Thông tin cho sinh viên
 Search
Giao lưu với đoàn ĐH Waseda:
Những khoảnh khắc còn mãi!

Ngày 23/11/2012, các giảng viên và sinh viên Khoa Kinh tế và Kinh doanh Quốc tế, Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN đã có buổi giao lưu đầm ấm cùng đoàn Đại học Waseda (Nhật Bản) với hai nội dung chính: hội thảo khoa học và giao lưu văn hóa.

Đây là hoạt thường niên diễn ra giữa hai trường ĐH Waseda và ĐH Kinh tế, tạo cơ hội để sinh viên hai trường làm quen, giao lưu, trao đổi kiến thức và văn hóa giữa hai quốc gia.

Trong phiên buổi sáng, giảng viên và sinh viên hai trường đã có cuộc trao đổi tại hội thảo khoa học với chủ đề “State-owned enterprises reform, the case of Vietnam” (Tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước, trường hợp Việt Nam). Dẫn đầu đoàn ĐH Waseda, Nhật Bản là GS. Trần Văn Thọ, người có uy tín lớn trong lĩnh vực nghiên cứu về kinh tế quốc tế và là người đặt nền móng cho sự hợp tác giữa ĐH Waseda và ĐH Kinh tế, ĐHQGHN. Về phía Trường ĐH Kinh tế có sự tham gia của TS. Nguyễn Anh Thu - Phó Chủ nhiệm Khoa KT&KDQT, ĐH Kinh tế - ĐHQGHN cùng cùng giảng viên Trường ĐH Kinh tế và sinh viên hai trường.

Các báo cáo tại hội thảo đều xoay quanh chủ đề “Doanh nghiệp nhà nước và công cuộc tái cấu trúc” với nhiều khía cạnh được đưa ra phân tích. Có thể nói đây là một đề tài hấp dẫn và có tính thời sự trong bối cảnh Việt Nam đang trong công cuộc tái cơ cấu nền kinh tế.


TS. Nguyễn Anh Thu đã tặng quà lưu niệm cho GS. Trần Văn Thọ và đoàn sinh viên Nhật Bản


Mở đầu hội thảo là hai phần thuyết trình của các sinh viên Khoa KT&KDQT. Báo cáo “Lessons to reform PVN from the case of CNPS & SINOPEC” đã đưa ra những gợi ý cho Tập đoàn dầu khí Việt Nam (PVN) dựa trên những kinh nghiệm từ hai công ty dầu khí lớn của Trung Quốc là CNPC và SINOPEC. Báo cáo thứ hai cũng phân tích về một doanh nghiệp nhà nước của Việt Nam - Vietinbank, trong đó đưa ra những thành công mà Vietinbank đã đạt được từ quá trình tái cấu trúc của mình và rút ra bài học cho hệ thống ngân hàng Việt Nam.


Sinh viên hai trường thuyết trình tại hội thảo


Bài thuyết trình tiếp theo đến từ đoàn sinh viên ĐH Waseda với chủ đề “State-owned enterprises and the economic development of Vietnam”. Khác với hai đề tài trước, bài nghiên cứu của đoàn sinh viên Nhật Bản lại cho hội thảo một cái nhìn tổng quan về tình hình kinh tế Việt Nam và mức độ tham gia của các tập đoàn kinh tế nhà nước, từ đó đưa ra những hướng đi cho công cuộc tái cấu trúc những doanh nghiệp này. Đề tài cuối cùng trong buổi hội thảo “Summary about SOEs reform and recommendation” mang đến tổng quan về quá trình cải cách các tập đoàn nhà nước và đưa ra những khuyến nghị.


Sinh viên hai trường đã thể hiện sự tự tin trong khả năng tiếng Anh, kỹ năng thuyết trình cũng như kiến thức kinh tế qua việc sôi nổi đưa ra các câu hỏi cũng như thảo luận về các đề tài. Có thể nói đây là cơ hội để sinh viên hai trường trao đổi kiến thức, kinh nghiệm với nhau, cùng thảo luận về chủ đề hữu ích đối với Việt Nam hiện nay.
Buổi chiều, sinh viên hai trường đã tham gia vào chương trình giao lưu văn hóa mang màu sắc của hai quốc gia Việt Nam - Nhật Bản. Mở đầu chương trình là một ca khúc Nhật Bản ngọt ngào, tiếp đó là điệu múa duyên dáng các những cô thôn nữ Việt Nam cùng màn biểu diễn Karatedo đầy ấn tượng. Mỗi tiết mục như một trải nghiệm văn hóa mới mẻ về một vùng miền của hai quốc gia, giúp sinh viên hai trường hiểu về nhau và hiểu thêm về hai đất nước. Không còn sự ngại ngần, không còn khoảng cách địa lý hay ngôn ngữ, tất cả như hòa cùng nhịp đập, cùng rộn ràng tiếng cười với những trò chơi vui nhộn.


Chương trình giao lưu diễn ra buổi chiều cùng ngày đã đưa văn hóa của hai quốc gia Việt Nam - Nhật Bản đến gần nhau hơn


Khép lại một ngày giao lưu đầy ý nghĩa giữa các giảng viên, sinh viên Trường ĐH Waseda và Trường ĐH Kinh tế. Dù là ở hội thảo khoa học hay chương trình giao lưu văn hóa, chắc hẳn mỗi người tham gia đều không thể quên những khoảnh khắc ý nghĩa ấy.


Những trò chơi kéo mọi người lại gần nhau hơn trong tình đoàn kết, hữu nghị (ảnh: Mai Thanh)


Tin: Mai Thanh (QH-2009-E KTĐN) - Ảnh: Ngân Vũ

FullName Email
Address Security code OSGLYO
Content