Thông tin cho sinh viên
 Search
Hướng tới Đại hội đảng bộ ĐHQHQGHN lần thứ V:
Chặng đường mới, khí thế mới: Sáng tạo, đột phá và phát triển bền vững

Giảng viên và sinh viên ĐHKT nhận phần thưởng và học bổng Thakral - In Sewa
Đại hội Đảng bộ Trường Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội lần thứ V đã thành công tốt đẹp với khẩu hiệu hành động trong nhiệm kỳ mới 2015-2020: “Sáng tạo - Đột phá - Bền vững”. Nhìn lại chặng đường đã qua và định hướng thời gian tới, có thể thấy rõ một xu hướng phát triển của Nhà trường: Từ đổi mới đến sáng tạo, đột phá và phát triển bền vững.

Nửa thập kỷ của đổi mới không ngừng

Tinh thần đổi mới nổi bật, bao trùm mọi hoạt động của Trường Đại học Kinh tế (ĐHKT) trong giai đoạn 2010-2015. Đổi mới cũng chính là chủ đề của Báo cáo Chính trị của Ban Chấp hành Đảng bộ lần thứ IV nhiệm kỳ 2010-2015. Khi đó, đối với một trường đại học trẻ vừa mới thành lập (năm 2007) thì đổi mới thực sự là một thách thức, nhưng cũng là giải pháp và phương châm hành động quan trọng nhất để Trường bứt phá, vươn lên trong bối cảnh có sự mâu thuẫn giữa mục tiêu phát triển cao và các điều kiện thực hiện còn hạn chế.

Thứ nhất, về mục tiêu phát triển, khác với giai đoạn trước, Trường chỉ xác định mục tiêu phát triển theo hướng chất lượng, đẳng cấp và hội nhập thì từ năm 2011, Trường đã chính thức tuyên bố mục tiêu rõ ràng hơn: “Trở thành đại học theo định hướng nghiên cứu được xếp hạng ngang tầm với các đại học tiên tiến trong khu vực”. Đảng ủy, Ban Giám hiệu trường đã sớm nhận thức được vai trò của đại học nghiên cứu - nơi tạo ra tầng lớp tinh hoa của xã hội về mặt trí tuệ, nơi dẫn dắt cả hệ thống giáo dục đại học về mặt học thuật. Định hướng này thể hiện tinh thần tiên phong, quyết tâm thực hiện Chiến lược phát triển giáo dục Việt Nam 2009-2020 về việc xây dựng một số trường đại học định hướng nghiên cứu và chủ trương đổi mới bao trùm các chính sách giáo dục của nước ta hiện nay.

Thứ hai, về tổ chức, Đảng ủy Trường đã chủ trương phát triển cơ cấu tổ chức theo định hướng đại học nghiên cứu “phát triển mạnh các đơn vị nghiên cứu và đào tạo xuất sắc”, giai đoạn đầu cần chuẩn bị những điều kiện hỗ trợ. Thực hiện chủ trương trên,trong 5 năm qua, Trường Đại học Kinh tế đã phát triển mạnh các đơn vị hỗ trợ (phòng, bộ phận, trung tâm) một cách chuyên nghiệp và thành lập mới các trung tâm hỗ trợ (Trung tâm Hệ thống Thông tin Kinh tế và Quản lý, Phòng Thanh tra và Pháp chế,...), áp dụng tiêu chuẩn kiểm định quốc tế; đồng thời tích cực xây dựng hệ thống văn bản tạo hành lang hoạt động theo hướng phân quyền, tự chủ, tự chịu trách nhiệm. Bên cạnh đó, Trường cũng là một trong hai đơn vị đầu tiên trong ĐHQGHN thành lập viện nghiên cứu trực thuộc Trường (Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách) và đẩy mạnh phát triển một số khoa, một số chương trình đào tạo chất lượng cao, đẳng cấp quốc tế để chuẩn bị thành lập các viện đào tạo (school) xuất sắc trong giai đoạn tới.

Thứ ba, việc quản trị nguồn nhân lực đã thực sự đổi mới theo cách tiếp cận hiện đại, tạo sự phát triển vượt bậc về chất lượng. Việc tuyển dụng gắn liền với quan điểm và cơ chế thu hút, trọng dụng nhân tài, tạo điều kiện phát triển. Các chỉ tiêu phát triển nguồn nhân lực bám sát đặc điểm nhận diện của đại học nghiên cứu, hướng đến chuẩn quốc tế, được cụ thể hóa tại kế hoạch nhiệm vụ hàng năm. Trường là đơn vị sự nghiệp đầu tiên áp dụng phương pháp chi trả thu nhập tăng thêm theo 3P (vị trí, năng lực và kết quả thực hiện nhiệm vụ).

Với giải pháp đó, chất lượng nguồn nhân lực đã phát triển mạnh với 74% giảng viên là tiến sĩ (khá cao trong cả nước, cao hơn mức trung bình của ĐHQGHN là 60%), 21% là giáo sư, phó giáo sư, 49% giảng dạy bằng tiếng Anh, nhiều giảng viên đang làm việc tại trường tốt nghiệp từ các trường đại học tiên tiến trên thế giới, có thể làm việc trong môi trường quốc tế,...


Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN tích cực đổi mới các chương trình đào tạo.
Trong ảnh: Một giờ giảng của PGS.TS Trần Thị Thanh Tú

Thứ tư, trong đào tạo, sự đổi mới theo mô hình đại học nghiên cứu thể hiện rõ nét ở tinh thần tiên phong trong một số hoạt động ở ĐHQGHN và ngành giáo dục nói chung như: tuyển sinh thông qua đánh giá năng lực, áp dụng phương pháp đào tạo theo cách tiếp cận CDIO (chuẩn đầu ra), kiểm định chất lượng theo tiêu chuẩn khu vực và dần tiếp cận chuẩn quốc tế, tiếp tục chủ trương dừng tuyển sinh hệ đào tạo vừa học vừa làm,... Trường cũng đã tích cực đổi mới và mở mới các chương trình đào tạo đặc thù, đáp ứng nhu cầu xã hội, mở rộng các chương trình đào tạo bằng tiếng Anh, chất lượng cao; phát triển quy mô và nâng cao chất lượng đào tạo sau đại học; tăng cường tiếp nhận chuyển giao công nghệ từ các chương trình đào tạo liên kết, hợp tác quốc tế để từng bước “quốc tế hoá” các chương trình đào tạo.



Trường ĐHKT trao thưởng cho sinh viên đạt giải trong NCKH năm học 2014-2015

Thứ năm, trong nghiên cứu khoa học (NCKH), Trường đã có những đổi mới rất rõ nét, bao gồm: (i) thành lập 13 nhóm nghiên cứu với nhiều công bố có uy tín và đã dần kết nối được với các nhóm nghiên cứu quốc tế; (ii) NCKH hướng đến chuẩn quốc tế với 91 bài báo quốc tế, 10 sách chuyên khảo bằng tiếng Anh, tổ chức/đồng tổ chức 20 hội thảo quốc tế quy mô lớn; (iii) quy mô và số lượng các đề tài đã tăng mạnh, có tầm ảnh hưởng lớn hơn, với 9 đề tài cấp Nhà nước, 47 đề tài cấp; (iv) NCKH gắn liền với mục tiêu phục vụ thực tiễn, với một số kết quả nghiên cứu quan trọng đã được chuyển giao cho Hội đồng Lý luận Trung ương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam, Ban Kinh tế Trung ương, Văn phòng Ủy ban Quốc gia về hợp tác kinh tế quốc tế,...

Thứ sáu, công tác hợp tác phát triển đã được đổi mới, không dừng lại ở các biên bản ghi nhớ hợp tác mà hỗ trợ trực tiếp, đắc lực cho các hoạt động của Trường với tổng số 39 đối tác trong và ngoài nước. Thu hút tài trợ, học bổng đã tăng đáng kể trong những năm gần đây, riêng năm 2014 đạt gần một tỷ đồng... Các doanh nhân trong nước, các nhà khoa học quốc tế tham gia ngày càng nhiều vào hoạt động giảng dạy và NCKH của Trường. Hợp tác trao đổi giảng viên, sinh viên ngày càng tăng với trung bình 50 lượt sinh viên, 53 lượt cán bộ, giảng viên hàng năm.

Thứ bảy, việc ứng dụng công nghệ thông tin nhằm “hiện đại và số hóa” các hoạt động được đẩy mạnh hơn bao giờ hết với 10 phần mềm cho hầu hết các mảng công tác, trong đó hệ thống điều tra khảo sát sinh viên về hoạt động giảng dạy bằng hình thức online là một giải pháp tiên phong, sáng tạo trong ĐHQGHN. Website của Trường được đầu tư phát triển nhiều tính năng và tiện ích, được ĐHQGHN công nhận là website có chỉ số tác động tốt nhất và có quy mô lớn nhất trong các trường đại học thành viên và các khoa trực thuộc.

Những giải pháp đổi mới trong chỉ đạo của Đảng ủy đã đưa Trường ĐHKT trở thành trường đại học được xã hội biết đến rộng rãi, điểm tuyển sinh luôn nằm trong nhóm các trường có điểm đầu vào cao nhất cả nước. Việc định vị các chỉ số phát triển hàng năm theo mô hình đại học nghiên cứu đã nâng cao vị thế của Trường, góp phần tích cực đưa ĐHQGHN trở thành trường đại học đầu tiên của Việt Nam lọt vào top 200 trường đại học hàng đầu Châu Á theo bộ tiêu chí đánh giá của Tổ chức tư vấn giáo dục QS.



Tại Lễ ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác với Đại học SDI Munchen (CHLB Đức)


Chặng đường mới, khí thế mới

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN lần thứ V nhiệm kỳ 2015-2020 đã đề ra mục tiêu: Phát triển Trường ĐHKT - ĐHQGHN đến năm 2020 trở thành một trong những trường đại học định hướng nghiên cứu hàng đầu ở Việt Nam, đạt tiêu chuẩn kiểm định trong nước; được xếp hạng ngang tầm với một số đại học tiên tiến trong khu vực Đông Nam Á trong một số ngành, chuyên ngành và lĩnh vực đào tạo, nghiên cứu, tư vấn về kinh tế, quản lý và quản trị kinh doanh”.

Nghị quyết cũng đã cụ thể hóa mục tiêu tổng quát bằng nhiều chỉ tiêu cụ thể, bám sát các tiêu chí của đại học nghiên cứu, hướng đến chuẩn quốc tế; trong đó một số chỉ tiêu quan trọng như: thành lập mới 07 đơn vị trực thuộc; tỷ lệ giảng viên/người học đạt 1/13,5; quy mô đào tạo dự kiến là 5.300 người; quy mô đào tạo sau đại học đạt 38%/tổng quy mô đào tạo; tiếp tục kiểm định theo tiêu chuẩn khu vực đối với ít nhất 2 chương trình đào tạo; thực hiện 5 dự án nghiên cứu quốc tế; tổ chức hoặc đồng tổ chức 20 hội thảo quốc tế; tỷ lệ bài báo quốc tế trên giảng viên đạt mức 1/7,...

Báo cáo Chính trị của Ban chấp hành Đảng bộ vừa qua cũng đã đưa ra khẩu hiệu hành động cho nhiệm kỳ mới “Sáng tạo - Đột phá - Bền vững” mang đến một khí thế mới, quyết tâm mới cho toàn thể Đảng bộ và cán bộ, giảng viên trong Trường. Khẩu hiệu hành động này sẽ tiếp nối tinh thần tiên phong, sáng tạo của giai đoạn trước, là khí thế bao trùm của giai đoạn tiếp theo và cũng là thông điệp gửi đến các đối tác, khách hàng và các bên có liên quan về quyết tâm phát triển của Trường ĐHKT.

Với khẩu hiệu hành động đó, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ lần thứ V đã xác định ba khâu đột phá:

- Phát triển đội ngũ cán bộ, đặc biệt là cán bộ quản lý và giảng viên có trình độ cao là yếu tố quyết định để thực hiện các nhiệm vụ đề ra.

- Phát triển một số viện, khoa có tư cách pháp nhân, có quyền tự chủ cao, hoạt động hiệu quả, có tính lan toả, thúc đẩy sự phát triển chung của Nhà Trường.

- Tăng cường các nguồn thu, đặc biệt là nguồn thu ngoài ngân sách thông qua các chương trình đào tạo tự chủ, các hoạt động dịch vụ, các hoạt động tài trợ từ quỹ phát triển Trường, các dự án đầu tư chiều sâu.

Tuy nhiên, một trong những quan điểm phát triển của giai đoạn tới đã được nêu tại Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Đảng bộ tại Đại hội Đảng bộ lần thứ V là “Phát triển mang tính đột phá nhưng hài hoà, bền vững, có trọng tâm”. Vì vậy, phương châm sáng tạo, đột phá của Nhà trường trong giai đoạn sắp tới sẽ không tách rời sự kế thừa truyền thống tốt đẹp qua 40 năm phát triển, đồng thời sẽ gắn liền với trách nhiệm xã hội của Nhà trường, lợi ích của các bên liên quan, của toàn thể cán bộ, giảng viên, sinh viên, khách hàng và đối tác.

Để thực hiện được mục tiêu và các nhiệm vụ nói trên, bên cạnh những cơ hội thuận lợi, Trường ĐHKT đang đứng trước một số khó khăn, thách thức. Áp lực cạnh tranh từ các trường đại học trong và ngoài nước ngày càng cao. Mục tiêu cần đạt được của Nhà trường về đào tạo chất lượng cao, đào tạo đạt chuẩn, nghiên cứu đỉnh cao còn mâu thuẫn với điều kiện thực hiện về cơ chế, nguồn lực.

Trong bối cảnh đó, vai trò định hướng, lãnh đạo của các cấp ủy, vai trò tiên phong, gương mẫu, đi đầu trong việc vượt khó thực hiện các nhiệm vụ của từng Đảng viên là vô cùng quan trọng để dẫn dắt sự phát triển, đi lên của toàn Trường. Bên cạnh đó, sự ủng hộ của ĐHQGHN, sự hợp tác, giúp đỡ của các đối tác, tổ chức, doanh nghiệp cũng là nguồn ngoại lực vô cùng quan trọng và không thể thiếu. Chặng đường phát triển vừa qua của Trường đã chứng minh cho chúng ta thấy: Sự sáng tạo, đột phá, phát triển bền vững thời gian tới sẽ không thể thiếu một nội vững vàng và lực bền bỉ cộng hưởng với một ngoại lực mạnh mẽ từ các tổ chức, doanh nghiệp và xã hội. Với tinh thần đó, Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN chắc chắn sẽ thực hiện thành công các mục tiêu đã đặt ra trong giai đoạn phát triển tiếp theo./.



Đại hội Đảng bộ Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN lần thứ V (nhiệm kỳ 2015-2020)


PGS.TS. Nguyễn Hồng Sơn Bí thư Đảng ủy Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN

FullName Email
Address Security code BHOFZQ
Content