Thông tin cho sinh viên
 Search

Đảng bộ Trường Đại học Kinh tế - Một chặng đường nhìn lại và đi tới

Đồng chí Phùng Xuân Nhạ - Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng Trường ĐHKT - ĐHQGHN phát biểu tại Đại hội Đảng bộ lần thứ IV
Đại hội Đảng bộ Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN lần thứ IV nhiệm kỳ 2010-2015, tổ chức vào ngày 26/5/2010, với chủ đề “Đổi mới quản trị đại học, phát huy mọi nguồn lực, tạo bước đột phá về chất lượng, hiệu quả đào tạo và nghiên cứu khoa học” đã thành công tốt đẹp. Đây là dịp để Đảng bộ Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN nhìn lại chặng đường đã qua và đề ra những mục tiêu cho chặng đường tiếp theo.

Tháng 3/2007, theo Quyết định số 290/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ Trường Đại học Kinh tế thuộc ĐHQGHN được thành lập trên cơ sở Khoa Kinh tế thuộc ĐHQGHN. Và theo Quyết định số 97-QĐ/TV ngày 22/5/2007 của Thường vụ Đảng uỷ ĐHQGHN, Đảng bộ Khoa Kinh tế - ĐHQGHN được đổi tên thành Đảng bộ Trường ĐHKT - ĐHQGHN.

Chặng đường từ 2007 đến nay không dài, trong đó nhiều thuận lợi xen lẫn khó khăn và cơ hội để phát triển đối với Trường ĐHKT - một đơn vị mới đi vào hoạt động với tư cách là một đại học thuộc ĐHQGHN. Song với quyết tâm xây dựng một đại học chất lượng cao, tiên tiến trong khu vực, Đảng bộ Trường ĐHKT đã tạo được sự đoàn kết nhất trí trong toàn trường, chỉ đạo thực hiện thành công việc xây dựng các điều kiện cần thiết cho hoạt động của một trường đại học, vốn được nâng cấp lên từ một khoa.

Các hoạt động của Trường ĐHKT đã bắt đầu đi vào nề nếp. Nhà trường được xã hội đã biết đến như là một trường đại học trẻ, năng động, có tầm nhìn và quyết tâm phát triển theo hướng chất lượng và đẳng cấp quốc tế. Các hoạt động của trường, đặc biệt là đào tạo và nghiên cứu khoa học đã bước đầu đạt được một số thành tựu cơ bản, tạo nền tảng để trường tiếp tục phát triển đột phá theo hướng chất lượng và hiệu quả. Vị thế và uy tín của Nhà trường đang dần được củng cố và nâng cao; Cơ sở vật chất đang dần được nâng cấp tạo điều kiện thuận lợi hơn cho công tác giảng dạy, nghiên cứu và học tập; thu nhập của cán bộ đang dần được tăng thêm nguồn nhân lực của Nhà trường đang ngày càng chuyên nghiệp, trình độ chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp ngày được nâng cao; Văn hóa hoạt động trong toàn trường đang dần được xác lập, tạo môi trường hoạt động thân thiện, là một trong những điều kiện quan trọng đảm bảo sự phát triển bền vững của trường trong giai đoạn tới. Những thành tựu này được thể hiện cụ thể ở các mặt:

Thứ nhất, về công tác chính trị tư tưởng:Đảng bộ đã lãnh đạo thành công công tác tư tưởng trong quá trình chuyển đổi từ Khoa lên Trường. Trong giai đoạn này, Nhà trường có những đổi mới mạnh mẽ về tổ chức, nhân sự và một số hoạt động, tạo ra những thay đổi, xáo trộn không nhỏ, song Đảng ủy, các chi bộ đã kịp thời chỉ đạo, quán triệt tốt công tác chính trị tư tưởng trong toàn thể cán bộ đảng viên, ủng hộ những quan điểm, chủ trương mới đúng đắn nhằm tạo ra bước đột phá trong sự phát triển của Nhà trường, nhờ vậy nội bộ Nhà trường luôn giữ được sự ổn định, đoàn kết, nhất trí làm cơ sở vững chắc cho việc thực hiện những chỉ đạo của cấp trên và quyết sách lớn mang tính đột phá của Ban Giám hiệu.

Đảng ủy đã chỉ đạo triển khai xây dựng và ban hành được Kế hoạch chiến lược phát triển Trường ĐHKT đến 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Bản Kế hoạch chiến lược xác định sứ mệnh của Nhà trường là: Cung cấp cho xã hội nguồn nhân lực chất lượng cao trong các lĩnh vực kinh tế, quản lý và quản trị kinh doanh; Sáng tạo và chuyển giao các kết quả nghiên cứu cho Chính phủ, các tổ chức, doanh nghiệp và xã hội; Tạo môi trường thuận lợi để sáng tạo, nuôi dưỡng, phát triển tài năng trong các lĩnh vực kinh tế, quản lý và quản trị kinh doanh hiện đại. Chiến lược phát triển xác định rõ tầm nhìn và các mục tiêu, giải pháp chiến lược nhằm đạt được các mục tiêu đặt ra. Trên cơ sở chiến lược phát triển chung, Nhà trường đã chỉ đạo xây dựng kế hoạch chiến lược cho từng lĩnh vực đặc biệt là lĩnh vực đào tạo, nghiên cứu khoa học, nhân sự và cụ thể hóa kế hoạch chiến lược bằng các kế hoạch nhiệm vụ 5 năm và cho từng năm học.

Thứ hai, về công tác quản lý: Đảng ủy đã lãnh đạo Nhà trường nhanh chóng kiện toàn và ổn định cơ cấu tổ chức để tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ. Đến nay, bộ máy tổ chức Nhà trường đã vận hành đồng bộ, linh hoạt, có hiệu quả, tính chuyên nghiệp cao. Cơ chế quản lý, điều hành của Trường được đổi mới theo hướng phân công, phân nhiệm rõ ràng; tăng cường tính chủ động cho các đơn vị. Nhà trường đã triển khai, áp dụng thành công hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001:2008 và được cấp Chứng chỉ chứng nhận vào tháng 4/2010.

Thứ ba, về xây dựng và phát triển nhân lực: Để trở thành một trung tâm đào tạo chất lượng cao từng bước đạt chuẩn khu vực và quốc tế, Nhà trường đã xác định một điều kiện tiên quyết là phải xây dựng và phát triển được nguồn nhân lực đủ mạnh, đặc biệt là đội ngũ cán bộ giảng dạy có chất lượng, có trình độ cao. Để đáp ứng yêu cầu này, Đảng ủy đã chỉ đạo xây dựng Đề án quy hoạch phát triển nguồn nhân lực giai đoạn 2009 - 2012, trong đó chú trọng bồi dưỡng đào tạo cán bộ trẻ, mạnh dạn giao các nhiệm vụ trọng trách về NCKH và giảng dạy. Nhà trường đã áp dụng mô hình quản trị đại học tiên tiến và mạnh dạn sử dụng cơ chế thuê cán bộ quản lý; ban hành chính sách thu hút cán bộ trình độ cao về làm việc tại Trường, đặc biệt là đội ngũ Việt kiều, người nước ngoài, doanh nhân, các nhà khoa học có uy tín, tuyển dụng các giảng viên có trình độ chuyên môn cao, động viên và cử cán bộ đi đào tạo ở nước ngoài.

Nhờ vậy, cho đến nay, trong tổng số 81 giảng viên cơ hữu, số giảng viên có trình độ từ thạc sĩ trở lên chiếm hơn 98%; trình độ tiến sĩ trở lên chiếm 56%, trong đó có 12 PGS-TS, số cán bộ có trình độ thạc sĩ trở lên được đào tạo ở nước ngoài chiếm 56,8%. Tốc độ tăng trung bình về số lượng giảng viên cơ hữu mỗi năm là hơn 17%. Nhiều giảng viên của Trường đã dần được kiểm định quốc tế và được công nhận là giảng viên kiêm nhiệm của các trường đối tác.

Thứ tư, về đào tạo: Với quan điểm chỉ đạo của Đảng ủy: Tạo sự khác biệt với các cơ sở đào tạo khác về kinh tế và quản trị kinh doanh, đồng thời để phát huy thế mạnh về khoa học cơ bản, về tính liên thông của ĐHQGHN; hướng chủ yếu vào đào tạo các chuyên gia phân tích chính sách, các nhà lãnh đạo, quản trị doanh nghiệp, không chú trọng đào tạo nghiệp vụ như các trường khác... Trường ĐHKT đãchủ động tìm giải pháp đẩy mạnh các hoạt động đổi mới phương pháp giảng dạy và học tập của cán bộ, sinh viên, tiếp tục triển khai việc áp dụng các yếu tố tích cực của đào tạo theo tín chỉ, nâng cao chất lượng đào tạo các hệ, mở rộng hệ đào tạo chất lượng cao, đào tạo sau đại học cùng với liên kết đào tạo chương trình quốc tế, đặc biệt nhà trường đã tích cực triển khai mạnh mẽ việc liên kết chặt chẽ với các doanh nghiệp và bước đầu thu được nhiều thành công. Nhà trường đã tích cực, tiên phong triển khai thực hiện chủ trương đẩy mạnh liên thông, liên kết của ĐHQGHN và đã thu được thành công bước đầu rất đáng phấn khởi. Trường đã hướng vào mục tiêu chất lượng, không chạy theo quy mô, cụ thể là: duy trì quy mô đào tạo đại học chính quy, giảm quy mô đào tạo đại học tại chức, tăng dần tỷ trọng đào tạo sau đại học, bằng kép, ngành kép. Năm học 2009 - 2010, tỷ lệ quy mô đào tạo các hệ, bậc/quy mô đào tạo trong nước đạt như sau: Sinh viên hệ chuẩn 31%; sinh viên hệ CLC, Đẳng cấp quốc tế 7%; học viên SĐH: 25%, sinh viên bằng kép, ngành kép: 12%. Bên cạch đó, các chương trình đạo tạo quốc tế của trường cũng phát triển mạnh và đang ngày càng tạo hiệu ứng lan tỏa tốt tới các chương trình đào tạo trong nước.

Để tạo đột phá về nâng cao chất lượng đào tạo, trường đã tập trung đầu tư nguồn lực cho phát triển hệ đào tạo chất lượng cao và đẳng cấp quốc tế; tăng cường hợp tác với các cơ sở đào tạo, nghiên cứu của nước ngoài để từng bước “quốc tế hoá” các chương trình đào tạo trong nước. Trường đã phát triển tốt các chương trình đào tạo đạt chuẩn quốc tế (ngành QTKD) và chất lượng cao (ngành KTĐN); triển khai Đề án xây dựng chương trình đào tạo theo cách tiếp cận CDIO cho khối ngành kinh tế tại ĐHQGHN và áp dụng cho ngành Kinh tế Đối ngoại hệ CLC của Trường ĐHKT. Các chương trình đào tạo thường xuyên được rà soát và cải tiến theo hướng tiếp cận chuẩn đầu ra.

Công tác đảm bảo chất lượng của Trường được triển khai đồng bộ và liên tục, bước đầu đã tạo ra văn hóa chất lượng trong Trường. Năm 2009, Trường đã thực hiện đánh giá ngoài chương trình đào tạo chất lượng cao ngành Kinh tế Quốc tế đạt cấp độ một và đang triển khai đánh giá theo tiêu chuẩn quốc tế (AUN).

Thứ năm, về nghiên cứu khoa học: Thực hiện chủ trương của Đảng ủy là xây dựng Trường ĐHKT thành trường đại học theo định hướng nghiên cứu với chất lượng cao, từng bước tiệm cận dần với đẳng cấp khu vực và thế giới, hoạt động NCKH của Trường bước đầu thành công trong xây dựng và phát triển các nhóm nghiên cứu mạnh, quy tụ các nhà khoa học nhằm thực hiện các Chương trình nghiên cứu trọng điểm của Nhà trường và của ĐHQGHN. Nhà trường đã ban hành chiến lược NCKH giai đoạn 2010 - 1015, tầm nhìn đến năm 2020 với các chương trình nghiên cứu trọng điểm và các hướng nghiên cứu đặc thù.

Trong công tác NCKH, Nhà trường đã phát huy thế mạnh của khoa học cơ bản, đồng thời hướng tới mục tiêu tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận và giải đáp những vấn đề cấp bách trong cuộc sống. Năm 2009, 2010 Trường đã lần lượt công bố 2 báo cáo kinh tế thường niên Việt Nam, đây là một trong những hướng nghiên cứu mang tính đặc thù của trường ĐHKT và là trọng tâm của chương trình nghiên cứu kinh tế vĩ mô. Cũng ngay đầu năm 2010; Nhóm nghiên cứu thực hiện Chương trình đánh giá và phân tích chính sách ở Việt Nam của Khoa Kinh tế phát triển - Nhóm nghiên cứu duy nhất của Việt Nam đã được nhận giải thưởng WTO Chair của Tổ chức Thương mại Thế giới. Trong 3 năm (2007 - 2009), Trường đã và đang thực hiện trên 95 công trình NCKH các cấp (đề tài/đề án/dự án), trong đó có 3 đề tài cấp Nhà nước; 47 đề tài cấp ĐHQGHN, trong đó có 1 công trình đặc biệt xuất sắc được ĐHQGHN trao Giải thưởng công trình NCKH tiêu biểu năm 2007. Trường cũng đã kết nối được với các mạng lưới nghiên cứu trong khu vực với các dự án nghiên cứu quốc tế được tài trợ bởi Ngân hàng phát triển châu Á (ADB), Quỹ nghiên cứu Thái Lan (TRF)....

Thứ sáu, hoạt động hợp tác phát triển: Với phương châm “hợp tác để phát triển”, hoạt động hợp tác phát triển trong 5 năm qua đã có những bước tiến rõ rệt và ngày càng phát triển mạnh mẽ với mạng lưới đối tác mở rộng khắp từ Châu Á, đến Châu Âu, Mỹ, New Zealand…, với nhiều hình thức phong phú bao gồm hợp tác trong đào tạo, trong nghiên cứu khoa học, trao đổi giảng viên, sinh viên, các chương trình tài trợ, học bổng và các hoạt động hợp tác khác. Trường ĐHKT hiện có mối quan hệ hợp tác với hơn 30 đối tác quốc tế là các trường đại học, các viện nghiên cứu thuộc 12 nước và vùng lãnh thổ. Bên cạnh đó, Trường đã xây dựng một hệ thống các đối tác trong nước chiến lược gồm hơn 20 tập đoàn, hiệp hội doanh nghiệp và các ngân hàng hàng đầu Việt Nam và các tập đoàn kinh tế lớn. Nhiều sự kiện quốc tế quan trọng với sự tham dự của các học giả nổi tiếng như GS.Tom Cannon (chuyên gia hàng đầu thế giới về chiến lược phát triển), GS.Susan Schwat (Đại sứ thương mại Mỹ), Bộ trưởng ngoại giao New Zealand... đã được trường tổ chức thành công.  

Về công tác xây dựng Đảng:Đảng bộ Trường ĐHKT đã nêu cao tinh thần đoàn kết, gương mẫu, phát huy dân chủ; tập thể Đảng ủy là hạt nhân tập hợp đảng viên, cán bộ và sinh viên, xây dựng Đảng bộ trong sạch vững mạnh và là một trong những đảng bộ xuất sắc của Đảng bộ ĐHQGHN. Công tác xây dựng, tổ chức, đổi mới hoạt động của các đoàn thể thường xuyên được Đảng ủy nhà trường quan tâm, nâng cao chất lượng.

Đảng uỷ Trường ĐHKT đã luôn đánh giá các bước phát triển của Nhà trường để kịp thời ban hành các nghị quyết chuyên đề lãnh đạo các hoạt động trọng tâm như: công tác tổ chức nhân sự; đào tạo; nghiên cứu khoa học; hợp tác phát triển... và nhiều kết luận quan trọng khác. Tập thể Đảng uỷ Trường ĐHKT luôn là một tập thể đoàn kết thống nhất, dân chủ, trách nhiệm cao, có sự phân công, phân cấp hợp lý và sự phối hợp chặt chẽ giữa các thành viên trong Đảng uỷ. Các đồng chí đảng ủy viên luôn gương mẫu, đi đầu trong mọi công việc đặc biệt là trong việc giữ gìn phẩm chất đạo đức, có lối sống lành mạnh, không tham nhũng, quan liêu, không lợi dụng chức quyền để phục vụ lợi ích cá nhân.

*

5 năm là một quãng thời gian chưa nhiều nhưng đủ để tập thể lãnh đạo và đảng viên Đảng bộ Trường ĐHKT khẳng định vai trò lãnh đạo và đạt được những thành tích quan trọng.

Phát biểu tại Đại hội Đảng bộ Trường ĐHKT, đồng chí Phạm Trọng Quát, Bí thư Đảng ủy, Phó Giám đốc ĐHQGHN nhấn mạnh: “Trường ĐHKT - trường thành viên còn rất trẻ của ĐHQGHN, đã khẳng định vị thế và uy tín trong hệ thống giáo dục Việt Nam, là một địa chỉ tin cậy về đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực kinh tế. Trường ĐHKT đã nỗ lực phấn đấu, tập trung mọi nguồn lực, tiếp tục đổi mới, tạo nên những chuyển biến rõ rệt về nhận thức, tư duy và hành động thực tiễn. Trường đã có nhiều đổi mới, tập trung thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của nhà trường, tạo ra nền tảng cho sự phát triển của Trường trong giai đoạn trước mắt cũng như lâu dài… Những năm vừa qua Trường ĐHKT là một trong những đơn vị luôn luôn đi đầu, có nhiều sáng tạo triển khai thực hiện các chủ trương, nhiệm vụ trọng điểm của ĐHQGHN và giữ vững là trường tiên tiến xuất sắc…”.

Những kết quả của nhà trường đạt được trong nhiệm kỳ qua, trước hết là do vai trò lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng bộ được tăng cường; công tác xây dựng Đảng luôn được xác định là nhiệm vụ then chốt, có ý nghĩa quyết định đến sự phát triển đi lên của đảng bộ; phát huy dân chủ, nâng cao năng lực, trình độ, phẩm chất của cán bộ, đảng viên đã góp phần nâng cao sức mạnh của Đảng bộ, tạo được sự đồng thuận và lòng tin của quần chúng vào quá trình đổi mới.

Trong nhiệm kỳ 2010-2015 tới, với phương châm: “Tiếp tục đổi mới quản trị đại học để phát huy mọi nguồn lực nhằm tạo bước phát triển đột phá về chất lượng, hiệu quả đào tạo và nghiên cứu khoa học”, trong nhiệm kỳ 2010-2015, Đảng bộ trường ĐHKT-ĐHQGHN đặt mục tiêu lãnh đạo việc xây dựng thành công Trường ĐHKT trở thành một trường đại học định hướng nghiên cứu được xếp hạng ở khu vực Châu Á, Đạt tiêu chuẩn kiểm định của Bộ giáo dục và đào tạo, của Đại học Quốc gia Hà Nội, Một số ngành đạt được tiêu chuẩn kiểm định của AUN-QA; Đảng bộ trường ĐHKT đã đề ra 5 nhiệm vụ trọng tâm cho nhiệm kỳ 2011 - 2015 như sau:

1.   Tập trung nguồn lực để phát triển chương trình đào tạo theo các chương trình nhiệm vụ chiến lược (16+23, CLC) ở tất cả các hệ đào tạo từ cử nhân đến tiến sĩ nhằm tạo nền tảng cho hoạt động đào tạo của Trường.

2.   Đầu tư trọng điểm xây dựng 4 nhóm nghiên cứu chính (Nhóm nghiên cứu về kinh tế và chính sách kinh tế vĩ mô; Nhóm nghiên cứu về hội nhập và biến đổi khí hậu; Nhóm nghiên cứu về Đầu tư nước ngoài; và Nhóm nghiên cứu về phát triển ngành dịch vụ ở Việt Nam) để nhanh chóng hình thành ít nhất 2 nhóm nghiên cứu mạnh trong đó có 1 nhóm trở thành “think-tank” trong lĩnh vực kinh tế ở Việt Nam.

3.   Xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao để phục vụ nhiệm vụ chiến luợc trong đó đặc biệt là đội ngũ cán bộ khoa học đầu đàn, đầu ngành.

4.   Khai thác tốt cơ sở vật chất hiện có và xây dựng cơ sở mới của trường tại Hòa Lạc.

5.   Tăng cường nguồn tài chính, đặc biệt thông qua hoạt động xã hội hóa và đóng góp của các tổ chức, cá nhân, cựu sinh viên để phục vụ nhiệm vụ chiến lược và các hoạt động của Nhà trường.

Với bề dày truyền thống, với tinh thần nỗ lực sáng tạo và quyết tâm của toàn thể đảng viên, cán bộ viên chức và sinh viên trong toàn Trường, dưới sự lãnh đạo của Đảng ủy và Ban Giám đốc ĐHQGHN, chúng ta tin tưởng rằng Đảng bộ Trường ĐHKT sẽ tập trung cao trí tuệ của toàn thể đảng viên thực hiện tốt các nhiệm vụ đã đề ra nhằm không ngừng thúc đẩy sự phát triển của trường, đồng thời sẽ tiếp tục cùng với các Đảng bộ cơ sở bạn xây dựng Đảng bộ ĐHQGHN ngày càng vững mạnh, thực hiện thắng lợi mục tiêu xây dựng ĐHQGHN sớm trở thành đại học nghiên cứu, đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao và đạt trình độ ngang tầm với các đại học tiên tiến trong khu vực và trên thế giới./.


Đảng bộ Trường ĐHKT – ĐHQGHN

FullName Email
Address Security code DKVKGW
Content