Thông tin cho sinh viên
 Search

PGS.TS Phạm Thị Hồng Điệp: May mắn khi luôn có gia đình và đồng nghiệp ở bên, hỗ trợ

PGS.TS Phạm Thị Hồng Điệp trong ngày nhận Chứng nhận đạt tiêu chuẩn chức danh PGS
Trung tuần tháng 11 vừa qua, tại Văn Miếu Quốc Tử Giám, 2 giảng viên Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN đã được Hội đồng Chức danh GS, PGS trao chứng nhận đạt tiêu chuẩn chức danh Phó Giáo sư. Chúng tôi đã có cuộc trò chuyện ngắn với PGS.TS Phạm Thị Hồng Điệp - một trong hai tân Phó giáo sư của trường trong đợt trao năm 2013 này.

- Chào chị, cảm xúc của chị như thế nào khi được nhận chứng nhận chức danh Phó giáo sư?

PGS.TS Phạm Thị Hồng Điệp: Cho đến bây giờ tôi vẫn cảm thấy rất vui và xúc động. Được công nhận chức danh Phó giáo sư là nguồn cổ vũ động viên rất lớn cho sự phấn đấu của bản thân tôi trong suốt thời gian qua.

- Là nữ giới phải vẹn toàn cả chuyện gia đình và công việc, đạt được chức danh Phó giáo sư hẳn chị phải có bí quyết?

PGS.TS Phạm Thị Hồng Điệp: Ngoài nỗ lực của bản thân, tôi sẽ không có được kết quả như hôm nay nếu không có sự cảm thông, động viên và hỗ trợ của gia đình, bạn bè và sự tạo điều kiện, định hướng, giúp đỡ của các thầy cô, các bạn đồng nghiệp và Trường ĐHKT. Tôi cảm thấy may mắn và hạnh phúc khi có gia đình luôn ở bên, ủng hộ và động viên tôi trong từng bước đi. Chồng tôi cũng là giảng viên đại học nên rất hiểu và chia sẻ với tôi từ công việc gia đình đến những băn khoăn, trăn trở trong nghề nghiệp.

- Được biết chị đã tham gia công tác giảng dạy từ khi mới tốt nghiệp cử nhân, động lực nào khiến chị gắn bó với nghiệp sư phạm?

PGS.TS Phạm Thị Hồng Điệp: Đối với tôi, được làm giảng viên đại học là công việc lý tưởng vì nó phù hợp với hai niềm say mê lớn nhất của bản thân là giảng dạy và nghiên cứu khoa học.
Theo đuổi nghề giáo cũng là một truyền thống của gia đình tôi. Cả 3 thế hệ gia đình tôi đã đi theo nghề dạy học, cả bố mẹ tôi đều là giảng viên. Trong suốt 18 năm công tác vừa qua, tôi luôn nhận thức rõ vinh dự và trách nhiệm của một giảng viên đại học và không ngừng phấn đấu, học tập, rèn luyện về chuyên môn, nghiệp vụ để có thể giảng dạy tốt những môn học được phân công.

- Tham gia giảng dạy tại Trường ĐHKT - ĐHQGHN từ năm 2008, quá trình công tác tại trường hẳn cho chị nhiều kỷ niệm?

PGS.TS Phạm Thị Hồng Điệp: Năm 2008 tôi chuyển công tác về Trường ĐHKT - ĐHQGHN, một trường đại học chuyên đào tạo và nghiên cứu về kinh tế. Môi trường làm việc mới tạo điều kiện để tôi tiếp tục nghiên cứu chuyên sâu và đóng góp thêm một phần nhỏ cho sự nghiệp đào tạo đại học, sau đại học ngành kinh tế và chuyên ngành của tôi.
Làm việc tại Trường ĐHKT cũng đặt ra nhiều thử thách đối với tôi trong việc hiện thực hóa phương châm của nhà trường: “Đào tạo định hướng nghiên cứu, nghiên cứu dẫn dắt đào tạo”. Tuy vậy, quá trình công tác tại trường và Khoa Kinh tế Chính trị (KTCT) của tôi là khoảng thời gian tôi luôn nhận được sự tương trợ của các thầy cô và đồng nghiệp... Khoa KTCT nơi tôi đang giảng dạy có một đội ngũ các nhà giáo lâu năm, giàu kinh nghiệm và tâm huyết với nghề nghiệp. Các giảng viên như thầy Dũng, cô Xuân, cô Dậu… đều là những người mẫu mực về tinh thần làm việc hết mình, đam mê nghiên cứu khoa học và hết lòng vì sinh viên. Chính các thầy cô là nguồn động viên khích lệ tôi phấn đấu ngay từ những ngày đầu tôi chuyển về công tác tại khoa, truyền ngọn lửa nhiệt tình cho tôi, sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm và cộng tác để tôi vững tin hơn vào bản thân và không ngừng cố gắng.


Người thân và gia đình chúc mừng PGS.TS Phạm Thị Hồng Điệp

- Với số lượng sản phẩm nghiên cứu khoa học khá nhiều, chị dường như rất yêu thích công việc nghiên cứu? Chị có tâm đắc với hướng nghiên cứu nào trong quá trình tham gia nghiên cứu khoa học?

PGS.TS Phạm Thị Hồng Điệp: Tôi luôn xác định rằng nghiên cứu khoa học là nhiệm vụ thường xuyên để mở mang, nâng cao kiến thức chuyên môn, nâng cao trình độ cho bản thân, bổ sung thêm kiến thức và tài liệu phục vụ cho giảng dạy và học tập của sinh viên, qua đó góp phần nâng cao chất lượng đào tạo. Vì vậy, tôi đã luôn cố gắng trong mảng hoạt động này.
Trong những hướng nghiên cứu chuyên sâu mà tôi tập trung theo đuổi trong thời gian qua, tôi thấy tâm đắc với hướng Nghiên cứu các vấn đề về Lịch sử các học thuyết kinh tế và Lịch sử kinh tế. Lịch sử các học thuyết kinh tế và Lịch sử kinh tế là 2 môn học nền tảng cho sinh viên các chuyên ngành kinh tế, đòi hỏi một khối lượng kiến thức rất lớn về cả lý thuyết lẫn thực tiễn, đòi hỏi một sự nỗ lực rất lớn của giảng viên trong giảng dạy và hướng dẫn học tập.
Tôi chọn hướng nghiên cứu này để có sản phẩm phục vụ trực tiếp cho công tác giảng dạy sinh viên và học viên cao học, góp phần giải quyết các vấn đề lý luận và thực tiễn đặt ra. Và tôi rất vui khi kết quả nghiên cứu của mình phục vụ thiết thực cho hoạt động học tập của sinh viên, học viên.

- Với những sinh viên yêu nghiên cứu khoa học, chị có chia sẻ gì giúp họ quyết tâm theo đuổi đam mê?

PGS.TS Phạm Thị Hồng Điệp: Nghiên cứu khoa học đem lại những trải nghiệm mới mẻ cho những người giàu nhiệt huyết nghiên cứu. Đối với sinh viên, nghiên cứu khoa học là bước đầu chinh phục thử thách trên con đường tiếp cận tri thức mới. Chính vì vậy, các bạn sẽ không tránh khỏi những khó khăn, vất vả, nhưng cũng sẽ có phần thưởng cho những người kiên trì nỗ lực, đó là khi tri thức mới được tiếp cận, là những ứng dụng mới được mở ra. Bên cạnh các bạn luôn có thầy cô sẵn sàng giúp đỡ về phương pháp nghiên cứu, định hướng nghiên cứu. Hãy vững tin vào bản thân và kiên trì theo đuổi đam mê nghiên cứu khoa học của mình.

- Đây là một vinh dự nhưng chắc chắn cũng là một áp lực đối với một giảng viên trẻ như chị. Chị có thể chia sẻ gì về kế hoạch công tác của mình trong thời gian tới?

PGS.TS Phạm Thị Hồng Điệp: Thực ra tôi thấy mình không còn là “rất trẻ” khi cũng đã trải qua một chặng đường khá dài làm việc với tư cách một giảng viên đại học. Tuy nhiên tôi vẫn hy vọng mình sẽ duy trì được lòng nhiệt tình và sức trẻ để làm việc tốt hơn trong thời gian tới. Chức danh Phó giáo sư đã ghi nhận những cố gắng nỗ lực của tôi trong chặng đường vừa qua. Tuy nhiên, tôi tự thấy cần phải tiếp tục phấn đấu nhiều hơn nữa. Tôi sẽ tiếp tục phát triển các định hướng nghiên cứu chuyên sâu của mình, nâng cao chất lượng giảng dạy và nghiên cứu khoa học để góp thêm một phần nhỏ bé của mình vào sự phát triển của Trường ĐHKT - ĐHQGHN.
 

PGS.TS Phạm Thị Hồng Điệp tốt nghiệp cử nhân Khoa Giáo dục chính trị (chuyên ban Kinh tế chính trị), Trường Đại học Sư phạm Hà Nội năm 1995. Năm 2001, chị nhận bằng Tiến sĩ Kinh tế của Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh chuyên ngành: Kinh tế chính trị; và Thạc sĩ Quản lý giáo dục của The Flinders University (Australia) năm 2005.
PGS.TS Phạm Thị Hồng Điệp bắt đầu tham gia giảng dạy tại Trường Đại học Sư phạm Hà Nội từ năm 1995 - 2007 và chính thức trở thành giảng viên của Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN từ năm 2008. Hiện nay, chị đang là giảng viên Bộ môn Quản lý kinh tế, Khoa Kinh tế Chính trị.
Với quá trình giảng dạy tốt, PGS.TS Phạm Thị Hồng Điệp đã nhận được sự đánh giá tích cực của lãnh đạo Trường ĐHKT và tình cảm tốt đẹp từ đồng nghiệp, sinh viên của mình. PGS.TS Phạm Thị Hồng Điệp đạt Giảng viên chính vào năm 2012. Đặc biệt, trong năm học 2012 - 2013, chị được nhận danh hiệu Giảng viên xuất sắc của Trường ĐHKT và được lãnh đạo nhà trường khen thưởng trên cơ sở kết quả đánh giá của sinh viên về chất lượng giảng dạy trên hệ thống online của trường.
Hiện tại, PGS.TS Phạm Thị Hồng Điệp đang trong quá trình học tập tại Hàn Quốc theo Chương trình giao lưu học giả quốc tế ISEF.


Đỗ Đỗ (thực hiện)

FullName Email
Address Security code BBRYDS
Content