Thông tin cho sinh viên
 Search

Gặp gỡ sinh viên Khoa KT&KDQT tham dự AseanPreneurs 2010

Hoàng Giang (ngoài cùng bên trái) cùng bạn bè quốc tế
“Hãy luôn tạo cho mình một dấu ấn riêng, sự tự tin và bản lĩnh trước những người bạn quốc tế, luôn sẵn sàng tinh thần học hỏi từ những trải nghiệm thực tế, từ đất nước và con người trên khắp thế giới”.

Đó cũng chính là những chia sẻ của Phạm Thị Hoàng Giang (QH-2009E-CLC) sau khi tham dự chương trình Trao đổi lãnh đạo trẻ Đông Nam Á AseanPreneurs 2010 tại Malaysia vừa qua.

PV: Chào Giang, được biết bạn vừa trở về từ chương trình Trao đổi lãnh đạo trẻ Đông Nam Á AseanPreneurs 2010 tại Malaysia, bạn có thể giới thiệu đôi điều về chương trình này không?
Hoàng Giang: Tháng 12 vừa qua, mình đã được lựa chọn tham dự Chương trình Trao đổi Lãnh đạo trẻ Đông Nam Á (ASEANpreneurs Youth Leaders Exchange, AYLE) được tổ chức từ ngày 12 đến ngày 20/12/2010 tại Kuala Lumpur, Malaysia. Chương trình được tổ chức với mục đích qui tụ những đại diện sinh viên, những nhà doanh nghiệp và những người trẻ tuổi có mối quan tâm đến khởi sự doanh nghiệp từ các quốc gia thuộc khối ASEAN. Sự kiện này mang đến cho các đại biểu tham dự chương trình cơ hội tới thăm các quốc gia ASEAN và tìm hiểu về sự phát triển kinh tế cũng như nền văn hóa doanh nghiệp ở từng đất nước trong khu vực.
AYLE là một tromg chuỗi sự kiện được tổ chức bởi Mạng lưới các nhà doanh nghiệp trẻ Đông Nam Á (ASEANpreneurs Youth Leaders Network = AYLN, gọi tắt là ASEANpreneurs), được thành lập bởi Cộng đồng khởi sự doanh nghiệp Đại học Quốc gia Singapore - NES, là một bước đệm cho việc phát triển tài năng trẻ Đông Nam Á. AYLN hướng tới việc trở thành trung tâm cung cấp những cơ hội và nguồn lực thiết yếu cho những sinh viên có tiềm năng, những nhà khởi nghiệp tương lai, những nhà đầu tư và bất cứ ai quan tâm tới khởi sự doanh nghiệp cũng như muốn thực hiện những ý tưởng kinh doanh của mình. Được thành lập vào năm 2008, ASEANpreneurs đã phát triển trở thành một mạng lưới đáng chú ý có mặt trên 8 quốc gia ASEAN.
Chương trình Trao đổi Lãnh đạo trẻ Đông Nam Á ASEANpreneurs 2010 (AYLE 2010), với chủ đề “Từ doanh nghiệp nhỏ tới qui mô toàn cầu”, được tổ chức tại Kuala Lumpur, Malaysia. Tham gia AYLE 2010 là 50 gương mặt xuất sắc nhất được chọn lọc từ hơn 270 đơn đăng kí trong khu vực ASEAN, với một tuần sự kiện bao gồm tham quan, tọa đàm, trao đổi kinh doanh, chia sẻ ý kiến và giao lưu văn hóa.

PV: Trải nghiệm một tuần sự kiện tại Malaysia, bạn có suy nghĩ gì khi tham gia vào rất nhiều hoạt động sôi nổi và đầy thú vị của chương trình?
Hoàng Giang:
Trong vòng một tuần, mình đã tham gia những sự kiện, gặp những nhân vật mà trước đó mình không hề nghĩ rằng mình có cơ hội được gặp. Một trong những buổi tọa đàm ấn tượng nhất là cuộc nói chuyện với tiến sĩ Mahathir Bin Mohamad, cựu chính trị gia, thủ tướng thứ 4 của Malaysia (1981 - 2003) tại Đại học Uniten với chủ đề “Toàn cầu hóa con người - Vấn đề của Malaysia”. Tiếp đến là cuộc gặp với Hoàng gia và mình được tham dự cuộc nói chuyện tại tòa nhà nghị viện Malaysia. Xuyên suốt chương trình, các đại biểu từ các nước có cơ hội được tham gia “Ngày sáng tạo”, với khách mời là các nhà sáng chế (Bugs Tan, Robest Yong), những doanh nghiệp mới thành đạt của Malaysia, “Ngày doanh nghiệp vừa và nhỏ hướng tới qui mô toàn cầu” cùng những nhà quản trị đã đưa SME lên tầm khu vực và quốc tế (Anthony Francis Fernandes - Người sáng lập AirAsia), “Ngày tài năng trẻ” và gặp gỡ những đại diện cho giới trẻ Malaysia trên mọi lĩnh vực (Michael Teoh - đại diện Malaysia tham dự hội nghị One Young World 2010, Shobana Nair - Điều hành dự án nhân đạo cho trẻ em vùng nông thôn Children Behind Us, Johnson Oei - Điều hành dự án cải tạo điều kiện sống của người bản xứ Malaysia E.P.I.C., Chenchow Yeoh - Chủ nhân giải thưởng Asian Youth Ambassadors 2009…)
PV: Những ấn tượng và kỷ niệm đáng nhớ nhất của bạn trong chuyến đi lần này là gì?
Hoàng Giang: Mình thực sự ấn tượng bởi kiến thức, tài năng và sự thân thiện của bạn bè Đông Nam Á. Tham dự chương trình phần lớn là sinh viên đến từ các trường đại học của Malaysia, Indonesia, Phillipines, Myanmar, Thailand, Laos, Brunei, Singapore và Việt Nam. Tất cả đều là những người trẻ tuổi, đầy nhiệt huyết, ham học hỏi, tìm tòi văn hóa của các nước trong khu vực và có kiến thức phong phú về nhiều lĩnh vực. Qua những buổi nói chuyện và làm việc trong nhóm cùng các bạn, mình đã hiểu được phần nào cách nhìn những vấn đề kinh tế trong khu vực qua những góc nhìn khác nhau của của từng quốc gia, được chia sẻ ý kiến về những khó khăn, thực trạng của đất nước, của giới trẻ cũng như tìm được những người bạn có cùng chí hướng, đam mê kinh doanh và hoạt động xã hội. Sau chuyến đi này, mình đã có thêm rất nhiều người bạn thân thiết, mà mình gọi là “ASEAN buddies”.
Một chuyến đi chỉ kéo dài một tuần, nhưng đã đem lại không biết bao nhiêu kiến thức và cơ hội cho mình. Không chỉ được học hỏi, nghe chia sẻ từ những con người xuất chúng của Malaysia, tiếp xúc và cảm nhận sự quyết tâm và thành quả của những người bạn cùng trang lứa mình còn được chứng kiến sự chuyên nghiệp và nhiệt tình của ban tổ chức chương trình – NES phối hợp với SIFE của trường Đại học Tenaga, Malaysia. Có thể nói đây là một chương trình do sinh viên tổ chức thành công và mang lại nhiều ý nghĩa cho những người tham dự.
Kỷ niệm đáng nhớ nhất trong chuyến đi là chuyến viếng thăm Dorani Homestay. Kết thúc chuỗi ngày hội thảo và tổng kết cuộc thi Business Plan Challenge căng thẳng, cả đoàn đã được tận hưởng không khí làng quê Malaysia, với rất nhiều trò chơi thú vị như giã gạo, vẽ trên vải Batik, bắt cá bằng tay không, nướng Barbeque và nhảy điệu múa truyền thống Kuda Kepang của Malaysia. Khi được hòa mình vào không gian yên tĩnh của thôn quê, tất cả thành viên trong đoàn dường như đã quên đi mọi khoảng cách về ngôn ngữ, mọi rào cản vô hình về văn hóa, tôn giáo chỉ còn những câu chuyện kể về từng đất nước, nhưng tâm sự, sẻ chia, những cái ôm thắm thiết, những nụ cười rạng rỡ trên từng khuôn mặt. Thế giới thực sự đã trở thành một ngôi nhà chung từ những giây phút khó quên như thế.

PV: Để tham gia một chương trình quốc tế đòi hỏi một sự đầu tư ngay từ khâu chuẩn bị. Bạn có lời khuyên gì dành cho các ứng cử viên của chương trình Trao đổi Lãnh đạo trẻ Đông Nam Á năm sau, nhất là sinh viên Khoa KT&KDQT không?
Hoàng Giang:
Trước khi tới Malaysia, mình đã nhận được rất nhiều sự hỗ trợ từ phía Nhà trường và đặc biệt là từ phía Khoa cũng như nhiều lời động viên, hướng dẫn của các thầy cô, anh chị và bạn bè. Những chương trình như thế này là một cơ hội rất lớn để học hỏi, mở rộng các mối quan hệ và đặc biệt là đổi mới tầm nhìn, nhận thức về những vấn đề của đất nước và khu vực. Là một sinh viên Kinh tế, hãy luôn nắm lấy cơ hội tham gia những chương trình giao lưu, chuẩn bị cho mình một nền tảng kiến thức vững vàng (về kinh tế, kinh doanh và văn hóa của Việt Nam cũng như các nước bạn). Hãy luôn tạo cho mình một dấu ấn riêng, sự tự tin và bản lĩnh trước những người bạn quốc tế, luôn sẵn sàng tinh thần học hỏi từ những trải nghiệm thực tế, từ đất nước và con người trên khắp thế giới!

PV: Cảm ơn Giang, chúc bạn sẽ đạt được nhiều thành công hơn nữa trong học tập, công việc và các hoạt động xã hội.

Mai Nguyệt Ánh

FullName Email
Address Security code NARZTW
Content