Trang Nghiên cứu
 Search
Chuyên san Kinh tế (tr.NCKH)

Học từ gói kích thích kinh tế thứ nhất

Thời hạn của gói kích thích kinh tế lần thứ nhất đang gần kết thúc, và vì vậy ý định cho một gói kích thích thứ hai dường như đang hình thành ngày một rõ ràng. Tuy nhiên, cho đến nay, chưa có một nghiên cứu hay khảo sát nào lượng hoá được những tác động của gói kích thích kinh tế lần thứ nhất một cách rõ ràng.

Điều này phụ thuộc vào nhiều lý do, trong đó, một lý do quan trọng là việc thu nhập dữ liệu và thông tin xã hội đòi hỏi nhiều công sức và thời gian. Thêm vào đó, dường như chưa có một tổ chức nghiên cứu nào đứng ra thực hiện một nghiên cứu đủ quy mô, bất chấp những khó khăn về tính thiếu cập nhật và chi tiết của số liệu. Do đó, đa phần việc nhận định về ảnh hưởng của gói kích thích kinh tế đều từ hai nguồn. Thứ nhất là tập hợp các ý kiến mang tính chủ quan của các doanh nghiệp và ngân hàng. Đặc điểm của nguồn này là không đủ điều kiện để làm mẫu quan sát đại diện thực sự cho nền kinh tế, nên rất khó đưa ra một kết luận khách quan. Thứ hai, là các suy luận, đa phần là tư biện, dựa trên những số liệu thống kê vĩ mô hoặc các số liệu thiếu hệ thống từ nguồn thứ nhất. Trong bài viết này, tác giả sử dụng cách tiếp cận thứ hai.
Quan sát hiện tượng lãi suất đang có khuynh hướng tăng dần, trong khi lạm phát dường như đang giảm, cho thấy lãi suất tăng không phải tăng danh nghĩa (tức là tăng để đón đầu lạm phát). Nói cách khác, đó là sự gia tăng của lãi suất thực. Điều này cho thấy lượng vốn trong nền kinh tế đang trở nên khan hiếm.
Kinh tế đang suy thoái thì vốn phải dư thừa. Việc khan hiếm vốn như hiện nay là một hiện tượng đặc biệt. Điều này có thể được lý giải phần nào từ chính sách hỗ trợ lãi suất. Việc hỗ trợ lãi suất đã khiến tín dụng tăng trưởng mạnh từ đầu năm tới nay (hơn 400 ngàn tỉ như các báo cáo gần đây), có thể đã khiến vốn trở nên khan hiếm hơn. Ở đây, chúng tôi không muốn bàn tới việc dòng vốn này đã chảy đi đâu. Chúng tôi muốn bàn tới một khía cạnh khác của vấn đề, đó là chi phí vốn đã bị phân bổ lại giữa các doanh nghiệp được hỗ trợ lãi suất và các doanh nghiệp không nhận hỗ trợ lãi suất.
Thoạt nhìn, chính sách hỗ trợ lãi suất ban đầu có tác dụng rất tốt thúc đẩy các ngân hàng thương mại cung ứng tín dụng cho nền kinh tế, đồng thời giúp các doanh nghiệp thuộc diện hỗ trợ lãi suất tăng cường vay cho quá trình sản xuất. Điều này cũng được xem là rất hiệu quả về mặt ngân sách vì Nhà nước chỉ chi ra phần tiền hỗ trợ lãi suất, chỉ dưới 20 ngàn tỉ. Số tiền này được xem là chi phí cho chính sách kích thích lần thứ nhất.
Tuy nhiên, khi nguồn vốn của nền kinh tế có dấu hiệu khan hiếm thì chi phí của việc kích thích kinh tế trở nên rất khác. Mặt bằng lãi suất bắt đầu tăng do các ngân hàng cạnh tranh để thu hút vốn nhằm tạo nguồn cho vay hỗ trợ lãi suất. Như vậy, các doanh nghiệp không được hỗ trợ lãi suất sẽ phải vay với lãi suất cao hơn. Điều này tương đương với việc chính các doanh nghiệp không được hỗ trợ lãi suất phải gánh một phần chi phí hỗ trợ lãi suất.
Chính vì vậy, chi phí cho kích thích kinh tế không chỉ đơn thuần là phần tiền hỗ trợ lãi suất mà Nhà nước bỏ ra. Nó còn gồm một khoản tiền lớn mà các doanh nghiệp không được hỗ trợ lãi suất phải gánh chịu do lãi suất tăng.
Tuy nhiên, chi phí trực tiếp về lãi suất tăng lên đó không phải là điều quan trọng nhất. Quan trọng hơn là hiệu ứng thu hẹp sản xuất do lãi suất tăng. Tình huống này trong kinh tế học gọi là “hiệu ứng lấn át”. Trong trường hợp này, các doanh nghiệp được hỗ trợ lãi suất đã lấn át các cơ hội đầu tư sản xuất của các doanh nghiệp không được hỗ trợ lãi suất. Điều này diễn ra mờ nhạt khi nền kinh tế trong trạng thái suy thoái và dư thừa nguồn lực, nhưng sẽ trở nên rõ nét khi nguồn lực không dư thừa (như đối với nguồn vốn hiện nay).
Đây có thể coi là một hậu quả phụ của chính sách kích thích lần thứ nhất: nền kinh tế bị bóp méo và diễn ra sự chuyển giao một cách gián tiếp giữa hai khối doanh nghiệp
Chúng ta cần lưu ý điều này để tránh không làm nền kinh tế trở nên méo mó hơn trong lần kích thích kinh tế lần thứ hai. Một cách để giảm bớt những hậu quả phụ, nếu chúng ta vẫn tiếp tục theo đuổi chính sách hỗ trợ lãi suất, là nên mở rộng diện được hỗ trợ lãi suất. Trong bối cảnh hiện nay, lý tưởng là mở rộng diện hỗ trợ ra tất cả các doanh nghiệp thay vì thu hẹp theo một số tiêu chí. Cách hỗ trợ này sẽ giúp làm rõ chi phí kích thích chỉ đến từ ngân sách nhà nước, chứ không phải do một nhóm doanh nghiệp này hỗ trợ cho một nhóm doanh nghiệp khác một cách cưỡng bức (thông qua lãi suất). Thêm vào đó, việc hỗ trợ trên diện rộng sẽ khiến các doanh nghiệp bình đẳng hơn, đồng thời giảm những tiêu cực trong việc xét duyệt vốn vay từ phía ngân hàng. Nếu thực hiện hỗ trợ lãi suất theo phương án này, thì mức hỗ trợ cũng nên giảm so với mức 4% hiện nay. Mức hỗ trợ khoảng 2% có thể là hợp lý, và chỉ nên kéo dài thêm một năm.


TS. Nguyễn Đức Thành

FullName Email
Address Security code TORMDC
Content