Trang Nghiên cứu
 Search
Chuyên san Kinh tế (tr.NCKH)

Diễn đàn học thuật dành cho Học viên

Lớp QLKT 02, QH-2018-E trong giờ thảo luận về chính sách kinh tế - xã hội
Với uy tín về chất lượng đào tạo sau đại học, Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN luôn là địa chỉ tin cậy đối với người học bậc thạc sĩ và tiến sĩ. Khoa Kinh tế Chính trị rất tự hào luôn được đón nhận rất nhiều nghiên cứu sinh, học viên cao học là các cán bộ lãnh đạo cấp cao, các chuyên gia, giảng viên và nghiên cứu viên, các chuyên viên dày dạn kinh nghiệm thực tế, năng động và đang trưởng thành từ khối cơ quan quản lý nhà nước cấp trung ương, tỉnh, thành phố, quận/huyện và các tập đoàn kinh tế, các doanh nghiệp lớn mạnh hàng đầu đất nước. Dù bận rộn công việc và học tập nhưng nhiều nghiên cứu sinh, cao học viên vẫn dành tâm huyết, thời gian cho nghiên cứu và đã có nhiều công bố trên các tạp chí chuyên ngành trong và ngoài nước

Dù bận rộn công việc và học tập nhưng nhiều nghiên cứu sinh, cao học viên vẫn dành tâm huyết, thời gian cho nghiên cứu và đã có nhiều công bố trên các tạp chí chuyên ngành trong và ngoài nước. Bằng kinh nghiệm thực tiễn của mình, nhiều tác giả đã kịp thời có những đóng góp khoa học đối với các vấn đề kinh tế, chính trị, xã hội thông qua khả năng nghiên cứu hàn lâm và nghiên cứu ứng dụng, thể hiện tâm huyết, trách nhiệm với cộng đồng, sự sáng tạo của bản thân gắn với hai chuyên ngành Kinh tế Chính trị và Quản lý Kinh tế.
Trong thời gian tới, Khoa Kinh tế Chính trị sẽ cập nhật các bài viết, những chia sẻ của các nghiên cứu sinh và học viên cao học trên website của Khoa và đây chính là diễn đàn học thuật để các nghiên cứu sinh, học viên cao học có thể cung cấp thông tin, trao đổi kinh nghiệm, tăng cường không khí giao lưu, chia sẻ học thuật về các vấn đề kinh tế chính trị và quản lý kinh tế.
Liên quan đến đại dịch Covid-19 hiện nay, xin giới thiệu bài viết đầu tiên trong chuỗi các bài viết có liên quan của cao học viên Hà Thị Thanh hậu, Lớp QLKT 02, QH-2018-E: “Vài suy nghĩ về giải pháp chính sách tài khoá của Việt Nam trong tình hình đại dịch Covid-19”.

Lớp QLKT 02, QH-2018-E trong giờ thảo luận về chính sách kinh tế - xã hội.

 VÀI SUY NGHĨ VỀ GIẢI PHÁP CHÍNH SÁCH TÀI KHOÁ

CỦA VIỆT NAM TRONG TÌNH HÌNH ĐẠI DỊCH COVID-19

   Hà Thị Thanh Hậu - Lớp QLKT 02, QH-2018-E

 

              Đại dịch Covid-19 đang và sẽ ảnh hưởng hết sức nặng nề đến nền kinh tế và vấn đề an sinh xã hội toàn cầu. Hàng loạt các giải pháp chính sách đang được khẩn trương triển khai trên toàn thế giới từ những nền kinh tế hàng đầu đến những nền kinh tế thuộc các quốc gia chưa có ca nhiễm bệnh. Nền kinh tế Việt Nam tuy vẫn trụ vững trong quý đầu tiên của năm 2020 nhưng GDP chỉ đạt 3,82% (mức thấp nhất trong 10 năm qua). Những tác động từ đại dịch Covid-19 đã, đang và sẽ bộc lộ rõ hơn, đòi hỏi cần có các quyết sách mạnh mẽ, giải pháp hỗ trợ kịp thời để nền kinh tế phục hồi và ổn định, doanh nghiệp vượt qua khó khăn, tồn tại và phát triển, bảo đảm an sinh xã hội cho mọi người dân.

Theo số liệu từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đại dịch Covid-19 đang tác động toàn diện đến phát triển kinh tế - xã hội. Nếu dịch kéo dài có thể dẫn đến tình trạng đình trệ sản xuất trong nước, đặt ra thách thức lớn về bảo đảm việc làm, an sinh và ổn định xã hội. Ước tính sẽ có từ 250 - 400 nghìn lao động bị mất việc làm tùy vào mức độ bùng phát của dịch, áp lực lạm phát tăng cao, khả năng hoàn thành mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội gặp nhiều khó khăn.

Theo kết quả khảo sát của nhóm chuyên gia của Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, với kịch bản tốt và khả quan - dịch bệnh kéo dài đến hết tháng 6/2020 - thì có đến 85,1% tổng số doanh nghiệp Việt Nam trong tình trạng tiếp tục cắt giảm quy mô, tạm dừng hoạt động hoặc phá sản.

Còn theo công bố của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Báo cáo "Triển vọng Phát triển châu Á", dự báo tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm 2020 sẽ chỉ đạt mức 4,8% (giảm 2% so với dự báo trước khi có dịch).

Chính phủ Việt Nam đã kịp thời có những phản ứng chính sách kinh tế vĩ mô, phải kể đến là Chỉ thị số 11/CT-TTg về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch Covid-19 được Thủ tướng ban hành ngày 4/3/2020. Trong số các chính sách vĩ mô cần triển khai đồng bộ đó thể nói chính sách tài khóa là một trong những chính sách quan trọng nhất.

Chính sách tài khóa là các biện pháp can thiệp của Chính phủ đến hệ thống thuế và chi tiêu của Chính phủ nhằm đạt được các mục tiêu kinh tế vĩ mô như: Tăng trưởng kinh tế; Tạo công ăn việc làm; Ổn định giá cả. Một chính sách tài khóa tốt phải đạt 3 mục tiêu: Đúng lúc; Đúng mục tiêu và Kịp thời, nhất là trong giai đoạn nền kinh tế Việt Nam đang chịu nhiều ảnh hưởng hết sức sâu rộng từ dịch bệnh Covid-19. Trước bối cảnh này, trong thời gian tới, chính sách tài chính nói chung và chính sách tài khóa nói riêng phải hướng đến tính an toàn và bền vững với các hướng giải pháp chủ yếu như sau:

Thứ nhất, giải pháp tiết kiệm chi tiêu và đẩy nhanh tiến độ giải ngân đầu tư công

Chính phủ cần có những biện pháp như: Thắt chặt tài khóa, tiếp tục rà soát lại chi ngân sách, yêu cầu các bộ, ngành, địa phương cắt giảm, đình hoãn các dự án đầu tư chưa thực sự cấp bách và dự án đầu tư không có hiệu quả; không tăng chi ngoài dự toán; Đẩy mạnh thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, đặc biệt là trong chi thường xuyên, không bố trí kinh phí cho các nhiệm vụ chưa thực sự cấp thiết; Giám sát chặt chẽ việc quản lý và sử dụng vốn vay, đặc biệt là nguồn vay từ các nhà tài trợ phục vụ công tác chống dịch Covid-19, an sinh xã hội.

Bên cạnh đó, nhiều tổ chức, chuyên gia nhận định, trong bối cảnh dư địa chính sách tài khóa, tiền tệ hạn hẹp, việc đẩy nhanh giải ngân đầu tư công là giải pháp ưu tiên và có tính khả thi nhất để hỗ trợ nền kinh tế. Theo thống kê sơ bộ của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tổng vốn đầu tư công cần phải giải ngân trong năm 2020 (bao gồm cả kế hoạch đầu tư công năm 2020, số vốn còn lại của các kế hoạch đầu tư công năm trước được chuyển nguồn, tiếp tục thực hiện và giải ngân trong năm 2020, các khoản chi đầu tư công bổ sung từ nguồn dự phòng, tăng thu, tiết kiệm chi của cả Trung ương và địa phương...) là khoảng 690.000 tỷ đồng. Số vốn này được giải ngân sẽ đóng góp trực tiếp cho tăng trưởng năm nay, lan tỏa tới nhiều ngành, lĩnh vực khác, đồng thời nâng cao chất lượng hạ tầng, tạo điều kiện thuận lợi cho nền kinh tế bứt phá trong những năm sau.

Thứ hai, giải pháp hỗ trợ đảm bảo kịp thời, đúng đối tượng

Hiện tại Chính phủ đã đưa ra con số hỗ trợ cho người yếu thế trong giai đoạn dịch bệnh này lên đến 61.580 tỷ đồng, nhưng sự hỗ trợ từ Chính phủ có đến được đúng người, đúng đối tượng và đến như thế nào, có kịp thời hay không rất cần có các biện pháp cụ thể sau:

Đối với người lao động: Cần tập trung vào hỗ trợ các đối tượng bị giảm sâu thu nhập, mất hoặc thiếu việc làm, đảm bảo mức sống tối thiểu do tác động trực tiếp bởi dịch Covid-19 (người có công với cách mạng, hộ nghèo, hộ cận nghèo; người lao động bị tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ không lương tại các doanh nghiệp). Việc này Nhà nước dùng nguồn lực từ ngân sách nhà nước cùng chung tay với doanh nghiệp để chia sẻ trách nhiệm trong việc đảm bảo cuộc sống cho người lao động. Việc hỗ trợ phải đảm bảo đúng đối tượng, công khai, minh bạch, không để tình trạng lợi dụng, trục lợi chính sách.

Đối với doanh nghiệp, hộ kinh doanh: Cần tập trung vào các giải pháp hỗ trợ nhằm giảm gánh nặng, trách nhiệm các khoản phải đóng của doanh nghiệp; Giảm chi phí đầu vào như giảm giá điện, nước, thuê mặt bằng; Hỗ trợ giữ lao động, hoãn chi trả nợ, miễn lãi, giảm lãi, cho phép tái cơ cấu lại nợ để cải thiện tính thanh khoản và khả năng chịu đựng của doanh nghiệp cho tới khi qua được khó khăn; Hoãn thuế phí, miễn giảm thuế phí, hoãn hoặc miễn đóng bảo hiểm xã hội…

Ngoài ra, nếu bệnh dịch kéo dài hơn (đến quý 3 hoặc hết năm 2020), Chính phủ cần tính tới các biện pháp can thiệp mạnh mẽ hơn mang tính “giải cứu” như đưa ra các chính sách khuyến khích, tạo đà cho người dân, doanh nghiệp để từ đó lấy lực đẩy đi vào ổn định và phát triển về sau.

Thứ ba, giải pháp giải cứu doanh nghiệp, cá nhân người lao động

Không chỉ tập trung vào khả năng thanh khoản mà còn là khả năng thanh toán (tồn tại hay phá sản) của các doanh nghiệp. Ngân hàng Nhà nước cần sẵn sàng bơm thêm thanh khoản cho hệ thống ngân hàng. Lãi suất có thể cắt giảm thêm 1 đến 2 điểm phần tram so với mức đã ban hành.

Bên cạnh đó, khi các chính sách tiền tệ hay tài khóa truyền thống không đủ hỗ trợ khả năng thanh toán của doanh nghiệp thì cần có các can thiệp tài khóa trực tiếp từ Chính phủ như mua lại nợ, tăng sở hữu vốn nhà nước… ở một số lĩnh vực đặc biệt quan trọng. Cần tránh tối đa sự đổ vỡ của các tập đoàn lớn.

Về vấn đề nhu cầu chi tiêu từ khu vực doanh nghiệp và người dân giảm mạnh, Nhà nước cần đóng vai trò là đối tượng chi tiêu chính. Do vậy, đầu tư công đóng vai trò quan trọng hơn bao giờ hết. Đầu tư công phải đúng mục đích, tập trung vào lĩnh vực cơ sở hạ tầng đã được phê duyệt và cần đúng thời điểm mà nền kinh tế cần. Cần có sự giám sát chặt chẽ của Quốc hội để tránh xảy ra những hệ lụy tiêu cực.

Ngày 8/4/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 41/2020/NĐ-CP hiệu lực ngay lập tức để hỗ trợ một số đối tượng doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Theo Nghị định này sẽ thực hiện giãn nộp thuế GTGT, thu tiền sử dụng đất, thuế TNDN. Tuy nhiên, trong điều kiện dịch bệnh còn chưa xác định được thời điểm kết thúc, các doanh nghiệp/hộ gia đình/hộ kinh doanh không có khả năng thanh toán được các khoản thuế thì cần có chính sách mạnh tay hơn để các doanh nghiệp có cơ hội vực lên sau đại dịch cũng như người lao động đảm bảo cuộc sống, an sinh xã hội. Do vậy, kiến nghị Chính phủ xem xét:

- Giảm 50% các sắc thuế phải nộp các hộ gia đình, cá nhân kinh doanh và các doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ. Chính phủ cũng cần xây dựng các kịch bản trong các trường hợp khác nhau.

- Sớm ban hành chính sách hướng dẫn miễn, giảm, giãn nộp thuế thu nhập cá nhân cho người lao động.

Đối với thuế thu nhập cá nhân, ngày 28/2/2020, Bộ Tài chính đã gửi Công văn số 2137/BTC-CST xin ý kiến bộ, ngành, địa phương, cộng đồng doanh nghiệp… lấy ý kiến rộng rãi của tổ chức, cá nhân liên quan đến dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh của thuế thu nhập cá nhân để hoàn chỉnh hồ sơ và trình Chính phủ xem xét, quyết định, theo đó:

- Mức giảm trừ đối với đối tượng nộp thuế là 11 triệu đồng/tháng (132 triệu đồng/năm);

- Mức giảm trừ đối với mỗi người phụ thuộc là 4,4 triệu đồng/tháng.

Mặc dù với mức điều chỉnh tăng các khoản giảm trừ trên của Bộ Tài chính chưa thực sự phù hợp, một số ý kiến chuyên gia cho rằng, mức giảm trừ gia cảnh này là quá thấp và lạc hậu với cuộc sống hiện tại vì từ 1/7/2013 đến nay là gần 7 năm , đời sống của người dân cũng nâng lên rất nhiều, nhu cầu về vật chất và tinh thần cao hơn nhiều, chi phí cho cuộc sống đều đã tăng nhất là nhu cầu đời sống tinh thần như du lịch. Vậy đề nghị Bộ Tài chính xem xét lại trình Chính phủ điều chỉnh lại mức giảm trừ cho phù hợp và không nên cào bằng, nên chia thành từng khu vực để áp dụng mức giảm trừ khác nhau. Ở các thành phố lớn mức tiêu dùng sinh hoạt cao hơn thì mức giảm trừ cần phải cao hơn.

Quan trọng hơn cả là trong giai đoạn khó khăn vì dịch Covid-19 này, các cá nhân đang gặp rất nhiều khó khăn về tài chính. Vậy đề nghị Bộ Tài chính và Uỷ ban thường vụ Quốc hội cần ban hành ngay nghị quyết để kịp thời đồng hành, hỗ trợ người nộp thuế, việc áp dụng từ ngày 01/01/2020 để đơn vị chi trả thu nhập có cơ sở tạm khấu trừ thuế.

thể nói, trong số các giải pháp chính sách vĩ mô thì trong bất cứ giai đoạn nào khi nền kinh tế khủng hoảng, suy thoái hay đình trệ thì việc vận dụng chính sách tài khoá một cách linh hoạt, phù hợp với điều kiện thực tế của đất nước sẽ giúp mỗi quốc gia vượt qua khó khăn nhanh hơn, ít tổn thất hơn, đồng thời vẫn đảm bảo an sinh xã hội tối ưu nhất. Cùng với rất nhiều giải pháp tích cực từ trung ương đến địa phương, hy vọng nền kinh tế Việt Nam chúng ta sẽ mạnh mẽ và vững vàng như cách mà cả đất nước chúng ta đang đối phó và vượt qua với đại dịch. 

Tài liệu tham khảo:

-          Chỉ thị số 11/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 4/3/2020 về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch Covid-19;

-          Nghị định số 41/2020/NĐ-CP của Thủ tướng Chính phủ ngày 08/04/2020 về thực hiện giãn nộp thuế GTGT, thu tiền sử dụng đất, thuế TNDN;

-          Công văn số 2137/BTC-CST ngày 28/2/2020 của Bộ Tài chính xin ý kiến bộ, ngành, địa phương, cộng đồng doanh nghiệp về việc điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh của thuế thu nhập cá nhân;

-          Một số bài báo trên các website:

http://baodauthau.vn/thoi-su/khac-phuc-anh-huong-cua-dich-covid19-trien-khai-dong-bo-nhieu-giai-phap-125566.html

http://thitruongtaichinhtiente.vn/chuyen-gia-dua-kich-ban-kinh-te-ung-pho-dai-dich-covid-19-27029.html

 

Các nhận xét, trao đổi xin gửi về DIỄN ĐÀN HỌC THUẬT DÀNH CHO HỌC VIÊN qua địa chỉ email huong_ttt@vnu.edu.vn.

 

DOWNLOAD bài viết


Học viên Cao học

FullName Email
Address Security code IPRYTH
Content