Trang Nghiên cứu
 Search
Chuyên san Kinh tế (tr.NCKH)

Tọa đàm khoa học Quản lý tài nguyên nước - Kinh nghiệm Israel và hàm ý cho Việt Nam

Ngày 18/1/2018, Khoa Kinh tế Chính trị, ĐHKT đã tổ chức tọa đàm khoa học với chủ đề: Quản lý tài nguyên nước - Kinh nghiệm Israel và hàm ý cho Việt Nam.

Tại buổi toạ đàm PGS.TS. Phạm Thị Hồng Điệp - Chủ nhiệm Bộ môn Quản lý Kinh tế, Khoa Kinh tế Chính trị đã chia sẻ với giảng viên, cán bộ của Khoa những thông tin, kiến thức và trải nghiệm khi tham dự khoá học “Tăng trưởng xanh: Chính sách và công cụ kinh tế để phát triển bền vững” tại Israel tháng 12/2017 do Cơ quan hợp tác quốc tế Israel (MASHAV), Bộ Ngoại giao Israel tài trợ.

Tham dự buổi seminar có giảng viên, nghiên cứu viên và học viên Khoa Kinh tế Chính trị cùng cán bộ khoa học trẻ của một số viện chuyên ngành thuộc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh.

Với chủ đề: “Quản lý tài nguyên nước: Kinh nghiệm Israel và hàm ý cho Việt Nam” PGS.TS Phạm Thị Hồng Điệp đã giới thiệu khái quát về đất nước Israel, về tài nguyên nước của Israel và về kinh nghiệm quản lý tài nguyên nước của Israel.

Israel là một quốc gia nằm ở khu vực Trung Đông, một trong những khu vực khô hạn nhất của địa cầu. Giống như một số nước khác trong khu vực, Israel gặp nhiều khó khăn về nguồn nước, cùng với điều kiện khí hậu và địa hình không thuận lợi, thường xuyên chịu những trận hạn hán kéo dài, không có nhiều sông lớn, hồ lớn, và còn chịu nhiều bất ổn về mặt an ninh, chính trị.

Trước những điều kiện tự nhiên, xã hội bất lợi như vậy, nhưng với những chính sách quản lý tài nguyên hợp lý của nhà nước kết hợp với sự phát triển đồng bộ trên nhiều lĩnh vực kinh tế, khoa học, công nghệ và giáo dục, quốc gia này đã từng bước ổn định, có khả năng cung cấp nước sạch không chỉ đủ cho người dân, cho sự phát triển của nền kinh tế Israel mà còn đáp ứng một phần nhu cầu nước sạch của các nước láng giềng.

PGS.TS. Phạm Thị Hồng Điệp trình bày tại tọa đàm

Bài trình bày đã tập trung giới thiệu kinh nghiệm Israel về sử dụng các công cụ luật pháp, quy hoạch, công cụ kinh tế, công cụ kỹ thuật và giáo dục truyền thông… trong quản lý tài nguyên nước. Điểm nhấn trong kinh nghiệm Israel là sự phát triển và đổi mới công nghệ sử dụng, khai thác, tái tạo và phát triển tài nguyên nước ở Israel hiện tại và kế hoạch khai thác sử dụng nước trong tương lai, phù hợp với từng giai đoạn phát triển của nền kinh tế.

Từ những kinh nghiệm thành công của Israel, PGS.TS Phạm Thị Hồng Điệp cũng gợi mở những khuyến nghị cho quản lý tài nguyên nước ở Việt Nam. Với khí hậu nóng ẩm, mưa nhiều, có nhiều sông hồ lớn, ở một mức độ nhất định, Việt Nam có điều kiện về tài nguyên nước thuận lợi hơn Israel. Tuy nhiên tài nguyên nước ở Việt Nam cũng đang dần cạn kiệt. Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều vấn đề về cạn kiệt dòng chảy, ô nhiễm nước mặt, ô nhiễm nước ngầm, sự xâm nhập mặn ở đồng bằng sông Cửu Long, lũ lụt bất thường và hạn hán kéo dài ở một số vùng do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu… vấn đề an ninh nguồn nước đang đặt ra cấp thiết. Trong bối cảnh đó, bài học của Israel về tận dụng lợi thế tự nhiên và ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại để khai thác, sử dụng và tái sử dụng nước, chống ô nhiễm nguồn nước, giáo dục ý thức tiết kiệm nước… là rất đáng tham khảo cho Việt Nam.

Trên cơ sở những nội dung được trình bày tại seminar, các thành viên tham dự đã trao đổi thảo luận, so sánh và làm rõ hơn các vấn đề về quản lý nguồn nước, sự phát triển công nghệ quản lý và khai thác và sử dụng nước ở Israel và Việt Nam. Nội dung thảo luận đã gợi mở những hướng nghiên cứu tiếp theo về quản lý tài nguyên nước, đảm bảo an ninh nguồn nước và chiến lược trong tương lai để duy trì và sử dụng tốt nhất nguồn tài nguyên quan trọng và quý giá này


Lê Bảo Ngọc (QH-2016-E CH QLKT 2)

FullName Email
Address Security code DBDXCC
Content