Trang Đào tạo đại học
 Search

THÔNG BÁO: Những văn bản liên quan đến hoạt động của Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN (cập nhật tháng 8/2021)

Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN thông báo những văn bản liên quan đến hoạt động của nhà trường (cập nhập tháng 8/2021)

1. Nghị định số 77/2021/NĐ-CP ngày 01 tháng 8 năm 2021 do Chính phủ ban hành về việc quy định chế độ phụ cấp thâm niên nhà giáo.
a) Hiệu lực thi hành: Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 01/8/2021.
b) Đối tượng áp dụng:
   Nghị định này áp dụng đối với nhà giáo đang giảng dạy, giáo dục trong các cơ sở giáo dục công lập và các học viện, trường, trung tâm làm nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng thuộc cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội (sau đây gọi chung là cơ sở giáo dục công lập) đã được chuyển, xếp lương theo Nghị định số 204/2004/NĐ-CP ngày 14 tháng 12 năm 2004 của Chính phủ về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang, bao gồm:
   1. Nhà giáo gồm viên chức chuyên ngành giáo dục, đào tạo (mang mã số có các ký tự đầu là V.07) và viên chức chuyên ngành giáo dục nghề nghiệp (mang mã số có các ký tự đầu là V.09) thuộc danh sách trả lương được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, đang giảng dạy, giáo dục trong các cơ sở giáo dục công lập được Nhà nước cấp kinh phí hoạt động (bao gồm nguồn thu từ ngân sách nhà nước cấp và các nguồn thu sự nghiệp theo quy định của pháp luật).
   2. Nhà giáo thuộc danh sách trả lương được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, đang giảng dạy, hướng dẫn thực hành, thí nghiệm tại các tàu huấn luyện, xưởng trường, trại, trung tâm thực hành, phòng thí nghiệm, phòng bộ môn của cơ sở giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục thường xuyên, cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở giáo dục đại học công lập.
   3. Các đối tượng không thuộc quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này mà giữ mã số có các ký tự đầu là V.07 và V.09 không thuộc đối tượng được hưởng phụ cấp thâm niên nhà giáo.
c) Điều khoản chuyển tiếp
   1. Các địa phương, cơ sở giáo dục công lập đã thực hiện chi trả chế độ phụ cấp thâm niên nhà giáo từ ngày 01 tháng 7 năm 2020 đến nay, thì tiếp tục thực hiện theo Nghị định này.
   2. Nhà giáo đang giảng dạy trong các cơ sở giáo dục công lập vẫn giữ ngạch viên chức ngành giáo dục, đào tạo (có 2 chữ số đầu của mã số ngạch là 15) mà chưa được chuyển xếp sang chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành giáo dục, đào tạo (mã số V07), chuyên ngành giáo dục nghề nghiệp (mã số V09) thì vẫn được hưởng chế độ phụ cấp thâm niên nhà giáo theo quy định tại Nghị định này.
d) Nội dung cơ bản:
   Ngày 01/8/2021, Chính phủ ban hành Nghị định 77/2021/NĐ-CP quy định chế độ phụ cấp thâm niên nhà giáo, nghị định này thay thế Nghị định 54/2011/NĐ-CP ngày 04/7/2011. Theo đó, quy định thời gian không tính hưởng phụ cấp thâm niên bao gồm:
- Thời gian tập sự;
- Thời gian nghỉ việc riêng không hưởng lương liên tục từ 01 tháng trở lên;
- Thời gian nghỉ ốm đau, thai sản vượt quá thời hạn theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội;
- Thời gian đi làm chuyên gia, đi học, thực tập, công tác, khảo sát ở trong nước và ở nước ngoài vượt quá thời hạn do cơ quan có thẩm quyền quyết định;
- Thời gian bị tạm đình chỉ công tác hoặc bị tạm giữ, tạm giam để phục vụ cho công tác điều tra, truy tố, xét xử.
- Thời gian không làm việc khác ngoài các quy định nêu trên.
   So với hiện hành, Nghị định 77/2021/NĐ-CP bổ sung thêm khoảng thời gian không tính phụ cấp thâm niên nhà giáo gồm:
- Thời gian đi làm chuyên gia, đi học, thực tập, công tác, khảo sát ở trong nước và ở nước ngoài vượt quá thời hạn do cơ quan có thẩm quyền quyết định;
- Thời gian không làm việc khác ngoài các trường hợp quy định…
>>> Xem chi tiết công văn tại đây.
 
2. Quyết định số 2507/QĐ-BGDĐT ngày 28 tháng 7 năm 2021 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc bổ sung đối tượng được đặc cách xét công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT) năm 2021.
a) Hiệu lực thi hành: Quyết định này có hiệu lực thi hành từ ngày 28/7/2021.
b) Đối tượng áp dụng:
   Thí sinh đủ điều kiện dự thi đợt 2 Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 và có nguyện vọng được đặc cách xét công nhận tốt nghiệp THPT, đang ở nơi thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg ngày 31/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ hoặc nơi bị phong tỏa hoặc thuộc đối tượng phải cách ly y tế theo yêu cầu phòng chống dịch bệnh COVID-19.
c) Nội dung cơ bản:
   Nội dung văn bản bổ sung đối tượng: Thí sinh đủ điều kiện dự thi đợt 2 Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 và có nguyện vọng được đặc cách xét công nhận tốt nghiệp THPT, đang ở nơi thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg ngày 31/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ hoặc nơi bị phong tỏa hoặc thuộc đối tượng phải cách ly y tế theo yêu cầu phòng chống dịch bệnh COVID-19 được đặc cách xét công nhận tốt nghiệp THPT năm 2021.
   Nhóm thí sinh thuộc đối tượng trên không được dự thi đợt 2 Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021.
>>> Xem chi tiết công văn tại đây.
 
3. Quyết định số 2559/QĐ-BGDĐT ngày 06 tháng 08 năm 2021 do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành về Chương trình hành động của Bộ Giáo dục và Đào tạo triển khai Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
a) Hiệu lực thi hành: Quyết định này có hiệu lực thi hành từ ngày 06/8/2021.
b) Đối tượng áp dụng: Các đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ; Các Sở giáo dục và đào tạo; Các đại học, học viện; Các trường đại học, cao đẳng sư phạm.
c) Nội dung cơ bản:
   Ngày 06 tháng 08 năm 2021 Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Quyết định số 2559/QĐ-BGDĐT về Chương trình hành động của Bộ Giáo dục và Đào tạo triển khai Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Theo đó, Chương trình hành động đưa ra 10 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu gồm:
   1. Tăng cường xây dựng Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, nâng cao chất lượng đảng viên trong ngành Giáo dục;
   2. Hoàn thiện thể chế, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về giáo dục và đào tạo, tạo động lực cho đổi mới và phát triển;
   3. Quy hoạch, phát triển mạng lưới cơ sở giáo dục và đào tạo;
   4. Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ chương trình, phương pháp dạy và học đáp ứng yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao và bồi dưỡng nhân tài;
   5. Phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục;
   6. Tăng cường cơ sở vật chất đảm bảo chất lượng các hoạt động giáo dục đào tạo;
   7. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong giáo dục;
   8. Nâng cao chất lượng, hiệu quả nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ và đổi mới sáng tạo trong các cơ sở giáo dục đại học;
   9. Tăng cường hội nhập quốc tế trong giáo dục và đào tạo;
   10. Bảo đảm công bằng trong tiếp cận giáo dục cho các đối tượng.
   Các đơn vị thuộc Bộ GD&ĐT; các sở giáo dục và đào tạo; các đại học, học viện, trường đại học, trường cao đẳng sư phạm quán triệt và tăng cường công tác truyền thông các nội dung Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII, Chương trình hành động của Bộ GD&ĐT; chủ động xây dựng chương trình, kế hoạch triển khai thực hiện của từng địa phương, đơn vị. Trong đó, cụ thể hóa thành các nhiệm vụ hằng năm, lộ trình triển khai thực hiện và phân công trách nhiệm cụ thể; định kỳ báo cáo Bộ GD&ĐT trước ngày 25/11 hằng năm để tổng hợp, báo cáo Chính phủ.
   Trong quá trình triển khai thực hiện Chương trình hành động của Bộ GD&ĐT, căn cứ vào tình hình và điều kiện thực tế (diễn biến của dịch Covid-19, thiên tai và các tác động khách quan khác), thủ trưởng các đơn vị báo cáo Bộ trưởng Bộ GD&ĐT xem xét, quyết định việc bổ sung hoặc điều chỉnh các nhiệm vụ, giải pháp cho phù hợp...
>>> Xem chi tiết công văn tại đây.
 
4. Công văn số 3277/BGDĐT-KHTC ngày 04 tháng 08 năm 2021 do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành về việc thực hiện chia sẻ khó khăn, hỗ trợ học sinh, sinh viên và phụ huynh trong tình hình dịch bệnh Covid-19.
a) Hiệu lực thi hành: Công văn này có hiệu lực thi hành từ ngày 04/8/2021.
b) Đối tượng áp dụng:
- Các Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
- Các cơ sở giáo dục và đào tạo.
c) Nội dung cơ bản:
   Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 kéo dài và hiện đang diễn biến hết sức phức tạp trên cả nước, gây ảnh hưởng nặng nề đến kinh tế và đời sống của nhân dân; Chính phủ đã có nhiều giải pháp hỗ trợ người dân, doanh nghiệp. Đề cùng chia sẻ với toàn thể nhân dân cả nước trước những khó khăn, thách thức nhằm giảm bớt gánh nặng tài chính đối với phụ huynh, học sinh, sinh viên do ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 và các đợt thiên tai bão lũ ở nhiều địa phương trong thời gian qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị các bộ, ngành, địa phương, các cơ sở giáo dục và đào tạo tiếp tục thực hiện một số nội dung sau:
   1. Khẩn trương rà soát, tổ chức công tác dạy học hợp lý, đảm bảo yêu cầu chất lượng và cắt giảm tiết kiệm tối đa các chi phí để tiết giảm các khoản thu dịch vụ hỗ trợ hoạt động giáo dục, đào tạo không cần thiết và giữ ổn định mức học phí của năm học 2021-2022 như mức học phí năm học 2020-2021 đã ban hành. Đối với việc triển khai dạy học trực tuyến, đề nghị các địa phương và cơ sở giáo dục cần căn cứ các Công văn đã ban hành để tính toán xác định mức thu hợp lý trên cơ sở triển khai thực tế công tác dạy học theo nguyên tắc chia sẻ khó khăn chung giữa cơ sở giáo dục với phụ huynh học sinh trong tình hình dịch bệnh và công khai minh bạch.
   2. Tiếp tục quán triệt thực hiện đầy đủ các nội dung đã nêu tại văn bản số 1505/BGDĐT-KHTC ngày 16/4/2021 của Bộ GDĐT.
   3. Các bộ ngành, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các cơ quan liên quan tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và có trách nhiệm giải trình với xã hội về hoạt động của cơ sở giáo dục và đào tạo thuộc phạm vi quản lý, trong đó đặc biệt quan tâm đến các khoản thu theo đúng quy định tại Nghị định số 127/2018/NĐ-CP ngày 21/8/2018 của Chính phủ quy định trách nhiệm quản lý nhà nước về giáo dục để cùng chia sẻ khó khăn với phụ huynh, học sinh, sinh viên...
>>> Xem chi tiết công văn tại đây.
 
5. Công văn số 2396/BHXH-TST ngày 06 tháng 8 năm 2021 do Bảo hiểm xã hội Việt Nam ban hành về việc thực hiện BHYT học sinh, sinh viên năm học 2021-2022
a) Hiệu lực thi hành: Công văn này có hiệu lực thi hành từ ngày 06/8/2021.
b) Đối tượng áp dụng: Bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
c) Nội dung cơ bản:
   Trước tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, để phấn đấu 100% học sinh, sinh viên tham gia BHYT trong năm học 2021-2022, Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam yêu cầu BHXH các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là BHXH tỉnh) thực hiện một số nội dung sau:
   1. Chủ động tham mưu cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh, thành phố và cấp huyện ban hành văn bản chỉ đạo triển khai thực hiện công tác BHYT học sinh, sinh viên năm học 2021-2022 trên địa bàn.
   2. Phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo hàng quý sơ kết, đánh giá và hướng dẫn triển khai công tác BHYT học sinh, sinh viên năm học 2021-2022.
   3. Phối hợp với các nhà trường tích cực phổ biến, truyền thông về công tác BHYT học sinh, sinh viên năm học 2021-2022 bằng các hình thức linh hoạt, phù hợp đảm bảo yêu cầu phòng, chống dịch bệnh Covid-19
   4. Kịp thời xét duyệt và trích, chuyển kinh phí chi thù lao thu BHYT học sinh, sinh viên, kinh phí chăm sóc sức khỏe ban đầu cho các cơ sở giáo dục, trung tâm giáo dục nghề nghiệp theo quy định.
   5. Tổ chức đánh giá khen thưởng các cơ sở giáo dục và học sinh, sinh viên có thành tích xuất sắc trong công tác BHYT học sinh, sinh viên năm học 2021- 2022....
>>> Xem chi tiết công văn tại đây.
 
6. Công văn số 3353/BGDĐT-GDĐH ngày ngày 10 tháng 8 năm 2021 do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành về việc thông tin về số lượng thí sinh đủ điều kiện dự thi nhưng không tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT đợt 2 do giãn cách vì dịch bệnh COVID-19.
a) Hiệu lực thi hành: Công văn này có hiệu lực thi hành từ ngày 10/08/2021.
b) Đối tượng áp dụng:
- Các đại học, học viện, trường đại học;
- Các trường cao đẳng tuyển sinh ngành Giáo dục Mầm non.
c) Nội dung cơ bản:
   Căn cứ cơ sở dữ liệu về thông tin thí sinh có đủ điều kiện, đã đăng ký tham dự kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT) năm 2021 nhưng không thể dự thi đợt 2 do giãn cách vì dịch bệnh COVID-19, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) thông báo tới các đại học, học viện, trường đại học; trường cao đẳng tuyển sinh ngành Giáo dục Mầm non (sau đây gọi chung là cơ sở đào tạo) một số nội dung như sau:
   1. Số lượng thí sinh đăng ký tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 và số thí sinh đủ điều kiện nhưng vẫn không thể dự thi đợt 2 của từng địa phương được cung cấp chi tiết tại Phụ lục của Công văn này. Bộ GD&ĐT sẽ công bố danh sách thí sinh chính thức đặc cách tốt nghiệp THPT sau khi các địa phương hoàn thành việc xét tốt nghiệp.
   2. Cơ sở đào tạo căn cứ thông tin tại Phụ lục, thực hiện điều chỉnh chỉ tiêu tuyển sinh dành riêng cho đối tượng không thi THPT; điều chỉnh, bổ sung phương thức tuyển sinh theo hướng dẫn tại Công văn số 3190/BGDĐT-GDĐH ngày 30/7/2021.
   3. Cơ sở đào tạo cập nhật lại dữ liệu đề án tuyển sinh vào Cổng Thông tin tuyển sinh của Bộ GDĐT tại đây từ ngày 20/8/2021 đến 25/8/2021 để phục vụ công tác hậu kiểm....
>>> Xem chi tiết công văn tại đây.
(Cập nhật đến ngày 13 tháng 8 năm 2021)
 
 

Phòng Thanh tra và Pháp chế

FullName Email
Address Security code QMQMZT
Content