Thông tin cho sinh viên
 Search

Tân cử nhân ĐHKT chinh phục ước mơ nghiên cứu về doanh nghiệp xã hội

Cao Tú Oanh tại Trường Đại học Northampton
Với kinh nghiệm được tích lũy trong quá trình tham gia hỗ trợ giảng viên trong nghiên cứu và là cộng tác viên tại Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế Phát triển (CEDS), Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN từ khi là sinh viên năm thứ 3, Cao Tú Oanh, lớp QH-2010-E KTĐN CLC, đã vinh dự nhận được học bổng chương trình thạc sĩ nghiên cứu về Doanh nghiệp xã hội (DNXH) tại Trường Đại học Northampton, Vương quốc Anh.

Chúng tôi đã có cuộc trò chuyện về quá trình học tập, làm việc tại Trường ĐHKT và chương trình thạc sĩ tại Anh với Tú Oanh.

Chào Tú Oanh, trước tiên xin chúc mừng bạn đã trở thành học viên chương trình thạc sĩ nghiên cứu về DNXH. Bạn có thể chia sẻ cảm nhận khi được du học tại Trường Đại học Northampton?

Thực sự, mình rất vui khi trở thành học viên của Trường Đại học Northampton - Đây là chương trình hợp tác giữa CEDS, Trường ĐHKT và Trường Đại học Northampton trong nghiên cứu và đào tạo, tạo điều kiện cho sinh viên Trường ĐHKT học tập và nâng cao kiến thức.

Hiện tại mình đang theo học chương trình thạc sĩ nghiên cứu về Giá trị xã hội trong dịch vụ công và DNXH. Mặc dù bắt đầu được một thời gian ngắn nhưng mình cảm thấy hứng thú với những buổi trao đổi với giảng viên về các bài tập, phương pháp nghiên cứu và khai thác kiến thức.

Sinh viên theo học các chuyên ngành kinh tế thường lúng túng trước lựa chọn nghề nghiệp, ngay cả khi ra trường. Tú Oanh có vẻ đã nhanh chóng tìm được hướng đi cho mình. Trường ĐHKT nói chung cũng như CEDS nói riêng đã góp phần giúp bạn định hướng nghề nghiệp sau khi tốt nghiệp như thế nào?

Thực ra con đường mình đến với DNXH đã được xác định từ trước khi tốt nghiệp đại học. Nhận thấy bản thân phù hợp với nghiên cứu nên mình đã chủ động tìm hiểu về cơ hội cộng tác viên tại các trung tâm nghiên cứu của trường. Với mình, kiến thức học được tại Trường rất bổ ích cho hoạt động nghiên cứu; ngược lại, nghiên cứu giúp mình củng cố những kiến thức đã học.

Trường ĐHKT - ĐHQGHN là trường đại học theo định hướng nghiên cứu, vì vậy, sinh viên luôn được khuyến khích, tạo điều kiện tham gia vào các dự án. Chính nhờ sự hỗ trợ, tư vấn của giảng viên trong Trường, mình đã có cơ hội tham gia các nghiên cứu khoa học sinh viên, sau đó tham gia đề tài lớn hơn tại các khoa và trung tâm của Trường.

Nhận thấy sự quan tâm của mình với DNXH, CEDS đã tạo điều kiện cho mình tham gia vào các dự án nghiên cứu về DNXH. Ban đầu, mình tham gia hỗ trợ dự án Thriive và cùng các doanh nghiệp đến các địa phương khó khăn, vùng dân tộc thiểu số, gặp người già, trẻ em mồ côi để trao tặng sản phẩm. Từ đó, mình được tiếp xúc với một số mô hình DNXH - mô hình doanh nghiệp sáng tạo, có nhiều tác động trong giải quyết các vấn đề của xã hội.

Đặc biệt, mình tham gia hỗ trợ Dự án “Đánh giá năng lực tài chính của các DNXH ở Việt Nam” do nhóm nghiên cứu của CEDS thực hiện với sự tài trợ của quỹ Irish Aid từ tháng 2 - 7/2014. Mình đã cùng các chuyên gia đi khảo sát thực tế và phỏng vấn các DNXH ở các tỉnh miền Bắc như Hà Nội, Hải Phòng, Bắc Ninh và Lào Cai. Qua đó, mình nắm bắt được thực tiễn về thuận lợi, khó khăn cũng như thực trạng tài chính của các doanh nghiệp này. Trong thời gian này, mình cũng tham gia vào nhóm dự án phát triển nội dung chương trình học bổng Interhand (Nauy) với trọng tâm là xây dựng các chương trình đào tạo kỹ năng, định hướng nghề nghiệp cho những học sinh được trao học bổng xuyên suốt các năm học trung học phổ thông.

Cao Tú Oanh trong chuyến đi khảo sát học bổng Interhand tại Sapa, Lào Cai

Mình cảm thấy may mắn khi được học tập và làm việc tại Trường ĐHKT. Tại đây, mình đã được tiếp cận với DNXH về cả phương diện lý luận và thực tiễn ở Việt Nam. Mình đã lựa chọn DNXH làm đề tài khóa luận tốt nghiệp của mình. Các giảng viên trong Khoa Kinh tế và Kinh doanh Quốc tế cũng như trong Trường đã luôn ủng hộ và hỗ trợ mình trong thời gian thực hiện đề tài này.

Trong quá trình tìm hiểu, mình thấy rằng, DNXH là một lĩnh vực còn tương đối mới mẻ tại Việt Nam, thậm chí vẫn còn là một đề tài đang cần được khai thác ở nhiều nước trên thế giới. Tại Việt Nam, chúng ta chưa có sự quan tâm đúng mức và các chính sách hỗ trợ phù hợp cho lĩnh vực này. Càng tìm hiểu về DNXH thì mình càng thấy có nhiều điều thú vị và bổ ích, có thể áp dụng vào thực tiễn Việt Nam. Đó là lý do mình đã xác định hướng nghiên cứu về DNXH ngay từ khi còn là sinh viên và đặt mục tiêu theo học các chương trình đào tạo cao hơn về DNXH.

Tú Oanh có thể chia sẻ thêm về những trải nghiệm đáng nhớ khi trở thành chuyên viên nghiên cứu tại CEDS?

Khi trở thành chuyên viên nghiên cứu của CEDS, Trường ĐHKT - ĐHQGHN, mình đã có những trải nghiệm không thể nào quên. CEDS là đơn vị năng động và đổi mới, luôn mở rộng các mạng lưới nghiên cứu quốc tế và sẵn sàng dành cơ hội cho sinh viên vừa mới ra trường như mình được thử sức.

Mình vinh dự tham gia Hội thảo “Tương lai Châu Á lần thứ hai” tại Bali, Indonesia vào tháng 8/2014. Hội thảo đã thu hút sự tham gia của hơn 350 học giả, với gần 80 bài nghiên cứu trên toàn thế giới. Phần trình bày của mình đã nhận được sự quan tâm cũng như ý kiến trao đổi, phản hồi tích cực từ phía học giả và dành được giải thưởng “Thuyết trình xuất sắc nhất” do Ban tổ chức trao tặng.

Cao Tú Oanh tại Hội thảo “Tương lai Châu Á lần thứ hai”, Indonesia


Ngoài ra, mình còn tham gia Dự án nghiên cứu So sánh quốc tế về mô hình DNXH (The International Comparative Social Enterprise Models - ICSEM) cùng với nhóm nghiên cứu của CEDS. Đây là dự án được tài trợ bởi Chính phủ Bỉ với sự tham gia của 190 nhà nghiên cứu và chuyên gia đến từ 50 quốc gia trên thế giới.


Trong một lần tham gia điều phối chương trình thực tập và tư vấn cho DNXH Thriive của học viên cao học Trường Đại học Kinh doanh Sydney từ tháng 12/2014 - 1/2015, mình thực sự ấn tượng với cách tiếp cận vấn đề về thực tiễn doanh nghiệp Việt Nam cũng như thái độ và phong cách làm việc chuyên nghiệp của các học viên Trường Đại học Kinh doanh Sydney. Với cá nhân mình, đây là những cơ hội tuyệt vời để trau dồi bản thân một cách toàn diện theo cách tiếp cận đa chiều.

Tú Oanh có thể chia sẻ về dự định trong tương lai?
Trước tiên, mình cố gắng hoàn thành chương trình học với kết quả tốt nhất. Trong thời gian tới, mình hy vọng có thể kết nối và mở rộng mạng lưới nghiên cứu, tạo điều kiện cho sinh viên Việt Nam nói chung và sinh viên Trường ĐHKT nói riêng tham gia các dự án về DNXH.

Được biết, bên cạnh việc tham gia vào các hoạt động nghiên cứu tại Trường, Oanh còn đạt được kết quả cao trong học tập. Oanh có thể chia sẻ kinh nghiệm học tập của mình không?
Mình theo học chương trình chất lượng cao, Khoa Kinh tế và Kinh doanh Quốc tế, hầu hết môn học được dạy bằng tiếng Anh. Đây là cơ hội giúp mình trau dồi vốn tiếng Anh nhưng cũng là một thách thức không nhỏ, bởi để nắm bắt được bài giảng, mình phải đầu tư nhiều thời gian hơn. Mình thường đọc slide bài giảng (do giảng viên gửi, hoặc xin các anh chị khoá trên) trước khi tới lớp để tiếp thu bài giảng nhanh hơn. Với mỗi môn học, mình hệ thống hóa kiến thức theo từng chương thành một bảng nhỏ, phục vụ ôn thi cuối kỳ. 
Tú Oanh có nhắn nhủ gì với sinh viên nói chung và sinh viên Trường ĐHKT nói riêng?
Mình rất may mắn khi được học tập và có những trải nghiệm đáng nhớ tại Trường ĐHKT. Bản thân mình nhận ra rằng, chúng ta chỉ phát triển được khi biết nắm bắt cơ hội và cố gắng hoàn thiện bản thân mỗi ngày. Vì vậy, sinh viên nên cố gắng học tập, tham gia các hoạt động thực tập, thực tế tại những môi trường làm việc mà các bạn quan tâm và có sự chuẩn bị về kiến thức, kỹ năng để đón lấy các cơ hội.

Theo mình, phương pháp học tập ở trường đại học khác xa so với học phổ thông, đòi hỏi người học phải có kỹ năng tổng hợp kiến thức, đặc biệt là khả năng tự học. Việc tham gia các đề tài nghiên cứu cũng là một cách để sinh viên đào sâu kiến thức về một lĩnh vực mà mình yêu thích. 

Cảm ơn Tú Oanh vì những chia sẻ này. Chúc Tú Oanh sẽ có những trải nghiệm thú vị và ý nghĩa tại Trường Đại học Northampton và hoàn thành xuất sắc chương trình học. 
 

Ngọc Ánh (CEDS) - Minh Phương

FullName Email
Address Security code MFZAJG
Content