocki. Một con người ra đời, đó là điều kỳ diệu, thiêng liêng của cuộc sống. Hãy cảm ơn tạo hóa vì chúng ta đã được sinh ra còn chuyện khác thì… Nếu không có một người bố lo cho chúng ta thì chúng ta vẫn phải sống tốt. Nó khâm phục Tuấn vì điều đó. Bố Tuấn đã mất nhưng Tuấn sống có trách nhiệm với cuộc sống của mình, với gia đình và những người khác nữa. Biết là vậy, nhưng nó vẫn cứ thích đấu khẩu với người bạn của nó. Thì ra là vậy, nó đã giấu mình quá kỹ rồi, giấu cả tình cảm đẹp đẽ giành cho một người bạn.
Đã xế chiều rồi. Một ngày làm việc của đội nó kết thúc, để lại trong ký ức mỗi người là không khí làm việc hăng say pha lẫn sự hài hước hóm hỉnh của sinh viên tình nguyện. Không giống như mọi ngày đi tản bộ theo nhóm, hôm nay nó vui vẻ và tự cho mình có một không gian riêng, nó dạo bước trên con đường với những khúc cua và đoạn dốc. Nó dừng chân và ngồi phệt xuống phiến đá, ngắm nhìn trời chiều. Đang vui, chợt nó trầm tư, gương mặt trĩu xuống, nhăn nhở và buồn rầu.
Bầu trời dữ dội với sắc màu hoàng hôn tím đỏ tà tà, những quầng mây vờn núi. Và rồi nó nhìn thấy cánh chim lướt qua bầu trời ấy. Nó bỗng thấy cô đơn. Bất giác, nó chợt nhớ mẹ nó. Nhớ đôi mắt mẹ đỏ hoe nhìn nó mỗi lần nó lên Hà Nội học. Nhớ mẹ đã vất vả chăm sóc nó thế nào khi nó ốm. Ốm, nó sợ ốm lắm, sợ phải uống thuốc nữa. Nó nghĩ vậy và không cho phép mình ốm lúc này. Nó cũng mong trong đội không ai ốm hết. Rồì nó đi về, cứ cầu mong như vậy và nó nghĩ: sẽ như vậy.

Ngày hôm sau, nó nghe thông báo, sếp Hà của nó phải về Hà Nội nhập viện vì bệnh viêm gan B. Mẹ sếp Hà gọi điện, nói kết quả kiểm tra sức khỏe hai tuần trước và giục sếp về ngay. Nó không tin vào tai mình nữa. Mới hôm qua thôi nó đã nghĩ và cầu mong. Lúc này đầu óc nó nó lẫn lộn, hoang mang.
-   Liệu sếp Hà có chết không? Sếp phải về, nhất định phải về!
Nhưng nó buồn vì chính điều mà nó khẳng định: sếp phải về. Không có đội trưởng cả đội sẽ ra sao? Ai sẽ nhắc nhở nó, sẽ phạt nó khi nó lén đi chơi? Nó cúi đầu và không nói được câu gì dù rất muốn hỏi: “Bao giờ sếp lên nữa?” Không khí lúc này trầm hẳn xuống. Và nó vô tình nhìn thấy những đôi mắt đỏ và nước mắt lăn xuống...  Nó thấy sống mũi cay cay, nước ngập đầy trong khóe mắt nó, long lanh, long lanh... rồi cũng trào ra. Nó ngồi và nghĩ ngợi.
-   Mọi người đừng lo, mấy con vi rút ấy mà! Mình không sao, vẫn khỏe “nhăn răng” còn gì? - Sếp Hà tươi tỉnh nói.
Thành ra sếp Hà lại là người an ủi mọi người. Nghe thế, mọi người cũng thấy đỡ lo phần nào, rồi túm lại hỏi thăm kỹ tình hình. Sếp Hà nói sẽ lên sớm nhưng cũng không ai biết sớm là ngày nào. Mới một lúc, ngay đó đã thấy anh Hoàng, anh Tân mang về mấy bịch bim bim, bánh, kẹo và cả rượu nữa. Rượu, nó đã từng nghĩ chỉ là thứ chất lỏng đầu độc người ta, làm người ta say. Nhưng hôm nay nó nghĩ khác, rượu để kết giao tình bằng hữu, cũng là để quan tâm… Các anh trong đội đều chúc sếp Hà một chén… Họ là những người đàn ông thực sự. Nó đã nghĩ vậy.
Sáng hôm sau, sếp Hà về Hà Nội. Người duy nhất được tiễn sếp lên ô tô là Lợi, đứa có biệt danh dễ thương “lực sĩ Yên Bái”. Lợi chở sếp Hà xuống thị trấn để bắt xe và mọi người trong đội lại tiếp tục công việc.
Ngày đầu tiên đi làm không có sếp Hà. Thiếu vắng!
***
Nhưng không khí làm việc vẫn hăng say, có vẻ tích cực hơn mọi ngày. Nó hòa mình trong không khí làm việc và luôn có một niềm tin, nhất định sếp Hà sẽ khỏi bệnh và lên nhanh thôi. Nó cũng cảm nhận được niềm tin đó trong lòng mọi người.
Cuối buổi hôm đấy nó lại cười “vật vã” vì “chú” Phương. Nó cũng không nhớ rõ tại sao nó lại gọi như thế, rõ ràng Phương chỉ hơn nó một tuổi. Chắc nó thấy Phương có nét giống chú của nó. Chẳng là tính nó trẻ con hiếu động, lúc đi về cứ nhìn hết nơi này đến nơi khác đâm ra nó luôn là người bị tụt lại sau cùng, nhưng “chú” Phương cứ nghĩ nó lỉnh đi chơi nên không muốn cho nó đi một mình phía sau. Phương cứ lẽo đẽo theo sau nó mà nó lại đi như bò ra đường, còn bò chậm như rùa. Nó bật cười khi về đến nhà, chú Phương của nó kêu: “Ối giời ôi, thoát rồi!”
Có lần, khi đi đào đất ở nhà dân về, đi qua một suối nhỏ, nó cứ bước qua bước lại hai phiến đá có dòng nước chảy qua một cách thích thú rồi tăm tia những tảng đá giữa dòng suối. Nó chọn tảng đá to nhất và dừng rửa tay. Bỗng nó giật mình:

-   Còn làm gì thế, nhanh lên chứ!
Nó ngẩng nhìn lên, thấy Quí đang vác xẻng gọi nó, nó lại càng hãi, nhanh chóng đi lên và trở thành “tù binh” vì Quí đi áp sát ngay sau nó.
Có vẻ từ khi sếp Hà đi, nó bị vào vòng kiểm soát chặt chẽ hơn. Nó nghĩ vậy. Nó cũng biết nó đáng phải như thế. Nó nhớ lời sếp Hà - “Ở đây, mọi việc đều phải cẩn thận, đi đâu cũng có ít nhất hai người trở lên”. Ôi, nó thấy nhớ sếp nó!
Ba ngày sau, sếp Hà lên. Trưa hôm đó, cả đội ai nấy, mỗi người một việc, dọn dẹp, chuẩn bị bữa tiệc nhỏ chào đón đội trưởng trở lại. Nó cười khi nghe tiếng nói chuyện điện thoại: “Đến đâu rồi? Sắp đến nơi chưa? Lâu thế!”. Và khi sếp Hà lên, mọi người ùa ra, tay bắt mặt mừng. Có tiếng cười, tiếng nói và thấy cả nước mắt của những người hạnh phúc khi thấy “đồng đội” lại cùng sát cánh bên nhau, vai kề vai tiến bước trên con đường đã lựa chọn…
Nó thấy nó cũng là người hạnh phúc…
(Kỷ niệm chiến dịch “Mùa hè xanh - Yên Bái 2011)

Lương Thị Tuyến (QH-2010-E KTPT)

FullName Email
Address Security code VIWZOR
Content