Khẳng định vị thế nghiên cứu của Trường Đại học Kinh tế – ĐHQGHN trên diễn đàn học thuật quốc tế, PGS.TS Vũ Văn Hưởng – giảng viên Khoa Kinh tế Phát triển, Chủ nhiệm Bộ môn Thống kê và Phương pháp nghiên cứu kinh tế – cùng các cộng sự vừa có công bố trên Journal of Urban Economics, một trong những tạp chí uy tín nhất thế giới trong lĩnh vực kinh tế, thuộc nhóm 1% các tạp chí có ảnh hưởng cao nhất toàn cầu theo xếp hạng học thuật quốc tế.
Nghiên cứu là thành quả hợp tác giữa PGS.TS Vũ Văn Hưởng và hai chuyên gia đến từ Trường Quốc tế – ĐHQGHN là TS. Nguyễn Việt Cường và TS. Trần Quang Tuyến. Không chỉ là dấu ấn học thuật cá nhân, công trình còn phản ánh nỗ lực nghiêm túc của nhóm nghiên cứu trong việc đóng góp tri thức khoa học cho các vấn đề phát triển kinh tế bền vững ở Việt Nam – đặc biệt trong bối cảnh hậu chiến và thu hút đầu tư quốc tế.
Với tiêu đề: “The long-term effects of war on foreign direct investment and economic development: evidence from Vietnam”, dựa trên dữ liệu thực tế về diện tích đất còn ô nhiễm bom mìn sau chiến tranh (UXO), nhóm nghiên cứu đã chỉ ra những tác động nghiêm trọng và lâu dài đến phát triển kinh tế. Cụ thể:
- Khi diện tích đất bị ô nhiễm UXO tăng thêm 1%, mật độ các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI)trong khu vực đó giảm khoảng 0,69%.
- Các công ty liên doanh FDI cũng chịu ảnh hưởng tương tự, với mức giảm trung bình 0,56% về mật độ.
- Ngoài ra, cường độ ánh sáng ban đêm – một chỉ số thường dùng để đánh giá mức độ phát triển kinh tế tại địa phương – giảm 0,38% tương ứng với mỗi 1% tăng thêm về diện tích đất bị UXO.
Những phát hiện này cho thấy: hậu quả của chiến tranh không chỉ dừng lại ở tổn thất ngắn hạn, mà còn ảnh hưởng sâu rộng đến tiềm năng phát triển kinh tế, đặc biệt là trong việc thu hút đầu tư dài hạn tại các khu vực từng là điểm nóng xung đột.
Công trình không chỉ là một nghiên cứu học thuật mà còn mang ý nghĩa thực tiễn sâu sắc. Trong bối cảnh Việt Nam đang tích cực thu hút FDI, phát triển kinh tế vùng và đẩy mạnh phục hồi sau đại dịch, nghiên cứu này đóng vai trò như một lời cảnh tỉnh – cần có chiến lược phục hồi và phát triển bền vững cho các khu vực từng bị ảnh hưởng bởi chiến tranh.

Nghiên cứu của nhóm đã được đăng trên tạp chí Journal of Urban Economics
PGS.TS Vũ Văn Hưởng hiện là Chủ nhiệm Bộ môn Thống kê và Phương pháp nghiên cứu kinh tế, Khoa Kinh tế Phát triển, Trường Đại học Kinh tế – ĐHQGHN. Với nền tảng chuyên môn vững chắc và nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực kinh tế lượng và thống kê ứng dụng, thầy là một trong những giảng viên tiêu biểu có đóng góp sâu rộng cả trong giảng dạy và nghiên cứu khoa học tại UEB. Trong công trình lần này, PGS.TS Vũ Văn Hưởng đảm nhiệm vai trò xây dựng khung nghiên cứu, phân tích dữ liệu và trực quan hóa kết quả, đồng thời tham gia điều phối quá trình thực hiện bài viết. Sự kết hợp giữa tư duy nghiên cứu sắc bén và hiểu biết thực tiễn của thầy đã góp phần làm nổi bật tính ứng dụng và ý nghĩa chính sách của công trình, đặc biệt có ý nghĩa trong bối cảnh Việt Nam đang nỗ lực phục hồi và phát triển tại các vùng từng chịu ảnh hưởng nặng nề bởi chiến tranh.

Việc công bố trên tạp chí Journal of Urban Economics – tạp chí có chỉ số ảnh hưởng hàng đầu trong lĩnh vực Kinh tế đô thị – đã góp phần nâng cao uy tín học thuật của Trường Đại học Kinh tế – ĐHQGHN nói chung và Khoa Kinh tế Phát triển nói riêng. Đây cũng là minh chứng rõ ràng cho định hướng đào tạo và nghiên cứu song hành, gắn kết thực tiễn tại UEB.
Thông tin về bài báo được đăng trên tạp chí Journal of Urban Economic: xem tại đây
Ngành Kinh tế Phát triển – Học để tạo khác biệt
Khoa Kinh tế Phát triển – Trường Đại học Kinh tế – ĐHQGHN là cái nôi đào tạo ra những nhà kinh tế có tư duy phản biện và năng lực nghiên cứu sắc bén. Với chương trình đào tạo theo chuẩn quốc tế, đội ngũ giảng viên hàng đầu và môi trường học tập đầy cảm hứng, Khoa sẵn sàng chào đón thế hệ sinh viên tiếp theo cùng chinh phục hành trình học thuật và phát triển bền vững.
📌 Thông tin tuyển sinh 2025:
Giới thiệu ngành Kinh tế phát triển – Áp dụng từ khóa tuyển sinh 2025
5 chuyên ngành đào tạo Kinh tế phát triển theo chuẩn quốc tế tại ĐHQGHN (Dân Trí)
Đăng ký tại đây