Trang Nghiên cứu
 Search
Chuyên san Kinh tế (tr.NCKH)

Kỳ kiến tập nghề nghiệp đáng nhớ tại Khoa Kinh tế Chính trị, Trường Đại học Kinh tế, ĐHQGHN

Đoàn sinh viên kiến tập Học viện Báo chí và Tuyên truyền chụp ảnh lưu niệm cùng các thầy cô Khoa Kinh tế Chính trị
“Hơn cả một kỳ thực tập” - đó là những gì mà nhóm sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền chúng em học hỏi được khi tham gia kiến tập nghề nghiệp tại Khoa Kinh tế Chính trị, Trường Đại học Kinh tế, ĐHQGHN.

Một năm khởi đầu từ mùa xuân, một đời khởi đầu từ tuổi trẻ. Và tuổi trẻ thì sẽ không ngừng tiến bước, không ngừng bước đi bằng đôi chân của chính mình. Chắc hẳn mọi người cũng đã nghe tới câu nói “Hãy đi rồi sẽ đến” và đúng như thế đó. Điều gì đã bắt đầu thì cũng sẽ phải kết thúc. Nhưng kết thúc ở đây không có nghĩa là dừng chân tại một nơi nào đó mà là từ chính nơi đó để tiếp bước tới một nơi tốt đẹp hơn.

Bốn tuần trôi qua, chúng em đã được trải nghiệm những ngày tháng của kỳ kiến tập ý nghĩa - tâm trạng của chúng em vẫn còn đây - vẫn đong đầy cảm xúc như ngày đầu đặt chân tới Khoa Kinh tế Chính trị, Trường Đại học Kinh tế, ĐHQGHN. Đó là những tháng ngày vô cùng quý giá, giúp chúng em khám phá ra năng lực bản thân, sứ mệnh của công việc và lý tưởng của một người giảng viên. Khi tham gia, hòa nhập vào các công việc của Khoa như một người giảng viên đại học, bản thân mỗi sinh viên kiến tập chúng em đã hiểu được phần nào khó khăn mà những người thầy, người cô luôn ưu tiên dành cho thế hệ sau.


 

Tọa đàm khoa học Kinh tế số - Tiếp cận dưới góc độ kinh tế chính trị

Là chúng em hay là những người bạn trong lớp, chắc hẳn sau khi hoàn thành kỳ kiến tập sẽ chẳng thể quên ngày đầu tiên được tiếp xúc với môi trường mới. lẽ chúng em may mắn hơn những bạn khác là ngày đầu tiên trong kỳ kiến tập, chúng em đã được tham gia vào Tọa đàm khoa học “Kinh tế số - Tiếp cận dưới góc độ kinh tế chính trị”. Buổi tọa đàm này đã giúp chúng em nhận thức đầy đủ hơn về kinh tế số trong bối cảnh mới của đất nước và thế giới khi bước vào cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Ngoài ra đó là những ý tưởng vô cùng tốt cho nhóm kiến tập chúng em trong việc mở ra hướng tìm đề tài khóa luận tốt nghiệp hay các đề tài nghiên cứu khoa học sau này.

Một kỳ kiến tập thật đáng nhớ khi ngay tuần thứ 2 của kỳ kiến tập, Covid-19 tái bùng phát. Để đảm bảo an toàn cho sinh viên, giảng viên và cho toàn xã hội, Trường Đại học Kinh tế, ĐHQGHN đã chuyển hình thức học trực tiếp sang hình thức học trực tuyến qua nền tảng Microsoft Teams. Điều này có lẽ là điều gây tiếc nuối lớn nhất đối với chúng em khi không được trực tiếp làm việc với Khoa, với các thầy cô để học hỏi kinh nghiệm nhiều hơn. Nhưng không vì thế mà kế hoạch kiến tập của chúng em bị trì hoãn. Trong bối cảnh dịch bệnh, mọi hoạt động đều bị ngưng trệ nhưng Khoa Kinh tế Chính trị, Trường Đại học Kinh tế vẫn hoạt động bình thường để không một mắt xích nào có thể bị mất đi hoặc bị trì hoãn lâu dài. Dự giảng online - có lẽ đây là một trải nghiệm mà không phải bất cứ sinh viên kiến tập nào cũng có được. Công nghệ đã thực sự kết nối thầy cô với sinh viên và kết nối chúng em với lớp học. Chúng em được dự giảng online, được quan sát và học cách ứng phó với Covid trong thời đại mới: Xã hội có thể giãn cách nhưng việc học thì không bao giờ dừng lại.

 

Workshop “Unleashing the power of online education: Opportunities and Strategies for Vietnam's Higher Education to emerge stronger beyond Covid-19

Một may mắn nữa của chúng em là chỉ trong vòng bốn tuần kiến tập, chúng em đã được tham dự tới 2 hội thảo khoa học. Ngoài Tọa đàm “Kinh tế số - Tiếp cận dưới góc độ kinh tế chính trị” chúng em còn được tham dự online workshop Unleashing the power of online education: Opportunities and Strategies for Vietnam's Higher Education to emerge stronger beyond COVID-19 do Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN phối hợp cùng Trường Chính sách công Lý Quang Diệu, Đại học Quốc gia Singapore tổ chức. Hội thảo đã cho chúng em cơ hội được tiếp cận với những nhà nghiên cứu ở nhiều quốc gia trên thế giới và cho chúng em thấy mình còn thiếu gì và cần gì trong tương lai.

 

PGS. TS. Trần Đức Hiệp và TS. Phạm Thị Linh chia sẻ những kinh nghiệm quý báu trong học tập và nghiên cứu với đoàn sinh viên kiến tập

Mỗi bài học nhận được từ nơi đây chính là tài sản, là hành trang quý báu để chúng em vững bước trên con đường tương lai. Sau một tháng kiến tập, chúng em đã tích lũy được thêm rất nhiều kinh nghiệm trong giảng dạy và nghiên cứu khoa học, từ việc viết đề cương nghiên cứu, tổng quan tài liệu, hay lên kế hoạch soạn giảng và kết hợp sử dụng các phương pháp giảng dạy trong bối cảnh Covid-19 thông qua phần mềm học tập trực tuyến. Thầy cô của Khoa không chỉ là những người thầy giỏi, mà còn sẵn lòng, tận tâm giúp đỡ chúng em trong từng công việc được giao. Có đi kiến tập, đi dự giảng và trực tiếp soạn bài chúng em mới hiểu hết được rằng không phải dễ dàng để có được một bài giảng hay, một giáo án tốt, mà phải trực tiếp bắt tay vào làm thì bạn mới biết được mình vẫn còn yếu ở nhiều mặt. Bốn tuần kiến tập tại Khoa không phải thời gian quá dài, cũng không quá ngắn nhưng đã thực sự mở ra cho chúng em một cơ hội được va chạm và trải nghiệm thực tế. Khoa Kinh tế Chính trị của Trường Đại học Kinh tế, ĐHQGHN thực sự là một môi trường rất tốt để chúng em cũng như bất kỳ bạn trẻ nào có mong muốn đều có thể đến học tập, thử sức và rèn luyện tại Trường.

  Đoàn kiến tập chúng em xin gửi lời cảm ơn tới tất cả các thầy, các cô trong Khoa đã luôn tận tình giúp đỡ và tạo điều kiện để chúng em được phát huy hết những năng lực của bản thân và thu lượm được nhiều kiến thức, kỹ năng quý báu. Một lần nữa, chúng em xin được kính chúc các thầy cô luôn mạnh khỏe, luôn là ngọn lửa soi đường cho nhiều thế hệ học trò, kính chúc Khoa Kinh tế Chính trị nói riêng, Trường Đại học Kinh tế, ĐHQGHN nói chung luôn phát triển, xứng đáng là trường đại học hàng đầu của đất nước. Chúng em tin tưởng Khoa Kinh tế Chính trị, Trường Đại học Kinh tế, ĐHQGHN sẽ chính là bước khởi đầu hạnh phúc cho con đường sau này của chúng em!


ĐOÀN SINH VIÊN KIẾN TẬP TẠI KHOA KTCT TRƯỜNG ĐẠI HỌC KINH TẾ, ĐHQGHN

FullName Email
Address Security code WCRECR
Content