Thông tin cho sinh viên
 Search

Cựu sinh viên ĐH Kinh tế - ĐHQGHN chia sẻ cách học từ Cử nhân lên Tiến sĩ

Lương Thị Tuyến (trái) gương mặt xuất sắc của Trường ĐH Kinh tế - ĐHQGHN
Không ít sinh viên khao khát theo đuổi con đường học tập đến suốt đời, trong đó cũng có không ít sinh viên có khả năng tư duy tốt để học “nhảy cóc” đó là bỏ qua một bậc học để học thẳng lên như từ Cử nhân lên Tiến sĩ mà không qua Thạc sĩ. Lương Thị Tuyến, cô sinh viên tốt nghiệp ĐH Kinh tế - ĐHQGHN QH-2010 đã làm được điều như vậy khi giành được học bổng toàn phần nghiên cứu sinh tại ĐH Newcastle, Australia.

Tuổi trẻ là khát khao

Sinh năm 1992, không mấy ai tin được rằng Lương Thị Tuyến đã là một nghiên cứu viên giỏi của Trường ĐH Tài nguyên Môi trường. Hồi còn là sinh viên ĐH Kinh tế - ĐHQGHN, Tuyến được bạn bè biết đến là một “cây nghiên cứu” xuất sắc, được thầy cô yêu mến và tin tưởng giao cho nhiều nhiệm vụ. Thành tích ấn tượng nhất của em thời sinh viên đó là Giải nhất Nghiên cứu khoa học sinh viên cấp Trường năm 2013, sau giải thưởng đó, một con đường mới mở ra với Tuyến đó là theo đuổi khoa học, niềm đam mê vô tận của em. Ngoài ra, điều hướng tới em chọn làm nghiên cứu tại ĐH Tài nguyên Môi trường đó là từng nhận giải ba cuộc thi: “KEI student paper competition” Viện Môi trường Hàn Quốc (2015) và giải Khuyến khích Giải thưởng Tài năng khoa học trẻ của Quỹ VIFOTEC.

 Là sinh viên QH-2010 của khoa Kinh tế Phát triển nhưng ngày ra trường Tuyến đã cầm trên tay thêm một bằng đại học nữa đó là Tài chính - Ngân hàng, đó là do Tuyến đã sắp xếp thời gian để học bằng kép ngay từ năm thứ 3, đây cũng là đặc thù của ĐHQGHN khi sinh viên được học thêm một bằng đại học hệ kép để ngày ra trường “hai tay hai bằng hai cơ hội nghề nghiệp”.

Là sinh viên một trường đại học hàng đầu đất nước, Tuyến cho rằng chính môi trường học tập là bệ phóng giúp em có được thành tích ngày hôm nay. Tại ĐH Kinh tế - ĐHQGHN, Trường đã tạo sinh viên chúng em phát huy sự sáng tạo và chủ động của mình. Các giảng viên theo phong cách giảng dạy ở nước ngoài luôn định hướng, hướng dẫn để sinh viên tự đọc, tự tìm hiểu, tự nghiên cứu. “Em thích nhất là những học phần làm bài tập nhóm và thuyết trình. Mỗi lần như vậy, các bạn đoàn kết, gắn bó với nhau hơn, có bạn thể hiện được năng lực lãnh đạo, có bạn thể hiện được sự tự tin, cũng có bạn thể hiện được sự cẩn thận, tỷ mỷ khi viết lách hay ngồi xử lý số liệu”.

Đối với riêng em, ĐH Kinh tế giúp em phát huy được tinh thần chủ động, kỹ năng xử lý vấn đề và lập kế hoạch làm việc. Trong thời gian ở Trường, em có cơ hội tham gia các đề tài, dự án của các thầy cô ở khoa. Lúc đầu em chỉ là điều tra viên, đi khảo sát ở các nơi, sau trở thành trợ lý dự án, điều phối viên. Mỗi nơi em đến đều đem đến cho em những trải nghiệm và cảm nhận về cuộc sống. Tính ra em đã đi được hơn 30 tỉnh thành trong cả nước. Điều đó thật tuyệt vời. Sự rèn luyện ở ĐH Kinh tế - ĐHQGHN cũng giúp em rất nhiều trong công việc sau này. Khi chưa ra trường, em đã được nhận vào làm tại cơ quan hiện tại.

Mới đây em đã nhận được học bổng tiến sĩ của ĐH Newcastle Úc, đây là một bước ngoặt lớn trong cuộc đời của Tuyến vì học thẳng từ cử nhân lên tiến sĩ ở Việt Nam đã khó rồi hứng chi học ở nước ngoài, điều này chứng tỏ năng lực của Tuyến trong hàng trang đi tìm tri thức. “Em nghĩ rằng đó là may mắn lớn nhất của em khi đã đạt học bổng trực tiếp làm nghiên cứu sinh từ Cử nhân (không qua bằng thạc sĩ) từ trường Newcastle của Úc. Em đã có ý định đi du học ngay từ khi học ở ĐH Kinh tế để có cơ hội trải nghiệm cuộc sống, học tập và nâng cao năng lực nghiên cứu. Trong quá trình làm việc, em có quen một thầy giáo ở trường ĐH Newcastle - Úc, thầy đã gửi link 1 học bổng tiến sĩ và nói em hãy thử ứng tuyển. Lúc đầu em đã rất đắn đo nhưng khi đọc thông tin thì em thấy rằng, họ không yêu cầu có bằng Thạc sĩ, nên em đã gửi CV và đề xuất nghiên cứu (Researh Proposal) như theo yêu cầu. Sau đó khoảng 2 tháng, em nhận được thông báo phỏng vấn qua Skype và đã thành công, giành được học bổng tiến sĩ toàn phần của ĐH Newcastle”.

Năm tháng ở lại...

Bốn năm gắn bó với mái trường thân yêu, rất nhiều thầy cô đã để lại kỷ niệm sâu đậm trong tâm trí Tuyến, em nhắc đến tên các thầy cô giáo với nụ cười hạnh phúc như nhắc đến những người than trong gia đình của mình, đó là thầy Quốc Việt, cô Đàm Tuyết - Khoa Kinh tế Phát triển; cô Thái Hà, cô Phan Lan - Khoa Tài chính - Ngân hàng mà đặc biệt nhất là thầy Nguyễn Viết Thành - Nguyên Phó trưởng Khoa Kinh tế phát triển. Đối với em thầy là “Academic Father”. Thầy cũng là người chứng kiến sự trưởng thành của em từng ngày, giống như người cha thứ hai của em. Với em, ĐH Kinh tế chính là ngôi nhà thứ hai của mình, không có nhà trường, không có các thầy cô thì không có em của ngày hôm nay.

Trong tương lai, em mong muốn hoàn thành tốt việc học tập của mình tại Úc. Khi trở về em có dự định quay về ĐH Kinh tế - ĐHQGHN làm giảng viên để có thể làm được những điều tuyệt vời như thầy cô em đã từng học. Em sẽ tiếp tục sự nghiệp nghiên cứu của mình thầy cô ở ĐH Kinh tế đã giúp em như thế nào thì em sẽ giúp các em sinh viên của em sau này như thế. Sau này cho dù có thành công thì chắc chắn em phải kể ra ngay những viên gạch đầu tiên, đặt nền móng cho em trưởng thành, mà đó không gì khác chính là ở 3 điều: Kiến thức ĐH Kinh tế trang bị cho em, Môi trường học tập và môi trường Đoàn Hội ở Trường và sự ân cần sát sao của thầy cô giáo như mẹ hiền.

Ngoài ra, em sẽ khuyên các em mình thi vào ĐH Kinh tế - ĐHQGHN, nơi mà em đã được trải nghiệm và tận hưởng những năm tháng sinh viên thơ mộng nhất.


Nguyễn Công

FullName Email
Address Security code MSOLHA
Content