Trang Nghiên cứu
 Search
Chuyên san Kinh tế (tr.NCKH)

Toạ đàm khoa học về kinh tế môi trường: về cải thiện ô nhiễm môi trường không khí

Những tháng cuối năm 2019, chỉ số AQI của Hà Nội luôn đứng trong top 10 thành phố ô nhiễm nhất trên toàn cầu
Tiếp nối chuỗi hoạt động seminar khoa học của Khoa Kinh tế Chính trị, ngày 19/08/2021 vừa qua, Khoa đã tổ chức buổi toạ đàm khoa học với chủ đề “Pay or not to pay for air pollution mitigation in a world’s dynamic city: New evidence from household survey in Hanoi, Vietnam” (Ước lượng chi trả cho việc giảm thiểu ô nhiễm không khí ở một thành phố năng động của thế giới: Bằng chứng mới từ khảo sát hộ gia đình ở Hà Nội, Việt Nam) với sự trình bày của TS. Khúc Văn Quý, giảng viên Khoa Kinh tế Chính trị.


Nghiên cứu này là sự hợp tác của tác giả cùng hai nhà khoa học khác là TS. Nông Ngọc Duy, Cơ quan nghiên cứu Khoa học và kỹ nghệ quốc gia Úc, và Thạc sĩ Vũ Phú Trí, Đại học Maryland, Hoa Kỳ. Nghiên cứu được thực hiện trong bối cảnh ô nhiễm không khí đang trở thành vấn đề lớn ở các nước đang phát triển, đặc biệt là ở các thành phố lớn nơi có mật độ dân cư và có tốc độ đô thị hoá cao. Ô nhiễm không khí từ lâu đã được coi là “sát thủ vô hình” có ảnh hưởng tiêu cực đến sức khoẻ, năng suất lao động và cuộc sống của cư dân đô thị. Theo ước tính của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO, 2018), ô nhiễm không khí gây ra cái chết của khoảng 7 triệu người mỗi năm trên toàn cầu, con số này còn lớn hơn tổng số người chết do bệnh sốt rét, AIDS và bệnh lao cộng lại.

Theo nhóm tác giả, thủ đô Hà Nội đã được lựa chọn là địa bàn nghiên cứu bởi thành phố không chỉ có chỉ số chất lượng không khí (AQI) luôn ở mức cao, đặc biệt trong 4 tháng cuối của năm 2019, AQI của Hà Nội luôn đứng trong top 10 thành phố ô nhiễm nhất trên toàn cầu.

Nhóm nghiên cứu sử dụng phương pháp đánh giá ngẫu nhiên (Contingent Valuation Method - CVM) với bảng hỏi dạng thẻ (payment card) để khảo sát 475 người dân ở 10/11 quận trên địa bàn thành phố Hà Nội nhằm tìm hiểu nhận thức của cư dân đô thị về mức độ cảm nhận ô nhiễm, nguồn gốc ô nhiễm, các biện pháp họ đã và đang sử dụng để giải quyết vấn đề này. Kết quả khảo sát cũng chỉ ra khả năng/tiềm năng tạo quỹ môi trường không khí (air environment fund) từ sự đóng góp tự nguyện (WTP) hàng tháng của người dân thành phố.


Nhóm tác giả đã thực hiện nghiên cứu với trách nhiệm và sự quan tâm tới môi trường Thủ đô.

Điểm đáng lưu ý là có khoảng 95% số người dân được phỏng vấn trả lời rằng không khí đang càng ngày ô nhiễm và họ cảm nhận có tác động tiêu cực đến sức khoẻ của họ. Hơn 93% trong số họ bày tỏ cần có hành động khẩn trương để cải thiện tình trạng ô nhiễm không khí, nhưng chỉ có 73% đồng ý tự nguyện chi trả cho quỹ môi trường. Mức chi trả tự nguyện của người dân được ước tính vào khoảng 4,6 - 6,0 đô la/tháng, chiếm khoảng 0,4 - 0,5% thu nhập của hộ gia đình hàng tháng. Thu nhập, vai trò chủ hộ, trải nghiệm ô nhiễm không khí, tuổi và môi trường làm việc là những yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến mức chi trả tự nguyện (WTP values).


Thăm dò về mức độ sẵn sàng chi trả của hộ gia đình cho quỹ bảo vệ môi trường là một nội dung ý nghĩa.

Bài trình bày đã thu hút được sự quan tâm và tham gia sôi nổi của các thầy cô, đặc biệt là các giảng viên trẻ trong Khoa Kinh tế Chính trị. Ở mục hỏi đáp, các thầy cô đã đặt nhiều câu hỏi cho tác giả liên quan đến cơ sở chọn mẫu, cỡ mẫu của nghiên cứu, một số gợi ý mở rộng nghiên cứu sang từng nhóm đối tượng khác nhau (ví dụ nhóm thường xuyên chịu ảnh hưởng trực tiếp từ môi trường không khí như nhóm chạy bộ), hay là có thể mở rộng nghiên cứu sang các thành phố khác trong cả nước như Hải Phòng, Đà Nẵng, thành phố Hồ Chí Minh, có thể tiến hành điều tra bổ sung trong bối cảnh dịch Covid-19 cũng được trao đổi, thảo luận. Ý kiến xung quanh việc sử dụng mô hình mới để tiếp cận chủ đề nghiên cứu hoặc nền kinh tế chia sẻ gắn với việc cải thiện môi trường không khí, đặc biệt ý kiến làm sao để quỹ môi trường được sử dụng hiệu quả của PGS. TS. Phạm Văn Dũng cũng được trao đổi, bàn luận.

Tổng kết buổi toạ đàm, TS. Tô Thế Nguyên, Phó Trưởng Khoa đã chia sẻ: “Mô hình CVM không quá mới mẻ nhưng nhóm nghiên cứu đã sử dụng phương pháp này một cách bài bản cho một chủ đề có tính thời sự cao là ô nhiễm không khí và dựa trên ý kiến thảo luận của các thầy cô giảng viên trong Khoa. Sẽ là rất hay nếu chủ đề nghiên cứu này có thể được nghiên cứu bổ sung và mở rộng trong thời gian tới để cung cấp nhiều hơn thông tin và kiến thức khoa học cập nhật cho các nhà quản lý môi trường, điều này sẽ góp phần vào giải quyết ô nhiễm môi trường không khí ở Hà Nội và các thành phố ở Việt Nam”.


Khoa Kinh tế Chính trị

FullName Email
Address Security code QUEZXL
Content