Trang Nghiên cứu
 Search
Chuyên san Kinh tế (tr.NCKH)

Thư mời viết bài hội thảo “Phân bổ nguồn lực cho phát triển kinh tế ở Việt Nam: thực trạng và hàm ý chính sách”

Ban Tổ chức Hội thảo kính mời các nhà khoa học, các chuyên gia và các cá nhân quan tâm viết bài tham gia Hội thảo trên. Thời hạn gửi bài toàn văn: trước ngày 15/3/2019. Thông báo chấp nhận bài viết được đăng: trước ngày 22/3/2019

Cùng với quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, trong 30 năm qua, phân bổ nguồn lực đã góp phần đưa Việt Nam từ một quốc gia thuộc nhóm các nước nghèo trở thành nước có thu nhập trung bình (từ năm 2008) với GDP bình quân đầu người ước tính đạt 2.109 USD (6.035 USD/người theo sức mua tương đương) và thực hiện thành công các Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ (MDGs) vào năm 2015 (Tổng cục Thống kê, 2016). Tuy nhiên, Việt Nam vẫn đang bị tụt hậu so với các nước trong khu vực và thế giới với nguy cơ rơi vào bẫy thu nhập trung bình thấp: tốc độ tăng trưởng kinh tế có xu hướng chậm lại; chất lượng tăng trưởng thấp, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế chưa cao; nợ công, nợ xấu ngân hàng, bội chi ngân sách cao và kéo dài; nhiều vấn đề xã hội tiêu cực nảy sinh và tiềm ẩn nguy cơ gây bất ổn…

Một trong những nguyên nhân quan trọng của tình trạng trên là cơ chế phân bổ nguồn lực ở Việt Nam vẫn chưa phù hợp, dẫn đến việc các nguồn lực được phân bổ chưa tối ưu và sử dụng chưa thực sự hiệu quả, thậm chí là lãng phí và gây ra những tác động tiêu cực đối với cả môi trường kinh tế lẫn môi trường xã hội.

Trong bối cảnh đó, với mục đích cung cấp một diễn đàn để các giảng viên, các nhà khoa học và các nhà tư vấn chính sách trao đổi, thảo luận về thực trạng phân bổ nguồn lực cho phát triển kinh tế, từ đó rút ra một số hàm ý chính sách cho Việt Nam, Trường Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội dự kiến tổ chức Hội thảo “Phân bổ nguồn lực cho phát triển kinh tế ở Việt Nam: Thực trạng và hàm ý chính sáchvào tháng 3 năm 2019. Đây là hội thảo nằm trong khuôn khổ đề tài nghiên cứu “Phân bổ nguồn lực trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa Việt Nam: Thực trạng, vấn đề đặt ra và định hướng giải pháp”, mã số KX 04.14/16-20, thuộc Chương trình KH&CN trọng điểm cấp quốc gia giai đoạn 2016-2020 “Nghiên cứu khoa học lý luận chính trị giai đoạn 2016-2020” (mã số KX.04/16-20).

Ban Tổ chức Hội thảo kính mời các nhà khoa học, các chuyên gia và các cá nhân quan tâm viết bài tham gia Hội thảo. Các bài viết tập trung (nhưng không giới hạn) vào các chủ đề sau đây:

1) Đánh giá thực trạng phân bổ các nguồn lực cho phát triển kinh tế ở Việt Nam.

- Thực trạng phân bổ (theo ngành kinh tế, vùng kinh tế và khu vực kinh tế) các nguồn lực tài nguyên như đất đai, tài nguyên nước, tài nguyên khoáng sản cho phát triển kinh tế ở Việt Nam.

- Thực trạng phân bổ (theo ngành kinh tế, vùng kinh tế và khu vực kinh tế) các nguồn lực lao động cho phát triển kinh tế ở Việt Nam.

- Thực trạng phân bổ (theo ngành kinh tế, vùng kinh tế và khu vực kinh tế) các nguồn lực tài chính (vốn tín dụng, đầu tư nước ngoài, vốn hỗ trợ phát triển chính thức) cho phát triển kinh tế ở Việt Nam.

- Thực trạng phân bổ (theo ngành kinh tế, vùng kinh tế và khu vực kinh tế) các nguồn lực khoa học và công nghệ cho phát triển kinh tế ở Việt Nam.

- Thực trạng phân bổ (theo ngành kinh tế, vùng kinh tế và khu vực kinh tế) các nguồn lực khác như nguồn lực số, vị trí địa lý, vốn xã hội … cho phát triển kinh tế ở Việt Nam.

2) Đánh giá cơ chế phân bổ nguồn lực cho phát triển kinh tế ở Việt Nam hướng tới mục tiêu phát triển bền vững và bao trùm và hàm ý chính sách.

- Vai trò của thể chế đối với phân bổ nguồn lực cho phát triển kinh tế ở Việt Nam: Thực trạng và giải pháp.

- Vai trò của nhà nước trong phân bổ nguồn lực cho phát triển kinh tế ở Việt Nam: Thực trạng và giải pháp.

- Vai trò của thị trường trong phân bổ nguồn lực cho phát triển kinh tế ở Việt Nam: Thực trạng và giải pháp.

- Sự phối hợp của Nhà nước và thị trường trong phân bổ nguồn lực cho phát triển kinh tế ở Việt Nam: Thực trạng và giải pháp.

- Định hướng xã hội chủ nghĩa trong phân bổ nguồn lực cho phát triển kinh tế ở Việt Nam: Thực trạng và giải pháp.

3) Đánh giá tác động của bối cảnh mới trong nước và quốc tế đến nguồn lực và phân bổ nguồn lực cho phát triển kinh tế ở Việt Nam; những vấn đề đặt ra và giải pháp thích ứng.

- Tác động của xu hướng toàn cầu hoá và quá trình hội nhập kinh tế quốc tế đến nguồn lực và phân bổ nguồn lực cho phát triển kinh tế của Việt Nam; những vấn đề đặt ra và giải pháp thích ứng.

- Tác động của cách mạng công nghiệp 4.0 đến nguồn lực và phân bổ nguồn lực cho phát triển kinh tế của Việt Nam; những vấn đề đặt ra và giải pháp thích ứng.

- Tác động của quá trình chuyển sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa của Việt Nam đến nguồn lực và phân bổ nguồn lực cho phát triển kinh tế của Việt Nam; những vấn đề đặt ra và giải pháp thích ứng.

- Tác động của các vấn đề mang tính toàn cầu khác như biến đổi khí hậu, an ninh năng lượng, an ninh lương thực…đến nguồn lực và phân bổ nguồn lực cho phát triển kinh tế của Việt Nam; những vấn đề đặt ra và giải pháp thích ứng.

Thời hạn, cấu trúc và định dạng của bài viết:

- Thời hạn gửi bài toàn văn: trước ngày 15/3/2019

- Thông báo chấp nhận bài viết được đăng: trước ngày 22/3/2019

- Gửi toàn văn bài viết đã chỉnh sửa theo yêu cầu của ban tổ chức: trước ngày 25/3/2019.

- Độ dài của bài viết khoảng từ 4.000 đến 6.000 từ (không bao gồm danh mục tài liệu tham khảo) và bao gồm các mục sau: Tiêu đề; Tóm tắt; Kết quả và thảo luận; Kết luận; Danh mục tài liệu tham khảo.

- Bài viết bằng tiếng Việt. Tất cả các bài viết phải có tóm tắt bằng tiếng Việt và tiếng Anh.

- Bài viết đánh máy bản Word, phông chữ Times New Roman; cỡ chữ 13; cách dòng 1.2; lề trên 2,5 cm; lề dưới: 2,5 cm; lề trái: 3,5 cm; lề phải: 2cm; khổ A4.

Địa chỉ gửi bài và liên hệ

Ban Tổ chức Hội thảo rất mong nhận được bài viết tham gia Hội thảo. Các bài viết được lựa chọn sẽ được in trong kỷ yếu Hội thảo.

Toàn văn bài viết và các câu hỏi liên quan đến Hội thảo xin gửi về:

ThS. Nguyễn Thị Thanh Mai (SĐT: 0975701257; Email: maintt@vnu.edu.vn/ thanhmai177vnu@gmail.com) và TS. Nguyễn Thị Vũ Hà (SĐT: 0904223229; Email: vuha3012@gmail.com/ hantv@vnu.edu.vn).
Xin trân trọng cảm ơn và rất mong nhận được sự quan tâm của Quý vị

Ban tổ chức Hội thảo

FullName Email
Address Security code ZIZMGB
Content