Trang Nghiên cứu
 Search
Chuyên san Kinh tế (tr.NCKH)

Theo chân sinh viên lớp QH-2017E-Kinh tế trong chuyến đi thực tế tại Học viện Nông nghiệp Việt Nam

Quảng trường Sinh viên, Học viện Nông nghiệp Việt Nam
Với mục tiêu vận dụng kiến thức trên giảng đường vào thực tế, đồng thời, tạo môi trường giao lưu học hỏi và trang bị cho sinh viên, ngày 2/10/2020 vừa qua, các thầy cô Khoa Kinh tế Chính trị đã tổ chức chuyến đi thực tế cho 45 sinh viên lớp QH-2017E-Kinh tế tại Học viện Nông nghiệp Việt Nam. Dưới sự hướng dẫn nhiệt tình và tận tâm của TS. Hoàng Thị Hương, TS. Nguyễn Thùy Anh và ThS. Nguyễn Anh Tuấn, các bạn sinh viên đã có những trải nghiệm thú vị liên quan đến ứng dụng công nghệ sinh học trong sản xuất và thương mại.

Nằm trong chương trình đào tạo cử nhân ngành Kinh tế của Trường Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội, mới. Với mục tiêu vận dụng kiến thức trên giảng đường vào thực tế, đồng thời, tạo môi trường giao lưu học hỏi và trang bị cho sinh viên, ngày 2/10/2020 vừa qua, các thầy cô Khoa Kinh tế Chính trị đã tổ chức chuyến đi thực tế cho 45 sinh viên lớp QH-2017E-Kinh tế tại Học viện Nông nghiệp Việt Nam. Dưới sự hướng dẫn nhiệt tình và tận tâm của TS. Hoàng Thị Hương, TS. Nguyễn Thùy Anh và ThS. Nguyễn Anh Tuấn, các bạn sinh viên đã có những trải nghiệm thú vị liên quan đến ứng dụng công nghệ sinh học trong sản xuất và thương mại.

Hành trình của đoàn chúng tôi gồm 5 địa điểm chính: Khoa Công nghệ sinh học; Trung tâm Đào tạo, nghiên cứu và phát triển nấm; Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Công nghệ sinh học vi tảo (IRDM); Viện Sinh học Nông nghiệp và Trung tâm Nghiên cứu ong và nuôi ong nhiệt đới.

Sinh viên lớp QH-2017E-Kinh tế chụp ảnh lưu niệm tại Khoa Công nghệ Sinh học

7 giờ sáng, chiếc xe đưa đoàn chúng tôi lăn bánh từ khu nhà hiệu bộ Đại học Quốc gia Hà Nội di chuyển tới Gia Lâm, Hà Nội - điểm đến của Học viện Nông nghiệp Việt Nam. Đầu tháng 10, tiết trời thu mát mẻ và lác đác những hạt mưa, chẳng mấy chốc, chúng tôi đã đặt chân tới Học viện Nông nghiệp rợp bóng cây xanh mát. Không khí trong lành và tươi mát, nơi đây dường như đã xua tan đi tất cả những giây phút mệt mỏi trên chặng đường di chuyển. Chúng tôi được giảng viên Trưởng đoàn - TS. Hoàng Thị Hương dẫn đi tham quan một vòng quanh học viện với những địa điểm nổi tiếng có phong cảnh đẹp và gắn bó với sinh viên Học viện Nông nghiệp như bốn hồ sen, quảng trường sinh viên, khu ký túc xá sinh viên… và rồi, cả đoàn đặt chân đến Khoa Công nghệ Sinh học – nơi chúng tôi được trực tiếp thực tế về những ứng dụng công nghệ sinh học.

Tiếp đón đoàn chúng tôi là PGS.TS. Nguyễn Đức Bách - Trưởng Khoa Công nghệ Sinh học. Không khí buổi gặp gỡ diễn ra rất vui vẻ, thân thiết và gần gũi bởi cách trò chuyện dí dỏm, vui tính của thầy Bách. Với gần 2 giờ đồng hồ, thầy không chỉ giới thiệu với đoàn chúng tôi về lịch sử và các chuyên ngành đào tạo của Khoa mà còn giải đáp những thắc mắc của các bạn sinh viên xoay quanh quá trình nghiên cứu, sản xuất và thương mại hóa các sản phẩm ứng dụng công nghệ sinh học.

Sau khi được thầy Bách giới thiệu và đưa đi tham quan các phòng ban, khu giảng đường và phòng thí nghiệm của Khoa Công nghệ Sinh học, đoàn chúng tôi cùng thầy Bách di chuyển đến Trung tâm Đào tạo, nghiên cứu và phát triển Nấm. Tại đây có TS. Ngô Xuân Nghiễn - Giám đốc Trung tâm cùng với các anh chị kỹ sư nông nghiệp đón tiếp chúng tôi. Trung tâm hiện đang là một trong những đơn vị đầu ngành trong nghiên cứu và chọn tạo các giống nấm mới. Bên cạnh đó, trung tâm đã chuyển giao công nghệ cho hàng trăm doanh nghiệp và đơn vị sản xuất. Đến với trung tâm, các bạn sinh viên được thăm mô hình đào tạo, nghiên cứu và phát triển sản phẩm nấm ăn, nấm dược liệu chất lượng cao. Các sản phẩm từ nấm như nấm linh chi, nấm vân chi, nấm đầu khỉ, nấm đông trùng hạ thảo, các loại nấm ăn khác... sau khi trồng đều được trưng bày và bán ở cửa hàng giới thiệu sản phẩm của Trung tâm.

Hình ảnh nuôi nấm linh chi đỏ bán ra thị trường

Điểm đến tiếp theo của đoàn chúng tôi chính là Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Công nghệ sinh học vi tảo (IRDM). Đây là một trong những đơn vị đi đầu trong việc nghiên cứu, triển khai ứng dụng và phát triển các quy trình nuôi trồng tảo hiện đại. Trung tâm hiện đang lưu giữ hơn 50 loài vi tảo và hàng trăm chủng giống khác nhau. Trong đó, có những loại mang nhiều giá trị tiềm năng ứng dụng vào đời sống con người, điển hình là vi tảo Spirulina platensis. Để nuôi trồng tảo Spirulina thành công và đạt giá trị cao nhất, ngoài đội ngũ các nhà khoa học giàu kinh nghiệm và tận tâm, còn phải kể đến hệ thống cơ sở hạ tầng hiện đại: hệ thống phòng thí nghiệm, hệ thống nhân giống khép kín, hệ thống bể raceway quy mô lớn, hệ thống đường ống nuôi vi tảo…

PGS.TS. Nguyễn Đức Bách chia sẻ quy trình nuôi tảo khép kín

Sau quá trình nghiên cứu, nuôi trồng và thử nghiệm, Trung tâm đã cho ra đời sản phẩm tảo xoắn Spirulina như: kem tảo tươi, mặt nạ tảo, tảo tươi, tảo viên nang, bột tảo khô, tảo khô dạng sợi...

Sinh viên trong đoàn chụp ảnh cửa hàng giới thiệu và bán các sản phẩm từ tảo

Chiều đến cũng là lúc đoàn chúng tôi tới thăm Viện Sinh học Nông nghiệp. Viện có chức năng nghiên cứu, sản xuất thử nghiệm giống cây trồng mới, các chế phẩm sinh học phục vụ nông nghiệp, các chế phẩm phân bón; chuyển giao công nghệ; đào tạo. Sản phẩm nghiên cứu của Viện không chỉ là các công bố khoa học, các bằng sáng chế phát minh mà còn là các sản phẩm khoa học công nghệ trực tiếp phục vụ sản xuất như giống cây trồng mới, quy trình công nghệ tiên tiến mới, sản phẩm hàng hóa chuyển giao cho thực tiễn sản xuất. Viện đã chủ động liên kết với các doanh nghiệp khoa học công nghệ trong nước và nước ngoài để đưa vào sản xuất các sản phẩm khoa học công nghệ. Các mô hình trồng rau thủy sinh, khí canh đã thu hút không ít sự tò mò của các bạn sinh viên.

Hệ thống trồng rau thủy sinh, cung cấp sản phẩm sạch cho hệ thống siêu thị EON tại Việt Nam

Địa điểm dừng chân cuối cùng trong chuyến đi tham quan của Lớp QH-2017E-Kinh tế chúng tôi chính là Trung tâm Nghiên cứu ong và nuôi ong nhiệt đới. Hàng năm, Trung tâm đón tiếp nhiều thực tập sinh, các học giả, người nuôi ong từ các quốc gia như: Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Belarus… đến thăm quan, học hỏi, trao đổi kinh nghiệm về dịch bệnh mới trên đàn ong mật, kỹ thuật chọn lọc giống ong, nuôi ong khai thác mật ong ở thùng kế. Thật may mắn khi đoàn chúng tôi đã có cơ hội được trải nghiệm thực tế công tác nuôi ong tại nơi đây. Tuyệt vời hơn nữa chính là khoảnh khắc chúng tôi được trực tiếp nếm thử mật ong tự nhiên được sản xuất ngay tại Trung tâm. Chúng tôi được biết, một số các sản phẩm từ ong mà trung tâm đã sản xuất và cung cấp ra thị trường như sữa ong chúa, mật ong, phấn hoa, viên sữa ong chúa... có tác dụng rất tốt cho sức khỏe.

Sản phẩm tại Học viện Nông nghiệp Việt Nam cung cấp ra thi trường

Chuyến đi khép lại và để lại trong chúng tôi nhiều kỷ niệm và trải nghiệm thú vị về một lĩnh vực rất mới nhưng không kém phần thu hút – lĩnh vực công nghệ sinh học. Đến với Học viện Nông nghiệp Việt Nam, các bạn sinh viên không chỉ có cơ hội tiếp cận những kiến thức mới bổ ích mà còn xây dựng được tư duy ứng dụng công nghệ sinh học vào thương mại, góp phần phát triển kinh tế và có những định hướng nghề nghiệp trong tương lai. Đặc biệt, sự đồng hành, hướng dẫn và chia sẻ nhiệt tình, tận tâm từ các thầy cô giảng viên Khoa Kinh tế Chính trị cũng như các thầy cô Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã giúp chúng tôi có một chuyến tham quan thực tế rất bổ ích và thành công. Hy vọng rằng, trong tương lai, các thầy cô Khoa Kinh tế Chính trị có thể tổ chức thêm nhiều chuyến đi ý nghĩa như vậy để các bạn sinh viên có cơ hội giao lưu, học hỏi và trải nghiệm thêm nhiều hoạt động thực tế, góp phần định hướng, phát triển nghề nghiệp cho sinh viên.


Sinh viên Nguyễn Thùy Dương (Lớp QH-2017-E Kinh tế)

FullName Email
Address Security code JFUQQW
Content