Trang Đào tạo đại học
 Search

10 sự kiện đặc sắc của Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN năm 2009

Ngày 8/2/2010, Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN PGS.TS Phùng Xuân Nhạ đã ký Quyết định số 303/QĐ-TCNS bổ nhiệm PGS.TS Nguyễn Văn Định giảng viên chính Khoa Tài chính Ngân hàng giữ chức Phó Chủ nhiệm Khoa Tài chính Ngân hàng, Trường Đại học Kinh tế.


1.
Chương trình đào tạo cử nhân Kinh tế Đối ngoại chất lượng cao được kiểm định: Với nhiều ưu việt so với chương trình đào tạo hệ chuẩn, Chương trình đào tạo cử nhân Kinh tế Đối ngoại chất lượng cao là một trong những chương trình đào tạo đầu tiên trên cả nước được kiểm định chất lượng. Đây là một bước tiến quan trọng trong công tác đảm bảo chất lượng của Trường ĐHKT. Tiêu chuẩn được sử dụng để đánh giá chất lượng chương trình đào tạo là Bộ tiêu chuẩn đánh giá chất lượng chương trình đào tạo của ĐHQGHN. Theo đánh giá của Hội đồng Kiểm định chất lượng ĐHQGHN, tuy đây là lần đầu tiên triển khai kiểm định chất lượng chương trình đào tạo ở Việt Nam nhưng quá trình này đã được thực hiện một cách nghiêm túc, chính xác và tiếp cận chuẩn mực quốc tế.
Sau khi kiểm định ở cấp ĐHQGHN, trong năm 2010, Trường ĐHKT sẽ đăng ký kiểm định chương trình này theo Bộ tiêu chuẩn đánh giá chất lượng đào tạo của Mạng lưới các trường đại học trong khu vực ASEAN (AUN-QA) nhằm hướng tới mục tiêu dài hạn của Trường là đưa chương trình lên ngang tầm các chương trình quốc tế và có thể liên thông đào tạo với các chương trình tương tự của Châu Âu, Châu Mỹ.
2. Lần đầu tiên thành lập Hội đồng tuyển sinh sau đại học và số học viên thi tuyển tăng cao: Đi liền với số lượng tham gia kỳ thi tuyển vào đại học tăng thì số lượng đầu vào hệ sau đại học cũng gia tăng không kém. Lần đầu tiên, Trường ĐHKT đã thành lập được Hội đồng tuyển sinh sau đại học… Mặc dù gặp rất nhiều khó khăn, với những cố gắng không mệt mỏi của Ban giám hiệu và lãnh đạo các phòng, ban, bộ phận, Trường ĐHKT đã nhận được sự đồng thuận của các cấp lãnh đạo của ĐHQGHN trong việc thành lập Hội đồng tuyển sinh sau đại học. Kỳ thi tuyển sinh được tổ chức nghiêm túc, an toàn và được sự tín nhiệm cao của ĐHQGHN.
3. Công bố và xuất bản Báo cáo kinh tế thường niên Việt Nam: Một trong những sự kiện về nghiên cứu khoa học nổi bật của Trường ĐHKT - ĐHQGHN năm 2009 là việc Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách của trường đã xây dựng và công bố “Báo cáo Kinh tế Việt Nam năm 2008: Suy giảm và thách thức đổi mới.” Bản báo đã được dư luận quan tâm, không chỉ được giới nghiên cứu mà còn được nhiều cơ quan hoạch định chính sách và cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao. Báo cáo đã được yêu cầu chiết xuất các kiến nghị chủ yếu gửi tới Văn phòng TƯ Đảng, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội và được Hội đồng Lý luận Trung ương (HĐLLTƯ) đặt hàng cho các Báo cáo kinh tế Việt Nam năm tiếp theo. Nằm trong chủ trương xây dựng và phát triển các nhóm nghiên cứu mạnh, Trường ĐHKT sẽ tiếp tục phát triển công trình nghiên cứu này, đặc biệt là tăng cường chất lượng cũng như vị thế của báo cáo, xứng tầm là một trong những Báo cáo kinh tế thường niên duy nhất được công bố bởi một trường đại học: Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN.
4. Nghiên cứu đề án đào tạo theo phương pháp tiếp cận CDIO: CDIO là từ viết tắt của cụm từ: Conceive, Design, Implement và Operate để chỉ về phương pháp đào tạo hiện đại dành cho các chuyên ngành đào tạo kỹ thuật. Phương pháp tiếp cận CDIO đề cao việc sử dụng các “công cụ học tập tích cực,” như đề cao các kỹ năng và thuộc tính mà một kỹ sư tốt nghiệp cần phải có, từ kiến thức kỹ thuật và kỹ năng chuyên nghiệp. Cơ sở CDIO đã được hình thành từ Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) vào cuối những năm 1990, và nó đã được rất nhiều các trường đại học danh tiếng trên khắp thế giới áp dụng. Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng như ĐHQGHN đã nhiều lần đề cập, nhưng vẫn chưa đạt được kết quả. Tuy nhiên, Trường ĐHKT đã thành công trong việc áp dụng thử đề án và được lãnh đạo ĐHQGHN xếp loại xuất sắc.Điều đó một lần nữa khẳng định sự đúng đắn của nhận định: “Trường ĐHKT luôn luôn là trường tiên phong trong ĐHQGHN, khi bàn một vấn đề khó, đầu tiên nghĩ tới là ĐHKT.” Với thành công này, nhóm CDIO nói riêng và Trường ĐHKT nói chung đang nhận được những sự ghi nhận và biểu dương đáng kể.
5. Đào tạo liên thông liên kết (trong và ngoài nước) phát triển mạnh, trong đó đặc biệt mở được 2 chương trình liên kết đào tạo quốc tế có tính đột phá về qui mô (MBA song ngữ với Đại học Benedictine, Hoa Kỳ) và uy tín cao (Quản lý công với Đại học Uppsala): Năm 2009, Trường ĐHKT - ĐHQGHN đã “nối mạng” các chương trình đào tạo của mình với các chương trình đào tạo của nhiều trường đại học danh giá, được xếp hạng cao trên thế giới thông qua việc mở ra nhiều chương trình liên thông, liên kết quốc tế. Đại học Massey - New Zealand phát triển chương trình hợp tác song phương đã có với Trường ĐHKT trong mô hình đào tạo cử nhân liên thông 2+2 chuyên ngành Tài chính Ngân hàng, Đại học Beneditine (Hoa Kỳ) hợp tác trong chương trình MBA song ngữ và Đại học Uppsala (Thụy Điển) hợp tác mở chương trình đào tạo Thạc sĩ Quản lý công (MPPM) với ½ số môn học được giảng dạy bởi các giảng viên được kiểm định của Trường ĐHKT. Trung tâm Giáo dục và Đào tạo Quốc tế mặc dù mới thành lập hơn 1 năm nhưng đã hoạt động rất hiệu quả trong việc tiếp nhận và triển khai các chương trình hợp tác liên thông quốc tế của Trường. Từ những chương trình này, Trường ĐHKT đã góp phần quan trọng trong việc tạo ra sự đột phá về đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho các cơ quan chính phủ cũng như doanh nghiệp.
6. Lần đầu tiên tổ chức được các hội thảo quốc tế do các học giả nổi tiếng thế giới như GS. Tom Cannon, GS.TS. Susan Schwab diễn thuyết: Đây là lần đầu tiên Trường ĐHKT đã mời và tổ chức được những hội thảo quốc tế do những học giả nổi tiếng của thế giới đến diễn thuyết. Đó là chuỗi hội thảo “Thoát khỏi khủng hoảng toàn cầu và xây dựng một tương lai bền vững cho Việt Nam” và “Sự sáng tạo và kỹ năng lãnh đạo trong khởi sự doanh nghiệp và phát triển kinh doanh” do GS. Tom Cannon - Nhà hoạch định chiến lược kinh tế hàng đầu thế giới đến từ Trường Đại học Liverpool, Vương quốc Anh, đồng thời là Giám đốc điều hành của Công ty TNHH Quốc tế Ideopolis thuyết trình. Các bài diễn thuyết của GS. Tom Cannon tập trung vào các nội dung chính như: Kinh tế toàn cầu hôm nay và ngày mai - những thay đổi của nền kinh tế toàn cầu; Các động lực thúc đẩy cách mạng công nghiệp lần thứ ba; nền kinh tế tri thức và nền kinh tế dựa trên tài năng; Sự sáng tạo và giải pháp cho doanh nhân Việt Nam; Doanh nghiệp và vai trò của doanh nghiệp; Tầm quan trọng của các thành phố ý tưởng và trường đại học mà theo ông vai trò của trí thức, tài năng, ý tưởng và sự sáng tạo là những nhân tố chính cho sự phát triển của Việt Nam trong thời kỳ khủng hoảng kinh tế toàn cầu và tương lai.
Sau sự kiện về GS. Tom Cannon là sự kiện GS.TS. Susan Schwab, nguyên Đại sứ Thương mại Hoa Kỳ, đã đến thuyết trình với chủ đề: “Vấn đề thương mại toàn cầu và vị trí Việt Nam trong chiến lược phát triển của Mỹ”. Sự kiện GS.TS. Susan Schwab đến Việt Nam diễn thuyết đã góp phần giúp các học viên, sinh viên, nghiên cứu sinh cũng như các giảng viên, các nhà nghiên cứu, hoạch định chính sách cũng như các nhà kinh doanh của Việt Nam có cái nhìn chính xác, cụ thể hơn về tư tưởng, chính sách và đường lối của Hoa Kỳ đối với các vấn đề thương mại cũng như chiến lược của Hoa Kỳ đối với Việt Nam và khu vực Châu Á; góp phần giúp cho các doanh nghiệp Việt Nam tìm ra con đường kinh doanh tốt hơn với Hoa Kỳ.
Các sự kiện nói trên đã góp phần tôn vinh hình ảnh của ĐHQGHN nói chung và Trường ĐHKT nói riêng trong việc mời các diễn giả nổi tiếng trên thế giới đến thuyết trình, trao đổi với các nhà quản trị doanh nghiệp, giảng viên, sinh viên về các vấn đề kinh tế đang diễn ra trên thế giới; tạo cơ sở ban đầu cho việc tiếp tục thu hút các học giả nổi tiếng ở nước ngoài đến hợp tác với trường.
7. Thành lập được Hội đồng Chức danh Giáo sư cấp cơ sở và nhiều cán bộ của trường được công nhận chức danh PGS: Năm 2009, sau những cố gắng trong việc phát triển đội ngũ cán bộ viên chức, Trường ĐHKT đã đáp ứng đủ các điều kiện và được Hội đồng Chức danh Giáo sư Nhà nước (HĐCDGSNN) phê duyệt thành lập Hội đồng Chức danh Giáo sư cơ sở (HĐCDGSCS). HĐCDGSCS Trường ĐHKT do PGS.TS. Phùng Xuân Nhạ - Hiệu trưởng làm Chủ tịch, các thành viên còn lại là giảng viên cơ hữu và kiêm nhiệm của Trường. Hội đồng này có nhiệm vụ xét đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS theo những tiêu chuẩn của HĐCDGSNN. Hơn nữa, việc thành lập được HĐCDGS cơ sở không chỉ thể hiện sự nỗ lực trong việc phát triển đội ngũ, mà còn đáp ứng được những nguyện vọng của cán bộ viên chức về một trường đại học bước vào giai đoạn “cất cánh.” Mặc dù mới được thành lập nhưng HĐCDGSCS Trường ĐHKT đã làm việc hết sức nghiêm túc, hiệu quả, thể hiện sự chuyên nghiệp trong công việc và được HĐCDGSNN đánh giá cao. Năm 2009, Hội đồng đã tiếp nhận 8 hồ sơ đăng ký xét, trình HĐCDGSNN phê duyệt 5 hồ sơ. Kết quả 5 hồ sơ (4 hồ sơ của giảng viên cơ hữu Nhà trường) đều được HĐCDGSNN phê duyệt và phong tặng danh hiệu Phó giáo sư.
8. Thành lập Hội đồng ngành Kinh tế trong ĐHQGHN và Chuyên san KT-KD: Đây là thành quả lớn cho công tác nghiên cứu khoa học của trường. Sự kiện thành lập Hội đồng ngành kinh tế trong ĐHQGHN chứng tỏ Trường ĐHKT - ĐHQGHN đã có bước phát triển vượt bậc về chất và lượng của đội ngũ các nhà nghiên cứu khoa học đầu ngành trong lĩnh vực kinh tế và quản trị kinh doanh. Việc thành lập Hội đồng ngành cho phép Trường ĐHKT chủ động hơn trong việc đề ra các định hướng nghiên cứu khoa học mũi nhọn trong lĩnh vực kinh tế và kinh doanh cũng như tập trung nguồn lực phát triển các nhóm nghiên cứu mạnh và hiệu quả. Đi đôi với việc thành lập được Hội đồng ngành Kinh tế, Trường ĐHKT - ĐHQGHN cũng đã thành công trong việc xuất bản Chuyên san Kinh tế và Kinh doanh (Tạp chí Khoa học). Đây là một bước đi quan trọng trong việc khẳng định chất lượng, vị thế của một trường đại học nghiên cứu. Chuyên san trở thành tiếng nói, nơi đăng tải những thành quả nghiên cứu không chỉ cho những nhà nghiên cứu, nhà khoa học của trường, mà còn là nơi thu hút được những bài viết từ những tác giả, những nhà nghiên cứu danh tiếng trong và ngoài nước.
9. Xây dựng và đưa vào sử dụng Phòng Hội thảo quốc tế trực tuyến (Video Conference): Lần đầu tiên, Trường ĐHKT có một Phòng hội thảo quốc tế. Phòng hội thảo đã được trang bị những thiết bị công nghệ hiện đại từ hệ thống phiên dịch hồng ngoại đáp ứng tối thiểu cho 2 ngôn ngữ (Anh và Pháp), có hệ thống Video (cầu truyền hình), thiết bị này có thể kết nối toàn cầu, các thiết bị âm thanh, ánh sáng, máy chiếu và đường truyền internet hiện đại… Đây là một điều kiện mà nhà trường cũng như các thầy, cô giáo có thể tổ chức các sự kiện, hội thảo mang tính chất hiện đại và có thể nối kết với toàn thế giới.
10. Thành lập Hội cựu sinh viên của ĐHKT: Nhằm tập hợp, vận động đông đảo các thế hệ cựu sinh viên phát huy tình đoàn kết, hỗ trợ, giúp đỡ nhau trong học tập, công tác và cuộc sống đồng thời kết nối chặt chẽ mối quan hệ và sự hỗ trợ, hợp tác giữa Trường với các cựu sinh viên trong đào tạo, nghiên cứu, kinh doanh dịch vụ và phát triển nguồn nhân lực, Hội cựu sinh viên Trường ĐHKT (UEBAA) đã được thành lập vào ngày 14/11/2009 ngay sau buổi gặp mặt đầu tiên. Tại buổi gặp mặt, rất nhiều cựu sinh viên đã không giấu nổi sự xúc động, phấn chấn và tự hào khi được trở lại trường, gặp lại bạn bè và thầy cô giáo cũ trong không khí vui vẻ, ấm cúng. Họ là những người thành đạt và nắm giữ nhiều vị trí quan trọng trong chính quyền cũng như trong các doanh nghiệp. UEBAA ra đời đã đánh dấu một bước đi quan trọng trong việc xây dựng mối liên kết không chỉ giữa các thế hệ cựu sinh viên mà còn giữa cựu sinh viên với nhà trường, tạo ra một diễn đàn giao lưu, hỗ trợ, hợp tác cùng phát triển đầy tiềm năng. Kể từ đây, Trường ĐHKT sẽ có thêm nhiều cơ hội phát triển mới đến từ chính những thế hệ sinh viên của trường.
*
Với những thành quả đã đạt được trên đây, Trường ĐHKT - ĐHQGHN đã sẵn sàng bước vào một giai đoạn mới - giai đoạn bứt phá “bay cao - bay xa.”

TS. Đinh Việt Hoà và các CTV Ảnh: Diệp - Anh - Dung

FullName Email
Address Security code LSEFVK
Content